Của NGUYỄN TRUNG, 86 tuổi, nguyên trợ lý Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt,
nguyên Đại Sứ Việt Nam tại Thái Lan, CHLB Đức.
Bản Kiến nghị dài 50 trang, đề tháng 5/2019, ông gửi vào đây tất
cả Trí tuệ, Tâm huyết, Trách nhiệm của một chuyên gia từng trải. Được sự đồng ý
của ông, tôi xin trích giới thiệu từng phần, chia sẻ cùng Bạn đọc. Ông cũng
mong nhận được những góp ý, chia sẻ, vì khát vọng chung: Bảo vệ và phát triển
đất nước trong kỷ nguyên mới.
Xin nói thêm, tác giả nói đến 2 “kịch bản”:
1. “Nếu ĐCSVN hôm nay không bằng mọi cách tự giải
phóng mình ra khỏi 2 “lô-cốt” nói trên (Hòa giải, hòa hợp dân tộc và Dân chủ
hóa), đất nước sớm muộn sẽ đứng lên tự mình đi tìm con đường khác – điều này là
khẳng định”...
2. ĐCSVN tự giác ngộ, giải phóng khỏi “2 lô-cốt”
trên, đặt Tổ quốc và Nhân dân trên hết để hòa cùng sức mạnh của dân tộc, bảo vệ
và phát triển đất nước. Đó là kịch bản tối ưu, cứu dân tộc và cũng là cứu Đảng
trong thời cơ quyết định này.
Trong Bản kiến nghị này Nguyễn Trung tha thiết
trình bày “kịch bản” 2.
BẢN KIẾN NGHỊ gồm 3 phần:
I. Về tình hình mới Tr. 2
II. Phải làm gì sớm tạo ra điều kiện tiên quyết để thích nghi với tình hình
mới? Tr. 10
(II.1) Nỗi đau về hòa hợp dân tộc và về giác ngộ yếu kém yếu tố dân tộc và yếu
tố dân chủ. Tr. 11
(II.2) Sự thật là 43 năm xây dựng CNXH và định hướng XHCN, ĐCSVN đã thất bại
trong chiến lược phát huy sức mạnh số một của quốc gia: Yếu tố con người! Tr.
16
(II.3) Sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước của chúng ta sau 30
năm chỉ đạt được kết quả phát triển kinh tế đất nước theo chiều rộng, chính vì
lẽ này xây dựng CNXH / định hướng XHCN ở nước ta đã bị trệch hướng thành CNTB
thân hữu. Tr. 20
(II.4) Với tất cả sự thận trọng của mình, tôi vẫn cho rằng trong 43 năm độc lập
thống nhất vừa qua nước ta vấp phải những thất bại rất nghiêm trọng trên mặt
trận ngoại giao. Tr. 26
III. Đại hội XIII khởi xướng sự nghiệp cải cách, bắt đầu từ thay đổi ĐCSVN về
đường lối và về tổ chức Tr. 27
(III.1) Bàn về đường lối Tr. 27
(III.2) ĐCSVN cần được tổ chức và hoạt động như thế nào trong một thể chế chính
trị mới? Tr. 29
(III.3) Mọi việc của cải cách bắt đầu từ Đại hội XIII Tr. 39
Lời kết Tr. 46
I. MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH HÌNH MỚI
Đất nước ta đã hoàn tất từ nhiều năm nay thời kỳ phát triển theo chiều rộng
– hiểu theo nghĩa mọi yếu tố cho xu thế phát triển này đã được khai thác tới
mức cạn kiệt và chưa hoàn thành CNH-HĐH. Cuộc sống đất nước hôm nay đòi hỏi cấp
thiết phải chuyển sang thời kỳ phát triển theo chiều sâu. Càng để chậm, đất
nước sẽ càng lún sâu vào những ách tắc và bất cập mới, càng tụt hậu và lạc hậu.
Thậm chí sự chậm trễ hiện nay đang tích tụ những vấn đề mới, đến lúc nào đó
không xa có thể xô đẩy đất nước vào tình thế nguy hiểm vượt khả năng xử lý của
thế chế chính trị - nhà nước hiện tại.
Thực tế nêu trên của đất nước lại diễn ra trong bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung chi
phối quyết định sự vận động của thế giới đa cực đầy biến động phức tạp hôm nay.
Thực ra chiến tranh lạnh II mang tính chất mở màn cho một giai đoạn phát triển
mới của thế giới đã bắt đầu ngay từ khi Nga chiếm Ukraina (2014) và việc TQ
kiểm soát trên thực tế và hoàn tất quân sự hóa Biển Đông từ đầu thập kỷ 2010s.
Với đối đầu Mỹ - Trung, sự khai hỏa là chiến tranh thương mại giữa 2 nước (bắt
đầu từ 2018), cục diện quốc tế đi vào một giai đoạn mới, kết thúc giai đoạn
trước đó xuất hiện từ sau chiến tranh thế giới II (1945).
Như đã trình bày trong thư ngày 25-04-2019 gửi Bộ Chính trị, trong cục diện
mới của thế giới do đối đầu Mỹ - Trung chi phối, và trong tình hình Biển Đông
đang bên miệng hố chiến tranh, hôm nay nước ta đứng trước thách thức:
Làm sao đất nước ta không phải lặp lại một lần nữa con đường đau khổ đầy xương
máu trở thành trận địa của 2 phe – như nước ta đã từng bị đẩy vào trong thời kỳ
chiến tranh lạnh I (bắt đầu từ 1945 kể từ sau chiến tranh thế giới II)? Quan
trọng hơn nữa, làm sao bảo toàn được những thành quả của 43 năm độc lập thống
nhất đầu tiên để đất nước ta có thể phát triển tiếp?
Trước khi bàn về những thách thức sẽ đến với nước ta trong 2 câu hỏi nêu
trên, xin trình bầy đôi điều dưới đây về bối cảnh chung của quốc tế và khu vực
liên quan trực tiếp với mọi quyết định và bước đi của nước ta trong thế giới
hôm nay.
Nói giản lược, về hình thái ý thức hệ, giai đoạn chiến tranh lạnh I (1945-1991)
là giai đoạn đối đầu giữa phe XHCN và phe đế quốc chủ nghĩa sau chiến tranh thế
giới II; song trên thực tế đó là giai đoạn đối đầu giữa 2 đế chế Xô – Mỹ, kết
thúc với sự sụp đổ của các nước LXĐÂ cũ, phe XHCN tan rã 1989-1991. Sau đó sự
vận động của thế giới chủ yếu là do xu thế toàn cầu hóa kinh tế thế giới dẫn
dắt, các nước phương Tây giữ vai trò chủ đạo và do Mỹ dẫn đầu.
CHNDTH ra đời 1949, với tư cách là hậu duệ của đế chế lớn nhất, đông dân
nhất và lâu đời nhất trong lịch sử thế giới – đế chế Trung Hoa. Sau mấy thập kỷ
liên tiếp trỗi dậy bằng mọi giá với mọi thử nghiệm đầy xương máu trong đối nội
cho đến thời Đặng Tiểu Bình, cuối cùng TQ đã nắm bắt được xu thế vận động của
thế giới, và đã tìm được con đường phục hưng đế chế Trung Hoa trong cao trào
của quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới bắt đầu từ thập kỷ 1980s. Trong
vòng 4 thập kỷ, khởi thủy từ vai trò “công xưởng của thế giới”, hôm nay CHNDTH
trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 sau Mỹ và sẽ sớm vượt Mỹ trên phương
diện này.
Nắm giữ một tiềm lực to lớn, lại vào lúc có khủng hoảng ở các nước phương
Tây, cơ cấu kinh tế thế giới đang có những thay đổi sâu sắc trong quá trình
toàn cầu hóa và trong sự phát triển vũ bão của KHKT và công nghệ, dẫn tới CMCN
4.0 hiện nay, TQ Tập Cận Bình tại đại hội 19 của ĐCSTQ (2017) cho là thời cơ đã
đến, quyết định thách thức vai trò số một của Mỹ nhằm tạo ra một trật tự quốc
tế mới không có Mỹ - với khát vọng thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” – nghĩa là
phục hưng đế chế Trung Hoa , dưới lá cờ “CNXH đặc sắc TQ kỷ nguyên mới”!
Trên thực tế, kể từ đại hội 18 của ĐCSTQ năm 2012, với 3 công cụ chiến lược
trong tay là (1)sức nặng kinh tế TQ đã mang lại cho TQ những lợi thế thâm nhập
nguy hiểm, (2)đã hoàn tất việc chiếm trên thực tế và quân sự hóa Biển Đông làm
bàn đạp, và (3)chiến lược “vành đai – con đường” (BRI) đã bủa lưới trên một
diện rộng ở châu Á, châu Phi, châu Úc và đang lan sang châu Âu, TQ đã quyết
định khởi sự cho “giấc mộng Trung Hoa. Những bước mở đầu quan trọng TQ đã giành
được là: (1)lũng đoạn đáng kể nhiều quốc gia và nhiều thể chế quốc tế và khu
vực, (2)giành được ở châu Phi và châu Á những thành công vượt xa chủ nghĩa thực
dân mới của phương Tây thời thế kỷ 20, và (3)đã chia rẽ được ở mức đáng kể giữa
Mỹ và một số nước EU quan trọng (vì những nước này coi TQ là khách hàng lớn
không thể thiếu cho nền kinh tế của họ). Qua đó TQ ngày nay trở thành vấn đề
của cả thế giới, vì bản chất của nó là xâm chiếm không ngừng không gian sinh
tồn để tồn tại và phát triển, quan hệ với mọi quốc gia theo nguyên tắc mục tiêu
biện minh cho biện pháp, muốn thiết lập một trật tự quốc tế thiên triều–chư
hầu, đối kháng với phương thức “win – win”, đi ngược lại trào lưu tự do dân chủ
và quyền con người trên thế giới. Bản thân CHNDTH là một trại giam khổng lồ đối
với các sắc tộc ở Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông, thực hiện đàn áp dã man
những người bất đồng chính kiến, phong trào Pháp luân công… Những nội dung này
hiển nhiên sẽ là những mầu sắc của một trật tự quốc tế mới do TQ muốn dựng lên
và dẫn dắt, đi ngược hẳn với xu thế phát triển của thế giới.
Các tổng thống Mỹ từ thời Nixon đến Obama đã mơ hồ và thất bại trong mọi nỗ
lực mở cửa cho TQ cùng phát triển với cả thế giới. Mỹ mở cửa nhiều nhất và trở
thành thị trường TQ khai thác có hiệu quả nhất, vì Mỹ nuôi hy vọng: Trở thành
một cường quốc kinh tế, TQ sẽ cùng với Mỹ hình thành G2 để chia sẻ trách nhiệm
dẫn dắt thế giới. Song kết quả lại là TQ trở thành kẻ đối kháng số 1 của Mỹ. TQ
hôm nay chẳng những thách thức vai trò số 1 của Mỹ, đã lên kế hoạch đánh đổ
hàng hóa công nghệ cao của Mỹ vào năm 2025, mà còn thách thức trực tiếp các giá
trị làm nên nước Mỹ, phân hóa / chia rẽ nghiêm trọng các mối liên minh chiến
lược của Mỹ, theo đuổi ý đồ hình thành một trục chống Mỹ bao gồm Nga – Thổ -
Iran – TQ, tập hợp các lực lượng khác theo kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”
chống Mỹ, với mục đích cuối cùng hình thành một thế giới do TQ dẫn dắt. Mỹ nhận
định: Thách thức của TQ hôm nay đối với Mỹ nguy hiểm hơn và vượt xa thách thức
của thời LX trước kia… Chưa nói đến mối nguy nhiều thập kỷ nay Mỹ nhập siêu từ
TQ hàng trăm tỷ USD/năm, nhiều sản phẩm công nghiệp Mỹ bị hàng TQ giá rẻ xóa
sổ, từng mảng công nghiệp lớn của Mỹ bị hút vào thị trường TQ (hiện tượng
outsourcings) gây ra nhiều xáo động trong kinh tế và trong xã hội Mỹ (đặc biệt
là vấn đề việc làm và cơ cấu kinh tế). Trong những thập kỷ gần đây TQ thành
công đáng kể trong việc hình thành những mạng lưới gián điệp khác nhau dưới mọi
dạng (bao gồm một khối lượng hàng chục nghìn sinh viên và cán bộ TQ học tập,
nghiên cứu và làm việc ở Mỹ, thiết lập các mối quan hệ với các trường đại học,
học viện, viện nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế, thành lập hàng chục viện Khổng
Tử, “mua” được một số tình báo và nhân vật Mỹ…). Điều tra năm 2018 của chính
quyền Trump về thiệt hại do bị TQ ăn cắp công nghệ và xâm phạm quyền sở hữu trí
tuệ ước khoảng 600 tỷ USD , một số học giả Mỹ đã cho rằng TQ làm chiến tranh
thương mại bẩn (ăn cắp…) đối với Mỹ từ hàng chục năm nay rồi, v… v…
Khi lên cầm quyền 01-2017, việc đầu tiên Trump thực hiện trong quan hệ với
TQ là quét mạng lưới gián điệp của TQ trên đất Mỹ và đồng thời coi TQ là kẻ thù
số 1 của Mỹ vì những lý do nêu trên, đặt vấn đề nhất quyết phải làm thất bại
khát vọng phục hưng đế chế Trung Hoa. Trump cho rằng trong quan hệ thương mại
với TQ từ hàng chục năm nay Mỹ thiệt hàng trăm tỷ USD/năm, phải chấm dứt tình
trạng này .
(....)
...nghĩa là ngay hôm nay có thể khẳng định: Giấc mộng Trung Hoa trong tầm nhìn
như vậy sẽ vỡ mộng, trước hết (1)vì những nguyên nhân xuất phát từ bản chất đế
chế TQ như đã nói ở trên đi ngược với xu thế vận động của thế giới, (2)vì Mỹ
tuy sẽ không làm vai trò “sen đầm thế giới” (world gendarme) nữa, song vẫn là
quốc gia dẫn đầu và cùng với thế giới tiến bộ là những lực lượng tiếp tục dẫn
dắt sự phát triển của thế giới. Trong đối đầu Mỹ - Trung, giới nghiên cứu nói
nhiều đến nguy cơ cái bẫy Thucydides – nói ngắn gọn, đấy là nguy cơ đối đầu Mỹ
- Trung có thể dẫn tới chiến tranh thế giới III do nghi ngờ nhau giữa 2 bên.
Thực ra ngày nay khả năng hủy diệt lẫn nhau quá lớn, nên hầu như nguy cơ cái
bẫy Thucydides khó xảy ra. Đối đầu Mỹ - Trung lúc căng thẳng, lúc thỏa hiệp,
tạm thời hoặc dài hạn hơn, với Trump và sau Trump, hoàn toàn có thể với những
phương thức khác nhau tùy theo mỗi đời tổng thống và xu thế lớn ở Mỹ, bối cảnh
quốc tế… Giới nghiên cứu ở Mỹ cho rằng chính giới Mỹ hôm nay (cả Cộng Hòa và
Dân chủ) nhìn chung có nhận thức rõ hơn và thống nhất hơn về sự thách thức mang
tính đối kháng của TQ đối với Mỹ, song vẫn còn những khác biệt trong cách tiếp
cận vấn đề - ví dụ giữa một bên là phe Cộng hòa và một bên là phe Dân chủ. Mới
đây nhất Trump đã phê phán Biden (nguyên là phó của Obama) - ứng cử viên cho
tranh cử tổng thống khóa tới - là vẫn còn ảo tưởng về TQ! Chưa nói đến đối đầu
Mỹ - Trung còn phải chịu sự chi phối ngược trở lại và những tác động tổng hợp
của cục diện thế giới đa cực đầy biến động hỗn loạn, bởi vì thế giới hôm nay đa
dạng và đa cực – ví dụ bây giờ đang nóng bỏng mối quan hệ Mỹ - Iran, tới mức
không một yếu tố riêng lẻ nào dù lớn đến đâu có thể đơn nhất chi phối sự vận
động của thế giới. Tập đã phát động trong nước “cuộc vạn lý trường chinh chiến
tranh thương mại” để trả đũa Mỹ.
Đối đầu Mỹ - Trung chỉ có thể kết thúc một khi trên thế giới đã định hình ra
được một khung khổ trật tự mới hiện chưa tiên đoán được. Chiến tranh thế giới
III khó xẩy ra, song không có nghĩa tuyệt đối không thể xảy ra, vẫn có những ý
kiến cho là chiến tranh Mỹ - Trung là không tránh khỏi – trong đó có Graham
Allison / Harvard. Nguy cơ chiến tranh ở Biển Đông là thường trực, không loại
trừ diễn biến đột xuất. Trong những biến động không lường trước được của cục
diện thế giới đa cực hôm nay còn phải tính đến không ít nguy cơ xảy ra tình
huống bất khả kháng (force majeure) có thể bất ngờ đảo ngược nhiều thứ. Tuy
nhiên thực tiễn năm đầu tiên đối đầu Mỹ - Trung kể từ khi Trump tiến hành chiến
tranh thương mại cho thấy: Kiềm chế hay đẩy lùi được khát vọng giấc mộng Trung
Hoa đế chế, khả năng tranh thủ được hòa bình sẽ tăng theo .
Đối kháng giữa 2 đế chế có nền kinh tế lớn nhất thế giới, một mặt sẽ dẫn tới
sắp xếp lại trật tự quốc tế và mọi mối quan hệ kinh tế toàn cầu, mặt khác sẽ dỡ
bỏ hoặc phải thiết kế lại hầu hết các thể chế quốc tế và khu vực đã có được như
là kết quả chiến tranh thế giới II (trước hết do Mỹ thiết kế) nhưng nay đã bị
TQ thao túng sâu sắc và trở nên lỗi thời, Trump muốn có khung khổ mới thay thế.
Trong tình hình như vậy, cục diện thế giới đa cực với nhiều biến động hỗn loạn
làm cho đối kháng Mỹ - Trung càng thêm quyết liệt và phức tạp. Thực tế này chi
phối sâu sắc sự vận động của thế giới trong nhiều thập kỷ tới hoặc kéo dài hơn
nữa, tác động quyết liệt vào mọi quốc gia – đặc biệt là những quốc gia vì những
lý do địa lý tự nhiên, địa kinh tế và địa chính trị trở thành nước bên thứ ba
với nguy cơ biến thành trận địa trực tiếp của đối đầu Mỹ - Trung, hoặc phải
hứng chịu mọi hệ lụy “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”, trong đó có Việt Nam
tọa độ ngay trên điểm nóng nguy hiểm nhất của chiến tuyến đối đầu Mỹ - Trung:
Biển Đông!
Song khác với thời làm Cách Mạng Tháng Tám và phải sống trong chiến tranh
lạnh I trong quá trình kháng chiến giành lại độc lập thống nhất đất nước, hôm
nay VN là một nước độc lập có chủ quyền, có một nền kinh tế của gần 100 triệu
dân, có quan hệ kinh tế - thương mại năng động với hầu hết mọi nước công nghiệp
và nhiều quốc gia khác ở cả 5 châu lục, trong đó nhiều nước là đối tác chiến
lược, đối tác toàn diện của nước ta. Nghĩa là Việt Nam hôm nay không phải là
một nước nhỏ, giành được vị thế quốc tế và khu vực tương ứng với tầm vóc của
đất nước.
Với tính cách là một quốc gia như vậy trong cục diện thế giới sang trang hôm
nay, VN hoàn toàn đủ tư cách và có đủ thế và lực tự quyết định lấy vị thế quốc
gia mình trong tình hình mới này. Với cương vị là một quốc gia như vậy, VN hôm
nay cần vứt bỏ lối tư duy tiểu nhược quốc « theo ai? chống ai? », những suy
nghĩ của cảm xúc « bài Trung, thoát Trung – hoặc theo Mỹ / chống Mỹ… ». Trong
tình hình thế giới sang trang hôm nay, đối với nước ta tiếp tục ngoại giao đu
dây sẽ đồng nghĩa với tự sát, bởi vì mọi diễn biến trong đối đầu Mỹ - Trung đều
có tính đối kháng quyết liệt, phức tạp, thậm chí có thể bất ngờ và không dự
đoán được, các nước bên thứ ba hoặc sẽ không thể ứng phó kịp theo phương thức
quả lắc, đu dây.., hoặc có thể bị rơi vào tình thế “việc đã rồi!” (fait
accompli!) và thường là sẽ quá muộn để có thể cứu vãn mà VN đã phải nếm trải
trong quá khứ...
Là nước có chủ quyền và theo đuổi quan điểm chiến lược là hòa bình, hữu nghị,
hợp tác và cùng phát triển với mọi quốc gia trên thế giới, VN cũng không phải
cần tới thứ ngoại giao tránh né rất thụ động « 3 không » , mà cần khẳng định
dứt khoát trước toàn thế giới: Vì lợi ích của chính mình và của cộng đồng các
quốc gia trên thế giới, VN cùng với cả cộng đồng thế giới quyết dấn thân cho
hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển. Việt Nam tôn trọng độc lập chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia, đồng thời quyết tâm bảo vệ độc
lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình bằng mọi giá!
Trước tình hình thế giới và khu vực hôm nay như đã trình bầy trên, Việt Nam
cũng cần khẳng định trước thế giới như một cam kết của mình quyết tâm cùng với
cộng đồng ASEAN xây dựng nên một Đông Nam Á của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và
cùng phát triển.
Tôi nghĩ (1)với vị trí địa đầu của nước ta tại khu vực do địa lí tự nhiên,
địa kinh tế và địa chính trị khách quan tạo ra cho nước ta, (2)dựa vào thế và
lực của nước ta tích lũy được hôm nay, và (3)vị thế hiện nay nước ta đã giành
được trên trường quốc tế - đấy là 3 yếu tố vừa cho phép, vừa đòi hỏi nước ta
phải thực hiện một nền ngoại giao dấn thân như đã trình bầy trên, vì 3 lẽ cơ
bản sau đây:
(1) Nước ta dứt khoát phải vứt bỏ thân phận quân cờ trên bàn cờ thế giới và
khu vực hôm nay để tự quyết định vận mệnh quốc gia của mình, nhất quyết không
để cho đất nước mình lại trở thành trận địa cho sự giành giật lẫn nhau giữa các
siêu cường.
(2) Hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển phải tự mình dấn thân
giành lấy, phải cùng với cả cộng đồng thế giới dấn thân cùng nhau giành lấy,
không thể có chuyện ăn không (no free lunch!), cũng như không thể một mình đi
xin mà có được, cũng không thể đơn độc một mình giành lấy được!
(3) Xây dựng đất nước phát triển và thực hiện nền ngoại giao dấn thân là con
đường sống và phát triển của đất nước trong mọi tình huống của một thế giới
sang trang đầy xáo trộn và đầy biến động nguy hiểm hiện nay; thế và lực hiện đã
tích lũy được hoàn toàn cho phép VN theo đuổi mục tiêu chiến lược này.
Điều kiện tiên quyết cho hoàn thành mục tiêu chiến lược nêu trên là VN phải
có một thể chế chính trị / nhà nước dân chủ, đoàn kết được toàn dân tộc phát
huy mọi tiềm năng của mình, nhất trí cùng nhau đứng lên nắm lấy cơ hội đồi đời
đất nước bây giờ mới có.
Trước thực tế quyết liệt như trên, xin hỏi: ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo của
mình, có dám nhận về mình trách nhiệm lịch sử trước đất nước là tiên phong đi
cùng với toàn dân tộc, xả thân phấn đấu tạo ra điều kiện tiên quyết nói trên để
mở ra con đường sống cho đất nước hay không? Đấy là con đường tự quyết định lấy
vận mệnh của chính mình, chủ động chặn đứng nguy cơ “trâu bò húc nhau ruồi muỗi
chết” đang lăm le ập đến nước ta một lần nữa, – [lần trước đây là con đường
nước ta đã bị đẩy vào kể từ sau Cách Mạng Tháng Tám, với 4 cuộc chiến tranh đẫm
máu kéo dài 3 thế hệ đổ vào đất nước!] Hơn nữa, chủ động giành lấy cơ hội tự
quyết định lấy vận mệnh quốc gia mình trong bối cảnh quốc tế và khu vực hôm nay
là con đường chủ động bảo toàn mọi thành quả cách mạng đã giành được, có vị thế
mạnh để giữ hòa bình và hợp tác, mở ra cho đất nước ta con đường phát triển
mới.
Xin nhắc lại một lần nữa để thấy rõ mối tương quan giữa 2 thời kỳ và so
sánh:
- Khi chiến tranh thế giới II kết thúc mở ra cục diện quốc tế mới thời đó, Đảng
dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định làm Cách Mạng Tháng
Tám, dựng lên nước VNDCCH, bắt đầu con đường giành lại thống nhất đất nước và
xây dựng nên CHXHCNVN hôm nay.
- Trong tình hình thế giới sang trang hôm nay đang hình thành dần một trật
tự quốc tế mới, ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo của nó lựa chọn gì cho đất nước? Trả
lời được câu hỏi này, sẽ nhận thức được tầm vóc nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho
Đảng ngay tại Đại hội XIII này, không thể trì hoãn được! Giai đoạn cách mạng
mới đòi hỏi mục tiêu chiến lược mới, đường lối mới, và phương thức vận động
mới!
Xin đặc biệt nhấn mạnh: Phải thực hiện sớm nhất và trong khoảng thời gian
ngắn nhất có thể việc tạo ra cho nước ta điều kiện tiên quyết là xây dựng thể
chế chính trị - nhà nước dân chủ! Đó là thách đố số một đối với toàn thể dân
tộc ta lúc này – nhất là đối với ĐCSVN với tính cách là người duy nhất nắm mọi
quyền lực trong tay và do đó phải chịu trách nhiệm ràng buộc trong nhiệm vụ
kiến tạo ra điều kiện tiên quyết này. Chậm trễ, mọi chuyện sẽ trở nên vô nghĩa
để nhường chỗ cho mọi hệ lụy tiêu cực và thảm họa.
(Còn tiếp).
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire