Trang

16/12/2019

Đức Huỳnh Phú Sổ: đạo, đời và đảng chính trị là một.


Nguyễn Quang Duy

Đức Huỳnh Phú Sổ sinh tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc ngày 15/1/1920, nhằm ngày 25/11 năm Kỷ Mùi, gần 100 năm trước.

Đức Thầy vừa khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo, vừa thành lập đảng Dân Xã, triết lý đạo, đời và đảng chính trị của Đức Thầy xét thấy rất gần với triết lý xây dựng thể chế chính trị tại Hoa Kỳ.

Kỷ niệm 100 năm ngày Đức Thầy đản sinh là dịp để chúng ta suy ngẫm về con đường toàn dân chính trị Thầy đề ra.


Mang đạo vào đời

Phật Giáo Hòa Hảo làm lành tránh ác, tu thân nhập thế, thực hành Tứ Ân: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại.

Ngoài giáo lý nhà Phật, Thầy còn chọn lọc những điều hay lẽ phải của Nho giáo và Lão giáo, cùng với tấm lòng yêu nước chuyển thành thơ ca được gọi là Sấm Giảng.

Đức Huỳnh Giáo Chủ giải thích sự tương quan vô cùng chặt chẽ giữa đạo và đời: “Đời không đạo, đời vô liêm sỉ, đạo không đời, đạo biết dạy ai?”

Những bài thơ về Đạo khuyên người đời tu niệm, lời lẽ bình dân, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ đi vào lòng người, nhanh chóng thu hút được hằng triệu tín đồ miền Tây Nam phần.

Số tín đồ Hòa Hảo ngày nay đã lên đến 7 triệu người sống khắp nơi trên thế giới, sống hòa đồng với đồng bào nhân loại nên được hầu hết bà con cộng đồng, làng xóm yêu mến và quý trọng.

Người viết chỉ là thân hữu của Phật Giáo Hòa Hảo và thân hữu của đảng Dân Xã nhưng có cơ duyên được biết về Đạo và tìm hiểu về Thầy.



Mang đạo vào chính trị

Ngày 21/9/1946, Đức Thầy cùng luật sư Mai Văn Dậu, ông Nguyễn Văn Sâm, ông Trần Văn Ân và giáo sư Nguyễn Hoàn Bích (Nguyễn Bảo Toàn) tuyên bố thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng viết tắt là đảng Dân Xã.

Giáo chủ một tôn giáo lại công khai đứng ra thành lập một đảng chính trị là một điều chưa từng nghe thấy trong lịch sử nhân loại.

Triết lý mang đạo vào chính trị hòa nhập đạo, đời và đảng chính trị được Đức Thầy giải thích như sau:

“1. Việt Minh tranh đấu chánh trị, nếu Thầy đem đạo ra tranh đấu thì không thích hợp. Vì đạo lo tu hành chơn chất. Nên Thầy phải tổ chức đảng chánh trị, mới thích ứng nhu cầu tình thế nước nhà.

“2. Các nhà ái quốc chơn chánh trong nước mặc dầu nhận Thầy là một nhà ái quốc, nhưng không hề cùng hiệp chung với Thầy dưới danh nghĩa Phật Giáo Hòa Hảo để lo việc quốc gia, bởi lẽ anh em ấy không thể tu hành như mình, hoặc giả đã có đạo rồi thì không thể bỏ đạo quy y Phật Giáo Hòa Hảo. Vì vậy, Thầy phải tổ chức chánh đảng để anh em ấy có điều kiện tham gia. Họ chỉ phải giữ kỷ luật của Đảng mà thôi, còn tôn giáo thì riêng ai nấy giữ.

“3. Vậy tất cả anh em tín đồ, nếu thấy mình còn nặng nợ với Non sông Tổ quốc, thương nước thương dân, hãy tham gia đảng mà tranh đấu. Đây là phương tiện để anh em hành xử Tứ-Ân.”

Triết lý Đức Thầy không chỉ giới hạn ở chỗ mỗi tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là một đảng viên Dân Xã, Thầy còn nêu rõ chủ trương toàn dân chính trị:

‘Việt Nam Dân Xã Đảng là một đảng dân chủ, chủ trương thực thi triệt để nguyên tắc chánh trị của chủ nghĩa dân chủ: “chủ quyền ở nơi toàn thể nhân dân”.

‘Đã chủ trương “Toàn dân chánh trị” thế tất đảng chống độc tài bất cứ hình thức nào.’

Toàn dân chính trị là nâng tầm hiểu biết của người dân về quyền chính trị để mọi người tham gia chính trị một cách bình đẳng.

Đức Huỳnh Giáo Chủ lấy lời Phật dạy “Phật đồng thể tánh với chúng sanh, chúng sanh là Phật sẽ thành (mọi người đều có thể thành Phật)”, để nhắc nhở tín đồ tinh thần bình đẳng của Phật Giáo.



Thực hiện công bằng xã hội

Trong Tuyên Ngôn sáng lập đảng Dân Xã, Đức Thầy nêu ra cách thức tạo công bằng xã hội:

“Việt Nam Dân Xã Đảng là một đảng cách mạng xã hội, chủ trương tổ chức nền kinh tế theo nguyên tắc chủ nghĩa xã hội: không để giai cấp mạnh cướp công quả của giai cấp yếu, làm cho mọi người đều được hưởng phúc lợi cân xứng với tài năng và việc làm của mình; những người tàn tật yếu đuối thì được nuôi dưỡng đầy đủ.”

Xã hội Tây Phương luôn tồn tại hai khuynh hướng chính trị trái ngược nhau là tự do và xã hội.

Những người có vốn, có tiền, tin vào động lực của kinh tế tự do thường liên kết bảo vệ quyền lợi của họ.

Còn những người nhận ra sai sót của kinh tế thị trường, những người gắn liền với đời sống thực tế của người lao động và chính những người lao động thường liên kết để đấu tranh thực hiện công bằng xã hội.

Ở Tây phương các đảng dân chủ xã hội ngoài việc bảo đảm công ăn việc làm, bảo đảm một đời sống cơ bản cho người dân, còn không ngừng đấu tranh cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, cho giáo dục, y tế được miễn phí, cho người già, người tàn tật, người thiểu số, người thất nghiệp có an sinh và cho xã hội được bình đẳng bình quyền.

Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng cũng thế là tổ chức chính trị của những người dân chủ xã hội sẵn sàng dấn thân đấu tranh cho tầng lớp lao động.

Chủ tịch‎ đảng ông ‎Nguyễn Văn Sâm và Tổng bí thư‎ giáo sư Nguyễn Hoàn Bích (bí danh Nguyễn Bảo Tòan) đều không phải là tín đồ Hòa Hảo.



Bài học tranh cử tại Mỹ

Triết lý đạo, đời và đảng chính trị là một và chính trị toàn dân của Thầy, hoàn toàn đối nghịch với lý thuyết cộng sản muốn tách riêng đạo với đời, người cộng sản xem chính trị là công việc độc quyền của đảng, nhưng triết lý của Thầy lại rất giống với triết lý chính trị ở Mỹ.

Nước Mỹ được thành lập bởi những tín đồ Thiên Chúa Giáo với niềm tin con người bình đẳng về chính trị:

“…rằng tạo hóa đã ban cho con người những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.”

Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ Mỹ gồm hằng ngàn tổ chức chính trị, kinh doanh, tín ngưỡng, nghiệp đoàn, dân sự và phong trào xã hội lớn nhỏ cùng hằng chục triệu đảng viên cá nhân không tham gia tổ chức.

Ở Mỹ, ngay đến những tu sỹ Thiên Chúa Giáo, cứ đến mùa bầu cử, dân chúng đều tham gia chính trị bằng cách gia nhập một đảng chính trị để chọn lựa những người trong đảng xứng đáng nhất để đưa ra tranh cử quốc gia.

Phương cách công khai tranh cử nội bộ đảng trước, rồi sau đó ra tranh cử quốc gia đã hết sức thành công tại Mỹ, nước Mỹ luôn có những người lãnh đạo thích hợp nhất với thời cuộc, giúp nước Mỹ luôn giữ vai trò cường quốc số 1 trên thế giới.



Đức Thầy thọ nạn

Chỉ sáu tháng sau khi đảng Dân Xã thành lập, Việt Minh cộng sản đã ám hại Đức Thầy tại Đốc Vàng Hạ thuộc tỉnh Long Xuyên, ngày 16/4/1947.

Tín đồ Hòa Hảo tiếp tục con đường tu thân nhập thế thực hành Tứ Ân, nhưng triết lý mang đạo vào chính trị, hòa nhập đạo, đời và đảng chính trị của Đức Thầy ít được biết đến.

Dẫu vậy Phật Giáo Hòa Hảo và đảng Dân Xã đã đóng góp rất lớn cho cuộc đấu tranh chống Pháp giành độc lập nước nhà và đấu tranh bảo vệ, xây dựng dân chủ tại miền Nam.

Trước 30/4/1975, những khu vực Phật Giáo Hòa Hảo là những khu vực được tín đồ Hòa Hảo giữ gìn an ninh không để cộng sản xâm nhập, người dân sống thanh bình như không hề có chiến tranh.



Việt Nam tự do

Đảng Cộng sản vẫn mệnh danh là đại diện cho giai cấp công nhân, nhưng thực chất là những kẻ cai trị vừa bóc lột tầng lớp lao động, vừa đục khoét tài nguyên quốc gia.

Công nhân không đủ sống, nông dân không đủ ăn, sông Cửu Long cạn nước, nước biển tràn vào đồng bằng, miền Nam ngập nước, tệ nạn buôn người là những đề tài thường xuyên được báo chí chính thống đề cập tới.

Không ai thực sự đại diện đấu tranh cho quyền lợi của tầng lớp lao động, đấu tranh cho công nhân, cho nông dân, cho dân lao động, cho dân thất nghiệp và cho sắc tộc thiểu số tại Việt Nam.

Triết lý đạo, đời, đảng chính trị là một và toàn dân chính trị của Đức Thầy quả đi trước thời đại, nhưng vẫn còn nguyên giá trị và khi Việt Nam có tự do đảng Dân Xã cần phục hồi triết lý của Đức Thầy để xây dựng lại đất nước.

Với 7 triệu tín đồ Hòa Hảo, nếu đảng Dân Xã áp dụng thể thức tranh cử kiểu Mỹ là công khai tranh cử nội bộ trước, sau đó đưa ứng viên ra tranh cử quốc gia, đảng Dân Xã sẽ trở thành lực lượng chính trị thiết yếu đại diện cho tầng lớp lao động thực thi công bằng xã hội.


Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

16/12/2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire