Trang

20/10/2018

MẤT TRỘM MỚI RÀO GIẬU


Phạm Trần


Tổng Bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng nhận  thêm chức Chủ tịch nước từ chiều ngày 23/10/2018, sau cuộc bỏ phiếu kín của  Quốc hội nhưng liệu tam đầu chế gồm ông, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 14 Ủy viên Bộ Chính trị có dám công bố bản kê khai tài sản cho dân kiểm tra để làm gương, hay vì, như lời ông nói : “khó, nhạy cảm và phức tạp” nên cứ im đi cho đẹp lòng nhau ?

Thắc mắc này đã có từ lâu nhưng không ai, kể cả lớp đàn anh của ông Trọng trong đảng, dám công khai nêu lên, dù nhiều người khen ông đã có quyết  tâm chống tham nhũng và coi ông là người có đủ điều kiện và xứng đáng được giữ luôn chức Chủ tịch nước cho tiện việc quốc gia và ngoại giao quốc tế.



Ông Trọng đã được Ban Chấp hành Trung ương đồng thuận “giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV”, bắt đầu từ ngày 22/10/2018. Nhưng không biết ai đã có sáng kiến nhập hai chức danh Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch nước làm một, hay thủ tục nào  đã được Trung ương đảng áp dụng  tại phiên họp ngày 03/10/2018,  để cử ông Trọng.


Việc gì ở Việt Nam cũng do Bộ Chính trị quyết định cả, mà ông Trọng lại đứng đầu cơ chế này, trong khi Quốc hội chỉ đóng vai “đóng dấu cho xong” nên thủ tục pháp chế theo tiêu chuẩn ở  các nước tự do và dân chủ không bao giờ được coi là phải có.

VIỆC MỚI - CHUYỆN CŨ

Bên cạnh chuyện ông Trọng một mình ngồi 2 ghế,  sau 5 ngày họp của Trung ương 8 (từ 02-06/10/2018) Trung ương còn  đồng ý ban hành “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là 
ủy viên Bộ Chính trịủy viên Ban Bí thưủy viên Trung ương đảng”.


Nhưng theo lời ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Bồi dưỡng và Đào tạo, Ban Tổ chức trung ương nói với báo chí tại Hà Nội thì : “Đã có 148 lượt ý kiến của các ủy viên Trung ương khi thảo luận về dự thảo Quy định….Khi xây dựng dự thảo này, Tổng Bí thư đã đánh giá đây là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp nên Ban Tổ chức Trung ương và chúng tôi trong nhóm soạn thảo đã rất thận trọng. Trong quá trình nghiên cứu đã báo cáo Ban Bí thư một lần, Bộ Chính trị hai lần và phát phiếu xin ý kiến các ủy viên Trung ương… Kết quả thảo luận ở Trung ương 8 thì nhất trí cao ban hành quy định này nhưng yêu cầu Bộ Chính trị chỉ đạo hoàn thiện tiếp và một vòng lấy ý kiến các ủy viên Trung ương nữa, rồi mới ký ban hành”

Như vậy là chưa suôn sẻ. Tại sao chỉ có 148 trên tổng số 178 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết cho ý kiến ?  Còn lại 40 Ủy viên không có ý kiến đối với Quy định phải làm gương, hay họ không muốn tham gia thảo luận một Quy định liên quan đền cá nhân mình ?


Vì vậy việc “phải hoàn thiện tiếp bản Quy định và cần thêm một vòng lấy ý kiến” các ủy viên Trung ương sẽ kéo dài bao lâu chưa ai biết.

Nhưng nội dung Quy định làm gương mới có gì khác với hàng hà sa số những Nghị quyết và Quy định đã được ban hành từ khi ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thứ đảng Khóa XI năm 2011 ?

Nhìn chung không có gì bất thường và đặc biệt , ngoại trừ  mục đích đặt trọng tâm vào những người đứng đầu guồng máy cai trị, trong số này quan trọng nhất là các
ủy viên Bộ Chính trịủy viên Ban Bí thưủy viên Trung ương đảng.


Tại sao đến bây giờ sau gần 8 năm cầm quyền mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn phải tơi tả và mất ăn mất ngủ  với những tính hư tật xấu và sự bất tuân lệnh trên của đội ngũ cán bộ, nhất là những kẻ có chức có quyền đã và đang làm cho đất nước suy thoái và dân ngày một nghèo thêm ?

Nếu duyệt qua những “Quy định 101, ngày 07/06/2012 của Ban Bí thư “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” ; Quy định 47 ngày 01/11/2011
về những điều đảng viên không được làm” gồm 19 điều; Quy định 55 của Bộ Chính trị ngày 19/12/2016 về “một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; và sau cùng là Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 “về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm”  của Bộ Chính trị thì sẽ thấy dự thảo Quy định làm gương cũng chỉ lập lại những việc đã thất bại.


Nếu đáng chú ý chăng là 2 điểm của Dự thảo yêu cầu :

(1) “Các ủy viên phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.

(2) “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật...”

LIỆU LÀM ĐƯỢC KHÔNG ?



Hai đòi hỏi của Quy định làm gương nếu chỉ viết để coi chơi thì được chứ thi hành có kết quả thì khó đấy, nếu đảng vẫn tiếp tục che mắt nhân dân những bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên nhất là các cấp lãnh đạo và các ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư và Ban chấp hành Trung ương.



Chỉ có cách duy nhất có thể lấy lại lòng tin cho nhân dân và làm gương cho cả đảng là trước tiên ông Nguyễn Phú Trọng, trong 2 vai vừa Tổng Bí thư và Chủ tịch nước hãy cùng với Chủ tịch Quốc hội (bà Nguyễn Thị Kim Ngân); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tam đầu chế của chế độ,  và 14 Ủy viên còn lại của Bộ Chính trị bạch hóa cho toàn dân thấy tờ khai tài sản của mình có gì.

Sau đó, đến lượt tất cả các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương xuống đến lãnh đạo địa phương và các Tổ chức, đoàn thể  của đảng và của Mặt trận Tổ quốc cũng làm như thế như một phong trào làm gương thì may ra mới chu toàn được chủ trương “nói đi đôi với làm”.


Nhưng trước khi muốn xâm mình liều mạng thì cả đảng hãy lắng nghe ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng nói với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Việt Nam).


VOV viết:” Để thanh lọc, đấu tranh với nạn tham nhũng, dù khi đó mới chỉ là tham nhũng vặt, ông Hương không khỏi day dứt khi chứng kiến tình trạng tham nhũng hiện nay đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, con số mất mát lên tới hàng nghìn tỷ đồng và điều đau xót hơn cả, theo ông Hương chính là chúng ta đều biết đồng chí mình, cán bộ mình bắt tay nhau để ăn cắp của đất nước.”



“Liên hệ đến những vụ đại án gần đây thiệt hại hàng nghìn tỷ”, VOV viết tiếp, “ông Hương trầm ngâm “Cán bộ tham nhũng, đút lót nhau hàng trăm tỷ, nhưng chưa thấy ai từ chức vì sai phạm. Cả cuộc đời 60 năm làm công tác tổ chức cán bộ, tôi chưa thấy ai từ chức”. (VOV, ngày 06/07/2018)

Như vậy thì hy vọng gì ở lời kêu gọi của dự thảo Quy định làm gương của “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức”  khi không làm tròn nhiệm vụ ?

Nhất là khi đã có một số cán bộ từng khai khi không chứng minh được nguồn gốc khối lượng tài sản khổng lồ của họ :“khối tài sản đó có được là từ bán chổi hay nuôi gà, heo” !

NHỮNG ĐIỀU CẤM KỴ


Để biết thêm dự thảo Làm gương viết gì, dưới đây là thông tin đã được lan rộng trong nước, dù đảng cố gắng giấu :


Dự thảo được xây dựng ngắn gọn với 4 điều. Trong đó,

Điều 1: “quy định tất cả cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải gương mẫu chấp hành cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.


Đồng thời nghiêm túc thực hiện quy định về: "Những điều đảng viên không được làm", "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp", "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên".

Minh bạch kê khai tài sản, thu nhập”


Một trong những nội dung quan trọng, nổi bật là quy định
Điều 2: “nêu gương trách nhiệm của các 
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương.


Theo đó, các Ủy viên phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hy sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.


Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Quyết đoán, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; xử lý nhanh, hiệu quả những tình huống khẩn cấp, bất ngờ.


Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương đề cao nhân cách, đạo đức trong lãnh đạo, quản lý; thường xuyên đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm…


Cán bộ thuộc diện này phải gương mẫu thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch và giữ vững nguyên tắc trong công tác cán bộ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận và người thay thế mình; khuyến khích, bảo vệ cán bộ thẳng thắn, trung thực, năng động, sáng tạo, đổi mới. Chú trọng phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài.


Đáng chú ý, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tích cực thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.  Các ủy viên phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.


Đồng thời nghiêm túc, công tâm, khách quan, cầu thị trong tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh. Dũng cảm nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi; không định kiến, trù dập người góp ý, phê bình. Không lợi dụng phê bình để xu nịnh, lấy lòng, thổi phồng thành tích hoặc bôi nhọ, cường điệu khuyết điểm, hạ thấp uy tín của nhau.


Bên cạnh đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật...”


Điều 3: “quy định từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lộ; chạy chức, chạy quyền; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi… đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.”


Điều 4 : “quy định trách nhiệm của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; BCH Trung ương phải xác định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định.

"Không loại trừ ai, bất kỳ vị trí nào"


"Dự thảo quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống".

Trong số này có những yêu cầu :

1)”Không đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thành tích, "tư duy nhiệm kỳ", công thần, tự cao, tự đại, háo danh, phô trương, "đánh bóng" tên tuổi...”

2) Chống đoàn kết xuôi chiều, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, cơ hội, thực dụng, nịnh trên, nọt dưới; quan liêu, xa dân, gây phiên hà, hách dịch với nhân dân; lợi dụng tập thể để trốn tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện ý đồ cá nhân.


3) Chống lạm quyền, lộng quyền, tham vọng quyền lực; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách để trục lợi; lợi ích cục bộ, thông đồng, thỏa hiệp, tạo cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp".


4) Chống việc can thiệp không đúng thẩm quyền vào công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…”


5) Chống lợi dụng Doanh nghiệp  hoặc để Doanh nghiệp lợi dụng; liên kết lập "sân sau ”, "lợi lch nhóm"; dung túng, bao che, móc ngoặc, thông đồng với Doanh nghiệp trục lợi. Việc sử dụng tiền, tài sản của DN, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người thân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ... cũng phải kiên quyết chống.

6)
 Chống  để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình can thiệp, chi phối, thao túng các công việc cùa địa phương, cơ quan, đơn vị, Doanh  nghiệp  như công tác cán bộ, xin dự án, cấp đất, đấu thầu, mua cổ phần...


7) Chống sống xa hoa, phô trương, ngạo mạn, coi thường pháp luật, sa vào các tệ nạn xã hội;


8) Chống chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, phiếu tín nhiệm…

9) Chống can thiệp, gây áp lực trong công tác cán bộ, nhất là lợi dụng quy trình để bổ nhiệm, bố trí người nhà, “cánh hẩu” vào các vị trí, chức danh lãnh đạo, quản lý và nơi có nhiều lợi ích.

(Tổng hợp từ Zing.VN và VietnamNet)




Nhìn chung, những quy định trên đây  đã có những tiến bộ, nhưng riêng điều cấm đầu tư hay mua bất động sản ở nước ngoài là những việc làm khó thực hiện vì bấy lâu nay, có vô số căn nhà đắt tiền triệu hay các cửa hàng, công ty buôn bán hàng chục triệu Dollars đã được bí mật sang tên cho người Việt Nam khác đứng tên ở Mỹ, đặc biệt ở California, nhưng không ai biết chủ nhân thật của chúng là ai.



Ngoài ra từ năm 2015, chuyên gia kinh tế Liên Hiệp Quốc Vũ Quang Việt đã có lần tiết lộ con số 33 Tỷ dollars đã ra khỏi Việt Nam bằng nhiều ngõ ngách, kể cả “nhập lậu và có dấu hiệu tham nhũng”.

Ông Việt viết trê báo Đất Việt ngày 26/01/2015:” Con số 33 tỷ USD của Việt Nam chảy ra nước ngoài không hợp pháp từ năm 2008 đến năm  2013 là có thật, và đặc biệt là mức chảy ra ngoài tăng mạnh từ sau năm 2008.  Năm 2009, số tiền chảy ra nước ngoài trên 9 tỷ USD, từ năm 2010 có giảm xuống nhưng lại ngày càng tăng và đạt mức gần 9 tỷ năm 2013 . Đây là con số tính được từ bản cân đối thanh toán với nước ngoài.”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng đã từng nói với báo Đất Việt trong nước (03/01/2015)  rằng:”Khi ở California tôi đã chứng kiến nhiều người Việt chồng cả vali tiền mặt (có khi lên tới hàng trăm ngàn USD) để mua nhà, mua biệt thự ở đây. Câu hỏi đặt ra là tiền mặt ở đâu mà lớn thế?”

Ông còn cho biết thêm:”Rất nhiều phương tiện truyền thông đã nói tới những hình thức rửa tiền nhằm hợp thức hóa lượng tiền chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam. Đây là một trong những cách đó.”


Như vậy thì có phải đảng CSVN đã mất trộm rồi mới rào giậu phải  không ? -/-



Phạm Trần

(10/018)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire