Doanh nghiệp mạng Trung Quốc phải phục tùng chính quyền ra sao?
Tháng 6 năm
ngoái, Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu
lực ở Trung Quốc, khiến cho giới doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng (gọi
tắt là doanh nghiệp mạng) trở nên khốn đốn hơn bao giờ hết.
Theo điều 47 của luật này, doanh
nghiệp mạng chịu trách nhiệm đối với các thông tin xuất bản hoặc đăng tải trên
mạng. Điều này có nghĩa là, họ phải đảm bảo người dùng không đưa lên mạng những
nội dung vi phạm bất kỳ một điều luật hay quy định nào của chính quyền.
Kết quả là, các doanh nghiệp mạng
phải tự đặt ra những biện pháp kiểm duyệt nội dung của người dùng. Thành thử,
họ vô tình biến mình thành một chân rết trong bộ máy kiểm duyệt của đảng Cộng
sản để o ép khách hàng, dù chính khách hàng mới là người nuôi sống họ.
Các điều khoản mơ hồ trong Luật An
ninh mạng, hẳn nhiên, đã gây ra một áp lực khủng khiếp cho các doanh nghiệp.
Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Hàng loạt các quy định và tuyên bố được
đưa ra ngay sau khi luật này có hiệu lực đã đẩy các doanh nghiệp mạng vào thế
phải phục tùng.
Chạy đua với pháp luật
Một tháng sau khi Luật An ninh mạng
có hiệu lực, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã ban hành
một bản tuyên bố, yêu cầu các doanh
nghiệp hàng đầu phải sửa chữa các vi phạm trên mạng như “phổ biến thông tin sai
lệch”, “xuyên tạc lịch sử Đảng Cộng sản”, hay “gây rối trật tự công cộng”.
Nhưng thế nào là xuyên tạc lịch sử và thế nào là gây rối trật tự công cộng?
Gánh nặng giải thích luật lại một lần nữa đè lên vai các doanh nghiệp.
Tiếp đó, tháng 10 năm 2017, CAC
tiếp tục đưa ra những tuyên bố mới, yêu cầu các doanh nghiệp mạng phải trừng
phạt bất cứ nhân viên nào đăng tải những nội dung bất hợp pháp. Các nhân viên
truyền thông trực tuyến này còn bị buộc phải “đi học ít nhất
10 tiếng về quan điểm báo chí của Mác-xít”.
Đồng thời, các doanh nghiệp mạng
cũng bị buộc phải cải thiện hệ thống đánh giá bảo mật, sao cho các thông tin bị
cấm sẽ không thể lan truyền. Vấn đề là, bản tuyên bố này không cho biết các
doanh nghiệp cần phải làm gì để tuân theo tiêu chuẩn.
Từ lúc Luật An ninh mạng được thông
qua, Sina Weibo và ứng dụng tổng hợp tin tức hàng đầu Jinri Toutiao liên tục bị
CAC chỉ trích trực tiếp do không theo dõi đầy đủ các nội dung khiêu dâm. Thậm
chí, cuối năm ngoái, Jinri Toutiao còn bị chính phủ ngắt hoạt động trong vòng 24
giờ vì “lan truyền nội dung khiêu dâm và thô tục”.
Nên biết rằng, Toutiao thu hút đến
120 triệu người dùng truy cập mỗi ngày. 24 giờ ngưng hoạt động là một cú đấm
trời giáng, không chỉ tới túi tiền của doanh nghiệp, mà còn tới uy tín làm ăn
trên thị trường chứng khoán. Ngay lập tức, Toutiao thông báo sẽ thuê thêm 2.000
nhân viên “đánh giá nội dung” bên cạnh 4.000 người có sẵn, để tăng khả năng
giám sát khách hàng. Hai tuần sau, Toutiao lên báo đài xin lỗi chính quyền, và
cam kết thuê thêm 4.000 người nữa để kiểm duyệt nội bộ, một động thái mà tờ
Thời báo Tự do Hong Kong gọi là “hèn hạ”.
Hình phạt dành cho Weibo còn kinh
khủng hơn. Vì Facebook, Twitter đã bị buộc cuốn gói ra khỏi thị trường Trung
Quốc từ năm 2009, nên Weibo trở thành một trong những ứng dụng mạng xã hội đắt
khách nhất, với 360 triệu người truy cập hàng tháng. Vậy mà các cổng thông tin
của nó bị chính quyền đình chỉ trong vòng suốt
một tuần chỉ để giám sát lại nội dung, chủ yếu ở hai cổng “xu hướng” (trend) và
“được tìm kiếm nhiều nhất” (most searched).
Giải pháp của Weibo là lên tiếng đổ
lỗi cho các khách hàng. Hơn 1.000 tài khoản bị đá ra khỏi hệ thống. Weibo cũng
xin lỗi và hứa xây dựng một không gian xã hội lành mạnh. Có lẽ họ không còn
cách nào khác (trừ khi họ tự dọn ra khỏi Trung Quốc như Google đã làm vào năm
2010), bởi những hành động trừng phạt một cách cắc cớ và bất chợt của chính
quyền Trung Quốc đã khiến giá cổ phiếu của Weibo giảm mạnh nhiều lần (có lần
sụt tới 11%), gây thiệt hại hơn
bất cứ một khoản tiền phạt nào.
Hẳn là vì áp lực này mà các doanh
nghiệp dịch vụ mạng tự kiểm duyệt mình đến mức… lố.
Đơn cử, tháng Tư vừa rồi, Weibo
ra lệnh cấm những nội dung
“khiêu dâm, bạo lực, và nội dung có liên quan đến đồng tính” để “dọn sạch mạng
xã hội”. Hành động của Weibo khiến cộng đồng LGBT phản ứng dữ dội, và giá cổ
phiếu của Weibo trên sàn NASDAQ lại bị thổi bay thêm một lần nữa.
Không kiểm duyệt thì chính quyền sờ
gáy, mà kiểm duyệt thì khách hàng tẩy chay. Doanh nghiệp mạng ở Trung Quốc phải
làm sao mới vừa lòng thiên hạ?
Nhận chỉ thị kiểm duyệt
Nhưng ít ra thì chính quyền Trung
Quốc cũng cung cấp cho các doanh nghiệp vài bộ chuẩn mực kiểm duyệt, thông qua
các văn bản chỉ thị, khiến doanh nghiệp mạng không tới nỗi quá khó xử.
Các văn bản này không được công
khai, song nhiều khi nó bị rò rỉ ra ngoài theo cách này hay cách khác.
Hồi năm 2015, nhà báo Gao Yu đã
bị kết án bảy năm tù vì
“để lộ bí mật quốc gia” sau khi chính quyền cáo buộc rằng bà đã chia sẻ một văn
bản mật. Văn bản này được gọi là “Tài liệu số 9”. Theo đó, các cán bộ nhà nước
được lệnh phải khu trừ bảy loại nội dung có tính chất “gây ảnh hưởng lật đổ xã
hội”, như nội dung về “dân chủ hợp hiến phương Tây” và “giá trị phổ quát”.
Thông thường, những tài liệu rò rỉ
thường được đăng tải trên trang web China Digital Times, một chuyên trang
theo dõi các khuynh hướng kiểm duyệt ở Trung Quốc (một dạng như Wikileaks).
“22/12/2017: Truyền thông không
được đưa các tin liên quan tới Giáng sinh. Các phương tiện truyền thông ở mọi
cấp độ, không được phổ biến các bài viết liên quan tới chủ đề ‘nghỉ lễ ở nước
ngoài’.”
Đây là một chỉ thị ngắn bị rò rỉ trên trang
China Digital Times, ngay trước lễ Giáng sinh hồi năm ngoái. Số là, trước đó các
thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc ở tỉnh Hồ Nam vừa ký một quy tắc ứng xử
trong đó cam kết không tham gia
những buổi tiệc Giáng sinh, vì đảng viên “không nên mù quáng đi theo thứ thuốc
phiện tinh thần của phương Tây”.
Những chỉ thị kiểm duyệt dạng này
dày đặc và định hình nền truyền thông trực tuyến ở Trung Quốc. CAC đưa ra các chỉ thị rất chi tiết:
chỉ được hiển thị những tin nào về một nhóm “luật sư gây rối” sau khi 200 luật
sư bị chính quyền bắt giữ, dùng nguồn nào để báo cáo về các thiên tai hay thảm
họa, không được cường điệu hoặc bình luận về một cuộc diễu hành quân sự thiếu
bóng các nhà lãnh đạo phương Tây, và vô thiên lủng chỉ thị cụ thể sau từng vụ
việc.
Từ năm 2002 đến năm 2015, tờ China
Digital Times đã cho đăng tải hơn 2.600 chỉ thị kiểm duyệt của chính quyền và
đảng Cộng sản. Trong khi đó, số lượng có thể còn cao hơn rất nhiều, theo Phó
Tổng biên tập Samuel Wade.
Những chỉ thị dạng này là một trong
số các cách mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để hướng dẫn các doanh nghiệp
mạng kiểm duyệt toàn diện ở mọi cấp độ, như một hệ thống liên tục tinh chỉnh
bản thân và phản ứng nhanh chóng trước thời sự.
Ăn rơ với chính quyền
Để thực thi chỉ thị liên tục và kịp
thời như vậy, mọi doanh nghiệp mạng Trung Quốc đều có một bộ phận riêng để liên
lạc với giới chức chính quyền. Các chỉ thị này giống như một loại “đơn đặt
hàng” từ phía nhà cầm quyền, và các hướng dẫn trong chỉ thị sẽ được các doanh
nghiệp chuyển cho đội ngũ giám sát nội dung, đồng thời được tích hợp vào trong hệ
thống lọc dữ liệu bằng công nghệ.
Không ai biết được cụ thể quy trình
liên lạc giữa doanh nghiệp mạng và chính quyền.
Song, cũng
như mọi doanh nghiệp lớn khác, các doanh nghiệp mạng ở Trung Quốc đều có người
của đảng bên trong. Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc yêu
cầu rằng cứ doanh nghiệp nào có
nhiều hơn ba đảng viên, thì doanh nghiệp đó phải thiết lập một bộ phận đoàn thể
trong tổ chức, hoạt động như một “pháo đài chiến đấu” cho đảng Cộng sản và đảm
bảo các mục tiêu của đảng phải được tích hợp vào trong kế hoạch của công ty.
Được
biết, cả Baidu, Sina Weibo, và Tencent
– ba doanh nghiệp mạng hàng đầu Trung Quốc – đều có các bộ phận “gài cắm” từ
đảng Cộng sản như vậy.
Nhờ vào kết
cấu này mà cơ chế kiểm duyệt có thể vận hành một cách sâu sát trong từng doanh
nghiệp mạng. Nó hiệu quả không chỉ vì sự thận trọng của lực lượng giám sát nội
bộ, mà còn vì thói bợ đỡ khiến đội ngũ này tích cực kiểm duyệt hơn cả những gì
chính quyền đòi hỏi. Câu chuyện “cấm nội dung liên quan đến đồng tính” của
Weibo ở trên chính là một ví dụ xun xoe điển hình.
Tự nguyện hay miễn cưỡng?
Không ai có
thể phủ nhận là các doanh nghiệp mạng Trung Quốc hưởng lợi từ chính sách “bảo
hộ” của chính quyền.
Đá bay các
đối thủ cạnh tranh nước ngoài ra khỏi lãnh thổ trên danh nghĩa “chủ quyền không
gian mạng”, miếng đất Internet màu mỡ với hơn 730 triệu người dùng của Trung
Quốc đã về tay doanh nghiệp trong nước.
Những người
đứng đầu các phương tiện truyền thông xã hội, như Pony Ma (nhà sáng lập của
Tencent) hay Li Yanhong (Giám đốc điều hành Baidu) đều đang giữ quyền cao chức
trọng bên trong chính quyền. Không chỉ vậy, chính quyền Trung Quốc còn chỉ ra
rằng các doanh nghiệp mạng nhiệt tình kiểm duyệt vì họ có nghĩa vụ giữ sạch
không gian mạng và tạo ra một diễn đàn thảo luận trực tuyến lành mạnh.
Đây chính
là điều mà Tập Cận Bình muốn phô trương với thế giới: Trung Quốc đi theo các
“giá trị châu Á” nhằm tạo ra xã hội hài hòa, chứ không cần bận tâm đến các giá
trị nhân quyền thái quá. Kiểm duyệt mạng ở Trung Quốc là một mô hình như vậy.
Rõ ràng,
“chủ quyền không gian mạng” không chỉ là một cụm từ bóng bẩy như lớp vỏ cho
việc kiểm duyệt, mà còn mang theo cả một ý thức hệ hấp dẫn đối với lòng tự tôn
dân tộc Trung Hoa. Nhiều người bị cuốn hút bởi ý tưởng “hài hòa xã hội” và “dọn
rác cho một nền Internet lành mạnh”.
Sức lôi
cuốn này là một điều dễ hiểu.
Ít ai muốn
thấy cảnh tin giả tràn lan, cãi cọ quấy rối ngập tràn, hay phim khiêu dâm xuất
hiện ở khắp các ứng dụng cho cả trẻ em lẫn người lớn. Và cũng không nhiều người
bận tâm chuyện “vi phạm nhân quyền” hay “bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến”.
Với các khách hàng có sắc màu đồng bộ và ưa nghe điều lọt tai như thế, hẳn là
các doanh nghiệp mạng Trung Quốc cũng không gặp nhiều phản đối khi tiến hành
các biện pháp kiểm duyệt khắt khe.
Song điều
đó có khiến các doanh nghiệp mạng Trung Quốc sẵn lòng phục tùng chính quyền
chăng?
Rất khó để
gật đầu trước câu hỏi này, khi mà những áp lực tuân thủ chế độ đã gây ra gánh
nặng lớn cho doanh nghiệp mạng. Có ai làm ăn mà lại muốn cưỡng ép và thậm chí
chối bỏ khách hàng?
Đúng là
nhiều người ở Trung Quốc muốn thấy một nền Internet lành mạnh, nhưng điều đó
không có nghĩa là họ không cảm thấy khó chịu khi không thể thoải mái truy cập
tin tức. Họ không muốn thấy phim khiêu dâm tràn lan, nhưng cũng có lúc họ muốn
xem phim khiêu dâm. Họ không cần đọc tin về chính trị, nhưng cũng đôi khi họ
bức xúc và muốn lên tiếng về các vấn đề xã hội thường ngày. Họ không bận tâm ai
đó bị bắt do nhạo báng Tập Cập Bình là “cái bánh bao”, nhưng sẽ có ngày họ muốn
lên án một tay công chức gây khó dễ cho họ. Và cũng như mọi cá thể khác với trí
tò mò bản năng, những công dân Trung Quốc hẳn cũng muốn biết rằng chuyện gì đã
xảy ra ở Thiên An Môn năm 1989, dịch bệnh SARS, cơn động đất Tứ Xuyên, và vô
vàn thông tin mà chính quyền muốn che giấu.
Nếu Mark
Zuckerberg đưa Facebook vào Trung Quốc. Ảnh biếm họa: MIT Technology Review.
Sống nhờ
vào dòng chảy thông tin mà lại phải tự kiểm duyệt thông tin, các doanh nghiệp
mạng Trung Quốc bị đẩy vào thế buộc phải phục tùng hơn là sẵn lòng chấp hành
mệnh lệnh, theo các thông tin điều tra của tổ chức PEN America trong báo cáo mới
ra đầu năm nay.
Kaiser Kuo,
cựu Giám đốc Truyền thông Quốc tế của Baidu, trả lời phỏng vấn PEN America rằng
“không doanh nghiệp nào thích kiểm duyệt mạng cả. Họ là doanh nghiệp dựa trên
khách hàng. Không ai trong số họ ảo tưởng rằng người ta thích các kết quả tìm
kiếm bị kiểm duyệt. Dĩ nhiên là không rồi. Họ sẽ làm ăn tốt hơn nếu không bị
kiểm duyệt. Bản năng tự nhiên của họ phản đối chuyện này, nhưng nếu vậy họ sẽ
bị đóng cửa.”
Không chỉ
vậy, những rủi ro về mặt pháp lý vẫn luôn rình rập các doanh nghiệp, khiến họ
phải chịu trách nhiệm pháp lý về dân sự và hình sự, và cả những thiệt hại tài
chính và uy tín khi họ có thể bị chính quyền đóng cửa hoặc đình chỉ bất cứ lúc
nào.
Vấn đề là
các doanh nghiệp mạng ở Trung Quốc không có lựa chọn. Hoặc ngoan ngoãn nghe lời
để được yên ổn làm ăn (mà cũng không yên cho lắm, ít nhiều cũng bị phạt hoặc
treo giò đôi lần), hoặc cuốn gói ra đi vĩnh viễn.
Và đó cũng
rất có thể là viễn cảnh của các doanh nghiệp mạng ở Việt Nam trong tương lai,
khi Luật An ninh mạng Việt Nam – một phiên bản nhái của Luật An ninh mạng Trung
Quốc – sắp đi vào hiệu lực kể từ đầu năm 2019.
•Tuyên
bố của Xiao Qiang, nhà sáng
lập tờ Thời báo Số Trung Hoa, tại buổi điều trần năm 2015 của Uỷ ban Điều hành
Quốc hội về Trung Quốc (CECC) của Hoa Kỳ
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire