Trang

30/10/2018

Pháp trị hay Nhân trị (2)


Xuân Dương :"Nhân đạo với kẻ phạm tội là bất nhân với người vô tội. Người bị kết luận “vi phạm rất nghiêm trọng” mà vẫn ngồi ở ngôi cao, vẫn không bị đưa ra tòa thì lòng dân không phục.

Chỉ chiếc lều chăn vịt dựng trong vườn nhà hoặc quán cà phê đã bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan công quyền còn hàng trăm biệt phủ lấn chiếm đất công, thậm chí lấn chiếm cả rừng phòng hộ hoặc hành lang bảo vệ đê vẫn nghênh ngang tồn tại thì phải hỏi tại sao lại như thế? "



Vậy quản lý một quốc gia cần “Nhân trị” hay chỉ là “Pháp trị”?

“Nhân trị” trong một thời gian dài là sự cai trị của người đứng đầu (nhà vua) trong vương quốc được thừa kế hoặc chiếm đoạt được bằng vũ lực. 

Khi vua đã quyết thì thần dân, kể cả tể tướng hay hoàng tộc đều phải tuân thủ và không có chuyện thảo luận trừ khi được vua cho phép.

Tuy nhiên quan điểm “Nhân trị” là cách cai trị dựa vào đạo đức của người đứng đầu (hoặc giới cầm quyền) được không ít người tán đồng.

Thời nhà Trần, chế độ phong kiến tập quyền đạt cực thịnh, nhà nước có 6 bộ là Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình, Bộ Công, Bộ Lại.

Tuy nhiên chỉ có bốn lĩnh vực quản lý xã hội được quan tâm gồm: “lễ, nhạc, chính, hình”. “Lễ” (đạo đức) đứng đầu, “Nhạc” (văn hóa) thứ hai, “Chính” (hành chính) thứ ba và “Hình” (pháp luật) xếp cuối cùng.

“Nhân trị” thời xưa coi trọng “Lễ” mà xem nhẹ “Pháp” bởi vua là Thiên tử (con Trời), ý vua là bất khả kháng.

Dẫu có là như thế thì dân vẫn có những hình thức thể hiện sự bất tuân, chẳng hạn:

“Tháng chín có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng”.

Hoặc

Quan có cần nhưng dân chưa vội

Quan có vội quan lội quan sang”…

“Nhân trị” theo cách hiểu ngày nay có điểm tương đồng với ngày xưa khi “Độc quyền thiểu số” được thực hiện. Mặc dù quốc gia có luật song vẫn tồn tại phổ biến tình trạng “lãnh đạo thích gì thì đó là luật”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tcnn.vn

Trong xã hội được quản lý bằng “Nhân trị” theo hướng “độc quyền thiểu số”, người lãnh đạo không bị hạn chế cả về sự việc lẫn phương thức.

Sự nguy hiểm xuất phát từ đây bởi người lãnh đạo có thể làm cả những việc pháp luật không cho phép.

Tuy nhiên đó lại không phải là sự nguy hiểm nhất, nguy hiểm nhất là sự nhầm lẫn của dân chúng khi “Nhân trị thiểu số” núp dưới chiêu bài đạo đức, pháp luật được quảng bá nhưng việc thực thi lại không đến nơi đến chốn, với dân chúng thì khắt khe, với “nhóm lợi ích” hay họ hàng, dòng tộc lại tùy tiện.

Gần 600 năm trước, Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” viết: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo”.

Bình Ngô đại cáo không chỉ là tuyên ngôn thắng trận mà còn là lời khuyên của vị khai quốc công thần với nhà vua ở thời điểm người Việt xem “Nhân trị” là đương nhiên, là con đường tất yếu của quá trình dựng nước và giữ nước.

Xưng đế, lập quốc, có một vị vua người Việt, có nền độc lập trước kẻ thù phương Bắc là nguyện vọng cháy bỏng của người dân Giao chỉ, của nhà nước Âu Lạc, Đại Việt,… từ khi lập quốc.

Từ năm 1930, đặc biệt là sau năm 1945, những người nông dân, công nhân, trí thức nghe theo tiếng gọi của Việt Minh tham gia đánh Pháp, đuổi Nhật không mấy người tự đặt câu hỏi sau này đất nước sẽ theo con đường “Pháp trị” hay “Nhân trị” bởi khi cách mạng thành công hơn 90% người Việt không biết đọc, biết viết.
Nước Việt Nam cho đến năm 1945 - khi cách mạng tháng 8 thành công - việc cai trị (quản lý) miền Bắc và miền Trung vẫn theo thể chế “Nhân trị”. 

Như vậy “Nhân trị” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử phát triển của nước Việt và dân tộc Việt cho đến khi đánh đổ thực dân phong kiến, tạo dựng nền dân chủ cộng hòa.

“Nhân trị của thiểu số” hay sự tập trung quyền lực vào một cá nhân không phải là xấu nếu chú ý đến vai trò lịch sử của phương thức quản lý quốc gia này.

Cũng không trở nên xấu nếu người nắm trong tay quyền lực trị quốc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích nhóm hay dòng tộc.

Người đứng đầu quốc gia thấm nhuần tư tưởng “chí nhân, đại nghĩa” sẽ giúp tạo nên sức mạnh dân tộc, giúp người Việt chiến thắng các thế lực thù địch cả trong lẫn ngoài.

Nói cách khác, người lãnh đạo đặt luật pháp ở vị trí cao nhất, nếu biết kết hợp cả “chí nhân, đại nghĩa” với sự “thượng tôn pháp luật” thì chắc chắn đó là hồng phúc của dân tộc.

Tuy nhiên hy vọng dùng “Chí nhân, đại nghĩa” để cảm hóa những kẻ cuồng tín, dùng sự trong sạch của bản thân đề cấp dưới noi theo nhằm quản lý xã hội đúng nhưng không đủ.

Nhân đạo với kẻ phạm tội là bất nhân với người vô tội. Người bị kết luận “vi phạm rất nghiêm trọng” mà vẫn ngồi ở ngôi cao, vẫn không bị đưa ra tòa thì lòng dân không phục.

Chỉ chiếc lều chăn vịt dựng trong vườn nhà hoặc quán cà phê đã bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan công quyền còn hàng trăm biệt phủ lấn chiếm đất công, thậm chí lấn chiếm cả rừng phòng hộ hoặc hành lang bảo vệ đê vẫn nghênh ngang tồn tại thì phải hỏi tại sao lại như thế?

Một khi đã thực hiện “đảm nhiệm hai vai” nhằm tạo bước đột phá đổi mới thể chế thì việc không thể không tiến hành là đồng nhất “kỷ luật” của tổ chức với pháp luật của nhà nước.

Một tổ chức chính trị giữ vai trò lãnh đạo đất nước theo hiến định thì không nên có chuyện tách kỷ luật của tổ chức khỏi pháp luật, cũng không thể có chuyện kỷ luật của tổ chức nhẹ hơn các hình thức xử lý của pháp luật.

Nếu “vi phạm” điều lệ của tổ chức được xác định ở mức “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng” thì cũng có nghĩa phải tương đương với “phạm pháp” ở mức “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

Tránh “nhẹ trên, nặng dưới” giờ đây còn phải kèm theo tránh “nhẹ trong, nặng ngoài”.

Xã hội không được quản lý bởi (chứ không phải bằng) pháp luật tiềm ẩn nhiều rủi ro vì con người khi trưởng thành luôn mang trong mình thiện và ác.

Không ít ý kiến cho rằng con người là sinh vật “ngu xuẩn nhất” trong thế giới sinh vật bởi chỉ duy nhất con người là tự hủy hoại môi trường sống của chính mình.

Lòng tham của con người luôn là chiếc túi không đáy, tiền nhiều bao nhiêu cũng vẫn thiếu, đất rộng bao nhiêu cũng không đủ, ngôi cao đến mấy cũng không thỏa mãn.

Có thể thấy “Nhân trị” hiểu theo cách cai trị bằng đạo đức chỉ nên xem là một sự kết hợp chứ không thể là duy nhất.

“Nhân trị” theo kiểu “Độc quyền đa số” bằng cách luật hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tham khảo ý kiến của một nhóm người do dân chúng bầu chọn có khắc phục được nhược điểm của “Độc quyền thiểu số”?

Điều này phụ thuộc vào hai yếu tố:

Thứ nhất, “nhóm dân cử” thực chất có phải do dân cử hay được lựa chọn bằng những cách thức mà luật pháp không cấm?

Thứ hai, quyền lực của “nhóm dân cử” có đủ mạnh để bác bỏ ý kiến chủ quan của người đứng đầu nếu nó đi ngược nguyện vọng của dân chúng?

Tránh những bất cập tiềm ẩn ngay trong thể chế, có thể thấy “Pháp trị” theo hướng “pháp luật cai trị (quản lý) xã hội” là lựa chọn khoa học nhất trong giai đoạn hiện nay.

Chừng nào còn giữ định hướng “Cai trị (quản lý) xã hội bằng pháp luật” thì chừng đó ý muốn chủ quan của giới cầm quyền vẫn quyết định sự vận hành của thể chế.


(Còn nữa)

Xuân Dương

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire