Trang

19/06/2018

Chuyện gì thực sự xảy ra ở Phan Rí?

Xác xe trơ trọi xơ xác ở trụ sở PCCC, 25 QL 1, Phan Rí Thành, Bắc Bình (giáp Tuy Phong), tỉnh Bình Thuận

Hôm 15/6, Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định khởi tố hình sự vụ án gây rối trật tự an ninh ở khu vực Phan Rí, huyện Tuy Phong hôm 10-11/6, theo báo Vietnamnet.

Cơ quan cảnh sát khởi tố các hành vi gây rối trật tự công cộng, ủy hoại tài sản và chống người thi hành công vụ trong vụ "tụ tập đông người, quá khích".

Cũng theo báo này, hôm 10/6 người dân tuần hành trên Quốc Lộ 1, gây ùn tắc "chặn xe, thậm chí ném vào xe tuần tra, gây hư hỏng". Sang ngày 11/6, người dân lại tụ tập, những người quá khích tấn công lực lượng cảnh sát, đốt cháy 8 ô tô, đập phá đốt cháy một số phòng làm việc ở trụ sở PCCC.


Sự kiện Phan Rí, theo lời nhân chứng

Ba người dân ở khu vực Phan Rí Cửa đã trả lời phỏng vấn của phóng viên BBC ở Bangkok trong vài ngày qua về vụ việc xảy ra hôm 10 và 11/6. Ba người đều là nhân chứng vụ việc và xin được giấu tên.

Về việc tấn công lực lượng cảnh sát, đốt cháy ô tô, cả ba người nhấn mạnh rằng, thứ nhất, cần phải hiểu là có nhiều thành phần ở trong cuộc biểu tình đó: người đi biểu tình, những thanh niên lạ mặt, hiếu chiến, những người dân bức xúc sau đó tham gia, và cuối cùng là những người dân hiếu kỳ.

"Một nhóm bà con cầm băng rôn, biểu ngữ 'Phản đối đặc khu' đến khu vực Cầu Nam, thuộc tuyến đường QL1, trong đầu nghĩ ôn hoà thôi, nhưng muốn chặn đường để được chính quyền chú ý,'' một người kể về vụ việc sáng Chủ Nhật 10/6.

Vẫn theo người này, cuộc biểu tình làm tê liệt giao thông từ sáng 10/6 đến 1 giờ sáng ngày thứ Hai 11/6, và trở nên căng thẳng khi có sự xuất hiện của khoảng hai tá cảnh sát cơ động xuất hiện gần khu vực ở cầu Nam. Sau đó, một người dân khi đi đến gần phía cảnh sát cơ động, thì ''đột nhiên bị thương".

Một nhân chứng khác nói với BBC người đàn ông này "đi ngang qua chỗ cảnh sát cơ động thì bị đánh" và nằm bất tỉnh - gây ra sự xôn xao bức xúc và thu hút thêm nhiều người dân hiếu kỳ.

Tấm khiên nằm ngổn ngang ở một góc của trụ sở PCCC Phan Rí
Và không lâu sau đó, dưới cái nắng đổ lửa của Bình Thuận, là những cơn mưa đá dữ dội từ phía người dân và những quả pháo, bom khói từ phía cảnh sát, hai bên giằng co trên cầu Nam trong sự hò hét, cổ vũ của hàng trăm người dân hiếu kỳ.
Đến tầm chiều, phía CSCĐ chạy dồn về trụ sở PCCC, nơi những thanh niên trẻ tiếp tục đốt phá trụ sở. Người dân buộc cảnh sát phải cởi giáp mới được về, vẫn theo lời kể của các nhân chứng.

Buổi chiều 11/6, cuộc biểu tình ngã ngũ, ai về nhà nấy. Phan Rí lại bình yên.

Một nhân chứng nhấn mạnh với BBC rằng ''những người ném đá là những thanh niên rất lạ mặt, hoặc đeo khẩu trang, nhưng lại hiếu chiến, kích động, khiến cho mọi việc đi quá đà."

"Và chính người dân là người khuyên can họ đừng đốt trụ sở PCCC, những "lực lượng thanh niên này tràn vào tự làm theo ý họ."

"Bà con không hề có ý định chống lại chính quyền, chỉ muốn chính quyền lắng nghe nguyện vọng."

Nguyện vọng của người dân

Điều thứ hai mà ba nhân chứng nhấn mạnh, là chính quyền cần phải hiểu được nguồn căn, gốc rễ của sự bức xúc ức chế tiềm ẩn của bà con nơi đây.

 
Những gì còn sót lại nếu không phải là đống tro tàn

Họ kể đây không phải là cuộc biểu tình đầu tiên của Phan Rí kể từ đầu năm nay. Thực tế, chỉ cách đây 2-3 tháng, đã xảy ra một cuộc biểu tình phản đối tình trạng "giã cào bay".

Một thanh niên cho biết, nhiều năm qua, bà con ở đây đã rất bức xúc khi nhiều ngư dân từ các tỉnh khác đến giã cào, làm nguy hại đến nguồn thủy hải sản, ảnh hưởng đến miếng ăn của dân trong khu vực.

Một người khác nhắc lại rằng cũng cách đây ba năm, tại huyện Tuy Phong, đã xảy một biểu tình khá bạo lực để phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do Trung Quốc xây.

Hồi tháng 4/2015, nhiều người dân xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong đã cáo buộc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả bụi xỉ than gây ô nhiễm môi trường, bệnh tật cho nhiều người dân địa phương.

Sự thù hằn đối với Trung Quốc ngày càng thêm sâu đậm, có thanh niên kể "thấy người Trung Quốc là muốn đánh".

 
Cuộc vụ đụng độ hôm 11/6 là một sự tự phát bùng lên từ sự phẫn uất bức xúc bấy lâu nay?
"Dự luật đặc khu là người dân nghĩ chính quyền sẽ cho Trung Quốc thuê chứ không phải do doanh nghiệp trong nước, cho nên dân mới đi biểu tình hô 'Đả đảo Trung Quốc', 'Đả đảo đặc khu'", một trong ba thanh niên cho biết.

"Mấy ổng nhiệm kì có 5 năm thôi mà cho nó thuê 99 năm, rồi nó đưa quân, đưa con cháu nó qua sau mình biết, để nó muốn làm thì nó làm như thằng Formosa, thằng Vĩnh Tân à?"

Về cáo buộc được trả 300.000 để đi biểu tình, thì một thanh niên nổi giận phản pháo: "Người ta nghỉ đi biển bỏ việc để đi biểu tình, họ muốn làm vậy để cho chính quyền biết, vì chỉ có chặn quốc lộ, chính quyền cuối cùng mới để ý tới dân."

"Ở đây nhiều người dân cũng hiểu biết, anh nói anh hoãn, anh lùi là anh ngụy biện, anh hoãn 1, 2 ngày hay 1, 2 tháng hay 1, 2 năm hay vô thời hạn?"

"Họ mới lùi dự luật chứ đâu phải là không có thuê, lỡ đâu họ đột ngột thông qua thì sao?"

"Dân đâu có phải con nít, dân đâu phải ngu!" một thanh niên nói, lý giải vì sao bà con vẫn biểu tình dù chính quyền đã thông báo hoãn thông qua Luật Đặc khu.

Ba nhân chứng này cũng phản ánh với BBC tình trạng thất nghiệp và tệ nạn cướp giật ở địa bàn cũng xảy ra nhiều.

 
Người biểu tình được nhìn thấy đã ném gạch đá và bom xăng về phía công an hồi tháng 4/2015
Cả ba thừa nhận là đã có những đối tượng kích động, hiếu chiến, nhưng cũng vì thế mà những người dân khác, vốn bức xúc lâu ngày, cũng "dựa hơi" có dịp giải tỏa, xả ra "những dồn nén bấy lâu nay".
Đến sáng 12/6, cuộc sống bình yên lại trở lại với cầu Nam ở Phan Rí Cửa.

Người dân tiếp tục cuộc sống như chưa có gì xảy ra, chỉ riêng tòa nhà ở số 25 QL 1A vẫn đầy ám khói đen, ngổn ngang với những tàn tích, những xác xe cháy rụi nằm xụi lơ xơ xác.

Một nhân chứng nói với BBC họ không biểu tình nữa vì nghe đâu "có một binh đoàn ở Trung ương xuống Bình Thuận" nhưng khi nào không thể nhịn được nữa, họ nói họ "có lẽ sẽ lại xuống đường". 

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44492421

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire