Tiến sỹ Trần Công Trục
(GDVN) - Khó có thể tránh được nguy cơ Trung Quốc đơn phương áp đặt ADIZ ở
Biển Đông, bởi cách đây không lâu họ tuyên bố các vùng cấm đánh cá, quy chế
biên phòng...
Lâu nay, dư luận đã hết sức quan ngại về một “vùng nhận diện phòng không”
mới sẽ được Trung Quốc công bố thiết lập trên bầu trời Biển Đông.
Gần đây, giới quan sát, phân tích chính trị quốc tế cũng đang bàn tán xôn
xao về những thông tin tín hiệu có liên quan đến sự kiện này.
Philippines Daily Inquirer ngày 16/5 dẫn lời nhà phân tích Richard
Heydarian nhận định, Trung Quốc sẽ sớm thiết lập vùng nhận diện phòng không:
Nhà nghiên cứu Biển Đông
người Philippines,
Richard
Heydarian, ảnh: QZ |
"Người Trung Quốc đang thiếu một
tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang
tiến tới thời điểm đó.
Bây giờ chúng ta đã thấy Trung Quốc họ phát
triển bộ khung của một vùng nhận diện phòng không (bất hợp pháp) ở quần đảo
Trường Sa, sẽ cung cấp cho họ khả năng áp đặt một ADIZ.
Rõ ràng, tất cả các hình ảnh chụp từ vệ
tinh đã chứng minh với chúng ta rằng, Trung Quốc đã hành động ngược với lời họ nói,
đó là thực tế không thể phủ nhận", ông Richard Heydarian nói với
Philippines Daily Inquirer.
Đầu tháng này, kênh CNBC của Mỹ đưa tin, Trung Quốc đã triển khai lắp đặt
hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 và hệ thống tên lửa phòng không
HQ-9B ở trên 3 đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập.
Tháng Tư vừa qua Trung Quốc cũng đã cài đặt thiết bị tác chiến
điện từ gây nhiễu ra đa trên bãi Chữ Thập và Vành Khăn.
Tại một diễn đàn về an ninh hàng hải ở Manila tuần trước, Chuẩn đô đốc
Rommel Jude Ong, Chánh thanh tra Hải quân Philippines nói rằng, sớm muộn Trung
Quốc cũng sẽ đưa chiến đấu cơ ra các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Ông nói: "Một vài ngày trước, chúng tôi rất
ngạc nhiên với các báo cáo rằng Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống hạm
và phòng không lên 3 đảo nhân tạo là Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn.
Tôi cho rằng, bước đi tiếp theo của họ
sẽ là triển khai máy bay tấn công hải quân J-11, có bán kính tác chiến 1.500
km.
Nhìn trên bản đồ, máy bay Trung Quốc có
thể hoạt động trên toàn bộ phạm vi quốc gia quần đảo Philippines, bao gồm cả
các lỗ hổng nghiêm trọng ở Luzon cũng như Palawan"…
Để cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi, đánh giá về những
thông tin nói trên, chúng tôi xin được cung cấp một số thông tin liên quan sau
đây:
Vùng nhận diện phòng không và lịch sử
hình thành
Vùng nhận dạng phòng không (tiếng Anh: Air
Defense Identification Zone, viết tắt tiếng Anh: ADIZ) là vùng bầu trời do một
quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải
nhận dạng, minh định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó.
Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận, nhưng được coi
như khu vực song hành với an ninh quốc phòng.
Để hiểu rõ bản chất vấn đề, chúng ta cần trở lại lịch sử thiết lập các khu
vực nhận diện phòng không trên thế giới.
Qua nghiên cứu thực tế, đúng là trên thế giới đã có hơn 20 quốc gia thiết
lập ADIZ kể từ khi nổ ra Thế chiến 2.
Để bảo vệ không phận và lãnh thổ của mình, Mỹ và Canada đã thiết lập ADIZ
để đề phòng khả năng đối phương tấn công bằng đường không.
Sau này một số quốc gia khác cũng theo thông lệ trên để thiết lập ADIZ của
mình và cơ bản mô phỏng theo ADIZ mà Mỹ đã thiết lập.
Mỹ, quốc gia đầu tiên lập ra khu nhận diện phòng không có quy định và giải
thích rất rõ, ADIZ không phải không phận lãnh thổ của 1 quốc gia mà là 1 vùng
đệm, 1 không gian để nhận diện các phương tiện bay có thể tấn công, đe dọa đến
không phận, an ninh của quốc gia đó.
Khi thiết lập ADIZ, Mỹ chỉ nhằm vào các máy bay được xác định là có ý đồ đe
dọa an ninh quốc gia của họ chứ không phải tất cả các máy bay hàng không dân
dụng đi qua đây.
Mỹ không công nhận quyền của một quốc gia ven biển buộc các máy bay nước
ngoài không có ý định xâm nhập không phận quốc gia ven biển đó phải áp dụng thủ
tục ADIZ của họ.
Đồng thời, Mỹ cũng không buộc các máy bay nước ngoài không có ý định xâm
nhập không phận Mỹ phải áp dụng các thủ tục ADIZ của Mỹ.
Như vậy, bản chất hành động thiết lập ADIZ là nhằm tăng cường theo dõi,
phát hiện và cảnh báo sớm các nguy cơ đối với an ninh quốc gia, ý đồ xâm nhập
bất hợp pháp không phận.
Sau đó, mới đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với các máy bay bay vào khu vực
ADIZ chứ không có nghĩa là được quyền đặt ra quy tắc bắt các máy bay nước ngoài
phải tuân thủ.
Trong điều kiện chiến tranh, khủng bố, có mối đe dọa an ninh quốc gia,
thiết lập ADIZ để phát hiện sớm các mối nguy cơ từ trên không, điều này không
có gì ảnh hưởng đến cộng đồng và là việc làm cần thiết để giảm thiểu rủi ro an
ninh.
Về mặt pháp lý, luật pháp quốc tế chưa có bất cứ quy định nào về khu nhận
diện phòng không của một quốc gia.
Nếu là không phận của các quốc gia có chủ quyền thì đó là khoảng không nằm
trên lãnh thổ đất liền, trên nội thủy và lãnh hải, các đảo, quần đảo thuộc chủ
quyền của quốc gia đó.
Tại các “không phận chủ quyền” này, quốc gia có quyền yêu cầu máy bay nước
khác phải xin phép, báo cáo, tuân thủ các quy định đảm bảo an ninh hàng không
và có thể bị ngăn chặn hoặc bị xử lý thích đáng theo quy định của quốc gia đó
và phù hợp với Luật hàng không quốc tế hiện hành.
Đối với các khu vực thuộc không phận quốc tế, trong đó có thể bao gồm ADIZ
của các nước ven biển, về mặt pháp lý máy bay các nước đi qua đây chỉ cần tuân
thủ luật hàng không quốc tế và không nước ven biển nào có quyền ép buộc máy bay
nước khác tuân thủ quy định, báo cáo lịch bay, làm theo hướng dẫn như là trong
khu vực “không phận chủ quyền” của quốc gia đó vừa phân tích ở trên.
Trong khi đó, vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc ở biển Hoa Đông
được Bộ quốc phòng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xác lập trên bầu trời biển Hoa
Đông và công bố vào ngày 23/11/2013, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku mà Trung
Quốc tuyên bố, có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và không phận của Hàn Quốc.
Khi công bố vùng nhận diện phòng không này, Trung Quốc cho rằng họ công bố
thiết lập ADIZ ở Hoa Đông là “hoàn toàn phù hợp thông lệ quốc tế”.
Bắc Kinh giải thích rằng, cho đến nay, thế giới đã có khoảng 20 nước thiết
lập ADIZ và họ cũng nhấn mạnh ADIZ ở Hoa Đông chỉ nhằm bảo vệ không phận, chủ
quyền, an ninh quốc gia của Trung Quốc trong bối cảnh an ninh khu vực nhiều bất
ổn và đe dọa đến an ninh của họ.
Trung Quốc cho rằng động thái này là chỉ nhằm phòng vệ, không ảnh hưởng gì
đến hàng không quốc tế.
Đó là những gì Bắc Kinh đã nói.
Tuy nhiên, quy chế ADIZ Trung Quốc ban hành lại buộc tất cả các máy bay đi
qua khu vực này phải tuân thủ các quy định của Trung Quốc, tức phía Trung Quốc
có quyền buộc các hãng hàng không phải thông báo kế hoạch bay cho phía Trung
Quốc.
Trong quá trình cơ động qua ADIZ ở Hoa Đông các máy bay nước ngoài phải mở
liên tục phương tiện liên lạc 2 chiều; trả lời các câu hỏi, đáp ứng các yêu
cầu, chỉ dẫn từ phía Trung Quốc.
Nếu không tuân thủ quy chế này, Trung Quốc sẽ áp dụng các “biện pháp phòng
thủ khẩn cấp”.
Vì vậy, khi xem xét phạm vi và quy chế của Vùng nhận dạng phòng không mà
Trung Quốc đã thiết lập và công bố ở Hoa Đông đã cho thấy tính chất phi pháp
của nó. Cụ thể là:
Thứ nhất về phạm vi, nếu theo
công bố của Trung Quốc rõ ràng ADIZ Bắc Kinh thiết lập bao trùm toàn bộ biển
Hoa Đông trong đó bao gồm nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát, tức là
khu vực chủ quyền đang có những tranh chấp phức tạp mà dư luận đang quan tâm.
Trung Quốc công bố ADIZ bao trùm khu vực này là một vấn đề.
Thứ 2, ADIZ của Trung Quốc
tuyên bố chồng lấn lên ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng lại đơn phương áp
đặt mà không có sự thỏa thuận bàn bạc với các nước liên quan. Đây là điều chúng
ta cần lưu ý và Bắc Kinh cần trả lời rõ ràng trước dư luận.
Thứ 3, ngay trong quy chế
ADIZ do Trung Quốc đưa ra, Bắc Kinh muốn giành quyền kiểm soát buộc các hoạt
động hàng không nằm ngoài không phận, lãnh thổ Trung Quốc vẫn phải thông báo kế
hoạch bay, mở ra đa liên tục, trả lời các câu hỏi và nghe theo chỉ dẫn của
Trung Quốc, tức những biện pháp cưỡng chế;
Tôi cho rằng điều này đã vượt quá phạm vi quyền hạn của Trung Quốc và thông
lệ quốc tế.
Việc kiểm soát đảm bảo an ninh hàng không, điều hành điều phối các chuyến bay
quốc tế do Tổ chức hàng không quốc tế phụ trách.
Vì vậy, tuyên bố của Trung Quốc đã đe dọa đến quyền tự do hàng không hợp
pháp của các nước khác trên không phận quốc tế ở Hoa Đông.
Chỉ 3 vấn đề này cũng đã khiến dư luận khu vực và quốc tế phản đối.
Mỹ là nước đầu tiên khởi xướng ra ADIZ và họ hiểu rất rõ nội dung, bản chất
của ADIZ, rõ ràng có điều không bình thường trong tuyên bố của Trung Quốc.
Trước đây trong rất nhiều cuộc họp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế
(ICAO) bàn về phạm vi Vùng thông báo bay (tên tiếng Anh là Flight Information
Region, viết tắt là FIR) Trung Quốc liên tục đòi ICAO “chia lại” FIR của họ lấn
sang một khoảng không rất rộng bao trùm lên không phận quần đảo Hoàng Sa thuộc
chủ quyền của Việt Nam và vùng biển phụ cận đang nằm trong FIR Hồ Chí Minh
(trước 1975 tên gọi là FIR Sài Gòn) của Việt Nam.
Mặc dù về mặt quy định của ICAO, FIR chỉ là vùng trời mang tính kỹ thuật
đơn thuần chứ không mang ý nghĩa chủ quyền lãnh thổ nhưng nước nào quản lý điều
hành FIR nghĩa là họ phải cung cấp các dịch vụ thông báo bay, dịch vụ báo động
theo quy định và quản lý mọi hoạt động bay ở vùng trời đó.
Và đương nhiên khi anh đã cung cấp dịch vụ thì đồng nghĩa việc anh được
phép thu tiền của những hãng hàng không sử dụng dịch vụ đó để thu về ngoại tệ.
Có thể thấy rõ việc quản lý điều hành FIR có ý nghĩa quan trọng cả về kinh
tế lẫn quốc phòng đối với một quốc gia.
Trung Quốc đã nhắm vào điểm này để đòi chia lại FIR ở khu vực Hoàng Sa vốn
đã được ICAO phân cho Việt Nam tưởng chừng chỉ thuần túy về mặt kỹ thuật, nhưng
thực tế nếu Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế và các nước liên quan như Việt
Nam thừa nhận yêu cầu đó thì đã gián tiếp thừa nhận “chủ quyền” Trung Quốc ở
Hoàng Sa.
Chúng ta đã phát hiện ra âm mưu này và đấu tranh liên tục và ICAO quyết
định vẫn duy trì Vùng thông báo bay đã công nhận của Việt Nam ở Hoàng Sa và các
vùng biển phụ cận.
Thủ đoạn của Trung Quốc áp dụng nhìn bề ngoài thường mang tính chất kĩ
thuật, thương mại mà họ vẫn làm trong lĩnh vực hàng không, địa chất, khí tượng….nhưng
bản chất lại nhằm để giành lấy sự công nhận mặc nhiên hay vô tình của các tổ
chức quốc tế, thậm chí là các nước có liên quan về cái gọi là "chủ
quyền" của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp.
Tôi cho rằng đó mới là tính toán, thâm ý của Trung Quốc.
Nếu các quốc gia có liên quan không có thái độ cương quyết và phản ứng dứt
khoát với ADIZ ở Hoa Đông sẽ dẫn đến mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Trung
Quốc ở không phận phía trên khu vực có tranh chấp trong khi bề mặt nhóm đảo
Senkaku do Nhật Bản kiểm soát.
Nếu hàng không Nhật Bản tuân thủ quy chế của Trung Quốc là mặc nhiên thừa
nhận “không phận, chủ quyền” của Trung Quốc ở Senkaku.
Trung Quốc đã đánh vào an toàn cho hành khách trên các chuyến bay và hoạt
động kinh doanh của các hãng hàng không... rõ ràng là một tính toán hết sức
nguy hiểm.
Ngoại trưởng Úc đã triệu kiến Đại sứ Trung Quốc Mã Triều Húc tới yêu
cầu giải thích về cái gọi là khu nhận diện phòng không ở Hoa Đông, một phản ứng
mạnh mẽ Bắc Kinh không thể ngờ tới.
Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc thậm chí là đảo Đài Loan đều phản đối, thậm chí bằng
cả hành động điều B-52 thách thức quy chế ADIZ của Trung Quốc ở Hoa Đông ngay
sau khi Bắc Kinh tuyên bố.
Rõ ràng là tuyên bố của Trung Quốc đã vượt quá thông lệ quốc tế và xâm phạm
lợi ích chính đáng của các nước khác.
Phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, Nhật Bản và các nước liên quan là hoàn toàn chính
xác và không có gì đáng ngạc nhiên. Đó là điều chúng ta phải lưu ý.
Thời điểm nào Trung Quốc sẽ công bố ADIZ
ở Biển Đông và ứng phó của chúng ta?
Trên một tinh thần thật sự khách quan và cầu thị, chúng ta không có quyền
phê phán những hoạt động mang tính chất phòng thủ chính đáng của Trung Quốc,
nhưng chúng ta không chấp nhận các thủ đoạn lợi dụng việc thiết lập ADIZ để xâm
hại lợi ích hợp pháp của khu vực và quốc tế.
Sự kiện Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Hoa Đông, điều cụm tàu sân bay Liêu Ninh
xuống Biển Đông….Và, gần đây, đã lên tiếng công khai chủ trương thiết lập ADIZ
ở Biển Đông… có thể cho thấy nguy cơ này hoàn toàn có thật và cũng có khả năng
sẽ xảy ra.
Bởi vì, đây là 1 mũi tiến công mà Trung Quốc đã từng khai thác để phục vụ
cho mục tiêu bảo vệ yêu sách bất hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, vào lúc này, thời cơ chưa chín muồi, do Trung Quốc đang gồng
mình đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và lực lượng quân sự của Mỹ
đang được tăng cường tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dưới thời Donal
Trump…
Chúng ta đã rất mềm dẻo muốn ngồi lại đàm phán xử lý các tranh chấp một
cách êm thấm, không muốn để xảy ra xung đột, đối đầu ở Biển Đông.
Nhưng qua những sự kiện này nếu chúng ta cho rằng, Trung Quốc đã thay đổi
và trở nên thiện chí hơn thì cần xem xét lại.
Chính những việc làm của Trung Quốc đã khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ các
tuyên bố của Trung Quốc, cái gọi là thiện chí của họ.
Cho dù không muốn nghĩ đến mũi tiến công xâm lược mang tên ADIZ sẽ xảy ra
trong Biển Đông, nhưng rõ ràng các động thái vừa qua của Trung Quốc ở Hoa Đông
và Biển Đông khiến dư luận không thể không quan ngại về đám mây u ám này sẽ bao
phủ lên bầu trời Biển Đông.
Vì vậy theo chúng tôi, chúng ta không thể chủ quan.
Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng có liên quan phải tính toán ngay đến
các khả năng, kịch bản như những gì đang diễn ra ở Hoa Đông và nghiên cứu các
biện pháp đối phó, phản ứng kịp thời, tránh để bị động, lúng túng.
Chúng tôi nghĩ khó có thể tránh được nguy cơ Trung Quốc đơn phương áp đặt
ADIZ ở Biển Đông, bởi cách đây không lâu Trung Quốc quy định các vùng cấm đánh
cá, quy chế biên phòng ở Biển Đông một cách bất hợp pháp.
Nếu Trung Quốc thành công trong việc áp đặt ADIZ ở Hoa Đông thì chắc chắn
họ sẽ tiếp tục làm ở Biển Đông, nếu các quốc gia liên quan và tổ chức hàng
không dân dụng quốc tế không đồng lòng lên tiếng phản đối và áp dụng các biện
pháp nhằm vô hiệu hóa mũi tiến công xâm lược này.
Tôi cho rằng thời đại hiện nay, việc giữ gìn an ninh hàng hải rất quan
trọng, nhưng an ninh hàng không quan trọng không kém, thậm chí là hàng đầu vì
đó là nơi dễ bị xâm phạm, dễ uy hiếp chủ quyền quốc gia và an ninh, quốc phòng
nhiều nhất.
Tiến sỹ Trần Công Trục
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire