Trang
▼
17/04/2019
HỒI KÝ TRIỆU TỬ DƯƠNG
LỜI GIỚI THIỆU
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ bốn mươi mốt(*) của tủ sách SOS2, cuốn Hồi Ký Triệu Tử Dương (Prisoner of the State – the Secret Journal of Zhao Ziyang (Tù Nhân của Nhà nước – Nhật ký Bí mật của Triệu Tử Dương)) do Bao Pu, Renee Chiang và Adi Ignatius dịch và Lời tựa của Roderick MacFarquhar được Simon & Schuster xuất bản năm 2009.
Triệu Tử Dương là chính trị gia, kỹ trị gia xuất sắc của Trung Quốc trong thế kỷ thứ thứ hai mươi và có công lớn trong cải cách kinh tế của Trung Quốc. Ông và Hồ Diệu Bang (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc-ĐCSTQ) đã là hai cánh tay đắc lực của Đặng Tiểu Bình trong việc đoạn tuyệt và xoá bỏ các chính sách tai hoạ của Mao. Nhưng cả hai đã bị Đặng phế truất vì đã không thực hiện những quyết định chính trị tàn khốc của Đặng.
Triệu tử Dương, Bí thư thứ hai của Tỉnh uỷ Quảng Đông đã thử khoán đất cho hộ gia đình ở đó trong năm 1962, cùng một số lãnh đạo địa phương khác, theo sáng kiến thực sự của một số nông dân để thoát khỏi tai hoạ của các công xã nhân dân của Mao. [Ông Kim Ngọc ở Việt Nam có chính sách tương tự năm 1966 tại Vĩnh Phúc]. Ông đã là bí thư thứ nhất của ĐCSTQ ở tỉnh Quảng Đông (1965), rồi bị Cách mạng Văn hoá thanh trừng. Sau đó được phục chức và đã hoạt động ở những địa phương khác nhau. Ông đã làm Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ Tỉnh Tứ Xuyên từ cuối 1975 và tại tỉnh có 100 triệu dân với nền nông nghiệp đang trên bờ phá sản này ông đã cho khoán đất cho hộ nông dân một cách đại trà, và chỉ trong vài năm đã đạt những kết quả hết sức ngoạn mục và danh tiếng của ông đã được nhiều người biết đến. Tháng Chín 1980 ông đã trở thành Thủ tướng Trung Quốc và là Thủ tướng trong hơn 6 năm. Sau khi Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang bị Đặng cho là quá khai phóng về mặt chính trị và bị hạ bệ tháng Giêng năm 1987, Triệu đã trở thành Quyền Tổng Bí thứ rồi Tổng Bí thư tại Đại hội lần thứ 13 của ĐCSTQ tháng Mười cùng năm. Chủ trương cải cách giá sai lầm của ĐCSTQ trong năm 1988 đã làm cho uy tín của Triệu bị sứt mẻ.
Ngày 15-4-1989 Hồ Diệu Bang, người đã rất quý trọng và khoan dung giới trí thức, qua đời tại Bắc Kinh và cái chết của ông đã kích các sinh viên và trí thức tổ chức các buổi tưởng niệm. Các buổi tưởng niệm Hồ Diệu Bang dần dần đã bị sự phản ứng của phe cứng rắn trong ĐCSTQ kích leo thang thành các cuộc biểu tình sinh viên rầm rộ tại quảng trường Thiên An Môn, thậm chí chiếm quảng trường.
Sự cố đã xảy ra không chỉ ở Bắc Kinh mà ở cả nhiều thành phố lớn khác. Cảnh tượng tương tự như ở quảng trường Thiên An Môn khi đó đã lặp lại trong Mùa Xuân Arab 2011 như tại Quảng trường Tahir ở Cairo Ai Cập, hay tại Quảng trường Maidan ở Kiev, Urcaina năm 2014, một trong những dấu hiệu điển hình của việc huy động cho dân chủ hoá sôi động (đầy sự kiện-eventful democratization) mà Donatella della Porta đã phân tích sâu sắc trong cuốn, Huy động cho Dân chủ–So sánh 1989 và 2011của bà (cuốn thứ 40 của tủ sách SOS2). Các cơ chế huy động, lan truyền cũng như leo thang mà Donatella della Porta phân tích kỹ cũng có thể thấy rất rõ trong tường thuật và những phân tích của Triệu Tử Dương về các sự kiện Thiên An Môn trong hồi ký của ông.
Triệu Tử Dương đã chủ trương giải quyết các cuộc biểu tình sinh viên một cách ôn hoà dựa trên những nguyên tắc thuyết phục, đối thoại và chỉ trừng phạt những kẻ vi phạm luật mà ông nói rõ là đập phá, cướp bóc, đánh người, đốt phá và đột nhập. Trong khi đó Đặng Tiểu Bình và các Đảng viên lão thành theo đường lối cứng rắn đã quyết định thiết quân luật, đưa quân đội vào dẹp tan các cuộc biểu tình sinh viên. Triệu đã từ chối việc tham gia ra quyết định này và từ chối thực hiện nó. Kết quả là ông đã bị Đặng Tiểu Bình cách chức và bị quản thúc tại gia trong gần 16 năm cho đến khi ông chết ngày 17-1-2005.
Trong tình trạng bị quản thúc tại gia, theo sự thúc giục của một số bạn thân, ông đã bí mật ghi âm lại những suy nghĩ của mình (hay đọc lại những ghi chép trước đó của ông vào băng ghi âm). Những cuốn băng này đã được tuồn sang Hong Kong và nội dung của chúng chính là cuốn sách này. Hồi ký của ông được xuất bản bằng tiếng Hoa và tiếng Anh năm 2009, kỷ niệm 20 năm vụ Tàn sát Thiên An Môn.
Bản dịch này dựa vào bản tiếng Anh. Rất tiếc tôi không biết tiếng Hoa và không có bản tiếng Hoa nên rất có thể bản dịch này không lột tả được hết ý hay sắc thái của hồi ký của Triệu Tử Dương vì sự tam sao thất bản qua hai lần dịch. Tôi không rõ các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc hay các nhà nghiên cứu Trung Quốc của Việt Nam, ngoài cuốn ghi chép của Tôn Phượng Minh về Những câu Chuyện của Triệu Tử Dương khi bị Giam lỏng mà chắc chắn đã được dịch nhưng không được xuất bản, đã có dịch cuốn hồi ký này chưa. Cuốn ghi chép của Tôn Phượng Minh được xuất bản năm 2007 cũng tại Hong Kong, 2 năm trước cuốn Hồi ký của Triệu Tử Dương. Người viết lời nói đầu cho bản tiếng Hoa, Đỗ Đạo Chánh đã có một cuộc phỏng vấn với The New York Times về cuốn hồi ký này cũng đáng tham khảo.
Nếu cuốn Hồi ký này chưa được dịch ra tiếng Việt trong suốt 10 năm qua thì quả là việc rất đáng tiếc. Trong khi những sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình bày bán tràn lan tại Việt Nam, thì hai cuốn sách này về Triệu Tử Dương chưa thể đến tay bạn đọc hay những nhà nghiên cứu Việt Nam. Thiếu cách nhìn đa chiều có thể khiến tư duy chúng ta (về Trung Quốc) bị méo mó. Chính vì thế tôi cho việc đưa bản dịch này đến tay bạn đọc và các nhà nghiên cứu, nhất là các chính trị gia, các đảng viên của ĐCSVN cũng như các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam là quan trọng, để giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều và tìm hiểu kỹ hơn về Trung Quốc.
Cuốn Hồi ký này chỉ nhắc đến khoảng thời gian Triệu đã lên làm lãnh đạo chóp bu ở Trung Quốc, tức là khoảng 7-8 năm cuối cùng trong sự nghiệp chính trị của ông với tư cách nhà lãnh đạo quốc gia và những suy nghĩ sau này của ông về cải cách chính trị khi ông đã bị giam lỏng.
Nó giúp chúng ta hiểu kỹ hơn về quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc, về sự đấu đá nội bộ liên miên trong đội ngũ chóp bu của ĐCSTQ, về việc Đặng Tiểu Bình ngồi xổm trên pháp luật và các quy định của chính ĐCSTQ để áp đặt ý chí của mình như thế nào, về các mánh khoé trị nhau, hay mánh khoé của bản thân Triệu để qua mặt những người bảo thủ chống cải cách trong ĐCSTQ bằng cách dùng các uyển ngữ khác nhau như “giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội” để biện minh cho các chính sách thị trường tự do của ông hoặc bằng việc sử dụng, trích dẫn các đoạn phát biểu trong quá khứ của chính các lão thành bảo thủ đó để có được sự ủng hộ hay bớt sự chống đối của họ đối với những ý tưởng cải cách táo bạo của ông.
Những ý tưởng và phân tích của ông về hội nhập kinh tế, về tận dụng thương mại quốc tế (về “hai đầu kéo dài ra nước ngoài” thực sự là ý tưởng sinh ra công nghiệp gia công), về phát triển từ từ, về phát triển vùng duyên hải, về đối phó với tham nhũng, thậm chí về cải cách chính trị bị chết non của Trung Quốc (kể cả ý tưởng “quốc hữu hoá quân đội” tức là quân đội phải tách khỏi các đảng phái chính trị) là có tính đột phá và rất đáng chú ý và có tính gợi mở cũng như tính thời sự với các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu ở Việt Nam.
Cuốn sách cũng cho thấy Triệu là một người thực tiễn và rất ham học hỏi. Ông học hỏi từ chính người dân về việc khoán đất cho hộ gia đình từ đầu những năm 1960. Ông đã học từ bốn con Hổ Á châu, kể cả từ Hong Kong và Đài Loan, học từ khắp nơi (thậm chí cả Việt Nam như Tôn Phượng Minh đã nhắc đến trong cuốn sách của ông). Những ấn tượng của ông về sự phát triển nông nghiệp ở Anh, Pháp, Hy Lạp và Thuỵ Sĩ trong cuộc công du nước ngoài khi ông còn làm việc ở tỉnh Tứ Xuyên đã giúp sự hiểu biết của ông trong việc đưa ra những chính sách lớn. Những thay đổi về tư duy của ông được kể một cách rất chân thực và rất đáng để các lãnh đạo Việt Nam học tập, thay cho những cuộc đi học tập nước ngoài cưỡi ngựa xem hoa hay đi theo “chính sách” trước khi về hưu rất không hiệu quả và vô cùng tốn kém cho ngân sách.
Tất nhiên với con mắt ngày nay, một số ý tưởng của Triệu chẳng có gì mới hay đột phá cả, nhưng đặt chúng vào đúng bối cảnh Trung Quốc lúc đó chúng ta càng kính trọng sự hiểu biết và sự táo bạo của ông vì chính ông đã tạo ra một số “sự đột phá” đó. Những suy nghĩ ngớ ngẩn về cải cách giá và cách làm trái khoáy đối với cải cách giá của giới lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc cách đây hơn 30 năm quả thực là khó tưởng tượng được với con mắt ngày nay.
Điều đáng trân trọng ở Triệu Tử Dương là ông đã thú nhận những sai lầm ngớ ngẩn đó và phân tích về cách có thể cần phải làm. Không chỉ sai lầm này mà nhiều sai lầm khác hay sự thiếu hiểu biết khác được ông công nhận đã chứng tỏ nhân cách hết sức đáng tẩn trọng của Triệu, một người chính trực.
Giả như cả Hồ Diệu Bang lẫn Triệu Tử Dương đã không bị Đặng Tiểu Bình phế bỏ và họ tìm được cách để Đặng ủng hộ thì có lẽ Trung Quốc đã khác rất xa với bây giờ, với nền kinh tế chắc chắn phát triển hơn, lành mạnh hơn và có lẽ đã đi theo con đường dân chủ thực sự.
Đáng tiếc, chế độ độc đoán, độc tài của Trung Quốc đã ngày càng được củng cố. 30 năm sau vụ Tàn Sát Thiên An Môn những ý tưởng cải cách chính trị còn nửa vời của Triệu Tử Dương vẫn chỉ là những ý tưởng. Với sự nắm quyền của Tập Cận Bình Trung Quốc ngày càng hung hăng khiến cả thế giới phải lo ngại. Chủ nghĩa Marx-Lenin Tư tưởng Mao Trạch Đông ở Trung Quốc trên thực tế đã bị vứt vào sọt rác, nhưng về mặt tu từ học vẫn được dùng và Tập ngày càng sử dụng các phương pháp đó để cổ vũ tư tưởng Tập Cận Bình, mà thực sự là chủ nghĩa dân tộc nước lớn.
Trong bối cảnh hiện nay khi chủ nghĩa độc đoán, dân tuý đang lên và phong trào dân chủ đang có vẻ gặp những thách thức mới ở chính cái nôi của dân chủ như ở Hoa Kỳ, Anh và Tây Âu, sẽ không ít người, nhất là một số trong giới lãnh đạo Việt Nam, thiên về đường lối cứng rắn kiểu Đặng Tiểu Bình (bất chấp hắn là kẻ đã ra lệnh quân đội “dạy cho Việt Nam một bài học” trong năm 1979). Công nghệ đã thay đổi, xã hội đã thay đổi và các nhà dân chủ phải thay đổi tư duy của mình để thích ứng với hoàn cảnh mới để bảo vệ các giá trị dân chủ, để củng cố dân chủ. Những phân tích của Triệu Tử Dương về đường tới dân chủ của Trung Quốc cũng có thể gúp chúng ta tin, như ông cuối cùng đã tin, rằng chế độ dân chủ nghị viện kiểu Tây phương (sẽ phải thay đổi cho phù hợp với công nghệ và xã hội) là chế độ tốt nhất được biết đến cho tới nay và phải là mục tiêu kiên định của chúng ta. Các nhà lãnh đạo Việt Nam và các đảng viên ĐCSVN rất nên học theo cách tư duy của Triệu Tử Dương hơn là của Đặng Tiểu Bình.
Tất nhiên, Triệu với tư cách nhà lãnh đạo quốc gia ông chú tâm đến sự thay đổi từ phía lãnh đạo. Nhân dân Trung Quốc, chắc hẳn cũng mong muốn các nhà lãnh đạo thay đổi, nhưng họ phải khác với Triệu, người chỉ mong ĐCSTQ phải đạt sự đột phá, người dân phải chủ động thúc đẩy và thậm chí ép lãnh đạo phải thay đổi. Đấy là cách nhìn toàn diện hơn.
Theo tinh thần ấy, chúng ta người dân Việt Nam cũng mong muốn ĐCSVN thay đổi theo kiểu Triệu mong muốn đối với ĐCSTQ, nhưng nhân dân Việt Nam phải chủ động hơn, phải “thực thi dân quyền” trên tinh thần xây dựng và gợi ý cho chính quyền phải làm gì, tức là chủ động thực hiện các quyền hiến định của mình mà không chờ bất cứ ai “cho phép” cả (vì xét về lợi ích, khuyến khích thì họ hiếm khi nào tự nguyện làm việc đó và như thế thực sự là họ vi phạm hiến pháp hay nói nhẹ hơn không làm đúng trách nhiệm của họ trong việc tạo môi trường pháp lý để người dân thực hiện các quyền hiến định của mình), mà chúng ta phải liên tục lên tiếng, góp ý, hành động và gây sức ép 24/7 để buộc ĐCSVN phải thay đổi.
Việc tìm hiểu Trung Quốc giúp chúng ta hiểu chính mình hơn, biết những sự giống nhau và khác nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau và có thể học những cái hay và nhất là tránh những cái dở của họ, và của các nước khác, là hết sức quan trọng trong sự phát triển đất nước. Và cuốn Hồi ký của Triệu Tử Dương có thể giúp chúng ta hiểu Trung Quốc hơn cũng như hiểu chúng ta hơn.
Chính vì thế, cuốn sách có thể rất bổ ích cho các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu chính trị và kinh tế, các nhà hoạt động, các sinh viên, các nhà báo và tất cả những ai quan tâm đến Trung Quốc, đến dân chủ hoá tại Việt Nam.
Như các biên tập viên cuốn sách này đã nói rõ [những phần trong dấu ngoặc vuông] là của họ, không phải của Triệu; tôi cũng mạn phép đưa {vài lời trong ngặc} để giúp làm rõ hơn văn bản hay chú thích của cuốn sách; các chú thích đánh số dưới trang là của người dịch, các chú thích khác (đánh dấu sao* hay dấu† hoặc dấu khác) là của các biên tập viên.
Tôi đã cố gắng để bản dịch được chính xác và dễ đọc, tuy nhiên do hiểu biết có hạn lại không dịch được từ nguyên bản tiếng Hoa nên bản dịch không tránh khỏi sai sót, mong các bạn góp ý để hoàn thiện và rất mong được hợp tác với những người khác để có bản dịch tốt hơn để truyền đạt trọn vẹn hơn các ý tưởng của một người Trung Quốc Vĩ đại, Triệu Tử Dương.
Hà Nội 14-4-2019
Nguyễn Quang A
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire