Trang

13/05/2019

Các công ty Trung Quốc không kịp trở tay trước đòn tăng thuế của Mỹ


Chánh Tài

Các công ty Trung Quốc không kịp trở tay trước đòn tăng thuế của Mỹ

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Nhiều công ty Trung Quốc cho biết quyết định tăng thuế của Tổng thống Donald Trump với hàng hóa Trung Quốc được thông báo và thực hiện quá bất ngờ, khiến họ không kịp xoay sở để ứng phó.

Container tập kết tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc để xuất khẩu. Ảnh: Bloomberg


Ngày 5-5, Tổng thống  Mỹ Trump thông báo sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% nhằm vào 200 tỉ hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm. Năm ngày sau, quyết định này chính thức được thực hiện. Đối với nhiều công ty Trung Quốc đang kỳ vọng cuộc chiến thuế Mỹ-Trung sẽ sớm kết thúc sau 10 vòng đàm phán, quyết định tăng thuế của ông Trump quá bất ngờ, khiến họ không thể gánh chi phí thuế tăng thêm quá lớn khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ cũng như thiếu các phương án khả dĩ để ngay lập tức điều chỉnh các chuỗi cung ứng.

Willy Lin, chủ sở hữu nhiều nhà máy may ở Trung Quốc, nói: “Tin tức đến quá nhanh nên các nhà xuất khẩu Trung Quốc không có thời gian để phản ứng hoặc đàm phán với các đối tác Mỹ hoặc đề nghị họ xin miễn trừ tăng thuế từ chính phủ Mỹ”.

Một số ngành xuất khẩu ở Trung Quốc sẽ bị tác động nặng nề hơn so với các ngành khác, trong đó, các ngành sản xuất hàng điện tử, bo mạch máy tính, linh kiện máy tính, đồ gỗ, linh kiện ô tô hứng đòn nặng hơn do Mỹ tăng thuế.

Hôm 8-4, một quan chức thương mại Mỹ cho biết các mức thuế tăng thêm chỉ áp dụng cho các sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu từ hôm 10-5 chứ không áp dụng cho các hàng hóa Trung Quốc đang trên đường vận chuyển đến Mỹ. Điều này cho phép các nhà đàm phán của hai nước khung thời gian từ hai đến bốn tuần để đạt được một thỏa thuận thương mại.

Nhiều công ty Trung Quốc đang xoay sở tồn tại kể từ khi Mỹ áp thuế 10% lên 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái. Họ cho biết dù cố gắng chia sẻ gánh nặng chi phí thuế này với các đối tác nhập khẩu của Mỹ, giờ đây, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển một phần lớn chi phí thuế tăng lên cho khách hàng của họ ở Mỹ bằng cách tăng giá bán.

“Biên lợi nhuận trung bình của các mặt hàng điện tử chỉ ở tỉ lệ phần trăm một con số nên các nhà xuất khẩu của Trung Quốc trong ngành hàng này không thể san sẻ chi phí thuế tăng thêm”, Herbert Lun, chủ một công ty sản xuất  hàng điện tử  ở Trung Quốc đang xuất khẩu ¾ lượng sản phẩm sang Mỹ, nói.

“Các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải gánh chịu mức thuế tăng thêm và chuyển chi phí này sang người tiêu dùng”, ông Lun quả quyết.

Tuy nhiên, Thomson Lai, chủ tịch của một công ty sản xuất hàng điện tử ở Trung Quốc, không nghĩ như vậy. Ông nói:“Các đối tác nhập khẩu Mỹ đã chấp nhận gánh phần lớn mức thuế 10% trước đây nhưng mức thuế 25% là quá sức cáng đáng của họ”.

Amber Chen, Giám đốc kinh doanh của một công ty sản xuất máy hút bụi ở miền nam Trung Quốc, cho biết doanh thu xuất khẩu sang Mỹ 100 triệu đô la mỗi năm của công ty bà đang đứng trước rủi ro. Bà nói: “Chúng tôi thực sự hy vọng hai nước có thể sớm đạt được thỏa thuận vì chúng tôi không thể chịu đựng được chi phí thuế tăng thêm”.

Các bất ổn do chiến tranh thương mại gây ra khiến nhiều doanh nghiệp trì hoãn các quyết định đầu tư và mở rộng đầu tư.

Jon Cowley, chuyên gia luật thương mại ở công ty luật Baker McKenzie, có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết một số nhà sản xuất Trung Quốc đã điều chỉnh các chuỗi ung ứng của họ bằng cách di dời các cơ sở sản xuất và nhà kho đến các nước Đông Nam Á, Mexico và Canada.

Tuy nhiên, việc di dời các chuỗi cung ứng tốn nhiều chi phí, thời gian và thường đòi hỏi các công ty phải được cấp phép ở các nước mới, nơi họ chuyển đến, đồng thời phải tuân thủ các quy chế lý khác nhau, thuê đất, xây nhà máy, tuyển dụng công nhân và tìm các nhà cung cấp dịch vụ mới ở các nước này.

Michael Zhuo, chủ một công ty sản xuất khẩu linh kiện điện tử của xe ô tô ở Trung Quốc, đang xuất khẩu 40% sản phẩm sang Mỹ, nói: “Mức thuế mới tác động quá nặng nề đến doanh nghiệp của tôi. Nhưng các đồng nghiệp và tôi hy vọng hai nước sẽ đạt được thỏa thuận trong những ngày tới. Có một câu nói ở Trung Quốc mà chúng tôi thích sử dụng để mô tả Trump và cách mà ông ấy thay đổi quyết định quá nhanh chóng, đó là: Tâm trạng của ông Trump thay đổi còn nhanh hơn cả tốc độ mà ông ấy cởi quần!”.

Zhou cho biết ông đã cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất đến Đông Nam Á sau khi các sản phẩm của công ty ông bị Mỹ áp mức thuế 10% hồi tháng 9 năm ngoái. Nhưng sau đó, ông từ bỏ ý định này vì rất khó để tìm thuê đất, xây dựng các mối quan hệ với chính quyền phương ở nước mới và quan trọng hơn hết, ông không tin ông Trump sẽ duy trì áp thuế trong dài hạn với hàng hóa Trung Quốc.

Một số nhà sản xuất Trung Quốc khác nhận định các khách hàng Mỹ sẽ phải chật vật nếu muốn tìm ngay lập tức các nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc nhưng về lâu dài, các công ty Trung Quốc cần phải xem xét đến việc di dời nhà máy đến Đông Nam Á hoặc Đông Âu.

Nhiều công ty lớn ở Mỹ cho biết họ đã sẵn sàng từ trước cho nguy cơ Mỹ tăng thuế đối với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.
Theo kết quả quả phân tích của Wall Street Journal đối với thông tin tại các cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh vào hồi đầu năm nay của 30 công ty lớn ở Mỹ thì có đến 18 công ty cho biết họ đã lên các phương án để ứng phó với kịch bản Mỹ tăng thuế với Trung Quốc.
Lãnh đạo của các công ty này nói rằng họ sẽ tăng giá sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và gia tăng nhập khẩu hàng dự trữ để giảm các tác động trong trường hợp Mỹ tăng thuế lên 25% với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.
Chẳng hạn, hồi tháng 4, Jeffrey Lorberbaum, Giám đốc điều hành Mohawk Industries, chuyên sản xuất thảm lót sàn và sàn nhựa vinyl, cho biết: “Chúng tôi đã mua thêm nhiều hàng dự trữ dựa trên dự báo Mỹ có khả năng tăng từ 10% lên 25% với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc”.
Các chuỗi siêu thị như Walmart và Dollar General cũng cho biết họ chọn hướng đi tương tự. Hơn 10 công ty khác trong 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn chứng khoán NYSE hoặc Nasdaq, cho biết giải pháp ứng phó tăng thuế của họ là tăng giá sản phẩm.

Theo Financial Times, AP

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire