Trang

08/01/2019

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nên nói một lần cho ra lẽ


Xuân Dương

(GDVN) - Câu hỏi đặt ra là chiếc xe biển xanh mà báo chí cho là của Bộ Công thương vào khu vực hạn chế (chân cầu thang máy bay) ở sân bay Nội Bài đón ai?

Chiều muộn ngày 5/1/2019 báo Tienphong.vn có bài: “Tin thêm vụ xe biển xanh đón người nhà bộ trưởng tận máy bay”. Dòng sapo trên bài báo viết:

Tin từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) cho hay, xe biển xanh vào tận thang máy bay để đón người nhà một bộ trưởng là xe được cấp thẻ theo năm, cấp thẻ theo quy định. 

Trong khi đó, theo nguồn tin khác, vị phu nhân bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để chăm chồng đang ốm nằm viện”. [1]

Ảnh chụp màn hình báo Tienphong.vn ngày 6/1/2019


Tìm hiểu Luật Hàng không dân dụng ban hành năm 2006, 2014 cùng với các Thông tư 01/2016/TT-BGTVT, 45/2017/TT-BGTVT thấy có những quy định rất cụ thể “Khu vực hạn chế” tại các cảng hàng không. 

Người và phương tiện không làm nhiệm vụ tại sân bay muốn tiếp cận các “khu vực hạn chế” phải có thẻ kiểm soát an ninh hàng không và qua kiểm tra an ninh chặt chẽ.

Thông tin trên Baogiaothong.vn viết:

Theo quy định tại Điều 16, Thông tư 01 của Bộ GTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam, người, phương tiện thường xuyên, chuyên trách đưa, đón các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng và các chức vụ tương đương trở lên; Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...  thuộc đối tượng được cấp thẻ kiểm soát an ninh hàng không dài hạn”. [2]

Như vậy việc Bộ Công thương đề nghị cho xe của Bộ vào tận chân cầu thang máy bay đưa đón Bộ trưởng đi công tác là chuyện bình thường, đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Câu hỏi đặt ra là chiếc xe biển xanh mà báo chí cho là của Bộ Công thương vào khu vực hạn chế (chân cầu thang máy bay) ở sân bay Nội Bài đón ai?

Nội dung công văn của Bộ Công thương gửi cảng vụ sân bay Miền Bắc có đoạn:

“Theo chương trình công tác của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ đi công tác tại TP.HCM từ ngày 3-4/1/2019. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ rời TP.HCM đi Hà Nội lúc 17h00 ngày 4/1 trên chuyến bay VN262 của hãng Vietnam Airlines”.

Tuy nhiên, tin trên báo Kienthuc.net.vn cho hay:

“Chiều ngày 4/1/2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho ông Lê Triệu Dũng tại Hà Nội”. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao Quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại chiều 4/1/2019, tại Hà Nội (ảnh và ghi chú trên Kienthuc.net.vn)

Báo này cũng cho biết thêm sau khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao quyết định bổ nhiệm:

“Tân Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng phát biểu tại lễ nhậm chức do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trao Quyết định, lúc này đồng hồ phía sau hiển thị là 15h35 (ngày 4/1)”. [3]

Nếu quả thật Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “rời TP.HCM đi Hà Nội lúc 17h00 ngày 4/1 trên chuyến bay VN262 của hãng Vietnam Airlines” thì vị Bộ trưởng này không thể có mặt tại Hà Nội vào khoảng thời gian 15 giờ chiều 4/1/2019 để trao quyết định cho tân Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại.

Có một vài điều dư luận mong lãnh đạo Bộ Công thương sớm giải đáp để tránh những suy diễn không cần thiết làm giảm uy tín lãnh đạo bộ.

Thứ nhất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đi công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh vào hai ngày 3 – 4/1/2019 (theo công văn của bộ) trở về Hà Nội lúc nào?

Thứ hai, nếu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh không vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác mà ở Hà Nội trao quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thì vì sao Văn phòng bộ vẫn gửi công văn cho cảng vụ sân bay Nội Bài đề nghị cho xe vào khu vực hạn chế đón Bộ trưởng?

Thứ ba, người được đón có phải là lãnh đạo khác của bộ hay người nhà lãnh đạo?

Thứ tư, ai đã chỉ đạo Văn phòng Bộ Công thương gửi công văn tới các cơ quan chức năng (Cảng vụ, Công an, Hải quan,…) đề nghị đón đích danh Bộ trưởng Trần Tuấn Anh? 

Nếu không có chỉ đạo của lãnh đạo bộ thì đây có phải là chủ ý của cá nhân Phó văn phòng Đỗ Văn Côi (người ký tên trên công văn)?

Thứ năm, công văn của Văn phòng Bộ Công thương gửi cơ quan chức năng hàng không đề ngày 3/1/2019, liệu có chuyện ông Phó Văn phòng Đỗ Văn Côi không hề biết kế hoạch ngày 4/1/2019 của Bộ trưởng là trao quyết định bổ nhiệm cán bộ tại trụ sở bộ?

Nếu Phó Văn phòng bộ không biết lịch làm việc của Bộ trưởng thì ông ta ngồi đó làm gì?

Chỉ hơn một năm trước, thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương cho hay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng yêu cầu tiến hành kiểm tra các vấn đề báo chí nêu về việc Văn phòng Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Cảng vụ sân bay Miền Bắc tạo điều kiện, hỗ trợ ông Vũ Huy Hoàng làm thủ tục vào khu vực cách ly sân bay Nội Bài để tiễn người thân đi công tác nước ngoài và “Bộ Công Thương đang xem xét hình thức xử lý phù hợp”.  [4]

Dư luận rất nhiều lần phê phán việc một số cán bộ tìm cách “nịnh” cấp trên thông qua sự “chăm sóc” vợ, con, người thân,… của các vị này.

Báo chí từng viết: “Xe công không phải là xe… vua, dân sẽ cùng giám sát”.[5]

Vấn đề là dân “đã giám sát” rồi, đã nêu những bằng chứng chính xác và hết sức thuyết phục rồi, vậy các vị liên quan phản ứng thế nào?

Ngày 25/10/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” (Quy định 08-QĐ/TW).

Khoản 7 điều 2 và khoản 8 điều 3 Quy định 08-QĐ/TW ghi rất rõ ràng:

Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống “Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật”.

Quy định 08-QĐ/TW vừa mới ban hành, nói theo cách nói dân gian là “chưa ráo mực”, vậy Trung ương có nên kiểm tra xem câu chuyện mà các vị đại biểu Quốc hội và báo chí nêu có phải là đã “Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi”?

Nếu không có thì nên giải thích để trả lại sự trong sạch cho cán bộ, nếu có thì nên công bố cách xử lý để nhân dân thấy rõ sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng.

Tài liệu tham khảo: 

[1] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tin-them-vu-xe-bien-xanh-don-nguoi-nha-bo-truong-tan-may-bay-1363918.tpo

[2] http://www.baogiaothong.vn/bo-cong-thuong-co-van-ban-de-nghi-cho-xe-vao-don-bo-truong-d284513.html

[3] https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/co-hay-khong-bo-truong-tran-tuan-anh-o-tren-chuyen-bay-quy-ba-duoc-xe-bien-xanh-don-tan-cua-ra-may-bay-1168518.html

[4] http://moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/thong-tin-ve-viec-ong-vu-huy-hoang-xin-cap-the-kiem-soat-an-ninh-vao-khu-vuc-cach-ly-cua-san-bay-noi-bai-109893-22.html

[5] https://laodong.vn/xa-hoi/xe-cong-khong-phai-la-xe-vua-dan-se-cung-giam-sat-378043.bld


Xuân Dương

 


http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Bo-truong-Tran-Tuan-Anh-nen-noi-mot-lan-cho-ra-le-post194480.gd

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire