Trang

12/07/2018

Tổng Thống Trump: “Đánh Cho Trung Ngã, Cộng Nhào”.


Nguyễn Quang Duy


Khi tranh cử ông Trump liên tục dùng cụm từ “America First” tạm dịch là “Nước Mỹ Trên Hết” có người cho rằng đây là khẩu hiệu tranh cử, người khác cho rằng đó là chính sách ngoại giao.



Khi thắng cử các quyết định của ông Trump lại liên tục thay đổi gây nhiều thắc mắc: Chiến lược của ông là gì? Ông sẽ đưa nước Mỹ và thế giới đi về đâu? Và làm sao ông có thể thực hiện được chiến lược này?





Trong khi Trung cộng đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ thì ngày càng mạnh hơn về kinh tế và quân sự, ảnh hưởng thế giới hơn về ngoại giao và chính trị, và mở rộng “lãnh thổ” bằng cách tung tiền mua nhiều vị trí chiến lược trên toàn thế giới.



Sức mạnh của Tổng Thống Trump


Sau một năm rưỡi cầm quyền kinh tế Hoa Kỳ ngày một khả quan hơn, giờ là lúc ông Trump bắt đầu trừng phạt các quốc gia đối xử bất công với nước Mỹ.



Đối thủ chiến lược được ông Trump nêu đích danh là Trung cộng với những hành vi thương mại không công bằng, ăn cắp công việc của người Mỹ, làm thâm hụt cán cân thương mại, ăn cắp các tài sản sở hữu trí tuệ và trên hết là an ninh cho nước Mỹ.



Để được toàn quyền quyết định ông Trump sử dụng hai Đạo Luật cho quyền Tổng Thống đánh thuế trừng phạt tất cả các hàng hóa nhập cảng từ Trung cộng mà không cần Quốc Hội biểu quyết:



Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act 1962) về an ninh quốc gia; và Mục 301 Đạo luật Thương mại năm 1974 (Trade Act 1974) về trả đũa những hành vi thương mại không công bằng của nước khác;



Trung cộng Xấu Xí


Sau hơn 15 năm gia nhập WTO Trung cộng vẫn không mở cửa thị trường, tiếp tục tài trợ các doanh nghiệp nhà nước, phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài, ăn cắp tài sản trí tuệ của các quốc gia khác và vẫn không chấp nhận cho thành lập các công đoàn tự do.



Trung cộng giữ đồng tiền yếu hơn thực giá, làm hàng xuất khẩu rẻ hơn giành lợi thế trên thị trường Mỹ, còn hàng Mỹ xuất khẩu sang Trung cộng mắc hơn nên Mỹ mất thế cạnh tranh. Cán cân thương mãi giữa hai nước càng ngày càng mở rộng.



Theo thống kê năm 2017, Trung cộng nhập khẩu 129 tỉ Mỹ kim hàng hóa từ Mỹ nhưng lại xuất khẩu sang Mỹ đến 506 tỉ Mỹ kim, làm thâm hụt mậu dịch Mỹ lên tới 307 tỉ Mỹ kim.



Khoản thặng dư này được dùng để giữ giá đồng tiền hay mua trái phiếu tiếp tục ảnh hưởng lên kinh tế Hoa Kỳ và thế giới.



Trước đây, Trung cộng chỉ sản xuất hàng công nghệ tiêu dùng dựa trên lao động rẻ phục vụ xuất khẩu nên chưa phải là nỗi lo âu quá đáng cho nước Mỹ.



Nhưng gần đây Trung cộng đưa ra kế hoạch mang tên “Made in China 2025”, muốn chuyển đổi thành một một nước dẫn đầu về công nghệ cao cấp trực tiếp cạnh tranh với Mỹ.



Để thực hiện kế hoạch này thay vì đầu tư cho nghiên cứu các ý tưởng mới và phát triển thành các sản phẩm mới, Bắc Kinh lại đi ăn cắp bí mật công nghiệp nước khác.



Một mặt Trung cộng ép buộc các công ty nước ngoài muốn làm ăn phải chuyển giao kỹ thuật trước khi cấp phép khai thác thị trường tại đây.



Mặt khác, Bắc Kinh cho gián điệp công nghệ xâm nhập và đánh cắp kỹ thuật gây thiệt hại nặng nề cho công nghệ các nước tiên tiến.



Với khoản mậu dịch thặng dư Bắc Kinh lại dùng tăng cường quân sự, lấn chiếm Biển Đông, mua cảng, xây đặc khu, gây ảnh hưởng chính trị và công khai thực hiện tham vọng bành chướng toàn cầu. Trung cộng đã trở thành mối đe dọa hòa bình và an ninh toàn thế giới.



Chiến Tranh Thương Mãi Bắt Đầu.


Ngày 6/7/2018, Hoa Kỳ bắt đầu trừng phạt Bắc Kinh bằng cách đánh 25% thuế lên một số mặt hàng Trung cộng nhập khẩu vào Hoa Kỳ, tổng giá trị lên đến 34 tỷ Mỹ Kim.



Đáp lại Trung cộng cũng đánh 25% thuế trên hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ với giá trị tương đương 34 tỷ Mỹ Kim. Chiến tranh thương mãi Mỹ – Trung bắt đầu.



Tổng thống Trump đang xem xét đánh thuế trên 16 tỷ Mỹ Kim hàng hóa khác và cảnh cáo nếu Bắc Kinh trả đũa sẽ đánh thuế trên 550 tỷ Mỹ kim hàng hóa ước tính nhập cảng vào Hoa Kỳ năm nay.



Tổng thống Trump tin tưởng sẽ dễ dàng chiến thắng vì Trung cộng không có nhiều hàng hóa Mỹ nhập khẩu để đánh thuế.



Từ đầu năm 2018 đến nay tỷ giá Nhân dân tệ liên tục giảm chỉ riêng tháng 6 đã giảm 3% làm nhiều người tin rằng Bắc kinh đang sử dụng đồng tiền mệnh giá yếu để sửa soạn đánh trả việc áp đặt thuế trên hàng nhập khẩu từ Trung cộng vào Mỹ.



Nhưng kết quả không như mong muốn, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh do đó hàng hóa tiêu thụ cũng gia tăng, nhưng số hàng nhập cảng từ Trung cộng vào Mỹ lại tăng lên rất chậm chỉ 5.4% so với 19.3% số tăng năm ngoái. Chứng tỏ ông Trump đang được dân Mỹ ủng hộ trừng phạt Bắc Kinh.



Ngay khi thuế quan có hiệu lực Bắc Kinh cho biết sẽ hỗ trợ các công ty chịu ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt này. Điều này giúp cổ phiếu tại Hồng Kông, Trung cộng và nhiều quốc gia châu Á khác hiện thời tăng đôi chút.



Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay chứng khoán Trung cộng đã mất gần 2.000 tỷ Mỹ kim, chỉ số Shanghai Composite Index giảm hơn 20%, phần chính do giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Trung cộng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi chiến tranh thương mại gia tăng nên bán chứng khoán rút tiền đầu tư nơi khác.



Ngược lại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ tiếp tục tăng mặc dầu giữa tháng 6/2018 FED quyết định cho tăng lãi suất.



Trung cộng có thể trả đũa bằng cách chịu lỗ bán tháo trái phiếu. Nhưng trái phiếu Mỹ lại luôn được giới đầu tư tin tưởng nên khi giá trái phiếu hạ xuống, lãi suất sẽ tăng lên, các nhà đầu tư khác cảm thấy có lời thì nhảy vào mua, thay vì chính phủ Mỹ phải mua ảnh hưởng đến đồng Mỹ Kim.



Trung cộng cũng có thể tuyên truyền chống lại hàng Mỹ những cửa hàng McDonald, Starbucks ở Trung cộng sẽ bị tẩy chay hay Coca-Cola sản xuất ở Trung cộng sẽ gặp khó khăn. Phương cách này lại trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế Trung cộng.



Nhìn chung mọi cách trả đũa của Trung cộng đều dẫn đến kết quả không tốt cho chính Trung cộng. Nên ngay cả Bắc Kinh cũng đã thấy rõ họ sẽ thua cuộc chiến.



Chiến Tranh Thương Mãi ảnh hưởng các mặt khác.


Hàng hóa Trung cộng trong thời gian đầu còn có thể bán được sang các thị trường khác nhưng về lâu dài các hãng xưởng sẽ phải đóng cửa, công nhân sẽ bị sa thải. Khi kinh tế suy thoái sẽ ảnh hưởng giây chuyền đến xã hội, chính trị và có thể là quân sự.



Trung cộng hiện đang chìm ngập trong khoản nợ công lên đến trên 30.000 tỉ Mỹ Kim (tương đương 259% GDP). Phần lớn khoản nợ nói trên do các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước và vay của các chính quyền địa phương.



Nợ hộ gia đình cũng rất cao, trong đó có vay mượn để tiêu dùng, mua bất động sản và đầu tư. Riêng nợ đầu tư cổ phiếu bằng tiền đi vay ở Trung cộng đã lên đến 760 tỷ Mỹ Kim.



Cảnh vỡ nợ sẽ kéo theo khủng hoảng tài chánh đẩy Trung cộng vào khủng hoảng kinh tế một điều chưa từng xảy ra từ khi nước này từ bỏ kinh tế kế hoạch hóa tập trung.



Nền kinh tế Mỹ đủ lớn, tự nó có thể điều chỉnh mà không gây thiệt hại đến tăng trưởng. Các doanh nghiệp Mỹ có cơ xưởng sản xuất tại Trung cộng sẽ tìm cách quay về nước Mỹ nơi cơ hội làm ăn vừa tốt, vừa an toàn, lại được chính phủ khuyến khích.



Những doanh nghiệp bị thiệt hại do thuế quan như các chủ trang trại sẽ được chính phủ bù lỗ. Giá cả có gia tăng đôi chút nhưng kinh tế phục hồi, thuế quan sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các hộ gia đình Mỹ trung bình.



Trở lại với Trung cộng khi nền kinh tế không còn tăng trưởng mạnh như xưa và cán cân mậu dịch sẽ bị hẹp dần, Bắc Kinh mặt khác phải chi tiền lo việc nội trị nên không còn khả năng để thực hiện chiến lược đầy tham vọng “Một Vòng Đai, Một Con Đường” nhờ thế an ninh của thế giới sẽ tốt hơn.



Trung cộng một quốc gia bị phân hóa trầm trọng: dân Mông Cổ, dân Mãn Châu, dân Duy Ngô Nhĩ và nhất là dân Tây Tạng đang đòi độc lập, Hong Kong đòi trở về với Anh Quốc. dân oan mất đất, dân nghèo lao động chiếm đa số ngấm ngầm bất mãn,… kinh tế suy sụp cũng là lúc mối bất an xã hội trỗi dậy thách thức nền chính trị Bắc Kinh.



Những điều nói trên chắc chắn giới lãnh đạo Bắc Kinh đều nhận thấy, nhưng chưa ai biết rõ ông Trump thật sự muốn gì.



Hai năm về trước không ai tiên đoán sẽ có chiến tranh thương mãi Mỹ – Trung nên cũng khó có thể đoán được khi kinh tế và ngoại giao không giải quyết được sẽ dẫn đến chiến tranh quân sự.



Cần nhớ chiến tranh quân sự đã được ông Trump đặt ưu tiên hàng đầu. Chả thế đầu tháng 3/2018, ông Trump cho công bố mức thuế 25% trên tất cả các mặt hàng thép nhập khẩu và 10% trên nhôm với lý do nước Mỹ dựa quá nhiều vào các quốc gia khác về kim lọai nên không thể tự sản xuất đủ vũ khí hoặc xe cộ một khi chiến tranh nổ ra.



Việt Nam trong cuộc chiến Mỹ - Trung.


Mô hình phát triển Việt Nam rập khuôn mô hình Trung Cộng. Bởi thế mọi việc xẩy ra với Trung cộng đều có thể xảy ra với Việt Nam. Ông Trump từng công khai nhắc nhở ông Nguyễn Xuân Phúc nên tìm cách cân bằng cán cân mậu dịch hai quốc gia.



Việt Nam còn là sân sau để Trung cộng tuồn hàng ra thế giới. Cuối tháng 5/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra tuyên bố sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam sử dụng chất nền có nguồn gốc Trung Cộng.



Hà Nội thay vì lo cải cách cả kinh tế lẫn chính trị để giảm thiểu ảnh hưởng xấu của chiến tranh thương mãi Mỹ - Trung lại chọn con đường chiến tranh.



Theo tờ South China Morning Post, một kế hoạch hợp tác rộng lớn được ký kết giữa Bắc Kinh và Hà Nội vào năm ngoái, Trung cộng sẽ sản xuất hàng hóa của họ dọc theo biên giới Việt Trung và dán nhãn "Made in Vietnam" để né thuế của Hoa Kỳ.



Ký kết này nằm chiến lược "Một Vành đai, Một Con đường", một chiến lược mà ông Trump đang thẳng tay tận diệt.



Kết


Chiến lược “Nước Mỹ Trên Hết” đã được đưa ra từ 70 năm về trước nhưng các vị Tổng Thống Mỹ tiền nhiệm đã không thể thực hiện để Trung cộng càng ngày càng vươn lên và sửa soạn qua mặt Hoa Kỳ.



Sở trường của ông Trump là chiến thuật. Trong lần tranh cử Tổng Thống các đối thủ của ông đều là những chính trị gia lỗi lạc nhiều kinh nghiệm chính trường. Họ thua ông vì không hiểu bước kế tiếp ông sẽ làm gì.



Mục tiêu của Tổng Thống Trump là xây dựng lại một trật tự mới với “Nước Mỹ Trên Hết”. Cuộc chiến thương mãi Mỹ - Trung vừa khai mạc thật khó nói thế giới sẽ đi về đâu.



Điều chắc chắn rằng Bắc Kinh sẽ yếu đi và ngay cả việc nội trị không chắc còn nắm được nếu cuộc chiến tiếp diễn lâu dài. Trung cộng đang yếu đi lại là cơ hội để Việt Nam thoát Trung theo hướng tự do và dân chủ.



Hoa Kỳ luôn nhắc nhở muốn có tự do và dân chủ chính người Việt phải giành lại đừng ngồi mà đợi Hoa Kỳ mang tới. Tổng Thống Trump lại luôn đòi hỏi sự công bằng, nên nếu muốn Việt Nam có tự do và dân chủ chúng ta phải hiểu rõ sự đóng góp và phải công bằng nhìn nhận nỗ lực của Tổng Thống Trump và của Hoa Kỳ.


Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

11/07/2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire