Trang

20/04/2019

THẾ NƯỚC CHÔNG CHÊNH

MÊNH MÔNG TH S Đ GIÓ CUN ĐI
SỐ 64

TƯƠNG LAI
 
Đền các vua Hùng

Có ánh sáng của những vì sao đã tắt từ nhiều thế kỷ trước đây vẫn đến được với con người hôm nay. Đương nhiên, phải có những đôi mắt muốn nhìn, biết nhìn, tìm ra cách để nhìn, thì mới thấy được ánh sáng ấy. Ai đó nói rất chí lý, “mắt không chịu trách nhiệm khi trí óc mới thực hiện cái nhìn”. Cái nhìn ấy thấy ra những gì vào ngày Giỗ Tổ năm nay ý nghĩa thiêng liêng nhất và quan trọng nhất khiến cho "Dù ai đi ngược về xuôi . Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba? Vì sao trong tâm thức của người Việt lại coi trọng ngày Giỗ Tổ đến vậy? Phải chăng Giỗ Tổ đang thức dậy những nỗi niềm dân tộc?


Cũng như nhiều năm trước đây năm nay cũng không thiếu trống rong cờ mở đến hội đền Hùng. Có lễ và có hội để rồi “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm. Ngổn ngay gò đống kéo lên, Thoi vàng-vó rắc, tro tiền-giấy bay”. Vậy thì Lễ Hội Đền Hùng năm nay gợi lên những điều gì trong tâm thức dân tộc, chuyển tải những thông điệp gì của ông cha ta trong ngày lễ trọng. Nếu nghĩ về một khía cạnh rất “quan phương” thì theo nghi thức quốc lễ, nguyên thủ quốc gia phải là người chủ tế. Trừ trường hợp vì một lý do bất khả kháng, nếu nguyên thủ có đầy đủ trí tuệ và sự thành kính với tổ tiên thì không được vắng mặt. Không thế, thì về mặt tâm linh sẽ khỏi tránh được sự trừng phạt. Đó là cách “nhìn” dân dã tự cổ chí kim. Cái nhìn và cách nhìn của bao thế hệ Việt Nam từ thời cổ xưa cho đến thời hiện đại ta đang sống là hằng xuyên trong thời gian và cả trong chiều kích không gian từ đỉnh Lũng Cú, Hà Giang cho đến Mũi Năm Căn, Cà Mâu.

 Khi ông cha ta “nhìn” các ngọn đồi ở vùng trung du thành  99 con voi chầu về đất Tổ, 1 con quay về hướng Bắc đã bị chặt đầu, nay là ngọn đồi có vệt xẻ thành khe, đó chính là tâm thức dân tộc đã định hình được ý chí chống ngoại xâm, tinh thần dân tộc và bản lĩnh quật cường. Đó còn là một lời cảnh cáo đanh thép và dứt khoát đối với những kẻ cam tâm đi ngược lại ý chí của cả dân tộc để quay đầu khấu lạy thế lực ngoại bang cướp nước. Ý chí ấy, tinh thần ấy, bản lĩnh, lời cảnh cáo ấy được tạc vào hình thể núi sông. Đó là những biểu tượng chìm sâu trong văn hóa Việt.

Mà việc tạc vào hình thể núi sông trên khắp đất nước ta từ bắc chí nam thì không chỉ biểu tượng 100 con voi nói trên. Còn có những lốt chân ngựa Thánh Gióng mà nhân dân ta đã và đang “nhìn” thấy “dấu vết” từ những dãy ao tròn nối nhau kéo dài suốt từ Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc Sơn. Rồi những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình là “chứng tích” tre bị cháy bỡi lửa do ngựa sắt của Thánh Gióng phun ra mới ngả mầu vàng óng như bây giờ. Trải khắp đất nước, còn vô vàn biểu tượng từng chìm sâu vào tâm thức dân tộc khó có thể kể hết ra được.

Nói đến văn hóa là nói đến biểu tượng, tức là ngoài một hình ảnh, một sự vật đã quen thuộc còn gợi thêm những ý nghĩa khác ngoài ý nghĩa ước định hiển nhiên vốn có. Trong những chừng mức khác nhau, biểu tượng ẩn chứa trong nó một ước muốn, một khát vọng. Vùng đất Tổ với đền thờ Vua Hùng, vì vậy còn nhiều di tích, truyền thuyết thấm đẫm tính nhân văn và tinh thần quật khởi. Hai biểu tượng vừa kể ra chỉ là những ví dụ điển hình của một lịch sử xa xưa. 
Đại đoàn Quân Tiên Phong tại đền các vua Hùng


Gần hơn, một biểu tượng cũng không kém ý nghĩa điển hình là ngày giỗ Tổ năm Bính Tuất 1946, nhà chí sĩ yêu nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch Nước đã dâng tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm với ý nghĩa cáo với trời đất, với tổ tiên, đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, biểu thị quyết tâm làm theo lời dạy của ông cha đoàn kết một lòng, đánh giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, khi mà Sài Gòn đã quật cường đứng dậy với ngày Nam bộ Kháng chiến 23.9.1945. Và khi cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn Quân Tiên Phong trên đường tiến về tiếp quản Thủ đô đã dừng lại ở đền Hùng để nghe lời căn dặn của cụ Hồ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tấm hình chụp 19 tháng 9 năm 1954 này phải chăng là một biểu tượng sống động về lịch sử, mà xét đến cùng thì lịch sử là con người nhân với thời gian.

Con người luôn luôn là con người cụ thể sống trong những hoàn cảnh lịch sử-cụ thế. Cho nên để hiểu sâu về con người Việt Nam hôm nay cần nhìn lại hành trình dài lâu của dân tộc, trở lại những tọa độ cũ vốn cất giữ những thông điệp của ông cha truyền lại cho những thế hệ kế tiếp. Tính sống động của bức ảnh Đại đoàn Quân Tiên Phong với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đền Hùng qủa là đã chuyển tải hết sức sâu sắc và rất gần gủi một thông điệp từ một tọa độ lịch sử rất gần. Còn những thông điệp của ông cha từ xa xưa được tàng ẩn trong những huyền thoại, những truyền thuyết, những biểu tượng được tạc vào hình thể non sông lại có cái sức mạnh huyền bí được thấm rất sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ người Việt kế tiếp nhau dựng nước và giữ nước trước kẻ thù truyền kiếp phương Băc. Máy ảnh xuất hiện cách nay chỉ mấy thế kỷ với một nhà khoa học Đức Johann Zahn năm 1865, nhưng những biểu tượng tạc vào đất nước thì đã tồn tại hàng nghìn năm. Biết cách “nhìn” vào đó sẽ hiểu ra được nhiều điều. Để làm gì?

Để hun đúc bản lĩnh quật cường, tinh thần cảnh giác trước mọi mưu ma chước quỷ của lũ giặc ngoại xâm. Suốt mấy nghìn năm ông cha ta dựng nước, cũng là ngần ấy năm phải thường trực chống ngoại xâm, chủ yếu là từ phương Bắc tràn xuống, để giữ nước. Phải thường trực cảnh giác vì “thiên triều” phương Bắc chưa lúc nào buông lơi toan tính nuốt trọn dải đất liền kề phía nam. Chúng nuốt, rồi lại phải nhả ra, vì sức quật cường của dân tộc sống trên dải đất phương nam “núi liền núi sông liền sông” ấy không bao giờ chịu khuất phục. Cho nên chiêu võ cổ truyền của “thiên triều” là phải rình thời cơ, đặc biệt là lúc đất nước này có biến, thường là vào buổi mạt của những triều đại, các thế lực trong nước lao vào cuộc tranh bá đồ vương kình chống nhau, thanh toán đối thủ, đất nước kiệt quệ, lòng dân ly tán, chính đấy là lúc có thể dễ bề thôn tính, bắt quỳ gối chấp nhận phận chư hầu.

Nhắc lại đôi điều nói trên trong bối cảnh của những sự kiện vừa xảy ra đúng ngày Giỗ Tổ để gợi nhớ những thông điệp của ông cha. Mong sao những tấm lòng đang ưu tư về thế nước “nhìn” ra được ở đó không chỉ là ánh sáng của những vì sao đã tắt đang đến với chúng ta, mà còn là lời sấm truyền đang thức tỉnh và giục giã mỗi người Việt Nam nặng lòng vì đất nước thân yêu của mình biết rõ đất nước đang phải đối diện với những nguy cơ và hiểm họa khó lường từ những sự kiện ngẫu nhiên rất khác thường vừa xảy ra trong những ngày này.

Đúng là ngẫu nhiên, nhưng với kiến thức sơ đẳng về biện chứng của cuộc sống thì cái tất yếu luôn phải thông qua cái ngẫu nhiên mà biểu hiện ra. Ở đây đúng là chính “trí óc mới thực hiện cái nhìn”. Vậy thì, với nhận thức ấy liệu đã có những ai “nhìn ra” cái thế nước chông chênh từ những sự kiện đang xảy ra. Để rồi, từ thế nước chông chênh này mà thấy ra được rằng : lịch sử dường như lặp lại những thời đoạn đen tối của buổi mạt triều với những “phế đế”!

Quả có vậy. Vào thời điểm bấn loạn dẫn tới sụp đổ của những triều đại trong tiến trình lịch sử, tất sẽ phơi ra những gương mặt kiểu Trần Phế Đế, vua thứ 10 nhà Trần, 1361-1388, Lê Uy Mục, vua thứ 8 đời nhà Hậu Lê 1488-1509, rồi Lê Tương Dực 1495-1516, để rồi kết thúc với Lê Chiêu Thống 1765-1793 “cõng rắn cắn gà nhà”. Chiêu Thống và bộ sậu vong nô của ông ta đã rước Tôn Sĩ Nghị, Tổng đốc Lưỡng Quảng dẫn  29 vạn quân, huy động từ Lưỡng Quảng, Vân Nam và Quý Châu để đưa ông vua vừa bị phế bỏ về Việt Nam với danh nghĩa phù Lê, chiếm đóng Thăng Long. Cứ tưởng như những bản lai diện mục ấy đang lảng đảng phảng phất trong gương mặt hiện đang chiếm hàng đầu trong truy cập nóng trên mạng mà Google vừa đưa ra kia! Chao ôi, liệu có thần hồn nát thần tính vì không chịu bấm ấn Kim Cang để trừ tà diệt quỷ như ai đó đã làm mà hình dung ra thế không đây! Nhưng chuyện những “Vua Quỷ, Lê Uy Mục, kế đó là “Vua Lợn” Lê Tuơng Dực thì lịch sử còn ghi rành rành đấy thôi. Đại Việt Sử Ký toàn thư chẳng đã chép đó sao: “Vua u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền ngày càng về tay kẻ dưới, xã tắc lung lay, đến thân mình cũng không giữ được”.

Chuyện “thân mình cũng không giữ được” kiểu Lê Uy Mục mà lịch sử đã ghi, đại loại như “không mấy quan tâm đến chuyện chống giặc mà chỉ lo đem của cải đi cất giấu. Lại tiếp tục cho tăng sưu thế để cứu kho tàng trống rỗng vì chiến tranh, bắt mỗi suất đinh đóng 3 quan tiền thuế khiến cho nhân dân ngày càng điêu đứng…” thì nay còn thêm những sắc thái mới mà “Vua Quỷ” đời Hậu Lê không có. Ví như thói say quyền lực của người tự xưng là “không ham quyền lực”, đã lú lẫn ngộ nhận về cái quyền uy đang muốn thổi lên nữa vì “chẳng có ai nắm lấy quyền lực với mục đích sẽ buông bỏ nó” mà “Mênh mông thế sự” vừa rồi đã dẫn ra. Có thể bỏ Giỗ Tổ để dồn tâm huyết và thủ đoạn loại bỏ đối thủ, củng cố quyền uy cho canh bạc mới. Hơn nữa còn phải trình diễn quyền lực và quyền uy thật mùi mẫn để nếu thiên triều có tính bài “thay ngựa giữa dòng” cũng phải cân nhắc .Thế thì phải bay đến tận miền biên viễn cực nam! Hành động có tính toán này đủ nói lên cuồng vọng của một kẻ say quyền lực đã bất chấp tất cả, kể cả vứt bỏ cả đạo lý trong tâm thức người Việt Nam về sự thành kính với tổ tiên! Thôi thì đã thế, thế thì phải thế. Ác thay, lực bất tòng tâm. Vả chăng, người tính không bằng trời tính!

Vậy thì chuyện đáng nói không nên chỉ là số phận của một cá nhân, dù hắn ta có là ai chăng nữa. Cũng chẳng cần phải đợi đến chuyện “cái quan luận định” như các cụ ta đã dạy. Cuộc sống vốn nhẫn nại và sòng phẳng, cứ lắng nghe tiếng nói và thái độ của những người dân bình thường trên đường phố chứ cũng chưa cần phải nhọc công truy cập thông tin trên mạng internet mà Google đã cập nhật, cũng hiểu ra được dân đã “luận định” thế nào. Nỗi đau của người ham hố quyền lực và khao khát quyền uy mà phải bó tay bất động, ngồi nhìn hay nằm nhìn, chúng nó diễu võ giương oai thì còn đau đớn đến thế nào. Cho nên, có lẽ cần dẹp bớt đi chuyện một người, mà lo đến chuyện muôn người, chuyện của nước, chuyện của dân.

Chuyện đáng lo hơn cả là lo về thế nước chông chênh đang hiện hữu. Đây không phải là suy luận của người yếu bóng vía, đây là nhớ về những trải nghiệm của ông cha ta trong tiến trình lịch sử vào những thời điểm nhạy cảm. Trải nghiệm đó là, khi đất nước có biến, thì giặc ngoại xâm, chủ yếu là giặc Phương Bắc tràn tới. Những người có chút ít hiểu biết về lịch sử đều nhớ nằm lòng bài học của thù trong giặc ngoài để mà nhìn ra cái họa nhỡn tiền trong thế nước chông chênh hôm nay.

Để giúp thêm tư liệu nhằm hiểu rõ hơn những điều trên có lẽ cũng cần gợi đôi dòng về bại tướng Tôn Sĩ Nghị vẫn được Vua Càn Long nhà Thanh phong là “Nhất đẳng mưu dũng công, quân cơ đại thần đảm nhận chức vụ Binh bộ thượng thư”. Còn Hứa Thế Hanh, đề đốc Quảng Tây, đã tử trận khi cùng Tôn Sĩ Nghị đưa quân xâm lược nước ta thì được phong Tam đẳng Tráng Liệt Bá, đưa vào thờ trong Chiêu Trung Từ. Điều này chứng tỏ những tên tướng xâm lược, kẻ thù không đội trời chung của dân tộc ta, chính là những công cụ đắc lực của các triều đại Trung Quốc luôn nuôi mộng bành trướng, cần được suy tôn là anh hùng để nuôi dưỡng cái tâm thế thiên triều phải đứng trung tâm để thuần phục Man, Di, Nhung, Địch ở bốn chung quanh.

Sự kiện còn nóng hổi là cuộc chiến xâm lược 1979 do tên tướng Hứa Thế Hữu làm tổng chỉ huy. Y là một trong những “Khai quốc thượng tướng” của quân đội Trung Quốc, y cũng từng là người chịu trách nhiệm bảo vệ Đặng Tiểu Bình trong cuộc thanh trừng lần thứ hai của Mao, tuy vẫn là người đã được Mao sủng ái, từng là một Ủy viên Bộ Chính trị của ĐCSTQ. Tên tướng họ Hứa này có phải là hậu duệ của Hứa Thế Hanh hay không thì các nhà nghiên cứu cần làm rõ, nhưng điều cần chỉ ra ngay là cái máu xâm lược trong cuồng vọng bành trướng của hắn cũng vẫn là cái máu xâm lược của ông cha hắn, chẳng có gì lạ.

Thì cũng như Càn Long, ông vua được xem là anh minh của lịch sử Trung Quốc, có thời gian trị vì đến 60 năm vào thời kỳ được xem cực thịnh về kinh tế cũng như quân sự của nhà Thanh, có lãnh thổ mở rộng nhất, với 14.000.000 km2 so với 9.600.000 km2 như hiện nay, thì vẫn không buông việc nhòm ngó nước Đại Việt ở biên giới cực nam. Mặc dầu biết Đại Việt khó đánh, mà đánh được cũng khó giữ, nên tuy chấp nhận sự giảng hòa của Quang Trung, Càn Long vẫn giữ nhóm vua tôi Lê Chiêu Thống trên đất Trung Quốc cho một mưu tính lâu dài nên lờ đi những van nài của bọn vong nô, xin quân Thanh đưa chúng về nước để giành lại cái ngai vàng mục nát. Những hậu duệ của họ, dù là Đặng hay là Tập cũng đều cùng chung một khát vọng bành trướng ấy.

Để sòng phẳng với lịch sử, cần nói thêm rằng, đối với đất nước họ, họ có thể được kính trọng về tài kinh bang tế thế trong khát vọng làm cho đất nước họ mạnh lên để rửa cái nhục trước thế giới. Có lẽ không người Trung Quốc có hiểu biết nào không uất hận nghĩ về hình ảnh Trung Hoa bị miệt thị trong cái nhìn của người tây phương. Họ quyết làm sống lại cái đế chế đã tàn lụi của họ. Dù thực hiện phương châm “thao quang dưỡng hối” dấu mình chờ thời của Đặng hay quyết thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập thì chung quy cũng để làm cho nước họ mạnh lên, trở thành siêu cường, cho dù là “siêu cường hung đồ”. Nhưng cũng chính vì thế họ phải mở rộng ảnh hưởng của họ ra bên ngoài để tăng thêm sức mạnh bên trong của họ.

Mục đích biện minh cho phương tiện. Họ sẽ rất tàn bạo, thâm hiểm và quỷ quyệt để thực hiện cái chủ nghĩa bành trướng Đại Hán mà đất nước ta, dân tộc ta là một địa bàn thuận lợi cho việc triển khai âm mưu thủ đoạn để hướng tới mục tiêu của họ. Và rồi ai đó sẽ bị họ tóm làm “con tin” với những thủ đoạn cổ truyền của họ để biến nạn nhân thành “con ngựa thành Troye”. Mà đã là “ngựa”, dù là ngựa nuôi trong chuồng hay “ngựa thành Troye” thì cũng đều phải sử dụng ngón nghề muôn thuở là “thay ngựa giữa dòng”.  Về điều này thì tuyệt đối không được có một chút mơ hồ nào. Phải vạch trần những rao giảng bịp bợm của những kẻ muốn bảo vệ cái ghế quyền lực đã khoác ra ngoài tấm áo ý thức hệ để lừa mỵ một bộ phận những người thiếu thông tin hoặc vẫn còn mụ mẫm trong hào quang của một thời để không thể bắt kịp những chuyển biến và những đòi hỏi của cuộc sống.

 Nhắc đến chuyện này để càng hiểu thêm cái “đại cục” về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà lũ vong nô thời hiện đại không ngừng rêu rao là chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Cũng để thấy sự bịp bợm và tráo trở trong phương châm mà thiên triều ấn chặt vào đầu óc của Trọng: "Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan” đang nguy biến đến thế nào trong một tình thế hiểm nghèo có tính ngẫu nhiên nhưng lại chất chứa trong nó cái tất yếu sẽ xảy ra, đòi chúng ta phải cực kỳ cảnh giác. Khó lường được những bí hiểm của những chiêu được tung ra trong môn võ tàu cổ truyền quen thuộc trong thế nước chông chênh hôm nay.

Bài học muôn đời của ông cha ta truyền lại “ngẫm thế thù há đội trời chung, thề sống chết cùng quân nghịch tặc[Nguyễn Trãi] cần được khơi dậy. Để chi? Để dám nâng mình lên, đặt tổ quốc lên trên hết, trước hết để cùng nhau đấu sức lại chĩa mũi nhọn vào giặc ngoại xâm. Mà thủ đoạn ngoại xâm trong bối cảnh mới thì muôn hình vạn trạng, song cốt lõi của nó vẫn là thao túng, lũng đoạn và gây áp lực về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa, xã hội. Điều này vẫn diễn ra hàng ngày. Nhưng vào thời điểm nhạy cảm như ta đang chứng kiến thì không thiếu những chiêu độc sẽ được tung ra. Cứ nhớ lại hình ảnh cái giàn khoan 981, thái độ ngỗ ngược của viên tướng Phạm Trường Long, hành xử tráo trở của Tập Cận Bình khi rời Hội trường Diên Hồng ở Hà Nội đã láo xuợc tuyên bố ngược lại ngay tại sân bay Singapore chỉ hơn một giờ máy bay điều ông ta vừa ngọt nhạt tại Ba Đình mà càng thấm thía nỗi niềm đất nước trong những ngày này.

Day dứt trong nỗi niềm dân tộc ấy mà cứ ước ao nghe lại những lời ca tâm huyết trong bài hát “Hội nghị Diên Hồng” của Lưu Hữu Phước trước Cách mạng Tháng Tám: “Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến…Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? Hy sinh!”.

Thế nhưng, nếu dám nhìn và biết cách nhìn thì sẽ thấy ra rằng, với vị thế địa-chính trị mang ý nghĩa chiến lược của Việt Nam mà phải lâm vào “thế yếu” hoàn toàn không phải bởi nhân dân ta mà là do sự thoái hóa, mục nát của đảng cầm quyền duy trì một thể chế độc tài, toàn trị, phản dân chủ, đánh mất lòng dân. Vì mất lòng dân nên phải tìm cách dựa vào kẻ ngoại bang với chiêu bài cùng chung ý thức hệ. Để xoay chuyển được thế nước, phải dám dựa vào dân. Để dựa được vào dân phải vứt bỏ sự lệ thuộc vào Trung Quốc, thay đổi thể chế, mở rộng dân chủ để có thể hội nhập sâu vào thế giới văn minh. Với một dân số gần trăm triệu người, đứng thứ 13 của dân số thế giới nếu biết vứt bỏ những rào cản, sao còn lâm vào “thế nước yếu” được.

Mong những tài năng trẻ sẽ có ngay những tác phẩm sục sôi ý chí quật cường nhằm khơi dậy nỗi niềm dân tộc để xoay chuyển được thế nước đang chông chênh. Có thể rồi bài hát càng sục sôi tinh thần yêu nước, ý chí quật chống bọn cướp nước và lũ bán nước sẽ bị cấm đoán, bị đàn áp. Chuyện này thì những ngưởi trẻ tuổi đã từng trải qua và đã biết cách ứng xử. Bài hát bị cấm thì người ta lại càng muốn nghe và sức lan truyền sẽ càng mạnh mẽ, rộng khắp.

Nếu ánh sáng của những vì sao đã tắt từ lâu, rất lâu vẫn còn đến được với trái đất thì ánh sáng của văn minh, của tự do và dân chủ đang tỏa ra rất gần chúng ta sao lại không chiếu sáng trí óc chúng ta, xua đi bóng tối bao quanh ta?. Tôi vẫn cứ muốn nhắc lại câu thơ của Nazim Hikmet do Cao Xuân Hạo, người bạn quá cố kính yêu của tôi dịch lấy làm đề từ cho cuốn “Cảm nhận và Suy tư” đã gửi tặng các bạn trẻ thân quý của tôi:

                              “Nếu tôi không cháy lên

                                Nếu anh không cháy lên

                                Nếu chúng ta không cháy lên,

                                Thì làm sao

                                 Bóng tối

                                 Có thể trở thành

                                 Ánh sáng 

Ngày 18.4.2019



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire