Biểu tình ở Mỹ ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông - Ảnh: Internet |
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 18.8 lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng
việc đối phó với những người biểu tình ủng hộ phong trào dân chủ ở Hồng Kông
theo kiểu vụ quảng trường Thiên An Môn sẽ gây tổn hại cho các cuộc đàm phán
thương mại giữa hai nước.
"Tôi nghĩ sẽ rất khó có thỏa thuận nếu họ
chọn bạo lực, ý tôi là, nếu đó thành một vụ quảng trường Thiên An Môn
khác", ông Trump nói với các phóng viên ở bang New Jersey.
Bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra trong
bối cảnh biểu tình Hồng Kông không có dấu hiệu hạ nhiệt sau hơn hai tháng. Vào
Chủ nhật hôm qua, có khoảng 1,7 triệu người (con số ước tính của các nhà tổ
chức) tuần hành bất chấp những cảnh báo nghiêm khắc từ Bắc Kinh.
Trung Quốc đang có dấu hiệu mất kiên nhẫn trước
tình hình tại Hồng Kông sau khi người biểu tình bao vây sân bay và làm các hoạt
động hàng không tê liệt trong tuần trước. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã
dùng những từ ngữ gay gắt đối với những người bất đồng chính kiến, chê bai
những hành động "giống như khủng bố" của một nhóm thiểu số bạo lực.
Bên cạnh đó là động thái đe nẹt khi Bắc Kinh phát đi hình ảnh xe bọc thép tập
kết ở Thâm Quyến, thành phố sát ngay Hồng Kông.
Điều này khiến phương Tây liên tưởng đến chuyện 30
năm trước, thời điểm Trung Quốc đã triển khai quân đội để giải tán cuộc biểu
tình do sinh viên khởi xướng tại quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh). Nếu một
tình huống như vậy được lặp lại ở Hồng Kông thì tổng thống Mỹ nghĩ sao?
"Tôi nghĩ rằng sẽ có... cảm xúc chính trị to lớn để không làm gì đó",
ông Trump nói với ý đề cập đến chuyện ngưng làm ăn với Trung Quốc.
Trên twitter ngày 15.8, ông Trump viết: “Nếu Chủ
tịch Tập tới đây có cuộc gặp gỡ riêng và trực tiếp với những người biểu tình,
thì sẽ có một kết thúc có hậu và thông suốt cho vấn đề Hồng Kông. Tôi không
nghi ngờ gì điều này''.
Thực ra không phải ông Trump là người đầu tiên nhắc
đến Thiên An Môn khi đề cập đến Hồng Kông hiện giờ. Thay vào đó, chính Thời
báo Hoàn cầu – phụ san của Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của
đảng Cộng sản Trung Quốc) mới nêu 2 sự kiện có tính kết nối như vậy trước.
Thứ sáu tuần trước, 16.8, Hoàn cầu trong một
bài xã luận cho biết "sẽ không lặp lại" biến cố quảng trường Thiên An
Môn khi đề cập đến chuyện ở Hồng Kông. Hoàn cầu khẳng định: “Bắc Kinh đã
quyết định không can thiệp mạnh mẽ để dập tắt các cuộc bạo loạn ở Hồng Kông cho
dù Bắc Kinh có quyền rõ ràng để lựa chọn giải pháp này".
"Cảnh sát vũ trang tập kết tại Thâm Quyến đã
gửi một cảnh báo rõ ràng đến những kẻ bạo loạn Hồng Kông", tờ báo nói khi
đề cập đến các cuộc diễn tập mà lực lượng an ninh vũ trang đã tiến hành trong
tuần qua tại thành phố giáp Hồng Kông.
"Nếu Hồng Kông không thể tự mình khôi phục
luật pháp và các cuộc bạo loạn gia tăng, thì chính phủ trung ương phải có hành
động thẳng tay dựa trên Luật cơ bản", Hoàn cầu nêu. Luật cơ bản -
hiến pháp của Hồng Kông có điều khoản tuyên bố rằng chính quyền Hồng Kông có
thể yêu cầu quân đội Trung Quốc đồn trú tại đặc khu này giúp duy trì trật tự.
Ngoài ra, một điều khoản khác của Luật cơ bản cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc
hội Trung Quốc tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Hồng Kông để bật công tắc cho
quân đồn trú triển khai.
Tuy vậy, Hoàn cầu cho biết tình hình ở Hồng
Kông "sẽ không lặp lại sự kiện chính trị ngày 4.6.1989", ám chỉ đến biến
cố ở quảng trường Thiên An Môn cách đây 30 năm.
Cách đây 30 năm, quảng trường Thiên An Môn là nơi
tập trung của nhiều sinh viên trí thức Trung Quốc sau cái chết của cựu Tổng bí
thư Hồ Diệu Bang – một nhà cải cách của Trung Quốc thời bấy giờ. Họ biểu tình
với đòi hỏi về những thay đổi trong chính trị xã hội Trung Quốc thời điểm đó.
Trước cuộc biểu tình của giới sinh viên, chính
quyền Trung Quốc khi đó đưa quân đội vào giải tán những người tập trung tại
quảng trường Thiên An Môn và sau ngày 4.6.1989 thì tình trạng sinh viên tập
trung tại Thiên An Môn không còn nữa. Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc
Ngụy Phượng Hòa cũng thừa nhận: “Các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn là "bất
ổn chính trị mà chính quyền trung ương cần phải dập tắt, đó là chính sách đúng
đắn".
Hoàn cầu cũng cho rằng Mỹ sẽ không nhân cơ hội ở Hồng Kông để gây áp
lực với Trung Quốc như năm 1989. "Washington sẽ không thể đe dọa Trung
Quốc bằng cách sử dụng tình trạng hỗn loạn 30 năm trước. Trung Quốc giờ đã mạnh
mẽ và trưởng thành hơn rất nhiều và khả năng quản lý các tình huống phức tạp
cũng được nâng cấp đáng kể".
Tuy Hoàn cầu tỏ ra mạnh miệng và Trung Quốc
có động thái khoe cơ bắp ở Thâm Quyến nhưng các nhà phân tích cho rằng bất kỳ
sự can thiệp nào vào Hồng Kông của lực lượng an ninh Trung Quốc sẽ là một thảm
họa đối với danh tiếng và nền kinh tế của Trung Quốc.
Willy Lam, Phó giáo sư của Trung tâm Nghiên cứu
Trung Quốc thuộc Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông phân tích: Một trở ngại chính
trong việc sử dụng binh lính là nó sẽ làm tổn hại danh tiếng về sự điều hành
của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ mất rất nhiều thứ nếu làm vậy. Việc dùng quân đội
chẳng khác gì thừa nhận là 22 năm sau khi nối lại chủ quyền, Bắc Kinh đã thất
bại trong việc giành được trái tim và khối óc của người dân Hồng Kông.
Anh Tú
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire