Trang

13/12/2018

Ai gây ra oan sai, vi phạm ở Thủ Thiêm?


Tiếp xúc với Đoàn đại biểu quốc hội, người dân Thủ Thiêm sử dụng bản đồ để chỉ ra nhà đất bị cưỡng chế giải tỏa nằm ngoài ranh quy hoạch của dự án - Ảnh: Báo TP


Sáng nay (7.11), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục gặp gỡ hơn 100 hộ dân đang khiếu nại vì có nhà đất bị thu hồi tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau khi một số sai phạm trong quá trình triển khai đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ, song những quan chức nào đã gây ra oan sai thì vẫn chưa lộ diện và nguyện vọng của người dân là cần làm rõ và xử lý nghiêm.


Không chỉ kiến trúc sư trưởng chịu trách nhiệm

Thông báo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố ngày 7.9 vừa qua khẳng định khu 4,3 ha thuộc khu phố 1 (phường Bình An, quận 2) nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với phần diện tích 4,3 ha này là chưa đủ cơ sở pháp lý. Nguyên nhân dẫn đến oan sai, thông báo của TTCP đã chỉ ra vào năm 1998, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM ký Quyết định số 13585 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu ĐTM Thủ Thiêm, trong đó bổ sung vào quy hoạch khoảng 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An. Việc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM. Kiến trúc sư trưởng đã phê duyệt quy hoạch trái thẩm quyền, khi chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh tăng, giảm diện tích.

Người đã trực tiếp ký Quyết định số 13585 tại thời điểm ấy là Kiến trúc sư trưởng TP.HCM Lê Văn Năm. Trao đổi với báo chí mới đây, ông Lê Văn Năm nói nếu có thiếu sót, bản thân ông sẽ phải chịu kiểm điểm cá nhân. Sự việc xảy ra đã lâu, hiện nay mọi thứ đã thay đổi nhiều nên ông không thể nắm rõ việc ký Quyết định 13585 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 dự án khu ĐTM Thủ Thiêm có đúng thẩm quyền hay không.

Tuy nhiên, ông Năm khẳng định khi ký duyệt bất cứ cái gì liên quan đến dự án Khu ĐTM Thủ Thiêm, cá nhân ông luôn tuân thủ các trình tự, thủ tục quy định. “Lúc đó UBND TP.HCM giao kiến trúc sư trưởng ký các quyết định phê duyệt quy hoạch 1/2.000. Riêng đối với dự án Khu ĐTM Thủ Thiêm, tôi thấy lớn quá nên đã trình UBND TP.HCM. Tuy nhiên, sau đó UBND TP.HCM có văn bản giao lại yêu cầu tôi làm”, ông Lê Văn Năm cho hay.

Vi phạm của ông Lê Văn Năm thực tế chỉ là phần nổi của tảng băng. Mọi oan sai bắt nguồn từ việc chính quyền TP.HCM đã làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện việc thu hồi đất, xây dựng khu tái định cư 160 ha cho người dân tại các phường lân cận và giáp với Khu trung tâm ĐTM Thủ Thiêm. Thay vào đó, UBND TP.HCM đã tự ý chuyển vị trí tái định cư ra nhiều địa điểm và cách xa trung tâm khu ĐTM Thủ Thiêm mà không báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.


“Hô biến” 160 ha đất tái định cư

Ngày 22.2.2002, Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã ký công văn hỏa tốc số 190/CP-NN cho phép UBND TP.HCM thu hồi 160 ha tái định cư thuộc 5 phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm (quận 2)... nhằm ngăn chặn việc lấn chiếm, mua bán đất trái pháp luật đang diễn ra. Công văn nêu rõ “việc triển khai phải phù hợp với Quyết định 367/TTg được Thủ tướng phê duyệt”.

Thay vì thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6.3.2002, UBND TP.HCM có Công văn số 718/UB-ĐT giao Sở Địa chính-Nhà đất, Kiến trúc sư trưởng, UBND quận 2… xác định rõ địa điểm, diện tích và ranh giao đất của 930ha (bao gồm 770ha xây dựng Khu ĐTM Thủ Thiêm và 160ha xây dựng tái định cư). Công văn 718 gợi ý: “Nếu thiếu, cho phép điều chỉnh diện tích đất các dự án trên địa bàn quận 2 để đảm bảo đủ diện tích theo phê duyệt của
Chính phủ”.

Hơn nửa tháng sau, vào ngày 22.3.2002, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản số 77/TB-VP truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải về điều chỉnh diện tích khu trung tâm Thủ Thiêm. Theo đó, ông Lê Thanh Hải giao “Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Địa chính-Nhà đất có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770ha đất của khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm ĐTM Thủ Thiêm (hơn 40ha), đồng thời, rà soát lại quỹ đất trên địa bàn quận 2 đề xuất phạm vi giao đủ 160ha tái định cư”.

Cũng trong ngày 22.3.2002, Văn phòng UBND TP.HCM tiếp tục có công văn hỏa tốc số 78/TB-VP thông báo kết luận của Chủ tịch TP.HCM Lê Thanh Hải, nêu rõ: “Diện tích đất dành cho khu tái định cư (160ha)… không nhất thiết nằm tại một địa điểm, có thể bố trí từ 3, 4 địa điểm trên địa bàn quận 2”, chỉ dành một khu vực khoảng 10-20ha tái định cư gần Khu đô thị Thủ Thiêm.

Từ một khu tái định cư 160ha tập trung ở cạnh khu trung tâm ĐTM Thủ Thiêm, UBND TP.HCM đã “hô biến” thành 6 địa điểm, đẩy người dân đi xa, trong đó có những nơi cách trung tâm Khu ĐTM Thủ Thiêm gần 15km như phường Thạnh Mỹ Lợi, phường Cát Lái. Tại 3 phường Bình Khánh, An Phú, An Khánh gần trung tâm Khu ĐTM Thủ Thiêm, UBND TP.HCM không giải quyết tái định cư bằng nền đất mà cho xây hàng loạt chung cư cao tầng với quy mô 12.500 căn hộ. 160ha đất tiếp giáp khu trung tâm ĐTM Thủ Thiêm lẽ ra bố trí tái định cư cho người dân, UBND TPHCM giao cho các đại gia làm dự án thương mại.

Thông báo của TTCP đã chỉ ra rằng UBND TP.HCM đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi khu tái định cư 160ha thuộc 5 phường đã được Thủ tướng phê duyệt.

Cụ thể: TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng… sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư. Hậu quả là Thủ Thiêm không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dẫn đến, làm phá vỡ quy hoạch được duyệt.

Việc UBND TP.HCM tùy tiện điều chỉnh 160ha đất tái định cư bằng cách chia nhỏ và bố trí ở các phường Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái, đưa người dân Thủ Thiêm đi xa nơi ở cũ, không nằm trong quy hoạch ban đầu là không thực hiện đúng chỉ đạo “tái định cư phải sát hoặc liền kề khu trung tâm” của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 367, gây bức xúc cho người dân.


Theo Báo Tiền Phong



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire