Trang

12/06/2018

Hồ Gươm sáng nay





Lê Huy Tiến

10/6/2018.

 (tiếp chuyện biểu tình hồ Gươm sáng nay 10/6/2018)

1. Hôm nay, tôi đi tuần hành/biểu tình ôn hòa: không biển hiệu, không hô khẩu hiệu, chỉ đi thôi. Tôi vốn cho rằng biểu tình không phải cách hiệu quả để biểu đạt ý kiến. Tôi đi vì nhận ra sự nguy hiểm của dự luật Đặc khu có thể khiến Việt Nam ngày càng phụ thuộc Trung Quốc, thậm chí bị xâm chiếm. Sao lại cho phép đặt cả nhà máy chế tạo vũ khí trong đặc khu? Sao lại cho phép người nước ngoài thừa kế nhà ở trông đặc khu? nếu nước nhỏ như Singapore áp dụng điều luật này thì cả nước họ bị mua hết rồi thừa kế cho ... người Trung Quốc. Sự mặc cả của chính phủ với người dân, 99 năm xuống 70 năm (may nhờ sự tự do chia sẻ của nhân dân trên facebook) khá nực cười. "Vì dân" thì sao không trưng cầu dân ý xem nhân dân có ủng hộ dự luật đó dù chỉ 1 ngày? Cùng với dự luật An ninh mạng, khả năng nhiều trong phiên họp quốc hội tới, nhân dân bất lực, chỉ biết nghe thông báo kết quả bấm nút của các đại biểu quốc hội.



Tôi không ghét người TQ. Tôi đoán rằng nhân dân TQ còn khổ sở hơn ta, vì họ thiếu thông tin. Tôi có nhiều bạn bè là người TQ. Tôi chỉ ghét và coi thường sự bành trường, tham lam của chính phủ họ. Thời xưa, Mã Viện xâm chiếm nước ta, "sát phu hiếp phụ" - đàn ông thì chém ngang lưng, đàn bà thì bắt về làm thiếp. Những ngón chân Giao Chỉ thuần Việt ngày nay hầu như biến mất, vì bị gen trội át đi. Bản thân hành động từ xưa đến nay của Trung Quốc khiến nước này mất hết lòng tin (credit). Hãy xem Tây Tang, Nội Mông, Tân Cương bị TQ chiếm ra sao, và gần đây 1979 TQ xâm lược nước ta. Tại sao chúng ta lại phải chơi một ván bài ăn thua đủ: thắng thì được một chút về kinh tế, thua thì mất kinh tế, và nguy cơ mất nước? Không cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm nổi cho việc đó, trừ chính sự lựa chọn của nhân dân. Hàn Quốc, Singapore có đáng để noi theo? Nếu Kim-Trump đủ thiện ý, ta sẽ có thêm 1 Bắc Triều Tiên phát triển thần kỳ (tôi hi vọng điều này xảy ra để VN có thêm tự tin quan hệ kinh tế với các quốc gia khác Trung Quốc).

Năm 2009, từ Hàn, tôi sang Tô Châu dự hội thảo khoa học. Để check email và tìm tài liệu, tôi và các bạn Hàn Quốc phải trình passport cho chủ quán game. Mạng rất chậm, không có facebook và Google, cảm giác bất tiện khó chịu! Dự luật An ninh mạng sẽ làm khó về nguồn tài liệu cho cả những người nghiên cứu.

"Ngôn bất tận ý" Hiện có nhiều thông tin về nguy cơ tiềm ẩn, nguy cơ rõ ràng, và nhiều điều mập mờ của 2 dự luật trên. Tôi không nói thêm nữa. Ít nhất bạn hãy đọc dự thảo gốc từ trang web của chính phủ và quốc hội.

2. Tầm 8h sáng tôi đến vườn hoa Lý Thái Tổ, ở đó gặp cậu em Tran Thanh Tuan giảng viên cùng khoa. Hai anh em hút thuốc một lát thì nhập vào đoàn chừng 50 người đi qua. Đoàn người đi rất ôn hòa. Được chừng 5-10 phút, khi ra gần cầu Thê Húc thì tôi thấy nhiều người mặc thường phục xông vào bắt mấy cậu thanh niên và mấy cô gái. Vừa chụp xong bức ảnh thứ nhất thì thấy Tuấn bị họ xông vào vừa đánh túi bụi vừa kéo về chiếc xe bus đi gần đó. Tôi chạy tới định kéo T ra thì họ hô: "bốc cả thằng này luôn". 4,5 tên đẩy tôi lên xe nhưng bọn chúng thấp bé hơn tôi nên ko đẩy được. Một tên hô: "bốc cả chân nó lên". Rồi có thêm 2 thằng bê 2 chân tôi lên. Thấy Tuấn đã trên bus, và không muốn xô xát, tôi cũng vào xe. Bên dưới vẫn khá hỗn loạn. Tôi bảo thằng thường phục mặt non choẹt trên xe: "chú lấy cho anh cái dép tông". Nó bảo: "tình hình này em chịu", nhưng rồi sau cũng nhặt lên.

Bus đi lên đê sông Hồng, quanh quẩn, rồi qua cầu Vĩnh Tuy sang công an phường Long Biên. Công an hỏi từng nhóm 4 người rồi tách riêng hỏi từng người. Tôi công khai hết thông tin cá nhân, nói rõ mục đích: phản đối dự luật Đặc khu, dự luật An ninh mạng, và đề nghị Trưng Cầu Dân Ý. Công an có vẻ dở nhiều mẹo. Tuy nhiên tôi không ngại mấy thứ đó. Mẹo vặt khôn ranh là thứ tôi xa rời từ lâu. Tôi cần thể hiện rõ suy nghĩ chính trị-xã hội của mình, thể hiện trách nhiệm của một công dân - trí thức yêu nước. Công an khá hách dịch, và họ dịu lại khi biết tôi là giảng viên. Tôi không thấy họ "lên lớp" gì, ngoài việc nói: "Anh có biết không được tụ tập 3 người trở lên". Tôi cười bảo: "Khoa Toán làm seminar bao giờ cũng hơn 3 người hết". Họ hỏi: "Anh dạy bao nhiêu tiết?". Tôi bảo: "chú hỏi anh chuyện ấy làm quái gì". Trong biên bản vi phạm trật tự xã hội, tôi cũng ghi rõ "Tôi không vi phạm. Những người mặc thường phục đã bắt giữ người trái pháp luật". Tôi không biết họ sẽ dùng thông tin cá nhân của tôi đến mức nào, "nhưng nếu họ đi đủ xa, họ sẽ có thể đến được Học viện Hồ Chí Minh" - vậy cũng hay! 3h chiều họ cho tôi ra khỏi đồn công an quận Long Biên.

3. Tôi đã tự mình trải nghiệm rằng công an vi phạm quyền cơ bản của công dân.

Đêm 9/6, ngẫm Việt Nam ta sao lận đận, sao không chịu văn minh, sao khi có nhiều lựa chọn lại cứ chọn con đường xấu nhất? châm điếu thuốc mà muốn trào nước mắt!

Tôi vừa hỏi thăm tình hình Tuấn. Tuấn nói đầu vẫn hơi khó chịu chứ không đau buốt. Những cú đánh của bọn công an thường phục vào gáy của Tuấn thật hiểm ác. Bọn khốn nạn! Chất vấn họ về việc bị hành hung, công an nói "Nếu muốn thì cứ viết đơn kiện, chúng tôi sẽ điều tra". Hãy xem cách họ điều tra "những kẻ lạ mặt" hành hung cậu ấy.

Tôi và Tuấn đều là tiến sỹ, giảng viên của ĐHKHTN, thâm niên gần 20 năm. Tuấn còn là đảng viên. Sắp tới, có thông tin gì đáng chú ý, tôi sẽ chia sẻ thêm. Hiện tại, trong khả năng của mình, tôi coi như đã làm một phần trách nhiệm công dân với đất nước.

Có một mô hình tứ diện cho giáo dục-nhận thức: gia đình, nhà trường, xã hội, và quan trọng nhất là khả năng tự nhận thức. Gần 40 tuổi tôi mới tự ngộ ra tự do thực sự. Chúng ta hãy dạy, càng sớm càng tốt, cho thế hệ trẻ biết thế nào là tự do.
Tôi không theo cộng sản, không theo tư bản, cũng không phải người vô thần. Tôi theo tự do, và muốn "VIETNAM FIRST - NGƯỜI VIỆT TRÊN HẾT"

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire