Trang

15/02/2019

Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc như một mục tiêu trong cuộc tranh đua giành quyền lực công nghệ


Nguyên tựa bài báo: U.S. takes aim at China in race for tech power
The New York Times International Edition
Monday, 28 January 2019

Tác giả bài báo: DAVID E. SANGER, JULIAN E. BARNES, RAYMOND ZHONG và MARC SANTORA
Người dịch: Du Lam



Washington cố gắng hạn chế vai trò của Bắc Kinh trong ‘hệ thống thần kinh trung ương’ của hệ thống mạng Internet.

Tuần vừa rồi, Jeremy Hunt, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, đã đến Washington để tiến hành một loạt những cuộc gặp vốn bị chi phối bởi một câu hỏi quan trọng: Anh quốc có nên mạo hiểm các mối quan hệ với Bắc Kinh và liệu có đồng ý với yêu cầu của chính quyền Trump cấm Huawei (tên đầy đủ là Công ty trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật Hoa Vi = ), nhà sản xuất các thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung quốc, trong việc xây dựng hệ thống mạng máy tính và điện thoại thế hệ tiếp theo của nó hay không ?


Anh quốc không phải là đồng minh duy nhất của Mỹ cảm thấy sức nóng của vấn đề. Tại Ba Lan, các quan chức cũng chịu áp lực từ Hoa Kỳ trong việc cấm Huawei xây dựng mạng thế hệ thứ năm, hay 5G. Các quan chức chính quyền Trump cho rằng việc triển khai quân đội Mỹ trong tương lai - bao gồm cả triển vọng về việc thiết lập một căn cứ thường trực được mang tên Fort Trump - có thể phụ thuộc vào quyết định của Ba Lan.

Và mùa xuân năm ngoái, một đoàn các quan chức Mỹ đã xuất hiện tại Đức, nơi hầu hết các tuyến cáp quang khổng lồ của châu Âu được kết nối, giao cắt tại đó và Huawei muốn xây dựng các cụm thiết bị chuyển mạch (mà lúc cần có thể) làm cho hệ thống trở nên nhiễu loạn. Thông điệp của họ: Bất kỳ một lợi ích kinh tế nào khi sử dụng các thiết bị viễn thông rẻ tiền hơn của Trung quốc đều lớn hơn mối đe dọa an ninh đối với liên minh NATO.

Trong suốt năm qua, Hoa Kỳ đã tiến hành một chiến dịch bí mật toàn cầu, và đôi khi mang tính đe dọa, nhằm ngăn chặn Huawei và các công ty Trung Quốc khác tham gia vào một dự án tái cấu trúc hệ thống mạng đồ sộ nhất mà sẽ kiểm soát mạng internet kể từ khi nó được lắp đặt, từng mảng một, từ 35 năm trước

Chính quyền Mỹ cho rằng thế giới đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang mới - một cuộc chạy đua công nghệ, chứ không phải một cuộc chạy đua vũ trang thông thường, nhưng lại gây ra nhiều hiểm họa cho an ninh quốc gia của Mỹ. Trong thời đại mà vũ khí mạnh nhất, không kể đến vũ khí hạt nhân, được kiểm soát trên không gian ảo, thì quốc gia nào thống trị 5G sẽ giành được lợi thế kinh tế, tình báo và quân sự trong phần lớn thời gian của thế kỷ này.



Việc chuyển đổi sang mạng hế hệ thứ 5 (5G) – vốn đã bắt đầu trong các hệ thống cổ mẫu tại các thành phố của Mỹ như Dallas và Atlanta - có thể sẽ mang tính cách mạng hơn là tính tiến hóa. Điều mà người sử dụng sẽ cảm nhận thấy đầu tiên là mạng nhanh hơn - dữ liệu sẽ được tải xuống gần như tức thì, thậm chí là còn được thông qua mạng điện thoại di động.

Đó là hệ thống mạng đầu tiên được xây dựng để phục vụ các cảm biến, các robot, các xe tự hành và các thiết bị khác, đó là hệ thống mạng mà sẽ liên tục cung cấp cho nhau một khối lượng dữ liệu khổng lồ, cho phép các nhà máy, các công trường xây dựng và thậm chí toàn bộ một thành phố được vận hành với sự can thiệp của con người trong từng khoảnh khắc. Nó cũng sẽ cho phép sử dụng nhiều hơn các công cụ thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo.



Nhưng những gì hữu ích đối với người sử dụng cũng sẽ hữu ích đối với các hoạt động tình báo và tấn công mạng. Hệ thống 5G là một hệ thống mạng vật lý gồm các cụm thiết bị chuyển mạch và thiết bị định tuyến. Nhưng nó phụ thuộc nhiều hơn vào các lớp phần mềm phức tạp có khả năng tương thích cao hơn và liên tục cập nhật, theo một cách thức vô hình đối với với người dùng - giống như một chiếc iPhone tự động cập nhật trong khi sạc điện qua đêm. Điều đó có nghĩa là bất cứ ai kiểm soát được các hệ thống mạng thì sẽ đều kiểm soát được luồng thông tin - và có thể thay đổi, định tuyến lại hoặc sao chép dữ liệu mà người dùng không hề biết được.



Trong các cuộc phỏng vấn với các quan chức chính phủ cao cấp hiện tại và trước đây của Mỹ, các quan chức tình báo và giám đốc điều hành viễn thông hàng đầu, điều rõ ràng là tiềm năng của 5G đã tạo ra một sự tính toán có tổng số bằng không (nguyên văn: “has created a zerosum calculus”) trong Nhà Trắng của TT Trump - một tín niệm cho rằng phải có một người chiến thắng trong cuộc đua vũ trang này và người thua cuộc phải ra đi vĩnh viễn. Trong nhiều tháng, Nhà Trắng đã soạn thảo một mệnh lệnh hành pháp, dự kiến sẽ được công bố trong những tuần tới, sẽ cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng các thiết bị có nguồn gốc Trung quốc trong các hệ thống mạng viễn thông quan trọng. Điều này vượt xa các quy định hiện hành, vốn chỉ cấm các thiết bị như vậy đối với các hệ thống mạng của chính phủ.



Mối quan ngại về công nghệ Trung quốc đã tồn tại từ lâu ở Hoa Kỳ, được thúc đẩy bởi nỗi lo ngại rằng Trung quốc có thể cài cắm thêm một “cửa sau” (nguyên văn: “back door”)  vào các hệ thống mạng viễn thông và máy tính cho phép các lực lượng an ninh Trung Quốc ngăn chặn các liên lạc của quân đội, của chính phủ và của các doanh nghiệp. Và các cuộc tấn công mạng của Trung quốc vào các công ty Mỹ và các thực thể của chính quyền Mỹ đã xảy ra liên tục, bao gồm cả các tin tặc bị nghi ngờ là làm việc cho Bộ công an của nhà nước Trung quốc.



Nhưng mối quan tâm đã trở nên cấp bách hơn khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu quyết định rằng ai sẽ là nhà cung cấp thiết bị mà sẽ tạo nên hệ thống mạng 5G của họ.



Các quan chức Mỹ cho rằng quy trình cũ truy tìm, phát hiện các cửa sau trong thiết bị và phần mềm do các công ty Trung quốc sản xuất là cách tiếp cận sai lầm, cũng như tìm kiếm mối quan hệ giữa các giám đốc điều hành cụ thể và chính phủ Trung quốc. Họ cho rằng vấn đề lớn hơn là bản chất ngày càng độc đoán của chính quyền Trung quốc, là ranh giới mù mờ giữa kinh doanh độc lập và nhà nước và các đạo luật mới mà sẽ trao cho chính quyền Bắc Kinh một quyền lực có thể kiểm tra, hoặc thậm chí có thể tiếp quản các hệ thống mạng mà các công ty như Huawei đã giúp xây dựng và duy tu, bảo trì.



Ông William R. Evanina, giám đốc Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia Mỹ, cho biết “Điều quan trọng là phải nhớ rằng các quan hệ của một công ty Trung quốc với chính quyền Trung quốc không giống với các quan hệ của một công ty tư nhân với các chính quyền ở phương Tây. Luật tình báo quốc gia của TQ năm 2017 đã yêu cầu các công ty Trung quốc hỗ trợ, cung cấp sự trợ giúp và hợp tác trong công tác tình báo quốc gia của Trung quốc, ở bất cứ nơi nào mà họ hoạt động”.



Việc Nhà Trắng tập trung vào Huawei trùng hợp với việc chính quyền Trump tiến hành một cuộc tấn công sâu rộng hơn vào Trung quốc, bao gồm cả việc áp đặt một biểu thuế hải quan áp đảo đối với hàng hóa (nhập khẩu) từ Trung quốc, nhiều những hạn chế đầu tư và bao gồm cả những cáo trạng đối với một số công dân Trung Quốc bị cáo buộc là đã tấn công và hoạt động gián điệp mạng. Tổng thống Trump đã cáo buộc Trung quốc là “đã xé toạc đất nước của chúng ta” và mưu toan đạt tới một sự phát triển mạnh mẽ hơn (của TQ) trên lưng người Mỹ (tức là bằng cái giá của các tổn hại của người dân Mỹ - người dịch).

Các quan điểm của ông Trump, kết hợp với việc thiếu các bằng chứng chắc chắn liên quan đến Huawei trong bất kỳ một hoạt động gián điệp nào, đã khiến một số quốc gia đặt ra những câu hỏi rằng liệu chiến dịch của Mỹ có thực sự là vì an ninh quốc gia hay không, hay là nhắm tới mục đích là ngăn chặn Trung quốc giành lợi thế cạnh tranh.



Các quan chức hành chính nhận thấy có ít sự khác biệt trong các mục tiêu đó.



“Tổng thống Trump đã xác định rằng việc khắc phục vấn đề kinh tế này là rất quan trọng, không chỉ đơn giản là điều chỉnh lại cán cân kinh tế, để khiến Trung quốc phải chơi theo luật mà mọi người khác cùng chơi, mà còn là để ngăn chặn sự mất cân bằng quyền lực chính trị / quân sự trong tương lai. Hai khía cạnh này gắn bó rất chặt chẽ với nhau trong tư duy của Tổng thống Trump”. Ông John R. Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, đã nói với tờ Thời báo Washington vào hôm thứ Sáu như vậy.



Chính phủ Trung Quốc coi thời điểm này là một cơ hội của mình để kết nối với thế giới - đặc biệt là với các quốc gia châu Âu, châu Á và châu Phi, những quốc gia mà đang càng ngày càng chịu ơn cường quốc kinh tế Trung quốc.



“Điều này sẽ hầu như có một tầm quan trọng hơn cả điện năng”, Chris Lane, một nhà phân tích viễn thông ở Hồng Kông cho Sanford C. Bernstein, một công ty nghiên cứu và quản lý đầu tư, đã phát biểu như vậy. “Mọi thứ sẽ được kết nối và hệ thống thần kinh trung tâm của những thành phố thông minh này sẽ là hệ thống mạng 5G của quý vị”.



MỘT NỖI LO SỢ VỀ “QUÂN ĐỎ” MỚI? (nguyên văn: “A NEW RED SCARE?”)



Cho đến nay, những lo ngại xoay quanh Huawei gần như hầu như mới chỉ mang tính lý thuyết. Các quan chức Mỹ đương nhiệm và trước đây thì thầm rằng các báo cáo mật hàm ý rằng công ty này có thể là gián điệp của chính quyền Trung cộng, nhưng chưa đưa ra những bằng chứng công khai. Những người khác nắm rõ vụ việc bí mật chống lại công ty này thì nói rằng hiện mới chỉ có những bằng chứng hoàn cảnh (tức là những bằng chứng suy luận, không phải là bằng chứng trực tiếp – người dịch), tức là những lo ngại ngày càng tăng về sự thống trị công nghệ ngày càng gia tăng của công ty này và những đạo luật mới của Trung quốc yêu cầu Huawei phải tuân thủ những yêu cầu từ chính quyền Bắc Kinh.



Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), người sáng lập Huawei, đã phủ nhận rằng công ty của ông đã tiến hành các hoạt động gián điệp cho chính quyền Trung quốc. “Tôi vẫn yêu đất nước mình. Tôi ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng tôi sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì để gây hại cho bất kỳ quốc gia nào khác”, hồi đầu tháng này ông Nhậm Chính Phi đã nói như vậy.



Hồi năm ngoái,  nước Úc cũng đã cấm Huawei và một nhà sản xuất khác của Trung Quốc, ZTE, cung cấp thiết bị 5G. Các quốc gia khác đang vật lộn với việc liệu có nên đi theo vụ việc và có nguy cơ làm tổn thương Trung quốc hay không, vì điều này có thể cản trở họ trong việc tiếp cận thị trường Trung quốc đang phát triển và khiến cho họ không tiếp cận được các sản phẩm của Huawei vốn rẻ tiền hơn.



Các quan chức chính quyền bản địa, ví dụ như ở nước Anh, đã lưu ý rằng Huawei đã đầu tư rất nhiều vào các mạng kiểu cũ - và đã thuê những người Anh để xây dựng và điều hành chúng. Và họ lập luận rằng Huawei sẽ không biến mất - nó sẽ điều hành các hệ thống mạng của một nửa thế giới, hoặc hơn thế nữa, và sẽ phải được kết nối, theo một cách nào đó, với các mạng của Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ.



Tuy nhiên, Tập đoàn BT, một người khổng lồ của ngành viễn thông Anh quốc, đã có kế hoạch tách ra khỏi hệ thống mạng hiện hành của Huawei. Tập đoàn này nói rằng đó là một phần trong kế hoạch của mình sau khi mua lại một công ty mà đã sử dụng thiết bị Huawei hiện có; Các quan chức Mỹ nói rằng điều này diễn ra sau khi các cơ quan tình báo của Anh cảnh báo về những rủi ro ngày càng tăng. Và Vodafone Group, có trụ sở tại London, cho biết vào thứ Sáu rằng họ sẽ tạm thời ngừng mua thiết bị Huawei cho các bộ phận của hệ thống mạng 5G.



Các quốc gia đang thận trọng theo dõi trong khi Trung Quốc đã trả đũa các nước đã cắt đứt các mối quan hệ với Huawei. Hồi tháng 12 (2018), Canada đã bắt giữ một giám đốc điều hành hàng đầu của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Bà Mạnh, con gái của ông Nhậm Chính Phi, bị buộc tội lừa đảo các ngân hàng để giúp doanh nghiệp Huawei tránh né các lệnh trừng phạt (của Mỹ) chống lại Iran. Kể từ khi bị bắt, Trung quốc đã bắt giữ hai công dân Canada và kết án tử hình một người Canada thứ ba, người trước đó bị kết án 15 năm tù vì buôn lậu ma túy. Hôm thứ Sáu, đại sứ Canada tại Trung Quốc đã từ chức sau khi ông bị chỉ trích về những bình luận mà ông đưa ra về trường hợp của bà Mạnh.



NHỮNG NGHI NGẠI NGÀY CÀNG TĂNG



Trong tháng này, chính phủ Ba Lan đã thực hiện hai vụ bắt giữ gián điệp cấp cao: một cựu quan chức tình báo, Piotr Durbajlo và Wang Weijing, một nhân viên của Huawei. Các vụ bắt giữ là bằng chứng mạnh nhất cho đến nay liên kết Huawei với các hoạt động gián điệp.

Một cựu quan chức tình báo hàng đầu của Ba Lan cho biết rằng ông Wang, người nhanh chóng bị Huawei sa thải, bị cáo buộc là đã làm việc cho các cơ quan tình báo Trung quốc. Ông Wang, theo các nhà ngoại giao Mỹ, là người chỉ huy, điều khiển ông Durbajlo - người dường như đã giúp Trung quốc thâm nhập vào mạng lưới thông tin liên lạc được bảo vệ cẩn mật nhất của chính quyền Ba Lan.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết vụ việc này là một ví dụ điển hình về cách thức mà chính quyền Trung cộng tiến hành việc cài cắm các điệp viên tình báo vào hệ thống mạng toàn cầu rộng lớn của Huawei. Các quan chức này có khả năng truy cập vào các mạng truyền thông nước ngoài và có thể tiến hành các hoạt động gián điệp mà các công ty bị ảnh hưởng không hề hay biết, quan chức này cho biết như vậy.

Huawei nói rằng ông Wang đã làm mất thanh danh của công ty Huawei và hành động của ông này không liên quan gì đến các hoạt động của công ty.



Bartlomiej Jankowski, Luật sư của ông Wang nói rằng thân chủ của ông đã bị cuốn vào một cuộc chiến tranh địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung cộng.



Các quan chức Mỹ và Anh đã càng ngày càng lo ngại về các năng lực của Huawei, sau khi các chuyên gia an ninh mạng, trong khi phân tích mã nguồn của công ty để tìm “các cửa sau”, đã xác quyết rằng Huawei, từ trụ sở của công ty tại Thâm Quyến, có thể truy cập, tiếp cận từ xa và kiểm soát một số hệ thống mạng.



Theo một khảo sát thận trọng, thì mã nguồn mà Huawei cài đặt trong phần mềm kiểm soát mạng của họ dường như không phải là một mã nguồn độc hại. Cũng không phải là nó được che giấu. Nó dường như là một phần của hệ thống dùng để cập nhật các hệ thống mạng từ xa và dùng để chẩn đoán sự cố. Nhưng trong một số trường hợp, nó cũng có thể điều hướng các lưu lượng xung quanh các trung tâm dữ liệu của công ty - nơi mà các công ty giám sát và kiểm soát các hệ thống mạng của họ - và chính sự tồn tại của nó hiện được coi là bằng chứng cho thấy tin tặc hoặc tình báo Trung cộng có thể sử dụng các hiết bị của Huawei để xâm nhập vào hàng triệu tài khoản của các hệ thống mạng.



Trong khi các quan chức Mỹ từ chối thảo luận về nó, việc chính quyền rình mò, hoạt động tình báo là một đường phố hai chiều. Đầu năm 2010, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã bí mật đột nhập vào Tổng hành dinh của Huawei, trong một hoạt động, có mật danh là “Shotgiant”, một phát hiện được tiết lộ bởi Edward J. Snowden, một cựu nhân viên hợp đồng của cơ quan này (NSA) hiện đang sống lưu vong tại Moscow.



Các tài liệu cho thấy rằng NSA có tìm cách để chứng minh sự nghi ngờ của mình rằng liệu Huawei có bị Quân Giải phóng Nhân dân TQ bí mật kiểm soát hay không - và rằng ông Nhậm Chính Phi liệu có chưa bao giờ thực sự ra khỏi đơn vị quân đội hùng mạnh này hay không. NSA hiện chưa tìm được bằng chứng nào, theo các cựu quan chức này. Nhưng các tài liệu của Snowden cũng cho thấy rằng NSA đã đặt ra một mục tiêu khác: đó là để tìm hiểu rõ hơn về công nghệ của Huawei và tìm kiếm các cách thức để cài cắm các cửa sau tiềm năng (của mình – của NSA). Bằng cách này, khi công ty (Huawei) bán các thiết bị cho các địch thủ của người Mỹ, thì NSA sẽ có thể nhắm mục tiêu vào các mạng máy tính và điện thoại của quốc gia này để tiến hành các hoạt động do thám và, nếu cần, sẽ thực hiện tấn công mạng.



Nói cách khác, người Mỹ cũng đã và đang cố gắng làm những gì với Huawei, hệt như những gì mà họ hiện đang lo lắng rằng Huawei đã, đang và sẽ làm với Hoa Kỳ.



CHIẾN DỊCH TOÀN CẦU



Sau một đợt xôn xao vào năm 2013 về sự thống trị ngày càng tăng của Huawei tại Anh quốc, Ủy ban Tình báo và An ninh mạnh mẽ của đất nước này (Anh quốc), một cơ quan của quốc hộ Anh, đã tranh luận về việc cấm Huawei, một phần vì các cuộc tấn công mạng của Trung cộng nhắm vào chính phủ Anh. Việc cấm đoán này bị bác bỏ, nhưng chính phủ Anh đã tạo ra một hệ thống mà đòi hỏi Huawei phải cung cấp phần cứng và mã nguồn cho GCHQ, một cơ quan giải mã của Anh quốc.

Hồi tháng Bẩy, lần đầu tiên, Trung tâm an ninh mạng quốc gia của Vương quốc Anh đã nói công khai rằng các câu hỏi về các hoạt động hiện tại của Huawei, tính phức tạp và năng động của các mạng 5G mới cho thấy rằng sẽ khó để có thể tìm ra những khả năng dễ bị tổn thương.

Gần như cùng lúc, NSA, tại một loạt các cuộc họp bí mật với các giám đốc điều hành các công ty viễn thông, đã phải quyết định có nên để cho Huawei tham gia đấu thầu các bộ phận linh kiện của mạng 5G của Mỹ hay không. AT & T và Verizon lập luận rằng sẽ có lợi nếu cho phép Huawei thiết lập một “giường thử nghiệm” tại Hoa Kỳ vì họ sẽ phải tiết lộ mã nguồn cho phần mềm của hệ thống mạng của họ. Việc cho phép Huawei tham gia đấu thầu cũng sẽ góp phần là cho chi phí cho việc lắp đặt hệ thống mạng giảm xuống, họ lập luận như vậy.

Giám đốc của NSA tại thời điểm đó, Đô đốc Michael S. Rogers, đã không bao giờ chấp thuận động thái này và Huawei đã bị chặn lại không được tham gia đấu thầu.

Hồi tháng Bảy năm 2018, Anh, Hoa Kỳ và các thành viên khác trong liên minh chia sẻ thông tin tình báo có biệt danh là “5 con mắt” (Five Eyes) đã gặp nhau trong cuộc họp thường niên tại Halifax, Nova Scotia, tại cuộc họp đó các công ty viễn thông Trung Quốc, mạng Huawei và 5G đứng đầu chương trình nghị sự. Họ quyết định hành động chung để cố gắng ngăn chặn công ty này xây dựng các hệ thống mạng mới ở phương Tây.

Các quan chức Mỹ đang cố gắng giải thích rõ với các đồng minh trên khắp thế giới rằng cuộc chiến với Trung cộng không chỉ là cuộc chiến về thương mại mà là cuộc chiến bảo vệ an ninh quốc gia của các nền dân chủ hàng đầu thế giới và các thành viên chủ chốt của NATO.



Hôm thứ Ba, những người đứng đầu các cơ quan tình báo Mỹ dự kiến sẽ xuất hiện trước Thượng viện để đưa ra việc đánh giá, lượng định các mối đe dọa hàng năm và họ dự kiến sẽ viện dẫn các khoản đầu tư vào hệ thống mạng 5G của các công ty viễn thông Trung Quốc, bao gồm cả Huawei, như một mối đe dọa.





THE END

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire