Trang

16/09/2019

Hoàng Chi Phong có thể là búa tạ giáng vào quan hệ Mỹ - Trung vừa lên da non


Hoàng Chi Phong là nhân vật nhạy cảm với Bắc Kinh - Ảnh: Internet

Tuần qua, Hoàng Chi Phong đã có mặt tại Đức và sự xuất hiện đó đã khiến quan hệ Đức - Trung rạn nứt sâu sắc. Và giờ đây, chàng thanh niên Hồng Kông lại bắt đầu các hoạt động tại Mỹ.


Tuần qua, quan hệ Mỹ - Trung đã có những dấu hiệu giảm căng thẳng, ít nhất là trên mặt trận thương mại. Đầu tiên là việc Ủy ban Thuế quan - hải quan của Trung Quốc ngày 11.9 đã phải ra thông báo về việc ngưng áp thuế với một số mặt hàng của Mỹ và Canada trong vòng 1 năm. 


Danh sách dù khá khiêm tốn so với khối lượng mặt hàng khổng lồ mà hai bên đánh thuế qua lại nhau nhưng hành động này thực sự có tính chất biểu tượng cho thấy Trung Quốc chịu xuống nước.

Tiếp đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12.9 đã thông báo việc dời thời hạn áp thuế với Trung Quốc theo thỉnh cầu của Phó thủ tướng Lưu Hạc. Ông Trump cho biết: “Theo thỉnh cầu của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, và do thực tế là nước CHND Trung Hoa sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập vào ngày 1.10 tới, chúng tôi đã đồng ý, như một cử chỉ thiện chí, để dời ngày áp dụng tăng thuế quan đối với khối hàng hóa trị giá 250 tỉ USD (25% đến 30%), từ ngày 1.10 sang ngày 15.10”. Phía Trung Quốc không có thông báo nào phủ nhận việc này và chứng tỏ rằng ông Lưu Hạc đã là người chủ động thỉnh cầu trước.

Không những vậy, vào hôm qua, ngày 13.9, Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia và Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo sẽ miễn áp thuế mới cho các nông sản Mỹ mà nước này mua với số lượng lớn để đáp lại quyết định hoãn thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1.10 sang ngày 15.10 của Tổng thống Mỹ. Đây có thể coi là món quà Trung Quốc dành cho ông Trump – người luôn quan tâm sát sao việc Trung Quốc phải mua nông sản để làm hài lòng nông dân Mỹ và cũng là các cử tri của ông.

Những động thái thiện chí qua lại giữa hai nước mấy ngày gần đây dường như rất đúng lộ trình hướng tới vòng đàm phán thứ 13 vào tháng tới nhằm giải quyết dứt điểm các bất đồng thương mại. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung đang được nhen nhúm có vẻ sẽ chịu một luồng gió rất mạnh: Phong – tiếng Hán là gió, và ngọn gió được nói tới là Hoàng Chi Phong.

Hoàng Chi Phong bị Trung Quốc coi là “đầu mục nổi loạn” trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, còn các nước phương Tây coi là “nhà hoạt động dân chủ”. Tuần qua, Hoàng Chi Phong đã có mặt tại Đức và sự xuất hiện của thanh niên này đã khiến quan hệ Đức - Trung rạn nứt sâu sắc dù ngay ít ngày trước đó, mối quan hệ của hai nước được củng cố mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khi Thủ tướng Angela Merkel có chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày.

Hoàng Chi Phong cũng ở Đức 3 ngày, gặp gỡ các chính khách Đức và kêu gọi cổ vũ cho phong trào tại Hồng Kông. Chuyện đó khiến Trung Quốc xoá nhòa luôn chuyến thăm 3 ngày của bà Merkel cũng như quên luôn rằng Đức là đầu tàu EU mà Trung Quốc đang kỳ vọng là thị trường mới thay thế cho Mỹ.

Bắc Kinh đã triệu tập Đại sứ Đức để phản đối và lên giọng chỉ trích Đức gay gắt. Đại sứ Trung Quốc tại Đức là Ngô Khẩn đã vài lần nhắc đi nhắc lại chuyện sứt mẻ bang giao, như “Trung Quốc bày tỏ thái độ rất sốc (nguyên văn là chấn kinh) với phía Đức, bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ về chuyện đó, điều ấy chắc chắn sẽ có tác động đối với sự phát triển của quan hệ song phương”, hay “Sự hợp tác giữa hai bên có thể được tăng cường hơn nữa, nhưng theo tình hình hiện tại, tôi có thể chỉ ra cho bạn rằng quan hệ Trung - Đức chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi sự cố này và Trung Quốc phải phản ứng mạnh mẽ”.

Hoàng Chi Phong không chỉ sang Đức mà sau khi gián tiếp tạo sóng gió quan hệ Trung - Đức thì thanh niên này đã bay sang Mỹ. Ngay khi đặt chân tới Mỹ hôm qua 13.9, Hoàng Chi Phong đã có buổi nói chuyện với khoảng 200 sinh viên Đại học Columbia. Tại đây, Hoàng Chi Phong đã có dịp kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tuyên bố ủng hộ “phong trào dân chủ” ở Hồng Kông và thúc giục Tổng thống Mỹ lồng ghép điều khoản nhân quyền trong mỗi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Vào thứ ba tới, Hoàng Chi Phong dự kiến sẽ tham dự phiên điều trần của Quốc hội Mỹ về Dự luật Dân chủ và nhân quyền Hồng Kông năm 2019. Người thanh niên 22 tuổi này cũng sẽ gặp Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, người đã giới thiệu dự luật vào tháng 6, nhưng không rõ liệu Hoàng Chi Phong sẽ gặp ai từ chính quyền của ông Trump hay không.

Nếu dự luật trên được Quốc hội Mỹ thông qua thì nó sẽ giống như một đòn búa tạ vào quan hệ Mỹ - Trung vốn vừa được chắp vá lại. Ngoài ra, thái độ của chính quyền Mỹ rất khó đoán định nhưng với một vị Tổng thống như Donald Trump thì mọi điều đều có thể xảy ra. Thái độ của ông Trump với vấn đề Hồng Kông cũng rất lập lờ. Một mặt, ông Trump tuyên bố Hồng Kông là vấn đề của Trung Quốc và Trung Quốc phải tự giải quyết. Mặt khác, ông chủ Nhà Trắng cũng đề cập cách thức Trung Quốc ứng xử ở Hồng Kông sẽ ảnh hưởng tới việc đàm phán Mỹ - Trung.

Nếu hoạt động của Hoàng Chi Phong tại nước Mỹ khiến phe cứng rắn tại Bắc Kinh mất mặt và cạn hết sự kiên nhẫn thì họ có thể phản ứng mạnh mẽ như từng thể hiện thái độ trước Đức. Khi đó, công nhen nhóm quan hệ Mỹ - Trung của nhóm ông Lưu Hạc có thể sẽ trở thành công cốc. Nói cách khác, “Trời nổi gió, Hạc ngừng bay” sẽ là viễn cảnh đáng e ngại nhất trong thời gian chạy đà cho vòng đàm phán thứ 13.

Hôm qua là ngày Trung thu nên Bộ Ngoại giao Trung Quốc không tổ chức họp báo. Nhiều khả năng phản ứng của Trung Quốc về chuyến đi Mỹ của Hoàng Chi Phong sẽ có vào đầu tuần sau. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin sớm nhất cho quý bạn đọc.


Anh Tú

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire