Trang

27/01/2020

Thảm sát Đồng Tâm: Oan nghiệt đến bao giờ?


Phương Hiền
2020-01-21


Có một “ngàn lẻ một” cách để tháo gỡ ngòi nổ Đồng Tâm trong tình tự đồng bào, nhưng họ đã chọn vũ lực để trấn áp. Tại sao những kẻ chủ mưu không nghĩ rằng, sau cú hạ sát một ông già 84 tuổi được coi là thủ lĩnh tinh thần, con người ấy từ nay sẽ bất tử trong kí ức hàng triệu triệu trái tim. Nông dân Lê Đình Kình vụt trở thành biểu tượng chống áp bức, bất công, một nhân vật bi tráng của lịch sử, một hình tượng lộng lẫy và vô cùng hấp dẫn… '' (Xem ''Phát súng lịch sử'' của Tạ Duy Anh). Từ thời gian cho đến lựa chọn địa điểm để tấn công, từ dàn binh bố trận cho đến tung tin giả để lường gạt dư luận… Tất cả, là những toan tính nhằm nghiền nát “đối tượng” trong khoảnh khắc. Nhưng trận mạc trong thực địa khác xa với cuộc diễn tập vừa mới diễn ra mấy ngày trước đó trên đường phố Sài Gòn để cho lãnh đạo thưởng lãm. Đây là trận bố ráp vào ban đêm chống lại người dân, chứ không phải là cuộc chiến tranh nhân dân như vẫn thường khoe mẽ. Chữ “NGỜ” to tướng và đắt giá làm sao!


Tổn thất nhân mạng gấp ba


“Hoan hô quân của Tô Lâm, xông vào “bốt giặc” tay cầm AK, Diệt ngay một đảng viên già, bắt sống chú bé những ba tháng tròn”. Từ thôn Hoành, đồng dao đang lan ra khắp cả nước như thế. Triển khai 3.000 quân (hoặc có thể còn nhiều hơn), để đột kích vào một thôn vẻn vẹn chỉ 14 gia đình nông dân (có nguồn tin nâng số hộ cao hơn), vậy mà tổn thất nhân mạng là ba trên một. Sau phút khai hoả đầu tiên, “ta” hy sinh ba cảnh sát, bên “địch”, một lão thành cách mạng gần 60 tuổi đảng bị diệt gọn (Dù trên tay còn cầm quả lựu đạn, theo nguồn tin từ hiện trường của công an). Xin những linh hồn “còn – mất” hãy tha thứ, khái quát vậy cũng chưa mô tả được hết “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” của các lực lượng vũ trang mà luôn được xưng tụng trên truyền hình trung ương là đội quân “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Chỉ một ngày sau khi rơi xuống “hố kỹ thuật” cùng một lúc, cả ba “đồng chí” đã lập tức được thăng cấp bậc hàm vượt cấp, được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công, đồng thời nhận cả bằng Tổ quốc ghi công. Mặc dầu đến hôm nay, sau hơn 10 ngày, chúng ta vẫn chưa biết một cách cụ thể hoàn cảnh “hy sinh” của cả ba cảnh sát. Nhân đây, nhắc lại trường hợp của Đại tá Đặng Thính, Chính ủy Đoàn 559 và là Đại biểu Quốc hội khóa III, IV sau khi hy sinh anh dũng trên chiến trường nhưng vẫn không hề được thăng cấp bậc hàm vượt cấp nào… Trở lại với việc “chết cháy” của ba chiến sỹ công an nói trên là cả một câu chuyện phi logic, nhưng với Ban Văn hoá Tư tưởng và Bộ Công an, đó chỉ là tiểu tiết. Chuyện lớn là phải phát động ngay phong trào học tập và noi gương 3 liệt sĩ vừa hy sinh tại Đồng Tâm! Nhà văn Aziz Nesin có đội mồ bật dậy, chắc cũng không thể sáng tác nổi câu chuyện bi hài đẫm máu và nước mắt như ở thôn Hoành!


Từ bàng hoàng đến phẫn nộ


Như lịch sử cho thấy, phải sau “hai mươi năm nội chiến từng ngày” như cuộc nồi da xáo thịt Bắc – Nam trước đây hàng chục năm, một bộ phận dân chúng mới cảm nhận được nỗi đau và mất mát, cũng như sự bàng hoàng và phẫn nộ của chính họ. Sinh thời, Võ Văn Kiệt là một trong những chính khách hiếm hoi cảm nhận được nỗi đau ấy. Ông từng chia sẻ, cuộc nội chiến ấy có hàng triệu người vui, nhưng cũng khiến hàng triệu người buồn. Vết thương ấy của dân tộc cần được chữa lành, thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu… Với bố ráp Đồng Tâm, chỉ sau một đêm – và sau cái đêm kinh hoàng ấy hiện nay vẫn còn đang bị bồi tiếp một loạt các sự cố và sự kiện “hậu Đồng Tâm” khác nữa – người dân từ Bắc chí Nam, nhất là tầng lớp dân oan, lại tấy thêm những vết thương rỉ máu mới. Đặc biệt khi Công an ra 3 phiên bản chính thức khác nhau trong vòng 5 ngày để thông tin về vụ đàn áp đẫm máu, đó là một thảm họa lớn về quan hệ công chúng và dẫn đến khủng hoảng lòng tin.

Bởi những thôn Hoành, Thủ Thiêm, Dương Nội… đâu phải là hiện tượng đơn nhất. Những người cầm quyền sau khi “đi đêm” với các nhóm lợi ích (Nói là nhóm nhưng thật ra đó là những tập đoàn lớn mà hơn nửa tá trong số ấy là tiền từ Trung Quốc), bắt đầu cảm nhận đất dưới chân họ đang rung chuyển. Họ run sợ trước một cuộc “dân nổi can qua” nên ra tay trước. Thất bại trong công khai mở các đặc khu cho Tàu cộng, nay họ đang cố làm chui bằng được để phục vụ lợi ích tối cao của quốc gia “có đường biên giới chung” với Việt Nam (Khuất tất đến mức không dám công khai hai chữ Trung Quốc gây phản cảm trong lòng đa số dân Việt). Tranh chấp đất Đồng Tâm là ở 27 ha nhiều năm không ai quản lý chứ không hề tranh chấp đất sân bay Miếu Môn. Một vị tướng công an không dấu quan điểm của mình: quân đội tranh chấp với dân tại sao không để hai bên giải quyết với nhau, để công an nhảy vào thì không còn là tranh chấp đơn thuần nữa. Nhìn khuôn mặt người cầm đầu Viettel tại giao ban báo chí cuối năm, một đồng nghiệp rỉ tai: “Sao hắn đằng đằng sát khí như một tên lính Polpot vậy nhỉ?”


Quốc gia quốc thể lem luốc


Không rõ Đại tướng Tô Lâm đã báo cáo với Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng như thế nào về tác động của vụ tấn công thôn Hoành đối với quốc tế. Chỉ biết mới đây, trên trang Twitter của mình, nữ dân biểu người Bỉ Saskia Bricmont, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Liên minh châu Âu (INTA) đã dự báo rằng, làm sao mà Nghị viện EU lại có thể thông qua Hiệp định Thương mại EU – Việt Nam (EVFTA) trong tháng hai, với một quốc gia khủng bố và đàn áp chính người dân của mình như nhà nước Việt Nam. Bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của EU về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói rằng, vào hôm 9/1, đúng ngày xảy ra vụ việc, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội, đã trực tiếp nêu vấn đề với Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh.

Trong tuần qua, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn vừa có chuyến thăm làm việc tại Nghị viện châu Âu từ ngày 13 đến 16/1 để thúc giục Nghị viện châu Âu sớm thông qua Hiệp định EVFTA. Chuyến đi “chữa cháy” của Bộ Ngoại giao sau vụ thảm sát do Bộ Công an gây ra vẫn chưa có kết quả rõ rệt. Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 17/1 cho biết, quốc tế đang theo dõi sát sao chiến dịch đàn áp của Hà Nội trên phạm vi toàn quốc, được đánh dấu bằng các vụ bắt giữ và kiểm duyệt mạng xã hội rộng rãi khi họ cố gắng ngăn chặn các cuộc tranh luận công khai về vụ tranh chấp đất đai dẫn đến chết người tại Đồng Tâm. Mặc dầu bị các tổ chức LHQ nhiều lần nhắc nhở, tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam vẫn đáng báo động. Với vụ Đồng Tâm, chính quyền Hà Nội dường như muốn công khai thách thức cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, hai chiếc ghế ở HĐBA/LHQ và ở Chủ tịch ASEAN năm nay của Việt Nam dường như bắt đầu run rẩy cùng với các phái bộ ngoại giao Hà Nội ở đấy.


*

Với cuộc bố ráp chớp nhoáng tại thôn Hoành, phe “Củi” (các quan chức cấp cao sắp bị thiêu) đã chơi được phe “Lò” (Nguyễn Phú Trọng và các cộng sự thân tín) một chưởng để đời… (Xem bài “Chiến thắng của Phe Củi…” của Lưu Trọng Văn trên tvvn.org ngày 13/1) Nhưng người tính không bằng trời tính. Sau “cái đêm hôm ấy đêm gì”, bóng đá Việt Nam đang từ đỉnh cao chói lọi – một đội hình áp đảo tại Đông Nam Á – bỗng nhiên rơi tự do về “mo”. Phải chăng Ông Trời đã không để cho cả phe “Củi” lẫn phe “Lò” lợi dụng “ép-phê” bóng đá để lấp liếm mọi oan khiên? Đốt lò để vớt vát chút niềm tin còn rơi rớt, nhưng rồi lại lấy nước mắt hờn căm của người dân dội cho tắt ngấm cái lò ẩm ướt ấy. Đấy là lú hay là minh? (Nhà văn Phạm Viết Đào nêu câu hỏi). Trong khi người Việt giết người Việt thì ngay tại thời điểm ấy đã có tin tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 tiến về phía vùng biển Việt Nam. Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề này, chiều 9/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định “chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh thông tin”. Trong khi đó, giáp Tết rồi mà dân Đồng Tâm vẫn trong không khí căng thẳng, bị triệu tập và trù dập, bị sách nhiễu và đe dọa. Liệu những đạo diễn của vụ Đồng Tâm còn định xoay vần vòng tròn oan nghiệt đến bao giờ trước khi họ chịu chấm dứt mà không tiên liệu trước những hệ quả khôn lường mà dân tộc này sẽ phải gánh chịu?


* Bài viết không thể hiện quan điểmm của Đài Á Châu Tự Do

Nguồn: Theo RFA

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire