Trang

09/02/2019

Nhân kỷ niệm cuộc chiến 17 tháng 2





hoàn toàn bất ngờ
Tôi nhập ngũ khi cuộc chiến 1979 đã lùi lại được gần 6 năm, chỉ còn phần cuối của cuộc chiến 1984. Nơi tôi đóng quân là thị xã Lào Cai hoang tàn, đổ nát và dày đặc mìn. Do làm công tác quản lý quân lực, nên tôi có điều kiện la cà nói chuyện với những chỉ huy có mặt trong ngày Lào Cai thất thủ, kết hợp kiểm chứng qua lời kể của một số người dân còn bám trụ ở lại sau khi quân Trung Quốc rút đi và có thể đi đến khẳng định, bên Việt Nam hoàn toàn bất ngờ trước đòn tấn công ồ ạt của phía Trung Quốc. Bất ngờ một trăm phần trăm. Cả những quân nhân có mặt trong ngày 17-2-1979 lẫn người dân (những người tôi hỏi) đều kể lại giống nhau rằng, vào đêm hôm trước, do là ngày nghỉ, nên bộ đội ta và một số bộ đội, dân thường Trung Quốc vẫn cùng nhau xem phim ở thị xã Lào Cai, như mọi kỳ nghỉ cuối tuần khác. Chỉ mãi gần sáng, khi pháo binh Trung Quốc bắn vào sân bay Lào Cai, mọi người mới hốt hoảng hỏi nhau chuyện gì đang xảy ra. 


Tuy nhiên, vào thời điểm ấy thì quân Trung Quốc đã tràn ngập ở bất cứ chỗ nào, từ trận địa trên chốt, lẫn các con đường chính. Hóa ra quân Trung Quốc cải trang thành dân thường, lợi dụng lính biên phòng ta đi xem phim, đã chiếm một số điểm chốt tiền tiêu! Nhiều bộ đội Việt Nam bị giết chết ngay từ đêm ngày 16 mà không một ai hay biết? Hôm sau, khi chiến tranh chính thức nổ ra, để bảo toàn lực lượng, những người lính biên phòng và một số quân địa phương ít ỏi phải lùi xuống tuyến sau, lúc đầu là Cam Đường, Bến Đền, rồi thị trấn Lu thì dừng lại, chờ phản công. Vì không hề có kháng cự đáng kể, nên lính và dân binh Trung Quốc tràn qua biên giới như đi vào chỗ không người, thả sức cướp bóc sâu vào hàng chục km. Chúng nhanh chóng đánh chiếm Cam Đường, nơi có mỏ Apatit. Toàn bộ thiết bị cơ giới ở đây đều bị Trung Quốc lấy đem về nước hoặc đốt cháy. Mỗi cái xe Zin ba cầu mới tinh mà họ lấy đi, còn chở kèm theo mấy tấn quặng mang về làm 4 hiện đại hóa! Tại thị xã Lào Cai thì các cơ quan của nhà nước, của tổ chức quốc tế như trụ sở làm việc, trường học, văn phòng đại diện…, đều bị Trung Quốc giật mìn phá sập. Kho lương thực thì họ phá sau khi lấy hết thóc gạo. Gần sáu năm sau cuộc chiến, tôi vẫn còn kịp được chứng kiến di sản của sự tàn phá nhơ bẩn ấy.
Thời kỳ đó, quân đội Trung Quốc còn rất yếu, trang thiết bị lạc hậu, chiến thuật cổ lỗ, chủ yếu cậy đông để áp đảo đối phương. Nhiều người tiếc rằng, nếu phía Việt Nam chủ động đón lõng bằng trận địa bày ra từ trước để đánh địch (như từng xảy ra ở trận Chi Lăng thời Lê), có lẽ con số lính Trung Quốc phải phơi xác trên lãnh thổ Đại Việt không dừng lại ở ba vạn như ước tính của Hoa Kỳ. Đặng Tiểu Bình có thể cũng thắt cổ hoặc uống thuốc độc mà chết vì nhục, như tổ tiên của ông ta 200 năm trước.
Nhưng điều đó, may thay cho kẻ xâm lược, đã không xảy ra. Nhiều năm sau này, tôi vẫn cố công đi tìm lời giải thích vì sao phía Việt Nam hầu như không chuẩn bị gì đáng kể trước cuộc chiến tổng lực của Trung Quốc? Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh từ rất lâu trước đó, nhất là sau khi quân Việt Nam tiến vào Campuchia. Vậy mà dọc tuyến biên giới từ Bát Xát đến thị xã Lào Cai, tại thời điểm tháng 2 năm 1979, chỉ có duy nhất một trung đoàn bảo vệ với hệ thống hầm thưa thớt, chủ yếu làm bằng cốt tre!. Thật không thể tưởng tượng chúng ta lại mất cảnh giác một cách…tuyệt đối như vậy.
Khi cuộc chiến kết thúc, người ta mới biết Trung Quốc huy động một lực lượng quân sự khổng lồ, gấp gần 30 lần số quân Thanh tràn vào nước ta thế kỷ 18. Làm thế nào mà với trình độ tác chiến lạc hậu, bọn xâm lược có thể tập trung được tới 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, (chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng phía sau) và áp sát biên giới Việt Nam mà không hề gây ra bất cứ động tĩnh nào cho đối phương? Rồi còn hàng triệu dân binh? Chúng không thể chui từ dưới đất lên chỉ sau một đêm? Chắc chắn nó phải được chuẩn bị nhiều ngày, với sự tham gia của hàng chục triệu người và không sự tài giỏi nào có thể giấu kín tuyệt đối mà không bị đối phương phát hiện, dù chỉ bằng mắt thường! Vậy mà đối phương là chúng ta thì lại hoàn toàn bất ngờ. Dù ai có đưa ra bằng chứng hoặc lời giải thích gì đi nữa, thì cái sự thật ấy vẫn không thay đổi.
Một câu hỏi đặt ra là chả lẽ tình báo của chúng ta bị “mù” hay bị vô hiệu hóa? Tôi không tin vào điều này. Tôi ngờ là có sự mù lòa từ ở tít thượng tầng? Tuy nhiên, câu trả lời cuối cùng xin bỏ ngỏ để mọi người tiếp tục suy ngẫm và đưa ra lời lý giải. Tôi chỉ xin góp vào bằng một câu chuyện do một đại tá quân đội kể. Anh kể rằng, thực ra biên giới Tây Nam đã có chuyện đụng độ từ ngay năm 1975, nhưng phải mãi khi quân Pôn-pốt gây thảm sát ở đảo Thổ Chu, nhất là cuộc bắn giết đẫm máu ở thị trấn Ba Chúc, tỉnh biên giới An Giang, các “cụ” nhà ta mới tỉnh ra để thấy hóa ra nó là kẻ thù, chứ chẳng còn là đồng chí đồng hướng gì nữa (Còn gì nhục hơn khi là đồng chí với lũ diệt chủng và quan thấy của chúng). Theo anh bạn tôi thì trước đó một hai năm, lính Khơ-me đỏ đã giết dân và lính ta tràn lan. Cũng bắn hàng loạt, chặt đầu, phanh thây, nhưng hễ cứ báo cáo lên là lại được trả lời đó chỉ là xô xát đơn thuần, chứ không phải chủ trương gây chiến của lãnh đạo Campuchia! Dù sao thì họ vẫn là những người đồng chí! Tình đồng chí lớn lắm??? (Viết đến đây tôi lại chợt nhớ lời của một ông thầy, khi ông bảo rằng, cái từ tàn phá văn hóa khủng khiếp nhất chính là từ đồng chí!)
Ngay giờ đây bất cứ ai cũng có thể vào từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia để đọc những dòng chua xót sau, như một phần lời xác nhận câu chuyện tôi vừa ghi lại:
“Từ ngày 30 tháng 4 năm 1977, quân Khmer Đỏ bắt đầu đồng loạt nổ súng tấn công biên giới Tây Nam Việt Nam. Ngày 18 tháng 4 năm 1978 (tức là 12 tháng sau), chúng tràn vào Ba Chúc, thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai và Tam Bửu và chạy lên núi Tượng nhằm ẩn náu, song cũng bị quân Khmer Đỏ tàn sát dã man. Trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18 đến 30 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ đã giết chết 3.157 dân thường”.
Lịch sử thường hay lặp lại, nhưng cơ may sửa chữa sai lầm thì không mấy khi. Nếu bị một cú “mù” tương tự như sự kiện 17-2 năm 1979, nhưng lần này là ở trên biển Đông, thì chúng ta mất sạch.

Kỉ niệm 30 năm rời quân ngũ

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire