Trang

04/01/2019

Nếu nhân văn bị trói buộc sẽ kìm hãm con đường tiến lên văn minh của Dân tộc


Nguyễn Ngọc Chu


Chúng ta cần nhìn nhận đúng thực trạng của đất nước để cùng nhau tìm ra con đường và đi tới văn minh, hạnh phúc. Trên tinh thần đó, Văn Hóa Nghệ An (VHNA) đã có cuộc trao đổi với TS toán học Nguyễn Ngọc Chu đến từ Viện toán học, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.


Phan Văn Thắng:Với tư cách một trí thức, một nhà toán học, điều anh quan tâm nhất về đất nước hiện nay là gì? Vì sao?


TS Nguyễn Ngọc Chu: Thông thường, những người làm công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu khoa học tự nhiên - như toán học, chỉ chú trọng đến chuyên môn mà ít quan tâm đến những vấn đề khác. Đối với họ, các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị chẳng hạn, không làm họ bận tâm và mất nhiều thời gian.

Nhưng hoàn cảnh hiện nay thì rất khác biệt. Đến những người thờ ơ nhất cũng phải quan tâm. Tại sao ư? Theo tôi, là do những nguyên nhân chính sau đây.


Điều đầu tiên là xã hội đang bị băng hoại nghiêm trọng

Tham nhũng, hối lộ đã trở thành dịch bệnh trong mọi lĩnh vực, từ chính trị cho đến kinh tế, từ giáo dục cho đến y tế, từan ninh cho đến quốc phòng… và ở mọi địa phương, từ thôn xã cho đến tỉnh thành, từ cấp chính quyền thôn cho đến cấp chính phủ. Vì thấy được sự nguy hiểm của quốc nạn tham nhũng mà Đảng và Chính phủ đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng.

Cùng với tham nhũng là sự tung hoành của lừa đảo, giả dối. Lừa đảo để chiếm đoạt tiền bạc, tài sản. Lừa đảo để bán hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại. Lừa đảo để có được bằng cấp, chức quyền… Còn nhiều nhân tố khác nữa thể hiện sự băng hoại nghiêm trọng của xã hội mà không đủ chỗ để liệt kê ở đây.

Khi xã hội bị băng hoại thì các giá trị đạo đức nền tảng xây đắp từ ngàn đời của Dân tộc bị phá hủy, làm lâm nguy đến sự trường tồn của Dân tộc. Ở mặt khác, xã hội bị băng hoại thì nền pháp chế bị sâu mọt, không thể thực thi đúng chức năng. Do đó quốc gia không thể phát triển đúng theo quỹ đạo, nên không thể hùng mạnh.

Xã hội băng hoại đưa đến hai hậu quả vô cùng nguy hiểm: Hủy hoại sức sống của Dân tộc và Cản trở sự hùng cường của Đất nước.


Điều thứ hai là sự bất công đang bùng phát ngày càng rộng lớn

Sự bất công dung túng pháp luật dẫn đến oan trái, cướp bóc. Sự bất công mở rộng khoảng cách giàu nghèo. Sự bất công thao túng quyền lực đưa đến quyền lực vô pháp.

Kết quả là sự bất công hủy hoạisự phát triển nhân văn. Nhân văn bị trói buộc thì con đường tiến lên văn minh của Dân tộc bị kìm hãm.

Một xã hội không công bằng thì không thể là một xã hội nhân văn. Không nhân văn thì không thể theo kịp nhóm các quốc gia tiên phong của nhân loại.


Điều thứ ba là môi trường sống bị ô nhiễm đến nguy hiểm

Chưa bao giờ chúng ta phải sống trong một môi trường nguy hiểm như hôm nay. Ô nhiễm môi trường không những hủy diệt con người mà còn hủy diệt cả cá tôm, chim muông, không những hủy diệt động vật mà còn tàn phá cả thực vật.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không chỉ hại cho chúng ta mà nguy hiểm hơn là có hại cho con cháu chúng ta. Để lại môi trường sống nguy hại cho nhiều đời con cháu mai sau là tội vô cùng lớn.


Điều thứ tư là chứng cớ đất nước ngày càng tụt hậu so với các nước tiên phong

Không thể so sánh với quá khứ của chính mình để tự an ủi chúng ta tiến bộ. Không thể so sánh với năm 1945 để khẳng định chúng ta không chết đói.

Hãy so sánh với các nước bên cạnh để thấy sự tụt hậu của chúng ta.GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1998, của Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 của Việt Nam là 2343 USD, của Singapore là 57714 USD. Giả thiết GDP Việt Nam tăng 7% năm thì sau 28 năm đến năm 2045 GDP theo đầu người của Việt Nam chỉ là 15 578 USD. Vậy đến bao giờ thì chúng ta mới tiến gần được Singapore?

Ở mặt khác, thử hỏi những tiện nghi hiện đại mà chúng ta có, như ô tô, máy bay, hay công nghệ hình ảnh qua iphone máy tính bảng… thì nhờ ai mà có? Toàn của nước khác.

Điều đó có nghĩa là chúng ta đang cải thiện đời sống chúng ta cơ bản nhờ vào tiến bộ của nước khác. Và như vậy nếu không thay đổi để thích nghi kịp thời thì chúng ta ngày càng tụt hậu.

Nguy hiểm hơn nữa là chúng ta không chịu nhìn thấy lối thoát.Chúng ta chỉ ngồi chờ kêu gọi đầu tư nước ngoài với những ‘hạ giá vượt trội’ phẩm giá của chính chúng ta.


Điều thứ năm là gia tăng sự lệ thuộc về kinh tế

Chúng ta chứng kiến Đất nước đang quá phụ thuộc vào nước ngoài. Lại phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc. Từ sự phụ thuộc kinh tế, theo quy luật và kinh nghiệm cho thấy, nếu không cảnh giác sẽ dễ dẫn đến sự phụ thuộc chính trị.

Chúng ta chịu hai gọng kìm lệ thuộc. Gọng kìm lệ thuộc từ nước ngoài, trong đó nhất là áp lực từ nước láng giềng Trung Quốc ngày càng gia tăng. Đau đớn nữa là từ gọng lìm lệ thuộc của chính chúng ta, khi ta tự trói buộc vào những thứ khác... của nước ngoài.

Đây là điều day dứt đến đớn đau của trí thức.

Trí thức đích thực không màng đến danh lợi, quyền lực. Càng không chịu bị nô lệ bởi quyền lực và danh lợi. Đối với họ, tri thức là bá chủ.

Bởi thế, họ không thể chịu sự nô lệ của bất kỳ ai, càng không thể là nước ngoài. Chỉ chịu sự nô lệ duy nhất trước tri thức.


Điều thứ sáu là sự an ninh của Tổ Quốc bị xâm phạm

Chúng ta chứng kiến Tổ Quốc đã mất đi một phần biển đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng ta nhìn thấy an ninh của Tổ Quốc ngày càng bị nhiều thế lực nước ngoài nhòm ngó can thiệp.

Đây là điều lo lắng nhất của mọi người dân Việt Nam. Không chỉ trí thức, mà khiến cho những người thờ ơ nhất cũng phải động tâm.

Bởi thế mà chúng ta quan sát thấy, chưa bao giờ phụ nữ nước ta lại quan tâm đến chính trị như bây giờ. Từ người phụ nữ nội trợ, người phụ nữ bán nước vỉa hè, cho đến cán bộ phụ nữ nghỉ hưu, từ miền xuôi cho đến miền ngược, từ trong nước cho đến kiều bào nước ngoài,đâu đâu cũng thấy phụ nữ Việt bàn về chính trị Đất nước.

Không phải họ muốn tranh dành quyền lực. Mà bởi họ không muốn mất đi những người con. Bản năng bảo vệ con đã khiến cho phụ nữ Việt Nam cảm nhận được sự đe dọa mất nước. Họ tự nguyện dâng hiến con vì Vệ Quốc. Những giọt nước mắt tiễn con ra trận, đời này sang đời khác,tích tụ mà thành tính di truyền trong máu mỗi người mẹ Việt Nam. Hơn ai hết, họ cảm nhận được sự đe dọa gia tăng mỗi khi Tổ Quốc gần đến lâm nguy.

Không phải chỉ trí thức. Không phải chỉ nam giới. Đây là thời kỳ đặc biệt mà số đông phụ nữ Việt đã tự nguyện lo lắng về chính trị Đất nước.


Phan Văn Thắng:Chưa tiện bàn về những vấn đề chính trị lớn lao, tôi muốn chúng ta bắt đều từ những vấn đề cụ thể hơn. Chuyện giàu nghèo chẳng hạn.Ông thử mổ xẻ câu chuyện giàu nghèo từ các góc độ, về tầng lớp nhà giàu thời nay? Phần nhiều họ giàu từ đâu? Bằng cách gì?Tôi  thấy bây giờ có quá nhiều trọc phú. Ông có nghĩ vậy không? Tại sao?


TS Nguyễn Ngọc Chu: Đây là những vấn đề rộng lớn. Không thể trình bày toàn diện ở đây. Chỉ xin đề cập đến một số điểm góc cạnh.

Thứ nhất, không cho dân giàu hay cào bằng tất cả đều nghèo khó, là các chính sách đi ngược lại lợi ích của dân, của nước

Năm 1923 Tưởng Giới Thạch được Tôn Trung Sơn phái sang Liên Xô để nghiên cứu về Liên Xô nhằm áp dụng ở Trung Quốc. Về nước, Tưởng Giới Thạch báo cáo với Tôn Trung Sơn rằng ở Liên Xô không cho phép dân làm giàu và không ủng hộ mô hình Liên Xô. Bởi thế sau khi Tôn Trung Sơn mất năm 1925, lên nắm quyền, Tưởng Giới Thạch quay sang đàn áp đảng cộng sản, đẫm máu là cuộc thanh trừng lịch sử :  “Chính biến Thượng Hải’ năm 1927.

Tục ngữ Việt Nam có câu ‘Dân giàu nước mạnh’. Không cho dân giàu hay cào bằng làm tất cả cùng nghèo khó, đều là các chính sách chống lại lợi ích của dân của nước.

Thứ hai,  cơ chế khác nhau đẻ ra tầng lớp người giàu khác nhau. Người giàu là sản phẩm phản ánh cơ chế

Các nhà khoa học Liên Xô rất giỏi. Họ chế tạo ra tàu vũ trụ, tên lửa đạn đạo, máy bay, máy tính điện tử… vậy mà không ai trở thành người giàu. Trong khi đó thì Bill Gates trở thành tỷ phú.

Ấy là vì cơ chế của Mỹ biến các nhà sáng chế thành người giàu, còn cơ chế của Liên Xô thì không. Nếu Bill Gates ở Liên Xô thì chắc chắn ông cũng không giàu – giống như các nhà khoa học Liên Xô mà thôi.

Nước ta từ sau đại hội VI năm 1986, bắt đầu cho người dân làm giàu. Nhưng cơ chế của ta đẻ ra tầng lớp người giàu khác xa với tầng lớp người giàu của các nước Đức, Nhật, Mỹ.

Bill Gates trở thành tỷ phú vì sáng chế của ông được chuyển thành sản phẩm thương mại. Những ai dùng phần mềm Microsoft (chẳng hạn) thì phải trả tiền. Luật pháp Mỹ bảo hộ điều đó. Không chỉ ở nội địa, mà luật pháp Mỹ bảo hộ bản quyền sáng chế ra ngoài biên giới nước Mỹ. Trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một điểm mấu chốt không khoan nhượng của Mỹ là Trung Quốc phải bảo hộ bản quyền. Trung Quốc là kẻ ăn cắp bản quyền khổng lồ nhất thế giới.

Cơ chế Mỹ sinh ra tầng lớp người giàu như Bill Gates, là giàu nhờ phát minh sáng chế tiên phong, đưa lại tiến bộ công nghệ vượt trội, làm cho nước Mỹ hùng cường.

Còn cơ chế nước ta đẻ ra lớp người giàu có rất khác biệt. Họ là những nhà Tư Bản ký sinh trên những lỗ hổng của cơ chế.

Đó là bởi vì chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu sang cơ chế thị trường cho chúng ta một cơ chế thị trường không hoàn thiện, thậm chí có lỗi. Cơ chế không hoàn thiện thì đẻ ra sản phẩm không hoàn thiện. 


Phan Văn Thắng: Ông có thể cho biết nhận xét của mình về  người giàu ở Việt Nam hiện nay?


TS Nguyễn Ngọc Chu:Theo tôi, có thể khắc họa ngắn gọn tầng lớp giàu có ở Việt Nam theo mấy đặc điểm sau đây.


Giàu lên từ thương mại và dịch vụ

Hầu hết những người giàu ở Việt Nam hiện nay đều thuộc về lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Chưa nhìn thấy người giàu có kếch sù do nhờ sản xuất công nghiệp.

Những người giàu có nhất ở Việt Nam hiện nay đều nhờ vào buôn bán đất đai, kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản. Họ giàu lên nhờ sở hữu toàn dân.

Chưa có ai giàu có kếch sù nhờ sáng chế khoa học công nghệ và đây là điều rất buồn. Nếu không có sáng chế tiên phong thì không thể trở thành cường quốc.


Giàu lên từ tham nhũng

Tầng lớp này rất đông. Là những người có chức có quyền. Bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước. Đáng kể là từ cấp huyện, cấp phường trở lên. Chức quyền đưa lại cho họ đặc quyền tham nhũng. Chức quyền càng cao thì càng giàu có.Đây là tầng lớp người giàu mà họ càng giàu có thì đất nước càng kiệt quệ.


Giàu lên nhờ đút lót và lợi dụng cơ chế

Đây là tầng lớp nhờ đút lót mà trở nên giàu có. Họ lợi dụng cơ chế, đút lót cho các kẻ tham nhũng để có được các dự án, các hợp đồng… và thậm chí cả đút lót để có chức có quyền. Sự giàu có của họ không mang lại sự cường thịnh cho đất nước mà ngược lại.

Tóm lại, những người giàu ở Việt Nam hiện nay đều bám vào nhà nước và do cơ chế nhà nước đẻ ra. Họ là sản phẩm của cơ chế nhà nước.

Phải đến một ngày xuất hiện tầng lớp người giàu nhờ vào phát minh sáng chế tiên phong thì đất nước mới thoát khỏi tụt hậu. Nhưng muốn có lớp người giàu có này thì bắt buộc phải thay đổi cơ chế.


Phan Văn Thắng:Còn người nghèo, hình như cũng càng ngày càng đông. Cơ hội bình đẳng chính trị, văn hóa, và cả pháp lý nữa hình như cũng mong manh hơn trước đối với họ. Tại sao vậy, thưa ông?


TS Nguyễn Ngọc Chu:Nếu cất công đi vào các vùng nông thôn, miền núi, thì chúng ta sẽ thấy đồng bào ta còn rất nghèo, không đủ ăn đủ mặc. Ngay cảở hai thành phố lớn như Hà Nội, HCM cũng còn rất nhiều cuộc đời cơ cực.

Một điều chắc chắn là sự cách biệt giữa nghèo và giàu ngày càng gia tăng. Nhưng điểm mấu chốt nằm ở sự không công bằng. Cụ Hồ nói: ‘Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng’.

Lấy thí dụ, một thực tế hiện hiện thời nay, là các vụ kiện ở Việt Nam có lẽ đến hơn 90% là phải chạy quyền lực hay chạy tiền và có thể cả hai. Những người nghèo thì làm gì có tiền và có quyền lực?

Đến như đồng bào Thủ Thiêm, cả hàng trăm hộ bị cưỡng chiếm đất đai vô pháp, khiếu kiện tập thể chứ không phải đơn lẻ ròng rã 20 năm trời mà chưa lấy lại được công bằng, thì làm sao mà nói tới công bằng chân chính cho số đông người nghèo.

Hay ngay chính ở giữa thủ đô Hà Nội, có thế lực như VTV mà phóng viên còn bị đe dọa giết cả nhà, tưởng là giúp cho bà con chợ Long Biên thoát nạn bảo kê, không ngờ lại đẩy họ thêm vào vòng nguy hiểm đến có thể phải bỏ cả nơi kiếm sống.

Nêu ra hai thí dụ trên để thấy công bằng và công lý còn là vấn đề nhức nhối cho xã hội và đặc biệt là mong manh cho các thân phận nghèo.

Còn xa hơn, nếu nhìn qua biên giới, thì thân phận người Việt, giàu hay nghèo, cũng chỉ được xếp vào hàng thứ cấp.

Những điều trên đây không phải là cách nhìn tiêu cực. Chỉ khi chúng ta dám nhìn vào các khuyết tật của chính mình thì mới có cơ may hoàn thiện, loại bỏ các khuyết tật đó. Một chiếc điện thoại cầm tay hay một chiếc xe hơi hạng sang vừa mới ra đời, người tiêu dùng thấy hoàn hảo, không chê trách. Vậy mà nhà sản xuất đã lên khuôn mẫu mã đời sau hoàn hảo hơn, chuẩn bị xuất xưởng ra thị trường.

Quy luật của Tạo hóa là không ngừng cạnh tranh và không ngừng tự tối ưu. Chúng ta là một thành phần của Tạo hóa. Chỉ có không ngừng tự hoàn thiện mới không bị đào thải khỏi cuộc cạnh tranh.

Khi hiểu được quy luật, chúng ta cảm ơn mọi sự chỉ trích.


Phan Văn Thắng:Tôi nghĩ là câu chuyện giàu – nghèo ở nước ta vẫn còn rất dài. Tôi hy vọng câu chuyện này sẽ được giải mã bởi nhiều người. Cảm ơn ông về cuộc trao đổi hôm nay.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire