Trang

09/06/2018

DỰ THẢO “LUẬT ĐẶC KHU KINH TẾ” CÒN TIỀM ẨN NHIỂU RỦI RO



NGUYỄN MINH THUYẾT 
Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII


NGUYỄN MINH THUYẾT
Tôi rất vui mừng được tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến về việc tiếp thu ý kiến nhân dân, trình Quốc hội điều chỉnh thời gian cho thuê đất ở các đặc khu kinh tế xuống dưới 99 năm. Điều này thể hiện thái độ trọng thị của người đứng đầu Chính phủ đối với dư luận. Tuy nhiên, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (thường gọi là Luật Đặc khu kinh tế) mà Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu thông qua vào trung tuần tháng 6 này không phải chỉ khiến nhân dân lo lắng về thời hạn cho thuê đất mà còn thiếu vững chắc về các cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn, tiềm ẩn nhiều rủi ro khác. Cụ thể như sau:



1. Về cơ sở pháp lý


Trước hết, các quy định trong dự thảo Luật Đặc khu kinh tế (ĐKKT) liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia và chiếm hữu đất đai. Đây là những vấn đề thuộc quyền quyết định của nhân dân. Hiến pháp năm 2013 đã long trọng tuyên bố: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.” Riêng về đất đai, tài nguyên, tài sản, Điều 53 Hiến pháp quy định rõ: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”  Ở nước ta cũng như nước ngoài, từ xưa đến nay, với bất cứ quy mô tổ chức to nhỏ thế nào, mối quan hệ giữa người chủ với người quản lý cũng rõ ràng: Người quản lý không thể tự quyết định cho thuê đất tới gần 1 thế kỷ và ban hành những quy định có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ mà không xin ý kiến ông chủ. Tuy người dân đã bầu ra Quốc hội đại diện cho mình để quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, nhưng liệu gần 500 đại biểu Quốc hội có đủ thẩm quyền và có thể chịu trách nhiệm về một quyết định có tầm vóc lớn lao như những vấn đề dự thảo luật này đề ra không? Đây chính là những “vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia” phải trưng cầu ý dân theo quy định tại Điều 6 Luật Trưng cầu ý dân.


2. Về cơ sở khoa học và thực tiến


Do điều kiện địa, chính trị khác nhau nên mỗi nước có cách tạo đột phá khác nhau trong phát triển kinh tế. Từ năm 1961, Hàn Quốc đưa ra chính sách phát triển các tập đoàn kinh tế (cheabol). Còn Trung Quốc thì mở các ĐKKT từ năm 1979. Các tập đoàn kinh tế và ĐKKT đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển thần kỳ của hai quốc gia này. Nhưng bây giờ, những mô hình này cũng đang "có chuyện" và đang được thay đổi. Việt Nam chưa nghiên cứu thấu đáo về các mô hình kinh tế này; trước đây lập các tập đoàn kinh tế kiểu chaebol thất bại; nay lại học theo Trung Quốc mở ĐKKT. Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào mà không nghiên cứu kĩ và đưa ra những chính sách khả thi thì nhiều khả năng ĐKKT lại theo chân tập đoàn kinh tế thôi, nhưng rủi ro có thể lớn hơn nhiều.

Những rủi ro nói trên tiềm ẩn ngay trong các quy định của dự thảo Luật như:

- Thời hạn cho thuê đất có thể lên tới 99 năm, trong đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu, tương đương cấp huyện, có quyền cho thuê đất tới 70 năm.

- Cho sản xuất quân trang quân dụng, vũ khí ở ĐKKT.

- Chấp nhận để cơ quan trọng tài nước ngoài, tòa án nước ngoài xử lý tranh chấp hoặc xét xử nhiều loại khiếu kiện theo luật pháp nước ngoài.

Những quy định nói trên vừa hạn chế quyền thực thi pháp luật Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam vừa tạo ra những rủi ro về an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ, đồng thời dễ dẫn tới lạm dụng quyền lực, phục vụ cho các nhóm lợi ích.      

Mục tiêu mở ĐKKT là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách. Nhưng hàng loạt các quy định về miễn giảm thuế đất, thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,… chỉ phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp (ví dụ, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khi các doanh nghiệp đã thu mua đất rẻ, phục sẵn rồi) vừa làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước, vừa không đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.


3. Về ý dân


Phân tích các ý kiến khác nhau về Luật ĐKKT trong những ngày qua, có thể thấy: bên cạnh những người biên soạn dự thảo luật này và một số doanh nghiệp đồng tình, số không đồng tình rất đông, ý kiến rất gay gắt. Một số vị soạn Luật cho rằng những người phản đối chưa hiểu rõ vấn đề. Nhưng trong số người không đồng tình có nhiều chuyên gia hàng đầu ở trong nước và nước ngoài, nhiều tướng lĩnh và cựu tướng lĩnh, nhiều đại biểu Quốc hội và cựu đại biểu Quốc hội, nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo. Chắc chắn những người này phải có tâm, có tầm, có hiểu biết nếu không hơn thì cũng không kém người soạn dự thảo Luật. Giả sử có những người không đồng tình là do chưa hiểu rõ vấn đề thì trước số ý kiến không đồng tình đông đảo như vậy, Quốc hội có nên thông qua Luật ngay tại kỳ họp này không, hay nên trưng cầu ý dân xem thật sự tỷ lệ giữa người đồng tình với người không đồng tình là như thế nào rồi quyết định sau?

Quốc hội khóa XIII đã để lại một “kinh nghiệm” hi hữu trong lịch sử lập pháp: Ban hành bộ luật quan trọng hàng đầu là Bộ luật Hình sự để rồi chưa đến thời điểm có hiệu lực thi hành đã phải sửa. Tôi mong rằng các vị lãnh đạo và các nhà lập pháp hãy bình tĩnh lắng nghe ý kiến nhân dân, không chủ quan, nóng vội, để chọn quyết định sáng suốt nhất.  Một chính sách, một đạo luật chỉ có thể thành công, thúc đẩy phát triển đất nước khi chinh sách đó, luật dó có sự đồng thuận của dân. Đồng thuận càng cao, thành công càng càng lớn...


4. Kiến nghị


Từ những điều đã nêu, tôi kiến nghị với lãnh đạo cấp cao và Quốc hội như sau:

- Không ban hành Luật ĐKKT mà tiếp tục áp dụng các nghị định hiện hành vì ĐKKT mới chỉ là mô hình thí điểm. Nếu nghị định chưa phù hợp thì sửa nghị định.

- Nếu vẫn nhất quyết ban hành Luật ĐKKT thì phải tổ chức trưng cầu ý dân.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire