Trang

11/04/2019

Tiiến sĩ Vũ Tiến Lộc tuyên bố : '' 90 năm trước bác Hồ đã định hướng nền kinh tế VN là kinh tế thị trường.''

Từ Thức


Khi nghiên cứu vấn đề này, tôi đã rất bất ngờ và nói với các chuyên gia Mỹ: Các vị thử xem, lý thuyết kinh tế thị trường các vị đang làm hiện nay có khác gì với tư tưởng Hồ Chí Minh hay không? Chả khác gì cả. Tư tưởng kinh tế của Bác Hồ là tư tưởng hàng đầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, không hề thua kém kinh tế thị trường của Harvard hay các trường đại học nào khác!” – TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Cũng không có gì lạ, khi người ta đã biết Bác Hồ là tác giả của Hamlet, Les Misisérables, Odyssée, Don Quichotte...
Bác Hồ đã viết Thánh Kinh, đã dựng tháp Eiffel, Kim Tự Tháp, Vạn lý trường thành..


Bác vẽ La Joconde, Guernica. Bác sáng tác ‘’Le Lac des Cygnes’’, viết nhiều nhạc phẩm cổ điển, ký biệt danh Beethoven, Mozart, Brahms, cũng như khi viết truyện Kiều, bác ký bút hiệu Nguyễn Du, khi tạc tượng Bác lấy tên Rodin, Michel Ange. Bác đã sáng chế ra máy bay phản lực, smart phone, Internet, big data, thuốc trụ sinh, điện, nước nóng, máy quay phim, xe lửa, tầu ngầm, bàn ủi, thang máy, thuốc nhuộm tóc, dao cạo râu, dầu olive vv..
Về kinh tế, tư tưởng Bác hơi khó hiểu với những người không phải là giáo sư, tiến sĩ ưu tú. Vừa đẻ ra lý thuyết kinh tế thị trường, vừa chôn sống những ''địa chủ '' có vài sào ruộng, một con heo nái hay hai vợ chồng con gà. Vẫn còn một thắc mắc chưa cháu ngoan nào trả lời : tại sao Bác chỉ nói 29 thứ tiếng, trong khi có gần 7000 ngôn ngữ trên thế giới ?
( tuthuc-paris-blog.com )

https://infonet.vn/90-nam-truoc-bac-ho-da-dinh-huong-nen-ki…






"90 năm trước, Bác Hồ đã định hướng nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường"

Tại hội nghị giao ban doanh nghiệp ngày 25/8 tại Đà Nẵng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu rõ: “90 năm trước, Bác Hồ đã nói nền kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế nhiều thành phần. Mà nền kinh tế nhiều thành phần có nghĩa là nền kinh tế thị trường!"


Nhà nước đừng làm kinh doanh để cạnh tranh với dân!

Ngày 25/8 tại Đà Nẵng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội nghị giao ban Hiệp hội và doanh nghiệp khu vực miền Trung, đồng thời trao đổi một số vấn đề về cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Tại hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho hay, gần đây có một kết quả nghiên cứu về chỉ số IQ của người Việt Nam cho thấy, trong khu vực ASEAN, chỉ số IQ của người Việt Nam chỉ thua người Singapore. “Vậy thì cái gì kìm hãm sự phát triển của chúng ta? Vấn đề quan trọng là thể chế kinh tế và chúng ta rất cần sự đột phá trên lĩnh vực này” – ông Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề.
Theo ông, đột phá về cải cách thể chế kinh tế chính là làm rõ trách nhiệm của Chính phủ và của cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả nền tảng và yếu tố quyết định việc Việt Nam cải cách thể chế theo hướng nào, làm như thế nào nằm ở tư duy cốt lõi, ở triết lý của công tác quản lý. Triết lý đó chính là phải xây dựng nền kinh tế thị trường.
“Nền kinh tế thị trường thì Thủ tướng nói rồi, phải theo đúng quy luật của kinh tế thị trường. Chúng ta không được làm khác quy luật kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là kinh tế thị trường toàn cầu, nhất là bây giờ chúng ta gia nhập các Hiệp định thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với luật chơi toàn cầu. Vì vậy phải xây dựng một nền kinh tế thị trường tuân thủ những nguyên tắc của kinh tế thị trường. Việt Nam không thể bịa ra, đẻ ra những nguyên lý của kinh tế thị trường mà phải tuân thủ nguyên tắc của nó!” – ông Vũ Tiến Lộc nêu rõ.
Nguyên tắc của kinh tế thị trường là gì? Theo ông Vũ Tiến Lộc, đó là phải phân định thật rõ vai trò của Nhà nước với doanh nghiệp. Nhà nước làm gì và doanh nghiệp làm gì? Nhà nước không làm kinh doanh. Nhà nước kiến tạo, nhà nước làm thể chế, nhà nước xây dựng sân chơi, nhà nước tạo luật chơi, nhà nước làm trọng tài, còn việc làm ăn là việc của người dân và doanh nghiệp.
“Nhà nước đừng làm kinh doanh để cạnh tranh với dân. Nhà nước làm kinh doanh thì mọi nước trên thế giới đều thất bại cả. Chính phủ Mỹ, Nhật, Anh thông minh đến thế nhưng làm kinh doanh cũng thua lỗ. Nhân dân mới là người làm kinh doanh, Chính phủ chỉ làm thể chế thôi. Đó là nguyên lý của kinh tế thị trường. Và trong nền kinh tế này thì kinh tế tư nhân giữ vai trò động lực. Mọi nền kinh tế thì kinh tế tư nhân đều giữ vai trò động lực, nếu nói kinh tế nhà nước giữ vai trò động lực là sai. Đó là nguyên tắc của kinh tế thị trường!” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Bác Hồ đã định hướng nền kinh tế Việt Nam là nhiều thành phần

Vấn đề đặt ra là nguyên tắc của kinh tế thị trường như vậy có trái với tư duy của Đảng, Nhà nước và những giá trị đặc thù của Việt Nam hay không? Ông Vũ Tiến Lộc thừa nhận đây là câu hỏi băn khoăn của rất nhiều người, và ông đề nghị, để làm rõ vấn đề này cần quay trở lại với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “xem Bác nói như thế nào về kinh tế thị trường, về vai trò của doanh nhân, vai trò của nhà nước” và lấy đó để làm điểm tựa.
“Khi nghiên cứu vấn đề này, tôi đã rất bất ngờ và nói với các chuyên gia Mỹ: Các vị thử xem, lý thuyết kinh tế thị trường các vị đang làm hiện nay có khác gì với tư tưởng Hồ Chí Minh hay không? Chả khác gì cả. Tư tưởng kinh tế của Bác Hồ là tư tưởng hàng đầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, không hề thua kém kinh tế thị trường của Harvard hay các trường đại học nào khác!” – ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Chủ tịch VCCI dẫn chứng, năm 1925, lúc thành lập “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội”, trong điều lệ của tổ chức tiền thân của Đảng này, nền kinh tế Việt Nam tương lai mà Bác Hồ định hướng là nền kinh tế thực hiện theo chính sách kinh tế mới của Lê Nin. Và đó là nền kinh tế nhiều thành phần. Ông nêu rõ: “90 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói nền kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế nhiều thành phần. Mà nền kinh tế nhiều thành phần có nghĩa là nền kinh tế thị trường!”.
Ông Vũ Tiến Lộc nêu thêm, sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội và ở tại số nhà 48 Hàng Ngang của một nhà tư sản dân tộc là ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Bác viết bản “Tuyên ngôn độc lập” ở đây; Thường vụ TƯ Đảng họp ở đây, thông qua bản tuyên ngôn.
“Bác ở nhà của doanh nhân và đứng bên cạnh người Mỹ. Những người Mỹ là người nước ngoài duy nhất có mặt bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày chuẩn bị Quốc khánh 2/9. Trong bản “Tuyên ngôn độc lập” Bác viết tại nhà của doanh nhân và đọc tại Quảng trường Ba Đình, những câu đầu tiên của Bác là trích từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Bác hội nhập như thế, Bác chấp nhận những giá trị của phương Tây, luật pháp của phương Tây vào luật pháp Việt Nam. Bác là người đầu tiên hội nhập ở Việt Nam!” – ông Vũ Tiến Lộc nói.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HC)
Theo ông Vũ Tiến Lộc, sự kiện này thể hiện hai điều. Thứ nhất là Bác Hồ gắn với doanh nhân, tức là gắn với kinh tế thị trường. Thứ hai là Bác gắn với người Mỹ, trích bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ, tức là Bác hội nhập và tiếp thu những tinh hoa của nhân loại. 

Bác không tìm viện trợ bên ngoài mà trông cậy vào doanh nhân trong nước

Ông Lộc cũng nêu rõ, khi mới ra đời, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có ngân sách hoạt động. Lúc đó Bác Hồ trông cậy vào ai? Bác mời các doanh nhân, các nhà tư sản dân tộc đến Phủ Chủ tịch. Bác gọi họ là "các Ngài" và đề nghị họ đóng góp công sức, tiền của cho chính quyền. Bác không nhờ cậy những người khác, không tìm viện trợ từ bên ngoài mà đến với doanh nhân, nhờ cậy doanh nhân. Và giới doanh nhân Việt Nam trở thành giới chức xã hội đầu tiên được Bác Hồ tiếp tại Phủ Chủ tịch trên cương vị Chủ tịch nước VNDCCH.
“Không phải công nhân, không phải nông dân… mà khách đầu tiên, giới đầu tiên Bác cần phải gặp trên cương vị Chủ tịch nước chính là doanh nhân, là các nhà tư sản dân tộc. Bác trông cậy ở họ và họ cũng đã đáp ứng niềm tin của Bác; riêng doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ và Trịnh Văn Bô đã đóng góp 5.000 lượng vàng. Nếu số vàng đó bà Hoàng Thị Minh Hồ (hiện còn sống, khoảng 100 tuổi) gửi vào ngân hàng lấy lãi thì bây giờ trị giá đã khoảng… 7 tỉ USD. Các doanh nhân khác cũng quên mình đi và đóng góp cho dân tộc, cho đất nước. Doanh nhân Việt Nam vĩ đại như thế, họ yêu nước như thế!” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ông thuật lại, ngày 13/10/1945, khi đội ngũ doanh nhân Việt Nam, các nhà công thương gia tập hợp lại để lập ra tổ chức “Công thương cứu quốc đoàn” (tiền thân của VCCI hiện nay), Bác Hồ gửi đến bức thư chỉ 200 chữ nhưng đây có thể xem là văn kiện đầu tiên của Đảng, tuyên ngôn đầu tiên của nhà nước ta về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, về kinh tế thị trường và về vai trò của nhà nước.
“Chính xác 100%, không sai một tí nào. Nhưng trong thời gian qua chúng ta chưa làm được như Bác đã nói. Bây giờ đổi mới thể chế là đang trở lại bức thư của Bác Hồ. Làm đúng như thư của Bác Hồ thì đúng là đổi mới” – ông Vũ Tiến Lộc nhận định
Ông Lộc cho biết trong bức thư, Bác Hồ viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập thì giới công thương phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.

Đổi mới kinh tế ở Việt Nam là trở lại với tư tưởng của Bác Hồ

Về trách nhiệm của chính quyền, thư của Bác viết: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này”. “Như vậy là Chính phủ kiến tạo đấy chứ! Chính phủ có làm kinh doanh đâu. Đất nước có giàu mạnh, dân có giàu mạnh, nền kinh tế có thịnh vượng hay không là bằng việc kinh doanh thịnh vượng của các doanh nhân, các nhà công thương nghiệp chứ không phải nhà nước. Điều này tiếp tục được Bác nêu rõ trong một bài viết năm 1947, rằng sự nghiệp làm ăn là của dân. Không phải Chính phủ bỏ tiền ra làm mà Chính phủ chỉ khuyến khích và cổ động” - ông Lộc bình luận.
Theo ông Vũ Tiến Lộc: “Điều đó quá đúng. Lý thuyết kinh tế thị trường 100%. Trở lại với tư tưởng của Bác về kinh tế thị trường thì hoàn toàn trùng khớp với những khái niệm về kinh tế thị trường hiện đại. Trong những năm qua, vì nhiều lý do mà chúng ta không thực hiện được đúng những chỉ dẫn của Bác. Còn bây giờ, khi nói chúng ta đổi mới, thực ra là quá trình trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh. Công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam xét trên một góc độ nào đó là sự trở lại với tư tưởng của Bác Hồ!”.
Trong các lần nói sau đó, Bác Hồ cũng định hướng rất rõ cho các doanh nghiệp là phải nâng cao năng suất, sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ; phải thực hành tiết kiệm, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật; phải đề cao kỷ luật, phải quản lý sức người, sức của một cách chặt chẽ, tiết kiệm; phải chăm lo đời sống người lao động, đặc biệt là lao động nữ…
Hiện cả nước đang phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, còn lúc đó Bác viết: “Đồng bào ta nồng nàn yêu nước nên ai cũng muốn dùng hàng do ta sản xuất. Nhưng người sản xuất phải làm hàng tốt và rẻ. Người sản xuất phải giữ chữ tín, phải thật thà, không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu. Những người sản xuất phải tập trung lại thì mới có thể sản xuất được nhiều, tốt, không lãng phí tài năng và thời gian…”.
Đúc kết tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, ông Vũ Tiến Lộc nêu rõ: “Những tư duy này sẽ định hướng cho chúng ta cải cách thể chế theo hướng nào, phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân ra sao. Chính quyền phải làm gì? Nếu thấm nhuần những quan điểm này thì tôi nghĩ chúng ta sẽ nghĩ khác, sẽ làm khác. Tại sao Đà Nẵng khác các địa phương khác? Đó là vì Đà Nẵng tư duy khác các địa phương khác. Mọi thứ đều bắt đầu từ tư duy cả!”. 

HẢI CHÂU

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire