Trang

21/06/2019

Thư trả lời người bạn đồng nghiệp «trách móc» dân oan - LƯƠNG TRI TRÍ THỨC (phần 2)


Lê Hữu Khóa

(Tác giả là giáo sư, tiến sĩ nhân loại học, xã hội học ở Pháp; Giám đốc Chương trình đào tạo Master châu Á, phụ trách chương trình hợp tác với Việt Nam; chuyên gia tại UNESCO… )



Dân Oan Dương Nội
Hãy bắt đầu bằng câu đầu tiên của bạn nhé :


Tôi cũng tin là họ có những uất ức bất công. Nhưng nếu là anh, anh có đi làm những điều vô ích như vậy không? Nếu có chứng cớ, có bằng chứng hẳn hoi thì cứ kiện ra toà, thuê luật sư..., làm đúng quy trình đi


Đầu thư, tôi kể là tôi « mất hồn », « hết hồn », vì ngay câu đầu này của bạn là tôi « hoảng hồn » : Trời ơi ! bạn của tôi bao năm mà « hồn, vía, thần, sắc » để đâu mà lại viết một câu như vậy ?


Lương tri trí thức chống bất công, loại bất chính, xóa bất lương, vất bất nhân

Xin được phân tích ngữ vựng trước rồi ngữ văn, ngữ pháp sau nhé : Tôi cũng tin là họ có những uất ức bất công. Động từ uất ức của bạn nhẹ quá ! Nếu tôi là dân oan bị phá nhà, cướp đất, đuổi ra khỏi môi trường sống của mình, của gia đình mình và của tổ tiên mình thì tôi : « mất (linh) hồn », tức là mất tâm lực, mất trí lực, mất luôn cả thể lực, mất cả ba lực này tức là mất tất cả rồi ! Bị cướp nhà, cướp đất là bị vừa động đất, vừa động trời. Đây không phải là mất mát mà là mất hết, đây không phải là mất mùa mà là mất trắng bạn ạ ! Tôi van xin bạn đổi trạng từ quá nhẹ uất ức, nên đi tìm một trạng từ khác cao hơn cả : uất nghẹn, uất gục, uất điên, uất chết lên được! Chuyện đi tìm câu chữ để hệ ngữ (ngữ vựng, ngữ văn, ngữ pháp) tương xứng với hệ cảnh (họa cảnh, thảm cảnh, bi cảnh) chính là tri thức luận của lương tri trí thức đó bạn ! Chuyện này không khó : bạn hãy đặt hoàn cảnh của bạn vào thảm cảnh của dân oan là bạn tìm được ngay hệ ngữ thích hợp để thích ứng vào bi nạn dân oan.

Một ngày kia nếu bạn là nạn nhân của bọn bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham đất mà « một sớm một chiều » thành dân oan, thì chính bạn sẽ biến uất ức chớp nhoáng thành uất nghẹn, uất gục, uất điên, uất chết. Đây không phải là chuyện lý thuyết, chuyện trừu tượng, chuyện hoang tưởng đâu bạn ạ ! Vì tổ tiên ta dạy đi dạy lại con cháu là : thời gian và không gian đều trong « nắng sớm mưa chiều », nằm trong quy luật của « vật đổi sao dời », trong đó nhân sinh không sao thoát được nhân thế : « không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời » ! Nhưng tôi xin hứa với bạn là nếu một ngày kia bạn thành nạn nhân của bọn « cướp ngày là quan », làm ra bao bi nạn cho hàng triệu dân oan hiện nay, tôi sẽ đứng về phía bạn, với tất cả sung lực của mình bằng phương trình não trạng uất ức-uất nghẹn-uất gục-uất điên-uất chết, để ngày ngày đấu tranh với bạn, đòi lại đất, đòi lại nhà, như đòi lại không những công bằng bằng công lý, mà còn cùng bạn đòi lại nhân phẩm bằng nhân tri ! Cũng như tôi đang song hành cùng dân oan bao ngày tháng qua bằng học thuật, lấy khảo sát, nghiên cứu, điều tra, điển dã để minh chứng rồi xác chứng đây là chuyện trộm, cắp, cướp, giựt đất của dân, đây là chuyện : không thể chấp nhận được !

Ngữ pháp uất ức bất công, tôi thấy chưa ổn (vì chưa đủ) mức độ và trình độ của thảm kịch dân oan bị cướp đất, đây không phải là bất công tới từ bất bình đẳng mà là cả một hệ bất : bất chính của một hiến pháp của ma thức (chớ không phải mô thức) : đất đai là sở hữu của toàn dân, do chính phủ quản lý, đảng chỉ đạo, loại câu chữ này thật bất lương, vì nó biến đất của công dân thành đất trong tay bọn bất nhân (bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, cấu kết với ma quyền tham đất vì tham tiền), để trộm, cắp, cướp, giựt có tổ chức. Xin bạn hãy xem lại các bài học căn bản của xã hội học : bất công có mặt trong đời sống xã hội, trong sinh hoạt xã hội, trong quan hệ xã hội ! Còn bọn bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham đất để tham tiền, tất cả chúng nằm trong hệ bất (bất chính, bất lương, bất nhân) đây lại là phạm trù của đạo đức học, phải lấy hệ lương (lương thiện, lương tâm, lượng tri) ra để trực diện mà trực luận với chúng.

Hệ lương (lương thiện, lương tâm, lượng tri) trong câu chuyện lương tri trí thức của chúng ta, nhắc tôi nhớ lời dặn dò của Thomas Mann, sau ngày bọn giết người Đức quốc xã sụp đổ là : khi nhìn thì phải thấy ! Nhìn mà không thấy thì khác gì mù lòa. Ông trách dân tộc Đức của ông là bọn giết người Đức quốc xã không phải trên trời rơi xuống để gây ra thế chiến thứ hai (1939-45), cùng lúc thảm sát người Do thái trong chương trình diệt chủng của chúng. Bọn này đã xuất hiện rồi thắng cử trước sự cúi đầu và nhắm mắt của dân tộc Đức, từ những năm 1930. Nhìn mà không thấy hệ bất (bất chính, bất lương, bất nhân) thì chắc chắn là có lỗi, chúng ta đừng để lỗi biến thành tội với đồng bào và tổ quốc chúng ta bạn à ! Tôi phân tích chuyện này vì đây là thắc mắc của tôi từ bao năm qua với các « trí thức quan chức » như bạn : Việt kiều đặt chân tới Hà Nội là thấy dân oan nằm ngồi la liệt tại cơ quan tiếp dân của Trung Ương, đường Ngô Thị Nhậm, Việt kiều đặt chân tới Sài Gòn là thấy dân oan vật vờ qua lại khu Thủ Thiêm ; vậy mà các « trí thức quan chức » sống hằng ngày trên đất nước như bạn, lại không thấy, coi dân oan như không có, vì nhìn mà không thấy. Không thấy dân oan ngoài đường giữa phố đã là chuyện lạ ! Lại không thấy dân oan đòi công lý qua mạng xã hội thì rõ là chuyện thật lạ !

Còn câu sau của bạn : « Nếu có chứng cớ, có bằng chứng hẳn hoi thì cứ kiện ra toà, thuê luật sư..., làm đúng quy trình đi ! » Bạn ơi, họ có bằng chứng hẳn hoi, bằng chứng đau thương là họ phải « đầu đường xó chợ » chưa đủ cho bạn sao ? Họ có kiện ra tòa nhưng tư pháp là con rối cho bọn bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham đất, chúng lấy cái man trá để chế tác luật rừng man rợ của chúng : đất đai là sở hữu của toàn dân, do chính phủ quản lý, đảng chỉ đạoDân oan làm đúng quy trình, nhưng có ai bảo vệ họ đâu, nên câu này của bạn : « Nếu có chứng cớ, có bằng chứng hẳn hoi thì cứ kiện ra toà, thuê luật sư..., làm đúng quy trình đi ! », câu này của bạn tàn nhẫn quá, nếu một người không quen biết bạn như tôi biết bạn bao năm nay để khẳng định bạn : không phải là người xấu ! Thì kẻ bàng quan mà đọc thư của bạn, có thể họ sẻ thấy bạn là kẻ vô tình giờ đã thành vô cảm. Bạn ơi « bút sa gà chết », có khi « người cũng chết » theo, đừng biến mình thành kẻ vô giác, để mang tiếng với đời là kẻ vô tâm đang đi trên mê lộ của vô nhân.

Mỗi lần bạn muốn hiểu về định lượng của bất công trong chế độ có lãnh đạo bất nhân tại Việt Nam hiện nay, bạn đừng quên phân tích vĩ mô nhé ! Theo thống kê hiện nay thì Việt Nam hiện nay là đất nước « phá kỷ lục về dân oan », không phải hàng trăm ngàn mà đã là hàng triệu trên ba miền của đất nước. Nếu chính quyền độc đảng hiện nay mà liêm chính thì hãy làm thống kê liêm sỉ về con số này, và tôi khuyên chính quyền chỉ cần lấy chỉ báo qua các đơn kiện, như bạn muốn (« Nếu có chứng cớ, có bằng chứng hẳn hoi thì cứ kiện ra toà, thuê luật sư..., làm đúng quy trình đi ! ») thì mọi việc sẽ rất rỏ ràng thôi. Cùng lúc, tôi mong chính quyền độc đảng phải để giới đại học tự do nghiên cứu, điều tra, khảo sát, điền dã… qua định lượngđịnh chất để biết thực chất của chuyện oan khiên này, vì đây là phạm trù của khoa học xã hội nhân văn mà.

Tại Âu châu, tôi làm việc trong môi trường có nhân quyền trong sinh hoạt trí thức , thật sự có dân chủ, nên tôi theo lời dặn của ông bà ta : « vắng mợ chợ vẫn đông ! ». Cụ thể là các đại học việt nam hiện nay, khi họ mời tôi giảng, họ yêu cầu tôi không nói, không lấy thí dụ về dân oan, tôi chỉ cười vì rất thông cảm với các đồng nghiệp (« vì sợ liên lụy tới chính quyền, tới công an »), vì « qua sông thì phải lụy đò » mà. Nên gần đây, tôi đã đưa giáo trình, giáo án về dân oan ngay tại Ban cao học Châu Á mà tôi làm giám đốc, tôi đưa luôn chủ đề này vào trường tiến sĩ của âu châu mà tôi là thành viên của các hội đồng khoa học, như để bảo vệ một sự thật làm nên lương tri trí thức của tôi.

Nói nay rồi lại nói xưa, tôi xin kể cho bạn câu chuyện của Huyền Quang, một trong ba thiền sư sáng lập ra phái Trúc Lâm Yên Tử, một phái thiền rất Việt vì thuần Việt, mà Phật hoàng Trẩn Nhân Tông kính yêu của chúng ta là trưởng phái.  Huyền Quang có nền của từ bi qua biểu tượng “cay mắt vì nhân thế”, khi ông thấy các tù nhân trong vòng lao lý đi ngang qua ông:

Biên thư bằng máu nhắn tin nhau

Cô đơn chiếc nhạn vụt mây sầu

Bao nhà nhìn nguyệt đêm nay nhỉ?

Hai chốn cùng chung một nỗi đau.

Nhắn tin nhau qua thư viết bằng máu, cô đơn bị dầm, ngâm, ngập, chìm trong mây sầu vây kiếp chiếc nhạn, bao kiếp người -chỉ là chiếc (lá)-, hãy nhìn trăng để đo, để đếm khổ nạn biệt ly. Vì sống là chung một nỗi đau, kẻ xa người và kẻ bị người xa có chung nỗi khổ niềm đau bạn à! Khi đi tìm các giá trị của lương tri ngay trong nỗi khổ niềm đau của kiếp người, bạn hãy nhận ra nhân diện của các nạn nhân bằng hình tượng chiếc nhạn vụt mây sầu của Huyền Quang bạn nhé! Mà chiếc nhạn vụt mây sầu chưa chắc đau khổ tới cùng cực như dân oan hiện nay: “màn trời chiếu đất” rồi “đầu đường xó chợ” bạn à!

Nói xưa xin được nói xa, St Augustin khi đi tìm các giá trị của lương tri, thì tách một con người thành hai con người: một là con người bên ngoài, của phản ứng phải sống, của phản xạ phải ăn, phải thở để mà sống. Con người thứ hai là con người bên trong, của nội tâm dày nội công lương tri, vì có lương tâm, nó bắt con người thứ nhất của bản năng phải đi trở lại bên trong để thấy con người thứ hai, nằm sâu trong chiều sâu, để nhận ra ý nghĩa của sự sống có nhân phẩm vượt qua sự sống của bản năng. Khi chưa thành trí thức, còn là sinh viên -bạn và tôi- đều có những lời nguyện, khi thành trí thức rồi thì những lời nguyện thuở nào, đã thành những lời nguyện xưa; mà nó xưa hay mới, hoặc vừa xưa vừa mới, thì hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta, chúng ta muốn cái xưa không bao giờ xưa, mà luôn mới là do chính chúng ta. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có làm một bài thơ Nguyện xưa, ít người biết và thật hay:

Mát lòng nhờ những giọt không

Bỗng dưng thuyền đã sang sông

Cát mềm

Bãi vắng

Nguyện xưa.

Lời Nguyện xưa, là lời thề xưa, là ý nguyện làm nên ý lực cho chí nguyện đi cứu đời, cho tâm nguyện làm cho đời vơi đau-bớt khổ. Một lời thề tưởng đã xưa, vậy mà nguyện này giúp ta tu cả đời, mà có khi tu cả đời cũng không đủ để xóa đi nỗi khổ niềm đau của nhân sinh. Vì vậy, nên nguyện xưa luôn đeo đuổi, không phải để dày vò, để hành hạ, để đày đọa ta, mà để trợ lực cho ta vượt qua sự vị kỷ chỉ thấy cái có của ích kỷ, luôn mộng tưởng là mình khôn lanh hơn người, mà không đủ tầm (vì không có tâm) để thấy lòng vị tha của từ bi đi trên vai, trên lưng, trên đầu mọi con tính vị kỷ. Mà bạn ơi, chuyện đúng thì không bao giờ cũ, xưa, lỗi thời; văn sĩ Hugo có lần than vãn: “Chán nhất trên đời này là ta chỉ tồn taị mà không sống! Mà sống đúng chính là đấu tranh cho sự sống! Dùng tự do của mình để đấu tranh, để chấm dứt đi cái ngu!”.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire