Trang

08/01/2019

NỖI ĐAU ĐỚN TRIỀN MIÊN CỦA ANH HÙNG PHAN HÀNH SƠN

(viết nhân 40 năm ngày chiến thắng bọn diệt chủng Pon Pot)




Năm 1979, tôi làm “trợ lý pháo binh” ở Lữ đoàn 173. Một buổi chiều, thấy một anh răng hô khuôn mặt rất hiền, đi cà xẹo đến doanh trại gặp Thủ trưởng tôi. Tôi nghe anh nói, cho tau một cuộn dây điện truyền tin, hỏi xin làm gì, anh bảo xin về lấy sợi làm lưới đánh cá. Lúc ấy đơn vị đang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chẳng ai dám lấy dây điện truyền tin quân sự cho anh. Khi anh về, Thủ trưởng tôi rơm rớm nước mắt nói, anh hùng Phan Hành Sơn đó, tội nghiệp anh ấy, từ chiến trường Campuchia về bị thương thân tàn ma dại, giờ mới tập tễnh đi lại được nhưng có chịu ở yên đâu.


Tôi nghe danh tiếng Phan Hành Sơn từ lâu, nhưng từ ngày gặp anh, tôi cứ nghĩ mãi về con người này. Trong kháng chiến, anh 28 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ, 22 tuổi được phong anh hùng, nhưng anh vẫn còn lành lặn ra khỏi cuộc chiến tàn khốc trước 1975. Hòa bình lập lại, anh vẫn không một ngày được ngơi nghỉ. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, anh là trung đoàn phó trung đoàn 31, sư đoàn 2, đã chỉ huy bộ đội bảo vệ biên giới, đẩy quân Pol Pot vào sâu trong nội địa Campuchia. Trên chiến trường, anh đã bị hứng trọn một quả mìn của giặc, cả hai chân bị dập nát.

Nhận được tin này, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ thị bằng mọi giá phải cứu được đôi chân của anh, lãnh đạo quân đội không nỡ nhìn thấy đôi chân của người anh hùng huyền thoại này bị cụt. Đơn vị phải đốt lửa làm hiệu cho trực thăng từ Sài Gòn đến chiến trường đưa anh về Đà Nẵng, sau khi cẩn thận sơ cứu.

Để giữ được đôi chân bị dập nát, anh phải chịu 17 lần mổ và phải chịu đau đớn suốt gần ¼ thế kỷ. Mỗi một lần mổ, bác sĩ phải dùng morphine để giảm đau, khiến cho anh dần dần bị nghiện morphine. Vết thương liên tục tái phát, mỗi khi tái phát mà không có morphine thì anh đau đớn phát điên phát khùng. Người ta kể, có lúc anh đã trèo tường phá kho thuốc của Quân y viện để lấy trộm morphine, nghe mà đau xót. Khi người thủ kho của Quân y viện đứng trước nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì để kho thuốc bị đột nhập, anh đã đến thú nhận. Từ đó anh tự giam mình trong phòng để tự cai nghiện, rồi một mình đi khai hoang trồng cây nuôi cá, vừa để tự cai nghiện vừa để kiếm tiền chăm sóc gia đình. Anh đã sống quật cường trong nỗi đau triền miên không dứt về thể xác cho đến cuối đời, vào năm 2003, anh đã qua đời trong đau đớn.

7-1 năm nay kỷ niệm 40 năm ngày quét sạch bọn diệt chủng ra khỏi đất nước Campuchia. Để có được cái ngày bình an đó cho nhân dân Campuchia và cho người Việt chúng ta nơi biên giới và trên đất bạn, không biết bao nhiêu là xương máu của chiến sĩ ta đã đổ xuống. Những người đã vĩnh viễn không trở về, những người không chết nhưng đau đớn triền miên còn khổ hơn là chết như Phan Hành Sơn, những người đã để lại một phần cơ thể trên đất bạn và đang sống tàn tạ cho đến ngày hôm nay, họ cần được cả dân tộc này tri ân và nhớ mãi.

Tôi viết mấy dòng này thay những nén hương tưởng nhớ anh Phan Hành Sơn, tưởng nhớ bạn tôi, đồng đội tôi và bày tỏ lòng biết ơn đến các chiến sĩ còn sống sót. Đối với các bạn đọc những dòng này, dù các bạn theo khuynh hướng chính trị nào, nếu có ai không đồng cảm với tôi thì cũng xin đừng lăn tăn về lịch sử.


HOÀNG HẢI VÂN

(Ảnh lấy từ Báo Đà Nẵng online, anh Phan Hành Sơn là người đứng giữa, chụp năm 1982)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire