Trang

01/10/2019

Đảng Cộng sản Việt Nam trước ba lựa chọn xử lý căng thẳng Bãi Tư Chính với Trung Quốc


Carl Thayer (*)


Hình minh họa. Một hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 1/10/2012
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có kỳ họp thứ 11 từ ngày 7 đến 13 tháng 10 tới. Theo điều lệ đảng, Ban chấp hành Trung ương phải họp 2 lần mỗi năm. Kỳ họp thứ hai của năm thường được tổ chức vào tháng 10, và vì vậy thời điểm của cuộc họp lần này là hoàn toàn bình thường.

Dù thời điểm của cuộc họp là bình thường, lãnh đạo Việt Nam lại phải đối mặt với một thách thức lớn liên quan tới sự lãnh đạo của họ trong vấn đề chủ quyền của Việt Nam. Vào đầu tháng 7, Trung Quốc đã điều tàu khảo sát Hải Dương 8 đến vùng nước rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, để tiến hành các khảo sát trái phép.


Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc được hộ tống bởi môt số các tàu hải cảnh cùng dân binh và tàu cá. Tàu hải cảnh của Trung Quốc ngăn chặn các tàu cảnh sát biển của Việt Nam bằng cách đi qua đầu tàu ở tốc độ cao và sử dụng vòi rồng từ phía xa để cảnh báo các tàu cảnh sát biển của Việt Nam thay vì đối đầu trực tiếp như hồi năm 2014, khi Trung Quốc cho triển khai giàn khoan dầu khí HD 981 vào vùng biển của Việt Nam.

Hải Dương 8 thực hiện chuyến khảo sát ở vùng nước có các lô dầu khí được Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) xác lập vào năm 2012. Trong suốt 7 năm qua, không có bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào nhận lời mời khai thác các lô này của CNOOC.


Hình minh họa. Đường đi của tàu Hải Dương 8 ở vùng nước của Việt Nam vào tháng 7 vừa qua Courtesy of Twitter Ryan Martinson



Vào ngày 12 tháng 5, giàn khoan của công ty Nhật Bản có tên Hakuryu-5, do công ty liên doanh giữa Việt Nam và Rosneft của Nga thuê, bắt đầu khoan dầu ở lô 06-01 thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn. Sau đó, Trung Quốc đã điều một trong số những tàu hải cảnh của mình đến quấy nhiễu hoạt động trợ giúp hậu cần cho Rosneft ở lô này.

Vào giữa tháng 8, Hải Dương 8 tạm rút khỏi khu vực và về đá Chữ Thập trước khi quay lại và tiến gần hơn về phía bờ biển của Việt Nam. Ngày 23/9, Hải Dương 8 một lần nữa lại rời khỏi khu vực và đi về đá Chữ Thập.

Vào đầu tháng 9, Trung Quốc triển khai tàu cần cẩu lớn nhất thế giới là Lam Kình của công ty CNOOC đến cách khu vực bờ biển tỉnh Quảng Ngãi khoảng 90 km.

Việc rút đi của tàu Hải Dương 8 hiện tại không hoàn toàn vì lý do thương mại. Trung Quốc đã nói rõ trong bản thảo bộ quy tắc về ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc (COC) do nước này đệ trình để thảo luận, là Bắc Kinh chống lại việc để bất cứ công ty nước ngoài nào hoạt động ở Biển Đông. Giới chức Trung Quốc đã yêu cầu, cả chính thức lẫn không chính thức, với phía Việt Nam phải ngưng các hoạt động khai thác của Rosneft.

Ngoài ra, Trung Quốc dường như cũng đang cố gắng gây ảnh hưởng lên kỳ họp Hội nghị ban chấp hàng Trung ương Đảng 11 sắp tới.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 1/6/2014 từ tàu cảnh sát biển của Việt Nam: tàu hải cảnh của Trung Quốc đang đuổi tàu cảnh sát biển của VN khỏi khu vực giàn khoan HD 981 AFP




Cũng phải nhắc lại là vào năm 2014, việc Trung Quốc cho triển khai giàn khoan HD 981 đã làm dấy lên làn sóng biểu tình chống Trung Quốc lan rộng ở Việt Nam. Một nhóm những đảng viên và quan chức nhà nước, quốc phòng về hưu đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi Việt Nam phải thoát Trung. Ngoài ra, lúc đó đã có sức ép cần phải triệu tập một cuộc họp Ban chấp hành Trung ương để lên án Trung quốc và tiến gần hơn về phía Mỹ.

Khi giới chức Trung Quốc biết được điều này, họ đã tuyên bố là HD 981 đã hoàn tất nhiệm vụ và sẽ rút giàn khoan do bão. Hành động của Trung Quốc đã làm giảm tác động lên sức ép từ những ủy viên Ban chấp hành Trung ương, những người muốn có hành động kiên quyết với Trung Quốc. Đã không có một cuộc họp đặc biệt nào được triệu tập.

Cuộc họp Ban chấp hành Trung ương 11 rơi đúng vào lúc có những tin đồn ngoại giao là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ gặp Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng vào tháng 10. Cũng phải cần nhắc lại là khi ông Trọng gặp Tổng thống Trump ở Hà Nội vào tháng 2 vừa qua nhân Thượng đỉnh Mỹ - Bắc Hàn, Tổng thống Mỹ đã đích thân mời đối tác Việt Nam sang thăm và thảo luận việc “gia tăng quan hệ đối tác toàn diện”.

Không khí xung quanh chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng lúc này là khá phức tạp. Một mặt, Tổng thống Trump và đại diện thương mại của ông đã chỉ trích Việt Nam vì những thặng dư thương mại giữa Việt Nam với Mỹ, một phần là do việc dán nhãn lại và tái xuất các hàng hóa làm từ Trung Quốc.
Hình minh họa. Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 27/2/2019 AFP





Mặt khác, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng chỉ trích hành động bắt nạt và đe dọa của Trung Quốc đối với các chương trình khai thác dầu khí lâu dài của Việt Nam. Bản thân Việt Nam cũng đã kiên quyết công khai kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Thêm nữa là chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ đã xác định Việt Nam là một đối tác chiến lược tiềm năng. Tóm lại, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng có thể tìm được những người nghe thông cảm nếu ông đến Washington.

Lịch trình của hội nghị Ban chấp hành Trung ương 11 không còn nghi ngờ gì nữa sẽ cân nhắc đề nghị của Bộ Chính trị về cách xử lý tình trạng bế tắc hiện nay ở vùng nước gần Bãi Tư Chính, và nhìn chung là các chính sách trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc tại thời điểm hiện tại.

Cho đến lúc này, Việt Nam đã đáp lại những đe dọa từ phía Trung Quốc theo cách hết sức nhẹ nhàng. Việt Nam đã gửi một loạt các phản đối qua đường ngoại giao và qua các kênh khác, yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi vùng biển của Việt Nam. Tàu cảnh sát biển của Việt Nam đã áp dụng chính sách theo dõi tàu Hải Dương 8, các tàu hải cảnh và dân binh theo cách không gây hấn. Việt Nam cũng giữ không để truyền thông quốc tế đưa tin như hồi năm 2014 khi các phóng viên nước ngoài được phép lên các tàu cảnh sát biển. Việt Nam cũng khá kín kẽ trong việc đưa tin trên phương tiện truyền thông trong nước để đề phòng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc có thể chuyển thành bạo lực.

Nhiều nguồn tin ở Hà Nội cho biết lãnh đạo Việt Nam, những người chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia, vẫn chưa đạt được một đồng thuận về những vấn đề bức bối này. Nhìn chung, Ban chấp hành Trung ương sẽ phải đối mặt với 3 lựa chọn lớn: (1) tiếp tục lặn ngụp trong “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” với Trung Quốc, (2) lùi lại để giảm sức ép liên tục từ Trung quốc, như trường hợp trước đó với Repsol hồi tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, và (3) đối đầu với sức ép từ Trung Quốc bằng cách gia tăng hợp tác an ninh và quốc phòng với Mỹ, bằng cách đồng ý nâng quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược trong thời gian tới.

______________

* Carl Thayer là giáo sư thuộc trường Đại học New South Wales, Canberra, Australia. Ông là người đóng góp cho RFA các bài phân tích về ảnh hưởng của Trung Quốc tới Việt Nam.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire