Trang

03/10/2018

Giới quan sát nói ông Đỗ Mười vừa bảo thủ vừa đổi mới


Ông Đỗ Mười dự phiên khai mạc Đại hội Đảng 12 năm 2016

Các nhà bình luận nước ngoài chia sẻ với BBC nhận định về vai trò của ông Đỗ Mười sau khi nhận tin nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam qua đời ngày 1/10/2018.
Trong cương vị Tổng Bí thư của Đảng (6/1991-12/1997), ông Đỗ Mười giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp tục cải cách kinh tế, hội nhập quốc tế và duy trì vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Murray Hiebert, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington DC

Nhiều nhà quan sát tưởng rằng ông Đỗ Mười, người vốn luôn xây dựng đồng thuận trong Đảng, sẽ làm chậm lại cải cách kinh tế khi ông lên làm thủ tướng và sau đó làm tổng bí thư.
Nhiều người nhớ ông từng dẫn dắt việc thi hành một số chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa cứng rắn ở miền Nam đầu thập niên 1980. Họ nghĩ rằng ông sẽ làm chậm lại cải cách kinh tế.
Nhưng ông làm họ ngạc nhiên, và tiếp tục di sản cải tổ kinh tế của ông Nguyễn Văn Linh.
Khi trở thành tổng bí thư, ông Đỗ Mười nhận ra cải tổ kinh tế, nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ, là cần thiết để kinh tế tăng trưởng, thúc đẩy đầu tư, và bảo vệ sự tồn tại trong tương lai của Đảng Cộng sản.

David W.P. Elliott, tác giả cuốn Changing Worlds: Vietnam's Transition from Cold War to Globalization (2012)

Cuốn sách của tôi có viết về ông Đỗ Mười, thường được xem là phản đối cải cách trong giai đoạn lãnh đạo thập niên 1990 và trực tiếp dẫn dắt "chuyển hóa chủ nghĩa xã hội" cuối thập niên 1970. 

Hội nghị Thành Đô năm 1991 đã bình thường hóa quan hệ Việt - Trung sau nhiều năm xung đột. Các vị khách Việt Nam trong phần nửa phải của hình gồm có Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng

Ông cũng là nhà lãnh đạo có chuyến đi Trung Quốc năm 1991 để xin lỗi và phục hồi quan hệ (nguyên văn: to apologize for past transgressions and restore relations).
Thời kỳ ông lãnh đạo mang dấu ấn thận trọng và bảo thủ, trì hoãn việc giao quyền cho một thế hệ trẻ hơn. Ông lãnh đạo Việt Nam từ Đại hội Đảng 7 năm 1991 đến cuối 1997, đặt dấu ấn lên các chính sách trong phần lớn thập niên 1990.
Việc lựa chọn lãnh đạo Đảng mới theo nguyên tắc lẽ ra được làm ở Đại hội Đảng lần thứ 8 năm 1996. Tuy nhiên, Đại hội bế tắc về chính sách và nhân sự, và một tân tổng bí thư chỉ được chọn ra vào cuối năm 1997, là ông Lê Khả Phiêu. Không ngạc nhiên khi cả ông Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu rất nhạy cảm trước nhu cầu cần phải cân bằng các lợi ích đối kháng, và họ không thể có hành động táo bạo dù để thúc đẩy hay phá bỏ cải cách.
Sự chủ quan do thành công tương đối của cải cách hạn chế giai đoạn từ 1991 đến 1996, bị cú sốc vì "bốn trận bão": giảm tăng trưởng kinh tế; bất ổn nông thôn ở tỉnh Thái Bình cuối 1997; một trận bão số 5 năm 1997; và khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98. Trong bối cảnh đó, việc chuyển giao thế hệ được thi hành một phần nào. Hội nghị Trung ương lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 12/1997 bầu ông Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư thay ông Đỗ Mười, thông qua việc từ nhiệm khỏi Bộ Chính trị của các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt để làm "cố vấn".
Mặc dù có những sai lầm, ông Đỗ Mười là nhân vật chuyển giao quan trọng trong việc dịch chuyển tranh luận chính sách, từ cách áp đặt của lãnh đạo cao cấp chuyển sang thuyết phục các nhóm lợi ích và dư luận chính.
Sự cứng nhắc mà ông bị phê phán cũng chứng tỏ ông không chịu hay không thể tiến hành các chính sách bảo thủ mà không có sự ủng hộ đồng thuận. Ngoài ra, sự bế tắc chính sách xuất phát từ sự đa nguyên chính sách: có sự kết hợp của cả phương thức cải tổ và bảo thủ, thành ra cải tổ vẫn tồn tại, tuy không nở rộ. Phe bảo thủ có thể làm chậm nhưng không thể ngừng động lực cải cách.

Anton Tsvetov, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, Moscow

Ông Đỗ Mười là một trong những chính khách phủ bóng lên lịch sử Việt Nam.
Cuộc đời ông, kéo dài hơn một thế kỷ, cũng nhắc nhở về thay đổi mà Việt Nam trải qua suốt một đời người.
Ông sinh ra trong những tháng khi nước Nga chứng kiến cách mạng chống vương triều để mở đường cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sự kiện đó truyền cảm hứng cho các lực lượng cộng sản toàn thế giới, như Việt Nam. Ông Đỗ Mười ở trong trung tâm của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp, sự can thiệp của Mỹ và rồi trở thành một trong các lãnh đạo Việt Nam trong những năm khó khăn của "chủ nghĩa xã hội thuần túy".
Quan trọng hơn cả, ông lên đến đỉnh cao tại một thời điểm quyết định trong lịch sử Việt Nam, trở thành một trong những kiến trúc sư của Đổi Mới. Đầu thập niên 1990, khi ông trở thành Tổng Bí thư, là lúc Việt Nam có biến đổi nhanh chóng hướng tới kinh tế mang màu sắc thị trường.
Quan trọng không kém, lúc đó là thời mở cửa của đất nước, thiết lập quan hệ quốc tế rộng rãi, gia nhập cộng đồng quốc tế, khôi phục quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập Asean.
Một điểm mang tính cá nhân, tôi sống ở Việt Nam những năm tháng đó. Tôi còn nhớ nhịp độ thay đổi và phát triển của đất nước thật đáng kinh ngạc. Cảm giác như con người khi đó tìm thấy lập trường hoàn toàn mới mẻ về cuộc sống, đất nước rốt cuộc bắt đầu thoải mái với lời hứa hẹn về cuộc sống phồn vinh, an bình.

Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, Honolulu, Hawaii

Ông Đỗ Mười là nhà lãnh đạo "bản lề" của Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới.
Ông là Thủ tướng cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Trên những cương vị này, ông đã để lại dấu ấn to lớn lên quá trình Đổi Mới cũng như con đường đi của Việt Nam trong những thập niên vừa qua.
Không như các lãnh tụ cộng sản trước ông như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, nhưng lại giống các lãnh tụ sau này như Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, sự lãnh đạo của ông Đỗ Mười không có chiều sâu triết lý. Ông có lúc uyển chuyển, thực tế nhưng nhiều lúc giáo điều, cứng nhắc mà không theo một quy luật nào.
Một quyết định đầy tính uyển chuyển và thực tế của ông là cho đình chỉ in tiền, nâng lãi suất ngân hàng, phá giá đồng tiền Việt Nam, cho kinh doanh vàng bạc tự do. Đây là một quyết định có ý nghĩa cách mạng lúc đó (1989) vì vấp phải cản trở giáo điều của đa số các quan chức chính phủ và không nhận được sự đồng thuận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhưng nó đã giúp Việt Nam chống lại thành công lạm phát phi mã trong cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội cuối những năm 1980.

Tổng Bí thư Đỗ Mười tiếp Tổng thống Pháp Jacques Chirac ngày 12/11/1997 ở Hà Nội


Tuy nhiên, ông Đỗ Mười cũng góp công làm chậm quá trình cải cách trong nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Ông là một lực cản quá trình gia nhập Asean và là một tiếng nói mạnh mẽ chống lại việc gia nhập WTO của Việt Nam.
Với cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và sau này là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, ông để lại nhiều dấu ấn không chỉ trong các chính sách của Đảng mà đặc biệt là công tác cán bộ, tức là việc bổ nhiệm các lãnh đạo của đất nước. Việc bổ nhiệm cũng như miễn nhiệm Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có dấu ấn lớn của ông Đỗ Mười.
Có thể nói ông Đỗ Mười cùng với Nguyễn Văn Linh là hai người để lại dấu ấn lớn nhất và là hai người "đặt đường ray" cho thời kỳ "Đổi Mới" của Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ 1986-2006.

Regina Abrami, Trưởng khoa nghiên cứu quốc tế, Viện Lauder, Hoa Kỳ

Ông Đỗ Mười trước hết là một tín đồ xã hội chủ nghĩa kiên định.
Trong thập niên 1990, khi sức ép đòi hỏi tự do kinh tế và chính trị tăng lên, ông Đỗ Mười khẳng định phải từ từ.
Để làm điều đó, ông xây dựng liên minh với các thành tố chính trị, xã hội, kinh tế mà có thể bị ảnh hưởng vì sức ép. Do đó, ông thường được mô tả là nhà bảo thủ, nhưng nhãn hiệu này gây hiểu nhầm.
Nếu ông có bảo thủ về một chuyện, thì đó là bảo vệ quyền uy tối cao của Đảng Cộng sản. Nhưng đồng thời, nó cũng có thể có nghĩa là thúc đẩy "dân chủ trong nội bộ Đảng" và ủng hộ quan hệ chính trị gần hơn với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Brantly Womack, Đại học Virginia, Hoa Kỳ

Giống như Hồ Chí Minh, ông Đỗ Mười tin vào sự lãnh đạo tập thể và xây dựng đồng thuận.
Mặc dù ông hành động chậm hơn một số người mong muốn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã duy trì cả đoàn kết và chấp nhận quan điểm khác của nhau trong những lúc khó khăn.
Giai đoạn ông làm tổng bí thư cũng chứng kiến tiến bộ to lớn trong các quan hệ quốc tế của Việt Nam như bình thường hóa với Trung Quốc (1991), gia nhập Asean (1995), và bình thường hóa với Hoa Kỳ (1995).


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire