Trang

05/01/2019

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc: ‘Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ngư dân Việt là hành động chấp pháp bình thường’

Kalynh Ngo

Ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc. (Hình trang mạng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc fmprc.gov.cn)

HOÀNG SA, Việt Nam (NV) –Trong một thông cáo báo chí đăng tải trên trang mạng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lúc 7 giờ 23 phút tối Thứ Năm, 3 Tháng Giêng, 2019, ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trả lời một phóng viên cho rằng việc tàu cảnh biển Trung Quốc đánh chìm hoặc đâm tàu của ngư dân Việt Nam trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là “hành động chấp pháp bình thường.”

Trang mạng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không nêu rõ tên và cơ quan truyền thông của phóng viên thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Câu hỏi của người phóng viên được đặt ra như sau: “Phía Việt Nam lên tiếng cho rằng, tàu cá của ngư dân Việt Nam rất nhiều lần bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Hải sản họ đánh bắt được thì bị phía Trung Quốc lấy đi. Về vấn đề này, ông có bình luận gì? Đã xảy ra bao nhiêu lần những sự việc tương tự? Lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc áp dụng ở Nam Hải (tức Biển Đông) cũng được đồng thời áp dụng với các tàu đánh cá của các nước khác thực hiện trong những khu vực đó. Những hành động đó căn cứ vào đâu?”

Đáp lại câu hỏi này, ông Lục Khảng cho rằng: “Một số biện pháp đã được áp dụng cho tàu cá nước ngoài xâm nhập đánh bắt là điều bình thường, cũng là phương thức chấp pháp ở mức thấp nhất.” 
Phần trả lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Lục Khảng. (Hình trang mạng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc fmprc.gov.cn)

Ngoài ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói thêm, theo ông tìm hiểu thì những vấn đề người phóng viên nêu ra chỉ là “tình trạng cá biệt.” Ông cho rằng ai cũng hiểu được sự tranh chấp trong đánh bắt hải sản trên biển là điều rất bình thường giữa các quốc gia láng giềng trên thế giới.

Trên thực tế, hai chính phủ Trung Quốc và Việt Nam vẫn giữ liên lạc bình thường trong vấn đề chấp pháp nghề cá. Tôi từng có đề nghị với Financial Times rằng ngoài việc để ý đến những vụ tranh chấp nghề cá cá biệt, có thể quan tâm nhiều hơn đến sự hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực này giữa hai quốc gia. Đặc biệt là khi xảy ra tình hình nguy cấp trên biển; hai nước đều giành cho ngư dân của đối phương nhiều cứu trợ. Những sự việc như thế xảy ra nhiều hơn so với tình hình cá biệt mà bạn vừa mô tả,” vẫn theo lời ông Lục Khảng.

Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định Trung Quốc luôn thực thi mùa nghỉ đánh bắt trên Biển Đông. Trung Quốc mong muốn tất cả các nước liên quan cùng hành động với Trung Quốc, thực hiện nghĩa vụ của các nước theo luật quốc tế, trong đó có Công Ước Biển của Liên Hiệp Quốc, cùng nhau thúc đẩy phát triển nghề cá ở Biển Đông.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đến 90% Biển Đông gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều ngư dân Việt Nam trong những năm gần đây khi đi đánh bắt hải sản tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa đã bị phía Trung Quốc xua đuổi, đe dọa; thậm chí tấn công, bắn giết, tịch thu hải sản, ngư cụ. (K.L)

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/bo-ngoai-giao-trung-quoc-tau-trung-quoc-dam-chim-tau-ngu-dan-viet-la-hanh-dong-chap-phap-binh-thuong/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire