PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Truyền thông
chính thống của nhà nước cộng sản Việt Nam đầy tự hào khi gọi ngày 21 tháng sáu
là ngày Báo Chí cách mạng. Xác định 21 tháng sáu chỉ là ngày Báo chí cách mạng
cũng là sự rạch ròi, sòng phẳng cần thiết. Nhưng trên mạng xã hội nhiều người
lại gọi ngày đó là ngày Nhà Báo Việt Nam. Không, ngày 21 tháng sáu chỉ là ngày
báo chí của cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam chứ không phải là ngày báo chí của
đất nước Việt Nam, của đời sống văn hóa Việt Nam
Ngày 21 tháng 6
chỉ là ngày báo chí cách mạng, tức là ngày nhà báo của nhà nước cộng sản Việt
Nam. Đó là ngày 21.6.1925, ngày ra đời của tờ rơi khổ 18 X 24 chỉ bằng trang vở
học trò.
Tờ rơi có tên
là Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc chế tác ở Quảng Châu, Trung Quốc. Công việc chế
tác tờ Thanh Niên rất thủ công, thô sơ do một mình Nguyễn Ái Quốc thực hiện:
Viết bài. Chép lại bài viết bằng que nhọn trên giấy sáp. Lăn mực in ra khoảng
100 tờ. Giao tờ rơi Thanh Niên cho người của tổ chức Thanh Niên Cách mạng Đồng
chí Hội làm việc trên tầu biển chạy tuyến Quảng Châu – Hải Phòng lén lút đưa về
cảng Hải Phòng rồi bí mật chuyển đến các tổ chức cộng sản trong thợ thuyền ở
Hải Phòng, ở mỏ than Hồng Quảng. Một người đơn độc, hì hục làm bằng tay nên tờ
Thanh Niên hình thức khá lem nhem, định kì thất thường, có khi một tuần, có khi
ba, bốn tuần mới ra được một số. Có mặt ngoài vòng pháp luật. Tồn tại ngắn
ngủi. Tháng tư năm 1927 quân đội Tưởng Giới Thạch mở chiến dịch tấn công quyết
liệt vào lực lượng cộng sản. Nguyễn Ái Quốc phải rời Quảng Châu, lại bắt đầu
một thời kì lang bạt. Đi Vũ Hán. Băng qua sa mạc Gô bi sang Liên bang Xô Viết.
Tờ Thanh Niên kết thúc ở số 88 năm 1927.
Tờ Thanh Niên
chỉ là tài liệu tuyên truyền những điều sơ đẳng về cách mạng vô sản trong nội
bộ tổ chức cộng sản thời manh nha, nhỏ bé, bất hợp pháp. Không làm chức năng
thông tin về đời sống xã hội của một tờ báo. Không được in ấn công nghiệp.
Không có thị trường phát hành. Tờ rơi Thanh Niên chưa thể gọi là báo.
Coi ngày 21.6 là
ngày báo chí Việt Nam thì thảm hại, thì tủi nhục cho nền báo chí Việt Nam quá.
Trong khi từ hơn nửa thế kỉ trước Việt Nam đã có nền công nghiệp báo chí với
những tờ báo được xuất bản bằng dây chuyền công nghiệp, tạo ra sản phẩm không
thể thiếu của đời sống văn hóa đất nước, tạo ra thị trường báo chí trên cả
nước. Tờ báo xuất bản bằng dây chuyền công nghiệp sớm nhất là tờ Gia Định Báo
ra số đầu tiên ngày 15.4.1868 tồn tại tới 44 năm, đã mở ra ngành công nghiệp
báo chí. Vì vậy ngày báo chí Việt Nam đích thực phải là ngày 15. 4.
Xã hội Việt Nam
giữa thế kỉ XIX vẫn chìm sâu trong xã hội nông nghiệp lạc hậu, tăm tối. Ngày 15
tháng tư, năm 1868, tờ Gia Định Báo phát hành ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành Nam
Kỳ mang ánh sáng văn minh công nghiệp, văn minh đô thị đến với xã hội Việt Nam
tăm tối thực sự là cuộc cách mạng sâu rộng trong đời sống chính trị, kinh tế,
văn hóa, xã hội Việt Nam. Sự ra đời của tờ Gia Định Báo đã xác nhận sự có mặt
của nền báo chí hiện đại trên đất nước Việt Nam nông nghiệp lạc hậu. Không phải
chỉ là cuộc cách mạng, đó còn là bước tiến dài của xã hội Việt Nam. Sau Gia
Định Báo là một loạt tờ báo xuất bản bằng dây chuyền công nghiệp ở Sài Gòn và
Hà Nội như: Nhựt Trình Nam Kỳ, ra đời năm 1883 ở Sài Gòn. Thông Thoại Khóa
Trình, ra đời năm 1888 ở Sài Gòn. Đại Nam Đồng Văn, ra đời năm 1892 ở Hà Nội.
Nông Cổ Mín Đàm, ra đời năm 1901 ở Sài Gòn. Đại Việt Tân Báo, ra đời năm 1905 ở
Hà Nội. Đăng Cổ Tùng Báo, ra đời năm 1907 ở Hà Nội . . . Tất cả
những tờ báo đàng hoàng, chững chạc đó đều có mặt trong đời sống văn hóa xã hội
Việt Nam trước tờ rơi lem nhem mang tên Thanh Niên hàng chục năm.
Lấy ngày ra đời
của tờ rơi Thanh Niên lem nhem làm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, những người
cộng sản Việt Nam đã đoạn tuyệt với dòng chảy văn hóa Việt Nam cũng như họ đã
vùi dập, đã cự tuyệt, đã loại bỏ những kẻ sĩ, những hiền tài, những tinh hoa
của trí tuệ và tâm hồn Việt Nam, để chỉ sử dụng, đề bạt những người trong đảng
của họ, tạo nên sự kém cỏi, sa đọa, nhếch nhác của đội ngũ quan chức nhà nước
cộng sản. Tôi sẽ có bài về đội ngũ quan chức nhếch nhác này.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire