Trang

16/06/2019

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam bị cách chức: Trông người, lại ngẫm đến ta!


(Dân trí)- Một câu chuyện rất đáng chú ý tuần qua là ông Kim Do Hyun, Đại sứ Hàn Quốc đương nhiệm tại Việt Nam đã bị cách chức vì vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng của nước này. 
Nhìn từ cách quản lý cán bộ của Hàn Quốc, đến thực tế ở Việt Nam, quả có nhiều điều đáng suy ngẫm.

Như Dân trí đã đưa trong bản tin ngày 7/6, ông Kim Do Hyun bị Chính phủ Hàn Quốc cách chức vì nhận 1 cặp vé máy bay và chi phí ở khách sạn được đài thọ khi đi dự lễ khánh thành một sân golf ở Việt Nam vào tháng 10/2018.




Ông Kim Do Hyun được cho là đã vi phạm "luật Kim Yong Ran" -một bộ luật rất nghiêm khắc của Hàn Quốc nhằm xóa bỏ tình trạng tham nhũng của cán bộ, công chức nhà nước của Hàn Quốc trong lĩnh vực công, chỉ sau một năm nhận nhiệm vụ tại Việt Nam. Ông cũng có một số sai phạm khác. Tuy nhiên, những sai phạm này không được nói rõ.

Thật đáng tiếc cho ông Kim. Tuy nhiên, qua những thông tin mà Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đã đưa tin, báo chí Việt Nam đã dịch lại, có thể nói, cơ quan hữu quan của Hàn Quốc đã thực hiện động thái rất nghiêm khắc và cũng rất trình tự, bài bản, đúng luật pháp để xử lý cán bộ. Người ta cũng đã thấy sự chặt chẽ của luật pháp về chống tham nhũng của Hàn Quốc khi có thể giám sát chặt chẽ của cán bộ ngoại giao của họ ở nước ngoài.

Nhìn lại cơ chế phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, có thể nói, tuy các quy định về phòng, chống tham nhũng ở ta không ngừng được sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, chặt chẽ hơn nhưng thực tế, vẫn còn có nhiều khiếm khuyết và nhất là trong khâu thực thi, không quyết liệt, mạnh mẽ như Hàn Quốc.

Có thể so sánh ngay là ở Việt Nam, trong Luật phòng, chống tham nhũng (ban hành năm 2018) hiện nay đang thiếu vắng các chế tài, quy định về cho và nhận quà tặng.

Cụ thể, cho đến cuối tháng 3/2019 vừa rồi, Thanh tra Chính phủ mới tổ chức một hội thảo bàn đến xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật phòng, chống tham nhũng, trong đó có bàn đến việc xây dựng qui định cụ thể về việc cho và nhận quà tặng của cán bộ, công chức nhà nước.

Trong dự thảo nghị định này, lần đầu tiên, người ta mới dự kiến đưa ra các quy định như các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cao cấp, người có công với cách mạng.

Dự thảo cũng qui định việc tặng quà phải đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; nếu không từ chối được thì phải giao lại để xử lý theo quy định.

Như vậy cũng có thể thấy, trong khi ở các nước như Hàn Quốc, họ đã có luật quy định rất cụ thể thì ở Việt Nam còn mới đang bàn đến và chưa biết khi nào sẽ ban hành. Nhiều quốc gia đã có chính sách rất rõ ràng là tất cả các việc cho, tặng quà mà liên quan đến nhiệm vụ, chức trách đều phải từ chối...

Còn ở ta, như vừa rồi ở cửa khẩu La Lay (Quảng Trị), cán bộ Hải quan điềm nhiên không trả tiền thừa của doanh nghiệp, người dân khi họ trả phí, còn nói rằng, đó là tiền dân...biếu, tặng, để cán bộ hải quan làm cốc bia, con gà....Thì rõ ràng giữa luật pháp Việt Nam và luật pháp các nước về chống tham nhũng có một khoảng cách lớn mà ta chưa khắc phục được.

Thực tế, như báo chí phản ánh, đã có một số đoàn ngoại giao đến Việt Nam, khi về nước, họ để lại tại cửa khẩu các món quà được tặng. Bởi trong quá trình công tác tại Việt Nam, đoàn các nước nhiều khi được  trao tặng quà mà khi đó cũng rất khó từ chối. Nhưng để mang về nước, họ lại phải kê khai, báo cáo, thậm chí có thể bị giải trình, bị phạt vì đã nhận quà.

Trong khi đó, ở ta, việc nhận cho, nhận quà nhiều nơi cứ như là chuyện hiển nhiên, không mấy ai từ chối cả. Việc cho, tặng quà có khi lại thành thói quen, nhiều khi thể hiện tình cảm, ơn nghĩa cũng khó quy cho là hối lộ hay nhận hối lộ. Có khi có chỗ còn có hiện tượng "đòi quà".

Tất nhiên là ở đây mới bàn đến những món quà chưa phải là lớn. Còn những "món quà" là những chuyến du lịch, đi chữa bệnh ở nước ngoài, thẻ chơi golf... thì tính chất vụ lợi của nó đã khá rõ ràng, Nhà nước cần sớm có quy định cấm càng cụ thể, càng nghiêm khắc càng tốt để đảm bảo chống lợi dụng, tham nhũng trong khu vực công.



Mạnh Quân

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire