Trang

20/06/2018

Thày cô phải quỳ, ai đứng?


Xuân Dương
 

(GDVN) - Ở một nơi cách xa Hội trường Quốc hội vài trăm cây số, một số giáo viên cả nam lẫn nữ phải quỳ gối xin chính quyền đừng đóng cửa trường.

Tại diễn đàn Quốc hội, số đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lên đến con số hơn 80 khiến hệ thống máy tính của Quốc hội bị treo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải trực tiếp chỉ định người phát biểu.

Trong khi đó, ở một nơi cách xa Hội trường Quốc hội vài trăm cây số, một số giáo viên cả nam lẫn nữ phải quỳ gối xin chính quyền đừng đóng cửa trường.

Hai hiện tượng nêu trên có cho thấy sự quan tâm đến nền giáo dục Việt Nam vẫn chỉ đang ở trạng thái nói nhiều hơn làm, nói mà không làm đến nơi đến chốn nên cuối cùng ngành Giáo dục vẫn chỉ là chiếc thúng đựng những thứ mà mọi người ném vào.

Thày cô giáo quỳ xin chính quyền đừng đóng cửa trường (Ảnh cắt từ clip đăng trên mạng xã hội, nguồn: Vietnamnet.vn)





Bài viết “Các thày cô giáo ơi, đừng hạ thấp nhân phẩm của mình” đăng, hơn 100 bình luận của độc giả, chắc chắn số bình luận gửi về tòa soạn không chỉ là con số hơn 100. [1]

Đa số bình luận trong bài phê phán thày cô, bảo vệ quyền trẻ em, hơi ít thày cô giáo dám bảo vệ chính mình, dám nói lên thực trạng mà đội ngũ nhà giáo đang hàng ngày đối mặt ngay trong môi trường được gọi là sư phạm.

Hẳn không ít thày cô vẫn nhớ định nghĩa chua chát về sư phạm mấy chục năm trước: “Sư phạm là ăn như sư, ở như phạm”.

Câu chuyện cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ chưa lắng xuống thì nay nhiều thày cô giáo mầm non tại Thanh Chương - Nghệ An phải tự quỳ, không biết những thày cô giáo này khi còn là học viên sư phạm, họ có tưởng tượng được sẽ có ngày họ phải quỳ xin chính quyền đừng đóng cửa trường?



Báo Tienphong.vn dẫn ý kiến một trong số những giáo viên quỳ như sau:

Chúng em phải quỳ vì đã xin Uỷ ban nhân dân huyện, thị trấn gia hạn thời gian hoàn thành thủ tục.

Chúng em quỳ xuất phát từ các cảm xúc, tâm của mình. Chúng em muốn cầu xin để cho ngôi trường tiếp tục hoạt động”. [2]

Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện cả nước còn thiếu 32.641 giáo viên mầm non.

Cũng Tienphong.vn viết: “Thành phố Hồ Chí Minh dự chi 251 tỷ 'níu chân' giáo viên mầm non: Sự thật phũ phàng”. [3]

Đến đây thì câu hỏi cần phải đặt ra là chính quyền cơ sở thị trấn Thanh Chương - Nghệ An có lường trước việc hàng loạt trẻ em không có nơi học tập, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn vì phải đi làm nhưng không có người chăm trẻ và thày cô giáo bị thất nghiệp chỉ vì một lý do nghe có vẻ đúng pháp luật “Thiếu thủ tục”? 

Hãy nhìn những con “dê thông minh” biết chọn nhà Bí thư huyện ở Thạch Thành - Thanh Hóa mà chạy vào để thấy các thày cô ở Thanh Chương chọn trường mầm non “dại” như thế nào!

Hãy nhìn xem cả nước bao nhiêu chung cư cao tầng, bao nhiêu biệt phủ “thiếu thủ tục” mà vẫn tồn tại hàng chục năm chứ không chỉ vài tháng?

Ngay tại Nghệ An, Báo Tainguyenmoitruong.vn viết:

Nhiều chủ đầu tư còn phớt lờ các “lệnh cấm” của chính quyền sở tại để thi công khi chưa đầy đủ giấy phép hoặc xây dựng sai so với thiết kế được phê duyệt ban đầu”. [4]

Các chủ đầu tư “phớt lờ lệnh cấm của chính quyền” vì sao không bị “đóng cửa” còn thày cô giáo phải quỳ xin chính quyền để trường (tư thục) hoạt động! 

Vậy chính quyền Nghệ An nói chung và huyện Thanh Chương nói riêng đang điều hành mọi hoạt động tại địa phương thế nào?

Nêu câu hỏi này bởi năm 2015 Nghệ An nhận điều tiết từ ngân sách Trung ương tới 5.138 tỷ đồng, năm 2017 thu ngân sách của Nghệ An là 12.039 tỷ đồng, chi ngân sách hết 22.755 tỷ đồng, bội chi hơn 10.000 tỷ đồng.

Lý giải cho chuyện chi nhiều hơn thu là do “Trung ương bổ sung kinh phí thực hiện các chính sách; Tăng mức tiền lương cơ bản; Tăng nguồn chi xây dựng cơ bản…”. [5]

Nếu chính quyền Nghệ An biết chủ trương xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn đã được ghi trong Nghị quyết của Trung ương Đảng, nếu những người cầm cân nảy mực nơi đây biết lo cho thế hệ mai sau thì họ nên hướng dẫn, giúp đỡ để trường hoàn thành thủ tục chứ không cực đoan bằng biện pháp đóng cửa trường?

Thêm một trường ngoài công lập hoạt động nghĩa là tiết kiệm được một phần tiền ngân sách xây trường, trả lương giáo viên, nghĩa là bớt việc phải xin trung ương trợ cấp. 

Phải chăng tự lực cánh sinh không phải là phương châm xử thế mà đội ngũ cán bộ nơi đây xem trọng?

Phải chăng “hành là chính” vẫn là thói công quyền tồn tại ở nơi này nhiều thập kỷ qua?

Trở lại hành động quỳ gối của các thày cô ở Thanh Chương, có một điều gì đó thật buồn nếu biết rằng Nam Đàn, Thanh Chương, Can Lộc, Hưng Nguyên là những địa phương đi đầu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930.

Thanh Chương là một trong những nơi chính quyền Xô Viết đầu tiên được thành lập. 

Gần 90 năm sau, con cháu của những người làm nên Xô Viết Nghệ Tĩnh liệu có đánh mất truyền thống cha anh, liệu có cảm thấy ánh mắt nghiêm khắc của tiền nhân khi quỳ gối van xin để có việc làm?

Để có miếng cơm manh áo mà phải quỳ xin, đó chỉ có thể là hành xử của con người ở bước đường cùng (ngày xưa gọi là nô lệ), các thày cô đã đến mức đó chưa mà hành xử như vậy?

Nếu những đứa trẻ mà thày cô dạy dỗ ngày nay khi lớn lên nhìn lại được hình ảnh quỳ gối này thì họ sẽ nghĩ gì về những thày cô giáo của mình?

Bất luận trường hợp nào, quỳ gối không bao giờ là hành động của người có lòng tự trọng.

Bất luận trường hợp nào, nhìn người khác quỳ gối trước mặt mình cũng không phải là hành xử của người có học, đặc biệt đó lại là công bộc của dân.

Thay vì đổ lỗi cho “sự dàn dựng” của cơ sở, những người có trách nhiệm ở Thanh Chương - Nghệ An nên giúp đỡ nhà trường những vướng mắc về thủ tục với tinh thần “liêm chính, minh bạch” như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đề cập.


Tài liệu tham khảo:

[1] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Cac-thay-co-giao-oi-dung-ha-thap-nhan-pham-cua-minh-post184197.gd

[2]https://www.tienphong.vn/giao-duc/vu-co-giao-quy-goi-xin-khong-dong-co-so-chinh-quyen-noi-dan-dung-1284761.tpo

[3] https://www.tienphong.vn/giao-duc/tphcm-du-chi-251-ty-niu-chan-giao-vien-mam-non-su-that-phu-phang-1150192.tpo

[4] https://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/nghe-an-can-quot-siet-quot-chat-trat-tu-xay-dung-tai-tp-vinh-1209098.html

[5] https://baonghean.vn/infographics-thu-chi-ngan-sach-nghe-an-nam-2017-165617.html


Xuân Dương





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire