Nguyễn Văn Dương ra tòa |
Một chữ ký
có giá trị bao nhiêu trong thời kỳ này? Xin thưa có khi là vô giá trị, có khi
lại là vô giá. Bởi có những chữ ký, những cú bắt tay có thể “nghiêng trời lệch
đất”, mang lại mức lợi bất chính hay mức thất thoát tài sản lên đến hàng ngàn,
hàng chục ngàn tỉ đồng...
Điển hình là
vụ án tổ chức đánh bạc và rửa tiền nghìn tỉ đang được xét xử. Chỉ với việc ký
thỏa thuận của công ty CNC với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao
(C50), Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đã ung dung tổ chức một đường dây đánh bạc
qua mạng và rửa tiền, thu lợi bất chính đến 9.850 tỉ đồng.
Một chữ ký
của ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực TP HCM, đã biến một khu đất đẹp
ở Phước Kiển trị giá khoảng 2.000 tỉ đồng theo giá thị trường thành một khu đất
chỉ có giá 419 tỉ bán cho Quốc Cường Gia Lai, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra
trung ương.
Một cú bắt
tay mang tính “đại án” khác là vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG trị giá
8.889 tỉ đồng, một cú “áp phe” có “nguy cơ thiệt hại thiệt hại nghiêm trọng vốn
Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỉ đồng”, theo kết luận của Thanh tra Chính
phủ.
Ngoài những
giá trị khủng khiếp về tài sản công bị thất thoát nêu trên, những “chữ ký lệch
trời” này còn mang lại biết bao mất mát, tai ương, đau khổ không thể cân đo
đong đếm được cho người dân. Như vụ đánh bạc nghìn tỉ qua mạng, theo điều tra
có đến 43 triệu tài khoản, “đốt” gần 10.000 tỉ qua game đánh bài. Biết bao
nhiêu gia đình đã phá sản, tan vỡ vì đánh bạc, biết bao nhiêu vụ tội phạm diễn
ra vì thua bạc...
Câu hỏi được
đặt ra là vì sao lại có những “chữ ký bạc nghìn tỉ” này dù chỉ ở những quan
chức chưa hẳn đã có những quyền lực “nghiêng trời lệch đất”? Động cơ nào ở sau
những chữ ký đó? Và vì sao lại không có những cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc
triển khai các dự án từ những chữ ký “ám muội” này...?
Câu trả lời
chỉ có thể là do sự bất minh, mờ ám trong những quyết định, những chữ ký này.
Nhưng sâu xa hơn có lẽ là việc thiếu minh bạch, thiếu giải trình của một số cấp
chính quyền. Một xã hội coi trọng việc phát huy dân chủ và minh bạch thì theo
nguyên tắc, mọi hoạt động của nhà nước đều được “dân biết, dân bàn, dân làm,
dân kiểm tra”, và chính quyền phải có trách nhiệm minh bạch, giải trình cho dân
biết như đa số các chính quyền dân chủ khác.
Có mấy ai
tin được việc những người đã đưa ra các chữ ký này lại có “động cơ trong sáng”
hay chỉ nhận được những số tiền “lót tay” khá “bèo bọt” so với số thu lợi khổng
lồ của những kẻ làm ăn phi pháp, bất chính? Và những doanh nghiệp hay cá nhân
được “ưu ái” này liệu có hoàn toàn “vô can” khi hoàn trả lại “của gian” bạc
nghìn tỉ đã không chiếm dụng được?
Và có lẽ vấn
đề cần thiết là sự suy xét nghiêm túc nguyên do của các “đại án” từ những “chữ
ký lệch trời” trên đơn thuần là xuất phát từ “lỗi cá nhân” hay còn là “lỗi hệ
thống” để có những cải cách, những cơ chế kiểm soát, để trong tương lai sẽ
không còn những thiệt hại không thể đo đếm và cùng với đó là những chiến dịch
chống tham nhũng rầm rộ như hiện nay...
Đoàn Đạt
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire