Trang

04/05/2019

Chỉ nhà thầu Trung Quốc quan tâm cao tốc Bắc-Nam: Thận trọng


ĐBQH Phạm Văn Hòa: "Chúng ta không xa lạ gì với những thủ thuật của nhà đầu tư Trung Quốc tại nhiều dự án ở Việt Nam, từ chuyện đội vốn, chậm tiến độ, sử dụng thiết bị, kỹ thuật lạc hậu, đưa lao động của họ sang, ô nhiễm môi trường, tham nhũng... Việt Nam đã "sập bẫy" một số công trình dân dụng với nhà đầu tư Trung Quốc, đó là bài học học kinh nghiệm lớn đối với Việt Nam khi sử dụng nhà thầu Trung Quốc."



Tại phiên họp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, các nhà đầu tư của các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp không mặn mà, chỉ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm tới các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam. (Dân Quyền: Bộ GTVT mặn mà với các nhà đầu tư Trung Quốc phải chăng vì cơ hội sẽ được bôi trơn lớn)
Nguồn vốn cho dự án cao tốc Bắc-Nam vẫn đang là vấn đề đau đầu. Ảnh minh họa: TTXVN


Về thông tin này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, cao tốc Bắc-Nam là dự án rất lớn, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng một phần, còn lại phải kêu gọi các nhà đầu tư ngoài nhà nước. Tuy nhiên, với số vốn lớn như vậy, thời gian thu hồi vốn lâu, khó có nhà đầu tư trong nước nào đáp ứng được.

Còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, về nguyên tắc, trước khi họ bỏ tiền ra bao giờ cũng phải tính toán đến hiệu quả của dự án để đảm bảo thu hồi vốn và có lãi.

"Việc một số quốc gia phát triển không mặn mà với dự án cao tốc Bắc-Nam có thể do họ cho rằng nếu đầu tư vào dự án này thì không hiệu quả với họ, còn với nhà đầu tư Trung Quốc, họ lại cho rằng đầu tư như thế thì hiệu quả. Trung Quốc đã đầu tư nhiều dự án ở Việt Nam nên chắc chắn họ tính toán được lợi ra sao nếu đầu tư vào dự án cao tốc Bắc-Nam", đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Khẳng định nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc-Nam là một điều tốt và Việt Nam không phân biệt đối xử bất kỳ một nhà đầu tư nào trên thế giới, song vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng lưu ý, các nhà đầu tư tuân thủ các tiêu chí, luật pháp của Việt Nam thì ta mời tham gia đấu thầu, còn ngược lại thì ta kiên quyết từ chối.

"Chúng ta không xa lạ gì với những thủ thuật của nhà đầu tư Trung Quốc tại nhiều dự án ở Việt Nam, từ chuyện đội vốn, chậm tiến độ, sử dụng thiết bị, kỹ thuật lạc hậu, đưa lao động của họ sang, ô nhiễm môi trường, tham nhũng... Việt Nam đã "sập bẫy" một số công trình dân dụng với nhà đầu tư Trung Quốc, đó là bài học học kinh nghiệm lớn đối với Việt Nam khi sử dụng nhà thầu Trung Quốc.

Chính vì thế, những tiêu chí, quy định của luật pháp, đặc biệt là những quy định trong tổ chức đấu thầu phải hết sức cẩn trọng, khách quan, công tâm, vô tư để xử lý giải quyết tình huống sao cho đảm bảo có hiệu quả và hiệu quả nhất đối với những công trình của chúng ta. Còn nếu để xảy ra sai phạm thì đương nhiên phải  xử lý nghiêm.

Chúng ta đã có kinh nghiệm thì đối với nhà thầu Trung Quốc càng phải lựa chọn kỹ lưỡng, gắt gao, xem xét, thẩm tra, thẩm định nhà thầu này có đủ năng lực, trình độ,  về tài chính, kỹ thuật để tham gia đấu thầu, xây dựng cao tốc Bắc-Nam hay không. Nếu nhà thầu Trung Quốc không đáp ứng thì kiên quyết loại ra", đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.

Dù cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư 118 nghìn tỷ đồng và các nhà đầu tư của các nước phát triển không mặn mà song vị đại biểu vẫn lạc quan và tin rằng Việt Nam sẽ chọn được nhà đầu tư nước ngoài vừa đáp ứng được yêu cầu về vốn, vừa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, lao động, môi trường và an ninh quốc phòng.

"Nếu Việt Nam kêu gọi đầu  tư có sức hút mạnh, đáp ứng những yêu cầu cần thiết mà nhà đầu tư đưa ra thì họ sẽ hưởng ứng đầu tư ở Việt Nam. Việt Nam là thị trường mở, giá lao động rẻ, đặc biệt là ổn định về an ninh, chính trị, nếu nhà đầu tư chấp nhận được những điều kiện của Việt Nam, tính toán thấy hiệu quả và chấp nhận đầu tư thì rất tốt", ông nói.

Ở góc độ chuyên gia, nhiều ý kiến cũng khẳng định Việt Nam hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư, tuy nhiên với dự án lớn như cao tốc Bắc-Nam, Việt Nam không nên để phụ thuộc vào một nhà đầu tư, đặc biệt là Trung Quốc.

Để đảm bảo dự án thành công, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội  lưu ý hai điểm: Thứ nhất là chất lượng, giá thành dự án, năng lực và đạo đức của nhà đầu tư. Thứ hai là vai trò giám sát của Việt Nam khi thực hiện dự án.

Còn PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội Việt Nam cho rằng, Việt Nam phải hết sức cân nhắc khi nhà đầu tư Trung Quốc muốn làm cao tốc Bắc-Nam bởi về nguyên tắc, chúng ta phải làm chủ thì mới quyết định được, còn khi không nắm được gì thì sẽ bị dẫn dắt, phụ thuộc và mất quyền chủ động, điều đó đẩy Việt Nam vào thế yếu.

"Việt Nam nên tổ chức đấu thầu quốc tế công khai, minh bạch, khi nhiều nhà thầu cùng tham gia Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn", ông lưu ý.

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra ngày 2/5, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đã thẳng thắn đề xuất Chính phủ "giao việc" cho tư nhân làm nhiều hơn.
"Mà nhiệm vụ thì phải nhiệm vụ to. Tôi nói ví dụ như dự án đường sắt Bắc Nam hay là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Nếu Chính phủ giao cho khối tư nhân thì tôi tin chắc rằng việc thực thi không phải mất 30 năm mà chỉ trong vòng dưới 10 năm. Và đây là những nỗ lực mà khối doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ với Chính phủ", ông Bình nói.

Thành Luân

http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/chi-nha-thau-trung-quoc-quan-tam-cao-toc-bac-nam-than-trong-3379310/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire