Trang

19/12/2019

Oan cho con rươi

Dạ Ngân

Lần đầu tiên ra Hà Nội đã là năm 1984. Được biết ai giỏi xoay xở đã có ti-vi (cũ) khuân từ miền Nam ra, có xe máy có nồi áp suất có bàn ủi của Nga và các nước Đông Âu. Nhưng là người miền Nam, tôi vẫn nhận ra thê thảm của sự nghèo ở cái nơi đã từng “ưu tiên cho tiền tuyến” (từ hạt gạo đến sinh mệnh con người). Nhà văn Nguyễn Quang Thân đã từng ngạc nhiên về miền Nam “Em viết báo viết văn bằng viết bic ư, sang thế?” Và lần đầu tiên anh biết có thứ bật lửa gọi là “ống quẹt gas”.

Kể rằng, để chống nạn ăn cắp, có dạo, cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh đã đục thủng những cái thìa để khỏi bị ăn cắp nữa. Nguyễn Quang Thân kết luận “Chỉ có những kẻ ăn cắp thành thần mới nghĩ ra trò chống ăn cắp khốn nạn đến thế”. Hỏi, làm vậy thì chống được ăn cắp nhưng thìa muỗng cũng vô dụng với khách hàng? Giải thích “khi sếp hay bộ phận gì gì đó kiểm tra thì họ chỉ đếm cái cán thìa trong ống, còn nguyên thấy không, quá ổn, thấy không?”
Anh kể, nhà ngỏm bóng điện duy nhất, không làm sao mua được cái bóng mới, chợ đen cũng không có, anh đã đứng lên giữa cơ quan vừa tháo một trong số bóng đèn công sở và nói tướng lên “Tớ phải thó cái bóng điện này, lần duy nhất tớ ăn cắp mà giữa ban ngày ban mặt các cậu nhé!”
Vô vàn những câu chuyện cười ra nước mắt. Tôi nhìn thấy những sợi xích cho chiếc xe đạp (xe có biển số hẳn hoi), việc ấy đương nhiên, chiếc xe đạp giá trị bằng chiếc ô tô bây giờ xét về mặt quý giá và tiện ích. Tôi cũng nhìn thấy sợi xích cho cái nồi đang nấu trên bếp than tổ ong để ngoài rào, nghĩa là trong nhà sợ mùi than, đưa bếp ra góc tường, ra ngõ hẻm, phải xích. Việc đó ở miền Nam tôi sẽ bị coi là ngang nhiên, chướng mắt, việc cái bếp chiếm khoảng công cộng ấy. Sợi dây xích kỳ cục kia đã cộm lên trong tôi rất lâu về những câu hỏi lớn.
Người phía Bắc có thói quen sợ mất cắp. Có những căn hộ mặt tiền ba ống khóa mắc nhau như ba đứa trẻ níu hông nhau chơi trò toòng teng. Đa số đều khóa trong, khóa trong là sao? Mấy lần anh Thân giở tay nghề Bắc giỏi, Bắc đa nghi, Bắc thành thạo ra, anh tháo bản lề cửa nhà tôi ở Cần Thơ, dùng com-pa hẳn hoi để khoét một lỗ tròn chỗ vừa tầm tay người, hì hụi làm chốt để lòn tay. “Trộm nó sẽ không biết có người trong nhà hay không và muốn mở, nó cũng không biết ống khóa gì, càng không thể dùng kềm cộng lực để cắt”. Những ngày áp Tết, anh còn bảo “tháng củ mật, ăn cắp như rươi, em cẩn thận nhé!”. (Dĩ nhiên con gái tôi nó ngượng vì cánh cửa nhà không giống ai, khi tôi ra Hà Nội sống hẳn, nó cho người thay cả cánh cửa luôn).
Ngày xưa đã có truyền miệng “ăn cắp vặt là thuộc tính của người Việt”. Có lẽ từ chuyện ăn cắp gà vì có hẳn bài chửi dân gian và kịch hài về chuyện bị ăn cắp gà. Ăn cắp cá trong ao nhà người, chắc cũng không phải không có. Và ăn cắp một bó củi, ăn cắp nắm lá trà, ăn cắp quả chanh, ăn cắp quả ớt…vân vân và vân vân. Thấy nhà người ta sẵn nên mắt trước mắt sau lấy trộm mà không cần xin, hoặc vừa lấy vừa đánh tiếng “xin đây xin đây”. Nhưng ăn cắp một quả mít hay một chùm khế một chùm ổi đã là chuyện lớn. Dù vậy xóm làng bình yên, dân phố cũng không nơm nớp sợ trộm cướp như sau này. Vậy vì sao đã rộ lên câu “ăn cắp như rươi”?
Phải có một giai đoạn chuyển tiếp từ ăn trộm vặt sang ăn cắp nhỏ rồi ăn cắp lớn. Tôi đi từ chiến tranh ra, một thời ác liệt nhưng con người trong trẻo, guồng máy chiến tranh xủng xoảng không át được tiếng nói lương tri và tư cách của từng con người bé nhỏ ở cả hai phía. Sau 1975, nước nghèo đội sổ, người người cuốn đi, ai trụ lại thì bắt đầu có mánh, hai từ “trúng mánh” xuất hiện ở thời điểm này cùng với từ dỏm (giả, dối, dở…) Đồng đẳng nghèo, một biển người nghèo bám lại và miền Bắc dịch chuyển vào, hợp nhất trong một cái guồng gạo mốc bo bo độn, hàng phân phối và những ánh nhìn hoài nghi thời vận, hoài nghi nhau. Không ai bảo ai nhưng đều thủ mánh, mánh lới, mánh khóe, mánh mun…
Đến bây giờ thì người ta đã thản nhiên tặc lưỡi “ăn cắp đều trời”. Người Việt nổi tiếng ăn cắp ở những quốc gia họ đến làm việc và tìm cách ở lại. Công cuộc chống tham nhũng mà dân chúng gọi là đốt lò, cho thấy các quan to mánh và trúng mánh đậm, quá đậm. Vậy ăn cắp đã thành thuộc tính của chúng ta chưa? Ai trong guồng dám bảo rằng tôi chưa từng ăn cắp, dù chỉ là ăn cắp thời gian? Chắc không có một ai dám vỗ vào ngực mình để nói chưa từng!
Bây giờ ngay chỗ khu phố của tôi, cái thùng rác cũng có dây khóa ở quai nối với thành lan can bờ kè. Nhìn mà muốn độn thổ. Ăn cắp khắp nơi, ăn cắp như rươi. Nhưng rươi tự sống bằng vi sinh chứ có ăn cắp của ai đâu, tội nghiệp lũ rươi!

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire