Trang
▼
01/08/2018
TỪ ĂN THEO NÓI LEO ĐẾN ĂN THEO NGHĨ THEO
Thi Dao Tien: "Thời trung cổ trở về trước có những dân tộc nhờ sức mạnh cơ bắp mà đi chinh phục các dân tộc khác. Nhưng từ thời cận đại trở đi, sức mạnh một dân tộc là dựa trên trí tuệ. Nhật Bản, Israel, Singapore là những ví dụ. Bóp nghẹt tự do tư tưởng, bắt mọi người nói như nhau, nghĩ như nhau là triệt tiêu sức mạnh dân tộc, làm cho dân tộc trở nên ngu hèn và đi đến bờ vực diệt vong."
Ăn theo nói leo” là một ngữ cố định (còn gọi là quán ngữ), tuy nhiên nó không có trong các từ điển tiếng Việt thông dụng. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) mặc dù có Ăn chắc mặc bền, Ăn chực nằm chờ, Ăn đời ở kiếp, Ăn dưng ngồi rồi, Ăn thật làm giả, Ăn trắng mặc trơn, Ăn gửi nằm nhờ, Ăn không ngồi rồi,v.v.. nhưng không có “Ăn theo nói leo”. Có lẽ tác giả quan niệm nó chưa đủ độ “già” để nhập vào vốn từ ngữ tiếng Việt chẳng? Bởi theo tôi biết ngữ cố định này chỉ ra đời ở thời kỳ (chế độ) XHCN – thời kỳ con người bị/ được “bao cấp” về tư tưởng: độc tôn một hệ tư tưởng, một đường lối chính trị, một sự chỉ đạo thống nhất.
Cấp dưới nói leo cấp trên, bên chính quyền nói leo bên Đảng. Các đoàn thể thì tất nhiên phải nói y chang Đảng, vì Đảng lãnh đạo trực tiếp.
Trong một xã hội rất nhiều cuộc họp, rất nhiều đại hội, rất nhiều nghị quyết, nhưng mọi phát biểu, mọi diễn văn, mọi tham luận, mọi nghị quyết đều na ná như nhau, bởi vì đều sao từ một bản chính.
Nói leo để được ăn theo, tất nhiên. Và còn để được an toàn. Cái đáng sợ nhất là “sai quan điểm”. Sai quan điểm là tội nặng. Cho nên đến tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, cũng phải nói theo nghị quyết Đảng, không ai dám nói bằng tư tưởng của mình. Khi đã không nói bằng tư tưởng của mình thì không thể diễn đạt cho mạch lạc được. Cho nên luôn phải cầm giấy đọc, cho nó “sao y bản chính”.
Thói ăn theo nói leo lâu ngày làm cho ngôn ngữ trở nên vô cảm, trơn tru đến dễ sợ. Vừa mới đây, khi sự gian dối thi cử ở Hà Giang bị vỡ lỡ, lẽ ra những người đứng đầu bộ máy phải ra công văn chỉ đạo xử lý vụ việc, thì trái lại, hai vị quan đầu tỉnh đã ra liền hai công văn dọa dẫm nhân dân. Và rất nực cười ở chỗ coi những ai ngoài “hệ thống” mà bàn đến vụ việc thì đều là ‘thế lực thù địch”. Theo cách nói của nhà văn Nguyễn Khải (Đi tìm cái tôi đã mất), đây là kiểu “Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra; hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình”. Nhưng nghĩ cho kĩ thì cũng không trách gì hai ông quan đầu tỉnh Hà Giang. Chẳng qua họ mô phỏng một mẫu phát ngôn, một mẫu chỉ đạo quen thuộc.
Nhưng đáng sợ hơn, thói ăn theo nói leo lâu ngày ngấm vào máu, làm mất khả năng tư duy của mỗi cá nhân. Rất nhiều hiện tượng đơn giản, dễ cắt nghĩa nhưng đã bị cắt nghĩa sai mà không ai băn khoăn, không ai đặt vấn đề. Một lần, đi trên xe có mấy giáo sư KHXH, nhân thấy đường xá lộn xộn, tôi ra “đề toán”: “Khi đề cập các vấn nạn giao thông, từ các quan chức ngành giao thông đến các phương tiện truyền thông đều cho nguyên nhân tại “ý thức người tham gia giao thông”, theo các thầy, như thế đúng hay sai?”.
Có lẽ biết tôi hay nói “ngược”, các GS – vốn luôn thận trọng – không ai trả lời. Một thầy hỏi lại: – Nếu không phải tại ý thức người tham gia giao thông thì tại cái gì?
– Dạ thưa, các thầy nhiều chữ, chắc thừa hiểu một mệnh đề quan trọng trong học thuyết Mác – Lê nin, rằng “Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”. Đối với lĩnh vực giao thông, “tồn tại xã hội là đường xá (có hợp lý, đạt chuẩn không), là luật lệ (có hợp lý, công bằng không), là CSGT (có nghiêm minh, tử tế không),… Em chả thấy ai giải thích từ những lý do này, lại cứ đổ riết cho ý thức người tham gia giao thông, là cái kết quả chứ không phải cái nguyên nhân, theo đúng nguyên lý Mác – Lê nin.
Tình trạng thực phẩm độc hại đi đâu cũng thấy những tiếng ta thán, nhưng chung quy đều một kết luận: “Người Việt Nam lại hại người Việt Nam” – tức là cũng lại do “ý thức” của người sản xuất và người buôn bán. Không ai nghĩ đến vai trò, nhiệm vụ của hệ thống quản lý nhà nước – những người được dân nuôi và dân ủy quyền để quản trị, điều hành xã hội, cũng là những người có đầy đủ phương tiện và quyền lực để xử lý mỗi vụ việc.
Mới đây, nhân một hôm thấy sân chung cư chỗ tôi ở quá bẩn, tôi đi gặp những người có trách nhiệm để có ý kiến, thì tất cả, từ các bác bảo vệ, tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ,… cho đến mỗi người dân, đều một nhận định: “Ý thức mọi người kém quá”. Tôi hỏi: “Đồng ý có lý do ý thức của mỗi cư dân, nhưng cái gì đã sinh ra ý thức ấy? Có phải trời sinh ra không? Có phải người Việt Nam sinh ra vốn ở bẩn hơn người Tây, người Thái, người Sinh, người Mã Lai không? Và xin hỏi các bác, sinh ra nhà nước, sinh ra hệ thống quản lý để làm gì?
Sơ sơ qua đã đủ thấy chả cứ quan ăn theo nói leo mà trí thức, bình dân cũng ăn theo nói leo. Và nguy hiểm hơn, ngoài ăn theo nói leo giờ lại còn ăn theo nghĩ theo.
TB: Thời trung cổ trở về trước có những dân tộc nhờ sức mạnh cơ bắp mà đi chinh phục các dân tộc khác. Nhưng từ thời cận đại trở đi, sức mạnh một dân tộc là dựa trên trí tuệ. Nhật Bản, Israel, Singapore là những ví dụ. Bóp nghẹt tự do tư tưởng, bắt mọi người nói như nhau, nghĩ như nhau là triệt tiêu sức mạnh dân tộc, làm cho dân tộc trở nên ngu hèn và đi đến bờ vực diệt vong.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire