Trang

01/10/2019

Cảnh giác trước thâm ý "rút mà không rút" của Trung Quốc trên Biển Đông


 


Tiến sỹ Trần Công Trục (Ảnh: tác giả cung cấp).
 (GDVN) - Nếu ai đó cho rằng nhóm tàu này khi đã rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế là nó đã không còn vi phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam, là mắc bẫy pháp lý.

Mấy ngày nay, dư luận đang xôn xao, bàn tán về việc tàu khảo sát địa chất Trung Quốc số hiệu Hải Dương 08 lại rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế phía Nam Việt Nam và di chuyển về khu vực đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Câu hỏi được đặt ra là động thái trên của Trung Quốc diễn ra trong thời điểm này có ý nghĩa gì và có phải đây là một cuộc "rút lui" hay không? Nó mang tính chiến lược hay chỉ là chiến  thuật?
Thực chất đây là bước lùi hay bước tiến trong tính toán của Trung Quốc khi họ triển khai các hoạt động nhằm độc chiếm Biển Đông bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, hiểm độc? 

Trước tình hình này, là đối tượng bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông, chúng ta nên ứng xử như thế nào để phá được những kế sách nguy hiểm này?  
Chúng tôi xin được trao đổi với bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về những câu hỏi được đặt ra nói trên nhằm góp phần tìm ra được những câu trả lời thích hợp nhất trước những diễn biến phức tạp của cuộc chiến bảo vệ các quyền hợp pháp của chúng ta trong Biển Đông.


Thôn tính phi truyền thống
Nhiều nhà nghiên cứu, học giả, chính trị gia, chuyên gia quân sự… đã sử dụng thuật ngữ “xâm lược mềm” để ám chỉ một loại hành động thôn tính phi truyền thống mà nội hàm của nó là kẻ thôn tính không sử dụng đến những vũ khí sát thương, không sử dụng đến lực lượng vũ trang như đã từng thấy trong các cuộc “xâm lược cứng”.
Vũ khí của cuộc “xâm lược mềm” mà kẻ thôn tính sử dụng là những biện pháp kinh tế, khoa học kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao, pháp lý…
Mặc dù không có tiếng súng, tiếng bom đạn, không thấy cảnh khói lửa binh đao, cuộc “xâm lược mềm” là một cuộc chiến tranh kiểu mới hết sức nguy hiểm, đáng sợ.
Bởi vì, kẻ thôn tính có thể đạt được mục tiêu buộc đối phương phải khuất phục, phải lệ thuộc hoàn toàn về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, phải mặc nhiên thừa nhận những yêu sách phi lý về lãnh thổ, biển, đảo.
Điều đó đồng nghĩa với việc đã để mất chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia vào tay kẻ thôn tính...mà nhiều trường hợp kẻ bị thôn tính lại khó thể nhận ra những thứ “vũ khí mềm” nguy hiểm đó…
Từ đầu tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc đã liên tiếp huy động nhóm tàu Hải Dương địa chất 08 tiến hành hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý phía Đông Nam Việt Nam.
Động thái này là sự nối tiếp các hoạt động tương tự ở khu vực các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Malaysia.
Trung Quốc đang triển khai các “mũi tiến công mềm” nhằm chọc thủng “nồi cơm” của những quốc gia ven Biển Đông, nhất là Việt Nam quốc gia mà Trung Quốc cho rằng có khả năng cản trở bước tiến của họ nhằm thôn tính Biển Đông.
Tàu Hải Dương địa chất 08 (Ảnh: Getty).

Khi triển khai bất kỳ động thái nào trong Biển Đông, Trung Quốc thường tính toán nhằm vào nhiều mục đích khác nhau: mục đích ngắn hạn, mang tính chiến thuật; mục đích lâu dài, mang tính chiến lược.
Tuy nhiên, khác với những động thái trước đây, lần này, hoạt động bất hợp pháp của nhóm tàu thăm dò Hải Dương địa chất 08 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Đông Nam Việt Nam, Trung Quốc nhằm vào những mục đích sau đây:
- Về pháp lý: tìm cách tạo ra vào tình huống “sự đã rồi” với sự hiện diện thường xuyên của các phương tiện thăm dò khai thác tài nguyên dầu khí tại khu vực này để buộc Việt Nam, quốc gia luôn luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tránh đối đầu, xung đột, buộc phải chấp nhận chủ trương “cùng khai thác” với Trung Quốc.
Âm mưu này đồng nghĩa với việc ép Việt Nam chấp nhận đây là “khu vực tranh chấp”, hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc.
- Về kinh tế: Trung Quốc đang gây sức ép để buộc mọi hoạt động kinh tế hợp pháp của Việt Nam ở khu vực này bị đình đốn.
Các công ty của nước ngoài đang khai thác dầu khí ở đây sẽ phải rút lui để tránh những rủi ro do có thể xảy ra xung đột, chiến tranh. Rõ ràng, có thể thấy được mục đích kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh này.
Họ muốn “xí phần” khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản…bằng cách tạo nên môi trường bất ổn, làm suy giảm tốc độ phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực để họ dễ bề thao túng, điều khiển…
Có thể nói, với những động thái nói trên, Trung Quốc đang tính toán áp dụng binh pháp Tôn Tử “hỗn thủy mạc ngư”, hay nói như người Việt Nam ta, là đục nước béo cò.
Và chừng nào Trung Quốc “chưa bắt được cá”, chưa “đạt được mục đích” thì chừng đó Trung Quốc vẫn tiếp tục quấy phá, tiếp tục duy trì “mũi tấn công mềm” nguy hiểm này.
Cho đến nay, việc con tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 di chuyển quanh quẩn, lúc vào xâm phạm, lúc lại rút khỏi khu vực bãi cạn Tư Chính phải chăng thực chất là Trung Quốc đang vận dụng mưu chước “Tiếu lý tàng đao” (Cười nụ giấu dao, lập mưu kín kẽ không để đối phương biết)?

Không những không rút mà còn tiến mạnh hơn
Xin được lưu ý thêm rằng, xét trên phương diện pháp lý quốc tế, việc nhóm tàu Hải Dương địa chất 08 mấy lần “rút khỏi” khu vực biển bãi cạn Tư Chính để quay về đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thực chất chỉ là sự “nâng cấp” vi phạm.
Đó là từ vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, lên vi phạm chủ quyền ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà thôi.
Nếu ai đó cho rằng nhóm tàu này khi đã rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế là nó đã không còn vi phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam, cho nên không cần làm “nóng” sự việc lên, không cần phải lên tiếng phản đối…là một sai lầm nguy hiểm, nếu không muốn nói là thiếu trách nhiệm trước sự sống còn của quốc gia, dân tộc…
Bởi vì, điều đó đồng nghĩa với việc mặc nhiên thừa nhận Trung Quốc có chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, chí ít là đối với các thực thể địa lý mà Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm từ năm 1988.
Với “mũi tấn công mềm” này, Trung Quốc đã vi phạm không chỉ các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven Biển Đông, mà còn của các quốc gia liên quan khác ngoài khu vực được Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã quy định rõ ràng, đang có hiệu lực. 
Với động thái này, nếu không kịp thời lên án mạnh mẽ và ngăn chặn kịp thời thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu về cách ứng xử dựa vào sức mạnh, bất chấp công lý và đạo lý trong quan hệ quốc tế ở thời đại văn minh, tiến bộ hiện nay; gây bất ổn về chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, có tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, khu vực và quốc tế hiện đang lâm vào tình trạng khủng hoảng và đình trệ.
Điều nghiêm trọng hơn, nếu không kiểm soát được sẽ đẩy nhân loại vào những cuộc xung đột, chiến tranh hủy diệt, tàn khốc.

Tiến sĩ Trần Công Trục

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire