Hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cướp thì chưa thể kết luận nhưng trộm thì chắc chắn là có |
Dân chúng nói một cách
đơn giản: “Gieo nhân nào gặt quả ấy”. Người tin vào nhân quả rất nhiều mà kẻ
không tin cũng không ít.
Tuy gọi là Luật nhưng
không phải do nhà nước ban hành, luật nhân quả không có người hoặc cơ quan giám
sát bắt buộc dân chúng thi hành. Chỉ những sự mắt thấy tai nghe trong cuộc đời
khiến con người giác ngộ, tự giác gò mình theo khuôn phép.
Sống thiện, làm việc
thiện thì tâm an, phiền giảm, ngược lại sống giả dối, làm điều ác thì tâm bất
an, đời chìm vào bể khổ.
Dù không mê tín, cũng
chẳng duy tâm nhưng quả thật người viết đã chứng kiến không ít người làm nghề
giết mổ gia súc, con cháu đời sau bệnh tật, nghiện ngập, không mấy người thành
đạt.
Gần đây có kẻ trùng tu
chùa rồi mang ảnh cả nhà vào treo ở gian chính điện, vênh vang xem thường dư
luận, tự xem mình ngang với thần linh, hậu quả là chẳng cần chờ đến đời sau,
bản thân làm ăn lụn bại, vướng vòng lao lý phải ngồi tù.
Những người ngụy tạo
chứng cứ, nhắm mắt xử liều, đẩy người vô tội tù oan, thậm chí lĩnh án tử hình
(như các vụ án oan sai Huỳnh Văn Nén, Nguyễn
Thanh Chấn,…), một số người sau đó mất chức, bị đuổi khỏi ngành hoặc ngồi sau
song sắt.
Có người bảo đó là sự
công minh của luật pháp, thực ra đấy cũng là quả báo, gieo tội ác tất phải gặt
trừng phạt.
Có kẻ làm đến chủ tịch
tỉnh như Nguyễn Trường Tô ăn chơi trác
táng, cuối đời làm cái nhà to tướng tận góc rừng, nghe nói cũng ít dùng.
Không ít kẻ nhận sổ
hưu một cái là cuộc sống thu lại sau mấy bức tường, ra phố sợ người ta xì xào,
“cuối đời lầm lũi mà đi”, người cũ dưới quyền ngoảnh mặt, ấy cũng là quả báo.
Đức Phật tổ
bảo các phật tử: “Có
10 giới trọng, nếu người thọ giới Bồ Tát mà không đọc
tụng giới này thì chẳng phải Bồ Tát, chẳng phải đệ tử của
Phật”.
Trong 10 giới trọng
(điều cấm kỵ), giới thứ hai là “Trộm cướp”, giới thứ tư là “Vọng ngữ”.
Trộm cướp thì khỏi
phải giải thích, còn “Vọng
ngữ là tự mình nói dối, dạy người nói dối, phương tiện nói
dối, nhân nói dối, duyên nói dối, cách thức nói dối,
nghiệp nói dối, cho đến không thấy nói thấy, thấy nói không
thấy, thân và tâm nói dối”. [1]
Hai ông Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son, cướp thì không thể
kết luận nhưng trộm thì chắc chắn là có, thay vì dùng từ “trộm”, có thể nói họ
đã “đánh cắp” niềm tin của dân chúng vào sự nêu gương của người đứng đầu.
Cuộc đời của họ - tức
là “thân và tâm” - dính với “nghiệp nói dối”.
Về chuyện “vọng ngữ”,
có người khi đương chức khoa chân múa tay, hùng hồn diễn thuyết, báo chí chụp
lấy tâng tận mây xanh, thuộc cấp cúi đầu khúm núm.
Khi còn tại vị, ông
Trương Minh Tuấn đã cho in cuốn sách có nội dung dạy đời, dạy người, thế nhưng
đằng sau cuốn sách lại là những việc làm xấu khiến dân chúng khinh thường,
khiến tổ chức không thể không kỷ luật.
Mới đây ông Trương
Minh Tuấn cùng ông Nguyễn Bắc Son đều bị khởi tố, bị bắt tạm giam chờ ngày ra
tòa.
Hai người này chỉ có
lỗi với tổ chức, với chính quyền hay đều bị quả báo vì tội lỗi mà họ gây ra với
dân, với nước?
Nếu bảo họ đã “tự chuyển hóa” từ người tốt thành
người xấu thì có vẻ không hợp quy luật bởi họ đều có lý lịch trong sạch, bằng
cấp cao siêu, môi trường làm việc sáng láng, chẳng có gì tăm tối, dân gian đúc
kết “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, vậy họ phải “rạng” chứ sao lai “đen”?
Nếu cho rằng họ “tự
chuyển hóa” từ “người xấu vừa” thành “người rất xấu” cũng không đúng bởi
nếu “xấu vừa” thì đã không được quy hoạch người đứng đầu một ngành bởi “quy
trình” rất chặt chẽ.
Thôi thì cứ tạm cho
rằng họ bị báo ứng vì ăn ở.
Câu răn dạy của người
xưa “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” mới đây hình như đã xuất hiện một biến
thể ngược lại, ấy là “Đời con ăn bẩn, đời cha vạ lây”.
Ví như chuyện một
người viết kịch, sáng tác nhạc và nghiên cứu văn hóa có con là Bộ trưởng. Khi
ông con còn tại vị, một nhóm giáo sư, nghệ sĩ và nhà báo với sự hỗ trợ của một
vài cơ quan cùng nhau tổ chức hội thảo vinh danh ông cụ, sự kiện này khiến mạng
xã hội xuất hiện nhiều ý kiến khen chê.
Người phương Tây có
câu châm ngôn: “Cái gì của Xê-da
phải trả lại cho Xê-da”, thế có nghĩa là cái gì không phải
của Xê-da thì đừng dúi vào tay Xê-da, dúi vào là phải tội.
Việc ông con ngồi tù
chắc sẽ khiến gia đình buồn lòng, thế là báo hiếu hay ngược lại, thế có phải
cũng là nhân quả hay phải nói ngược lại là “quả nhân”?
Nhân quả theo giáo lý
nhà Phật là khuyên răn chúng sinh, liệu có đúng với các đối tượng như cơ quan,
tổ chức, chủ trương, chính sách,…?
Người viết cho là có.
Chẳng hạn ngành Giáo
dục, suốt mấy chục năm duy trì tình trạng “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, suốt nhiều thập niên hô hào “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”
nhưng lương thày giáo thì thuộc loại thấp nhất,…
Gieo “nhân” như thế
nên mới xuất hiện trường hợp thày không ra thày, trò hỗn với thày, phụ huynh
bắt thày cô quỳ, đòi phạt thày cô cả trăm triệu đồng,…
Rồi chuyện cán bộ quản
lý giáo dục sửa điểm thi trong kỳ thi
quốc gia, bỏ túi hàng trăm triệu đồng, Giám đốc sở Nội vụ nhắn tin xin nâng đỡ người nhà thi
viên chức giáo dục…
Vậy nếu nói “Gieo nhân
cùng sào, gặt mùa thóc lép” chắc không hoàn toàn sai.
Lại có chuyện người
trẻ gần đây đua nhau vào thi vào học một số ngành đặc biệt, điểm trúng tuyển ba
môn cộng lại có lúc chẳng kém gì ngành Y khoa, ngành này lại còn thêm tiêu chí
xét nét lý lịch ông bà, bố mẹ,…
Vì sao lại có tình
trạng a dua như vậy? Vì nhìn người làm việc trong ngành ấy với những bộ sắc
phục có vẻ oai vệ lắm, hơn nữa nghề nghiệp còn giúp một bộ phận không nhỏ người
hàng ngày kiếm “tiền tươi thóc thật” dễ như móc đồ trong túi, thế là lao vào,
chuyện nhân quả mấy người để ý.
Trên truyền thông, dân
chúng dị nghị về ngành ấy đếm không xuể, nào là cán bộ lực lượng trở thành “anh
hùng núp”, thực thi công vụ thì “vung tay chạm má”, “dùng chân tác
động”, còn dân thì “tự va vào gậy”… phải nhập viện.
Minh chứng là bài viết
trên báo Plo.vn: “Gãy mũi vì
“mặt va vào gậy” cảnh sát giao thông”. [3]
Thời gian gần đây, cả
chục quan chức cấp cao của ngành ấy bị kỷ luật, một số bị khai trừ, tước quân
tịch hoặc ngồi tù, có người ốm đau, bệnh tật phải nhập viện khi xét xử tại tòa,
đó chẳng phải nhân quả thì là gì?
Ngày xưa, dân gian
nói: “Ở đời có bốn
cái ngu; Làm mai, nhận nợ, gác cu, cầm chầu”. Xin không giải thích
từng cái “ngu” của ngày xưa, mà chỉ muốn nói thêm, rằng ngày nay không còn là
bốn cái ngu nữa, ít nhất cũng phải thêm “cái ngu” thứ năm, ấy là hối lộ thánh
thần.
Không ít người đem
những đồng tiền, hiện vật kiếm được một cách mờ ám cúng dường tại các đình,
đền, chùa, mong thần, phật độ cho tai qua nạn khỏi để còn … tiếp tục các
“chuyến tàu vét”.
Những kẻ làm quan hay
kinh doanh thuộc diện “ngu thứ năm” ấy liệu một tay có thể che trời, có thể lừa
dối thánh thần?
Người viết tin là
không.
Tài liệu
tham khảo:
[1] https://thuvienhoasen.org/a2457/i-muoi-gioi-trong
[2]
https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/nhac-si-truong-minh-phuong-gia-lang-cua-gioi-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-348331.html
[3]
https://plo.vn/xa-hoi/gay-mui-vi-mat-va-vao-gay-csgt-95712.html
Xuân Dương
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire