Trang

31/01/2019

Một chu kỳ vòng đời viên mãn của cuộc cách mạng của (Hugo) Chavez


Nguyên tựa bài báo: A full circle for Chavista Revolution
The New York Times, Saturday – Sunday, 26-27, January, 2019

Tác giả bài báo: Virginia López Glass – phóng viên thường trú tại Caracas

Lâm Du chuyển ngữ


ông Juan Guaidó
Vào buổi sáng ngày thứ Tư (23, tháng Một, 2019), ông Juan Guaidó, 35 tuổi, đứng trước hàng chục ngàn người Venezuela vỡ mộng và tuyên bố duy trì Hiến pháp của đất nước trong khi bản thân tự tuyên thệ nhậm chức với tư cách tổng thống lâm thời.

Ông Guaidó là đối cực của Tổng thống Nicolás Maduro: Một nhà lãnh đạo trẻ - ông đứng đầu một Quốc hội được bầu cử một cách dân chủ - một người có thanh danh không dính tham nhũng.


Lời hứa của ông là sẽ lãnh đạo một chính phủ chuyển tiếp cho đến khi đất nước tổ chức bầu cử tự do đã làm sống lại những niềm hy vọng. Có lẽ Venezuela, rốt cuộc, cũng đã kết thúc một chu kỳ chính trị, mặc dù có được một số năm đạt được những lợi ích xã hội, nhưng cuối cùng đã làm nghèo đi một quốc gia mà đã từng có thời thuộc loại giàu có thịnh vượng nhất trong khu vực (Nam Mỹ).

Chỉ ít phút sau khi tuyên thệ, ông Guaidó, một con người mà chỉ trước đó hai tuần hầu như chưa từng được ai biết đến, đã chính thức được Hoa Kỳ, Canada, Paraguay, Brazil, Colombia và bảy quốc gia khác công nhận là nhà lãnh đạo Venezuela.

Hugo Chavez(1954 - 2013)

Trên một đại lộ gần đó, một cuộc biểu tình diễu hành đối nghịch của những người ủng hộ chính phủ (của Tổng thống Nicolás Maduro), mặc những chiếc áo phông đỏ đặc trưng của họ, hầu như không tạo ra được một đám đông. Sau hơn hai mươi năm chủ nghĩa xã hội, cuộc cách mạng của (Hugo) Chavez đã đi đến điểm cuối của một chu kỳ vòng đời (mà nói theo ngôn ngữ VN là bao gồm; SINH, LÃO, BỆNH, TỬ - người dịch), sau khi đã không đạt được những gì mà chính những điều ấy đã đưa chủ nghĩa xã hội thành một ngọn triều cách mạng: bất công xã hội, bất bình đẳng và một giới tinh hoa chính trị tham nhũng vẫn tồn tại hiển hiện nơi đây. Giới tinh hoa chính trị tham nhũng đã thất bại trong việc thực hiện những mục tiêu hứa hẹn của chủ nghĩa xã hội. 

Nicolás Maduro và Nguyễn Phú Trọng
Chính quyền của Hugo Chávez và Nicolás Maduro đã lãng phí một cơ hội của họ để xây dựng lại quốc gia giàu tài nguyên này. Họ phung phí nguồn tài nguyên dầu mỏ của đất nước, khiến nền kinh tế tàn lụi đến tan tác, tơi tả. Họ tỏ ra đầy bạo lực và tàn nhẫn hơn cả những người mà trước đây họ đã từng bêu riếu và cáo buộc một cách chính đáng về tội đàn áp. Ông Maduro và những thân hữu của ông đã trở thành những gì mà họ đã một thời nặng lời thề là sẽ tiến hành thay đổi.

Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu ông Guaidó với tư cách là người lãnh đạo lâm thời có thể tồn tại được một vài ngày hay không. Trong quá khứ, những cuộc xuống đường còn lớn hơn và các phong trào phản kháng kéo dài hơn đã bị dập tắt bởi một chính quyền vốn nắm quyền kiểm soát cả tòa án và lực lượng cảnh sát, một chính quyền có sự hỗ trợ đầy đủ của quân đội.

Năm 2014, một cuộc biểu tình kéo dài một tháng đã kết thúc với hơn 40 người chết từ cả hai phe, và kết quả là nhà lãnh đạo phe đối lập Leopoldo López đã phải ngồi tù. Năm 2017, sau khi Quốc hội tự ý tước quyền lập pháp của Tòa án tối cao do chính phủ kiểm soát, một lần nữa, các cuộc biểu tình trên đường phố đã làm rung chuyển cả quốc gia. Hơn 120 người chết, hàng ngàn người bị thương và hàng trăm người bị bỏ tù. Sau ba tháng, phong trào đối lập bị giải tán và mất tinh thần. Chính phủ Maduro, với sự hỗ trợ vững chắc của quân đội, đã bảo toàn được quyền lực của mình.

Nhưng lần này thì tình hình có khác. Phe đối lập hiện có sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực như Argentina, Colombia và Brazil, những quốc gia mà nay đã “quay sang trái, lên đường” (ý nói các chính quyền cánh hữu – người dịch) trong vài năm qua với các cuộc bầu cử của Mauricio Macri, Iván Duque và Jair Bolsonaro.

Sau khi được ông Chávez chọn làm người kế nhiệm, trước khi qua đời vào năm 2013, ông Maduro, người có lập trường thiên tả, đã giành chiến thắng khít khao trong một cuộc bầu cử trước thời hạn. Hai năm sau, phe đối lập đã giành được cái gọi là đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Thay vì chú ý lắng nghe những bất mãn xã hội ngày càng tăng và hợp tác với Quốc hội mới để thông qua các chính sách khắc phục các yếu kém về kinh tế, thì ông Maduro lại tiến hành giải tán cơ quan lập pháp, cuối cùng tạo ra Quốc hội lập hiến vào năm 2017, một cơ quan lập pháp gồm toàn những người trung thành với Maduro. Khi căng thẳng gia tăng, cả hai nhóm đều tìm cách chuyển giao quyền lực thông qua đàm phán. Tuy nhiên, mỗi một nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình đều vấp phải thất bại - từ các cuộc đàm phán được Vatican làm trung gian hòa giải vào năm 2016 đến các cuộc gặp được tổ chức tại Cộng hòa Dominica vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018.

Những người dân Venezuela vỡ mộng và phẫn nộ với chính quyền Maduro gần như ngay từ khi ông ta mới nắm quyền - và tình hình đã trở nên tuyệt vọng. Mọi sự ủng hộ dành cho ông Maduro đều tan biến khi mà những người dân Venezuela càng ngày càng không thể nuôi sống được gia đình của họ. Tình trạng thiếu lương thực và thuốc men y tế đang lan rộng. Hàng trăm người đã chết vì suy dinh dưỡng và vì các loại bệnh tật mà vốn có thể dễ dàng chữa khỏi bằng phương pháp điều trị thích hợp. Mất điện kéo dài trong nhiều ngày, nước sinh hoạt trở nên khan hiếm và cơ sở hạ tầng suy tàn gợi liên tưởng đến một vùng chiến tranh.

Trong một cuộc biểu tình vào hôm thứ Ba, mọi người đã hô vang các khẩu hiệu chống Maduro và mang theo những biểu ngữ đòi hỏi một sự thay đổi. Nhưng dấu hiệu đáng nói nhất về thảm kịch đang kẹp chặt đất nước là hàng trăm đồng bolívar của Venezuela – đồng tiền của đất nước này - nằm rải rác trên vỉa hè. Một số người cười nhạo cảnh tượng này, những người khác dẫm đạp lên chúng, nhưng không một ai nghĩ đến việc nhặt chúng lên. Quỹ tiền tệ quốc tế ước tính rằng siêu lạm phát sẽ đạt tới kỷ lục hơn 10 triệu phần trăm trong năm nay.

Hiện thực (xã hội chủ nghĩa) đớn đau này ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân Venezuela, nhưng đặc biệt là ảnh hưởng đến những người nghèo, nền tảng hỗ trợ truyền thống của ông Maduro. Kết quả là, phần lớn họ đã bỏ rơi ông ta hoặc bày tỏ ý nguyện rằng họ muốn ông ta rời khỏi chức vụ. Nhiều người đơn giản là chọn cách rời khỏi đất nước. Theo Liên Hợp Quốc, ba triệu người đã bỏ nước ra đi và năm triệu người sẽ ra đi trong năm nay.

Ngày 10 tháng Một (2019), ông Maduro đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai tại văn phòng. Trong suốt buổi lễ, ông tự gọi mình là tổng thống hợp hiến, nhưng cuộc bầu cử mà ông tuyên bố là đã giành chiến thắng vào hồi tháng Năm (2018) đã bị phần lớn mọi người, cả trong và ngoài nước, nhìn nhận là một chiến thắng giả tạo. Cuộc bỏ phiếu được giám sát bởi một ủy ban bầu cử trung thành với ông Maduro, và một số nhà lãnh đạo đối lập quan trọng đã bị loại khỏi cuộc đầu phiếu vì họ bị cầm tù hoặc bị cấm hoạt động. Ông đã dần dần đánh mất tất cả toàn bộ tính chính danh. Điều này cũng là một sự khác biệt so với quá khứ. Ông Chávez là một nhà quản lý, điều hành tệ hại, nhưng ông ta còn có sức thu hút và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử còn ít nhiều mang tính dân chủ.

Khó có thể biết được rằng ông Guaidó sẽ giữ chức tổng thống lâm thời được trong thời gian bao lâu, nhưng ngay cả khi chính quyền Maduro có thể bám được vào quyền lực, thì thật khó có thể tưởng tượng được rằng ông Maduro sẽ thành công trong việc phục hồi nền kinh tế, tính chính danh và điều quan trọng hơn cả đối với Cuộc cách mạng của (Hugo) Chavez, đó là giành lại sự ủng hộ của dân chúng.

THE END

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire