Trang

23/03/2019

Đánh giá một công bộc

Đã có nhiều thứ quy định rất tào lao được công bộc đề xuất - Tranh minh họa trên internet

Vừa qua có những đề xuất rất “buồn cười” khiến dư luận đặt câu hỏi về trình độ quản lý, lãnh đạo của các công bộc, lãnh đạo bộ ngành. Có nên coi đó là một thứ tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng cán bộ.

Thỉnh thoảng, dân tình lại điêu đứng bởi những đề xuất như “ngực lép không được lái xe”, “thu giá thay thu phí”, “mất bằng lái xe phải thi lại”, “nước mắm truyền thống phải sản xuất như trong phòng lab” hay “heo không được ăn bèo tây, thân chuối”... Nhiều người hẳn phải thắc mắc là vì sao các quan chức có chuyên môn lại có những “đề xuất rất buồn cười” như một vài ví dụ kể trên.


Điều đáng suy nghĩ là với những đề xuất này, thì người dân có công cụ gì để thể hiện việc đánh giá năng lực được của một công bộc. Hẳn phải có một “trình độ” nào đó thì người những công bộc này mới đưa ra được những quyết định “gây ồn ào không đáng có”, “rất dở” và “rất buồn cười” vậy như nhận xét mới đây của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

So với các doanh nghiệp tư nhân thì việc đánh giá năng lực của công bộc nhà nước là rất khó. Một doanh nghiệp tư nhân, nếu quản lý tốt, thì từ người lãnh đạo cho đến một nhân viên đều có bản mô tả công việc và đánh giá hiệu quả công việc theo các tiêu chuẩn ISO chẳng hạn. Không ai có thể “núp lùm” vào tập thể để yếu kém hay trốn việc và hiệu quả chung của mọi người chính là đồng tiền, là doanh số sản xuất, kinh doanh cụ thể đi lên hay đi xuống.

Đối với các công bộc thì người ta không biết rõ lắm là vì sao ông ta lại đứng ở vị trí lãnh đạo hay chuyên môn đó, công việc của ông ta ra sao, đem lại hiệu quả gì cụ thể cho kinh tế xã hội. Kể từ năm 2006, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN ISO 9001:2000 cho các cơ quan hành chính nước ta đã triển khai, thế nhưng việc áp dụng như thế nào và hiệu quả của chúng ra sao thì chưa thấy ai nhắc tới.

Nước Mỹ, kể từ sau những chính trị gia lãnh đạo theo những chính sách tương đối mơ hồ thì người dân đã bầu cho một vị tổng thống xuất phát từ một “nhà buôn” chính cống, Tổng thống Donald Trump. Ông Trump lãnh đạo nước Mỹ theo cái cách mà ông lãnh đạo các doanh nghiệp của ông, nghĩa là theo những mục tiêu kinh tế xã hội cụ thể, có thể thấy được hiệu quả hay không một cách rõ ràng và theo tôn chỉ “Nước Mỹ trước tiên” (America First). Thậm chí, nội các mà ông thành lập không phải là các chính trị gia chuyên nghiệp mà gồm nhiều nhà tài phiệt nắm giữ các tập đoàn, công ty hàng đầu của nước Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của ông, nền kinh tế của Mỹ đã phục hồi, người dân Mỹ có thêm nhiều công ăn việc làm hơn.

Ở nước ta, mặc dù kinh tế đang phát triển với tốc độ đáng kể, những có lẽ khó ai chỉ ra được đó là hệ quả của những quyết định, chính sách cụ thể từ các bộ, ngành nào, từ một cá nhân hay một tập thể cụ thể nào. Mặt khác, những đề xuất “buồn cười” khiến cho dư luận đặt câu hỏi về trình độ quản lý, lãnh đạo của bộ ngành lâu nay. Chưa kể nhiều vị trí lãnh đạo ở các bộ ngành thời gian qua còn vướng vào các vụ án tham nhũng, hối lộ lớn.

Việc đánh giá năng lực của các lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Hội đồng nhân dân hằng năm chỉ thông một kỳ lấy phiếu tín nhiệm, nhưng hầu như chưa có một vị trí nào phải “mất chức” bởi phiếu tín nhiệm thấp.

Vậy, nên chăng, cần có thêm những tiêu chuẩn đánh giá nào đó để giữ chức hay thôi chức các công bộc, như tiêu chuẩn không được đưa ra những đề xuất “làm trò cười cho thiên hạ”...?
 Đoàn Đạt

https://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/danh-gia-mot-cong-boc-109135.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire