Trang

07/11/2019

Đại biểu QHVN muốn làm cho rõ vụ 9 người 'đi nhờ máy bay'


6 tháng 11 2019
Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Thị Kim Ngân trong một chuyến công du nước ngoài
Bản quyền hình ảnh ROBIN VAN LONKHUIJSEN/Getty Images Image caption

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vừa đưa ý kiến ''cần làm rõ vụ chín người "đi nhờ máy bay" sang Hàn Quốc có tham nhũng hay không tại nghị trường.


Trong cuộc họp về công tác phòng chống tội phạm và hoạt động ngành tư pháp tại Quốc hội ngày 4/11, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, đề xuất rằng ngành kiểm sát cần phải hoạt động ngang tầm nhiệm vụ, và rằng hoạt động tư pháp đang có các 'khuyết tật' cần 'chữa trị', trong đó có vai trò và vị trí của ngành Kiểm sát nhân dân.

Cụ thể, theo ông Bình Nhưỡng, Viện kiểm sát nhân dân có hai chức năng tối quan trọng là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nhưng hiện đang không làm tốt.

Ông Nhưỡng đề nghị chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thông tin về một số vụ việc gây xôn xao dư luận gần đây, trong đó có vụ chín người 'bỏ trốn ở lại Hàn Quốc' sau khi 'đi nhờ chuyên cơ' công tác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng được đưa ra vào thời điểm toàn cầu đang rúng động trước vụ việc 39 người Việt Nam được phát hiện chết trong xe tải đông lạnh tại Anh, làm dấy lên quan ngại về nạn buôn người xuyên quốc gia và trách nhiệm đảm bảo cuộc sống cho dân của chính phủ.

"Vụ chín người lén lút đi nhờ chuyên cơ sang Hàn Quốc có tham nhũng không?" ông Nhưỡng đặt câu hỏi trước Quốc hội.

Chưa công bố danh tính


Vụ việc chín người 'đi nhờ chuyên cơ' đã gây xôn xao dư luận một thời gian qua nhưng danh tính của họ tới nay vẫn chưa được công khai.

Vụ việc chỉ được dư luận Việt Nam biết đến sau khi đài MBC của Hàn Quốc hôm 23/9/2019 đưa tin rằng có chín người trong đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam bỏ trốn lại nước này hồi tháng 12/2018.

Theo đó, đoàn Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân dẫ đầu, mang theo 162 người, trong đó 20 bộ trưởng và thứ trưởng đi riêng một chuyên cơ của Vietnam Airlines, để tham dự "Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Nam Hàn", theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nam Hàn là ông Moon Hee Sang.

Nhưng sau bốn ngày làm việc tại đây theo lịch trình, trong đoàn trở về Việt Nam không có tên chín người.

Sau đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc Hội Việt Nam nói với báo chí trong nước rằng những người này chỉ 'đi nhờ'.

Việc chọn doanh nghiệp nào đi, ăn ở ra sao tại Hàn Quốc do Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam chịu trách nhiệm. Chín bộ này đã 'đề nghị cho đoàn doanh nghiệp đi nhờ chuyên cơ của chủ tịch Quốc Hội," theo lời ông Phúc.

Những người bỏ trốn không thuộc đoàn ngoại giao của Quốc hội Việt Nam và không có visa ngoại giao, vẫn theo lời ông Hạnh Phúc.

Tuy nhiên ông Hạnh Phúc không công bố danh tính chín người này.

Trong khi đó, Bộ Trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì nói với báo chí trong nước rằng đây là sự việc 'đáng tiếc' dù rằng bộ đã 'chọn lọc rất kỹ' những người được tham dự.

Theo truyền thông Việt Nam, khi chuyên cơ chở bà Ngân chuẩn bị cất cánh thì đoàn phát hiện thiếu chín người nhưng 'không thể đợi'.

Phía Hàn Quốc thì cho hay ba người đã bị trục xuất nhưng sáu người vẫn còn ở lại Hàn Quốc.

Về giải pháp để tránh các sự việc tương tự trong tương lai, ông Hạnh Phúc nói rằng sẽ không cho đi nhờ chuyên cơ nữa.

Văn phòng Quốc hội Việt Nam đã đề nghị Bộ Công An phối hợp với các bên liên quan của Hàn Quốc để "tìm, trục xuất những người đang bỏ trốn về Việt Nam, điều tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật."

Mạng xã hội nói gì?


Facebooker Đình Ấm Nguyễn đặt câu hỏi: "Tại sao phải bí mật danh tính 9 người này?" và gọi đây là một 'vụ buôn người sang trọng".

"Từ gần một năm nay danh tính chín người "đi nhờ" máy bay chuyên cơ của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trốn ở Hàn Quốc vẫn được giữ kín. Đây là hành vi không thể chấp nhận do vụ này không chỉ sỉ nhục với dân Việt Nam mà còn có khả năng là một vụ buôn người sang trọng."

"Một người bất kỳ đi máy bay đến bất cứ địa điểm nào nhất là sang Hàn Quốc đều phải có danh tính qua các cửa sau đây:"

- ''Hãng hàng không phải có danh sách tên, số chứng minh thư (hoặc các giấy tờ tương tự) để kiểm soát an toàn bay, mỗi khi không may máy bay bị tai nạn họ có căn cứ để xử lý hậu sự. Bất cứ chuyến bay nào khi thiếu một hành khách đã làm thủ tục cũng không thể khởi hành đến khi tìm ra nguyên nhân sự vắng mặt."

- ''Trường hợp đi nước ngoài, ngoài danh sách hành khách của hãng Hong Kong thì còn phải qua cửa xuất cảnh của an ninh cửa khẩu. Trong trường hợp này danh sách người đi còn phải qua bộ công an phê duyệt."

-''Khi đến nước kia (Hàn Quốc) thì tất cả hành khách trên chuyến bay đều có danh sách nhập cảnh vào nước ấy..."

-"Vậy tại sao đến nay mà văn phòng quốc hội, chủ chuyến bay mà không biết ai đi nhờ phương tiện của mình?"

-"Tại sao công an không biết mình đã phê duyệt, cho xuất cảnh những ai xuất cảnh trong chuyến đi đó?"

''Tại sao bộ kế hoạch đầu tư không biết được danh sách những người được mình cho đi?..."

"Đó là sự dối trá quá trắng trợn, xúc phạm dư luận cả nước."

"... Dù ở trường hợp nào thì đây cũng là một vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nếu bỏ qua vụ này chính là khuyến khích việc trốn đi nước ngoài bất hợp pháp, buôn người của nhà chức trách Việt Nam."

Facebooker Hương Giang: "Đa tạ bà Kim Ngân nếu không có bà cho đi nhờ máy bay thì chín người đã chết trong container rồi."

Facebooker Lê Kiên: "Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chắc chắn là không muốn để xảy ra sự cố "chín người bỏ trốn". Sự việc xảy ra khiến họ phải bận tâm, đau đầu."

"Chín kẻ làm nhục quốc thể này, mặc dù danh tính chưa được công bố, nhưng tôi chắc chắn bọn họ không thuộc loại "hoàng thân quốc thích"; hẳn cũng không thuộc loại doanh nghiệp có "máu mặt"."

"Danh tính chín kẻ này và đường lên máy bay của chúng cần phải được làm rõ, xử lý nghiêm người có trách nhiệm trực tiếp trong quá trình tổ chức phục vụ đoàn công tác..."

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire