Trang

30/01/2020

Virus corona: Thể chế chuyên chế làm mất niềm tin của công chúng?


 Một nhóm phụ nữ đeo khẩu trang tập dưỡng sinh tại TP Vũ Hán, Trung QUốc hôm 27/1 - Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption
Giữa khi lo ngại về nguy cơ lây nhiễm chủng virus corona mới (2019-nCoV) lan truyền trên mạng xã hội, các facebooker Việt Nam đã bị công an thẩm vấn, yêu cầu xóa bài cảnh báo về virus corona trên Facebook.

Mục tiêu của chính quyền là chặn đứng những thông tin thất thiệt, tin giả gây hoang mang dư luận. Nhưng việc hệ thống truyền thông dòng chính đánh mất niềm tin của công chúng và cách sử dụng hệ thống an ninh để ngăn chặn thông tin sẽ có hiệu quả cho việc kiểm soát dịch?


Việt Nam: xử lý người tung tin thất thiệt

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Vũ Đức Đam, tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về ứng phó dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) chiều 26/1 (mùng 2 Tết) đã yêu cầu xử lý người tung tin thất thiệt về virus corona.

Báo điện tử VOV dẫn lời ông Đam yêu cầu "Bộ Công an phải theo dõi, đề phòng khi có đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh phải ngăn chặn ngay. Đây là hành động gây hoang mang, nguy hại phải xử ký nghiêm".

Trước đó, một số facebooker ở tỉnh Khánh Hòa đã bị cơ quan công an mời lên làm việc, sau khi họ đăng lên Facebook thông tin về việc nhiễm virus corona tại tỉnh này.

Truyền thông nhà nước đưa tin rằng, công an tỉnh này đã triệu tập một số Facebooker đến các đồn cảnh sát để làm việc về các bài đăng gần đây của họ, trong đó có đưa tin "có du khách người Trung Quốc và cả người Nha Trang nhiễm virus corona".

"Quá trình làm việc, các facebooker cho rằng, chỉ nghe qua một số người đồn đoán về người nhiễm bệnh do virus corona, khi chưa được kiểm chứng của các cơ quan chức năng đã đưa lên mạng xã hội", báo Khánh Hòa loan tin.


Sau khi bị thẩm vấn, những người sử dụng facebook này đã phải xóa bài đăng nói trên.
Bản quyền hình ảnh FB

Khánh Hòa là một trong những địa điểm du lịch của Việt Nam thu hút khá đông du khách đến từ Trung Quốc.

Nên điều người dân nơi đây rất lo lắng về nguy cơ bị nhiễm virus corona từ những khách du lịch này không có gì là lạ.

Trước đó, một số Facebooker địa phương cũng đưa tin vào ngày 9/1, một em nhỏ 10 tuổi, ở tỉnh này, tên là Lê Nguyễn Thị Thanh Hiền đã tử vong do chủng virus corona NL63 gây ra.

Các facebooker cũng tải lên mạng giấy chứng tử cấp bởi chính quyền xã nơi gia đình em cư trú.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng tại Khánh Hòa, gồm cả Sở Y tế tỉnh này, tuyên bố rằng tỉnh này chưa có bất kỳ trường hợp nhiễm virus corona nào. Và trường hợp tử vong nói trên là do chủng virus corona khác, không phải loại mới bùng phát gần đây ở Trung Quốc.

Hiện ở tỉnh này có năm trường hợp nghi ngờ, trong đó có ba khách du lịch Việt Nam và hai thanh niên Trung Quốc. Năm người này đang được theo dõi và xét nghiệm.
 
Đến thăm Hồ Bắc ổ dịch virus corona vào Mùng Một Tết
Tương tự Khánh Hòa, Đà Nẵng cũng là địa phương có rất đông du khách Trung Quốc đến du lịch.
Chiều 27/1, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc sở Y tế TP Đà Nẵng, cho báo chí Việt Nam biết, tính đến trưa cùng ngày, trên địa bàn có gần 12.000 người Trung Quốc đang đi du lịch và làm việc.

Hiện Đà Nẵng ghi nhận 41 trường hợp có biểu hiện sốt; trong đó có 3 người phát hiện tại cửa khẩu, 38 người dân và du khách tự đến bệnh viện khám.

Bởi có lượng khách Trung Quốc nhiều như vậy nên tin đồn liên quan đến dịch bệnh này tại Đà Nẵng xuất hiện trên facebook khá nhiều.

Tranh cãi nổ ra gần đây ở Đà Nẵng liên quan tới việc một chủ khách sạn ở thành phố này dán bảng ngưng phục vụ khách đến từ Trung Quốc.

Theo chủ khách sạn, việc từ chối là để bảo đảm an toàn cho nhân viên và khách đang lưu trú tại khách sạn trong diễn biến lây lan của dịch bệnh, tờ Tuổi trẻ đưa tin.

Tuy nhiên, vẫn theo chủ khách sạn, một số đơn vị chức năng của Đà Nẵng đã đến vận động khách sạn tháo bảng ngưng phục vụ khách đến từ Trung Quốc và tôn trọng quyết định đặt phòng trước đó của họ.

Khách sạn phản ứng quyết liệt với lý do nếu có người nhiễm chủng virus corona vào khách sạn thì nơi này sẽ ảnh hưởng đến các du khách khác và tình hình kinh doanh.

Hiện khách sạn này vẫn từ chối nhận khách đến từ Trung Quốc và đưa sự việc lên mạng xã hội, gây ra nhiều tranh cãi gay gắt.

Trung Quốc: muốn làm im các chỉ trích

Cách ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam với các thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội thực ra không lạ.

Tại Trung Quốc, theo tờ New York Times, giữa khi bệnh do virus corona đang lây lan, các quan chức Vũ Hán đã mạnh miệng rằng bệnh đã được kiểm soát và có thể điều trị.

Cảnh sát Trung Quốc cũng đã thẩm vấn 8 người đăng trên phương tiện truyền thông xã hội về virus này vì cho rằng họ đã làm lan truyền tin đồn trên mạng.

Hai ngày trước khi công bố chính thức về mức độ nghiêm trọng của vụ dịch, Vũ Hán cũng tổ chức một bữa tiệc với sự tham dự của hơn 40.000 gia đình để đăng ký.... kỷ lục thế giới.

Vương Quảng Phát, Trưởng khoa Hô hấp và Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Bắc Kinh I, khi ấy cũng hậu thuẫn bằng lời khẳng định trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc vào ngày 10/1 rằng, tình trạng của các bệnh nhân ở Vũ Hán và tình trạng dịch bệnh đang lan rộng là có thể kiểm soát được. 
Thông tin cảnh báo về chủng virus corona mới được dán tại sân bay Tegel ở Berlin, Đức. Nước này là quốc gia mới nhất ngoài Trung Quốc xác nhận có người nhiễm chủng virus corona mới. - Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption

Ông còn tuyên bố: "Phần lớn bệnh nhân được phân loại từ nhẹ đến trung bình".

Khi một nhóm các nhà báo Hong Kong đến bệnh viện Vũ Hán, cảnh sát đã giữ họ trong vài giờ; kiểm tra điện thoại và máy ảnh. Nhóm nhà báo này sau đó bị buộc phải xóa video, theo New York Times.

Nhưng chính ông Vương, sau đó vài ngày, bị chuẩn đoán mắc chủng virus corona mới.

Chính những thông tin 'loạn xì ngầu' như vậy khiến người ta dần đánh mất niềm tin vào truyền thông dòng chính khi dịch bệnh chính thức được xác nhận với tình trạng "nghiêm trọng".

Còn nhớ, năm 2003, lúc dịch SARS bùng nổ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc cố che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

Khi đó, ở Trung Quốc, việc chính quyền địa phương tìm cách che đậy hay làm đẹp các con số, không dám báo cáo con số thật; tiếp đó là việc trì hoãn các biện pháp điều trị dự phòng đã khiến dịch lan rộng.

Với dịch viêm phổi cấp hiện tại, bài học đó xem ra đang được lặp lại.

Hôm 3/1, Công an Vũ Hán đã phạt 8 người vì "loan tin sai lệch vô căn cứ trên internet". Công an cũng yêu cầu công dân ở Vũ Hán không truyền bá thông tin sai lệch.

Nhưng khi đó, đã có ít nhất là 27 trường hợp được chuẩn đoán đã nhiễm bệnh, theo trang web của Viện báo chí Poynter.

Những người này bị cáo buộc bởi họ đã đăng trên Weibo (một nền tảng truyền thông xã hội giống như Facebook) và trên các ứng dụng nhắn tin khác rằng, SARS đã quay lại.

"Chế độ chuyên chế không tốt cho sức khỏe", Andrew Stroehlein, Giám đốc truyền thông khu vực châu Âu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, viết trên twitter.

Còn Rose Luqiu, Phó Giáo sư báo chí, cũng là người từng đưa tin về SARS với tư cách là phóng viên Đài truyền hình Phoenix có trụ sở tại Hong Kong, nói với New York Times rằng: "Cách thức thông tin về chủng virus mới này với công chúng cũng tựa như với virus SARS 17 năm trước".

Mất niềm tin vào nhà chức trách?

Xu Triyuan, người từng phê bình gay gắt cách thức chính phủ Trung Quốc việc xử lý dịch SARS viết rằng, "Hệ thống này đã thành công khi nó phá hủy sự chính trực của con người, đánh mất đi uy tín của các tổ chức và khả năng của xã hội để nói về những vấn đề của mình. Những gì còn lại chỉ là sự kiêu ngạo, một loạt các thông tin lộn xộn và những cá nhân yếu đuối, bị cách ly trong nỗi giận dữ", theo tờ New York Times.

Tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Úc) nhận xét trên Facebook cá nhân rằng, tình trạng misinformation, tin giả liên quan đến chủng virus Corona mới, "không chỉ diễn ra trên mạng xã hội mà còn trên báo chí được xem là 'chánh thống'... Ngạc nhiên thay, nhiều người tung tin nhảm lại là những facebooker nổi tiếng."


"Cũng có thể họ mất niềm tin vào các nhà chức trách", ông viết thêm.

Bởi vậy, muốn chống tin giả, thì bên cạnh việc người đọc tự 'lượng giá thông tin', đòi hỏi chính quyền cập nhật và minh bạch trong cung cấp thông tin.

Thay vì "mời" các facebooker lên đồn công an "uống trà", giờ là lúc Việt Nam phải dân chủ hóa thông tin và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công chúng.

Đó mới là cách phòng chống tin giả và thông tin sai lệch hữu hiệu?

Bởi như Giáo sư Alfred Hermida, Giám đốc chương trình báo chí tại Đại học British Columbia, Canada lý giải về hiện tượng tin giả trỗi dậy cùng với sự lan rộng của chủng virus corona mới.

"Khi thiếu thông tin và sợ hãi, sẽ có tin đồn xuất hiện để lấp đầy khoảng trống đó", ông nói với CBC.

Trong khi đó, báo chí nhà nước Việt Nam lại nói rằng, những tin đồn thất thiệt về dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới gây hoang mang trong dư luận.
TQ xây bệnh viện gấp tại Vũ Hán


Các báo dẫn các thông tin được lan truyền trên mạng xã hội như việc người dân đổ gục khi đang đi trên đường ở Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc che đậy số người chết thật sự, nhiều người tìm cách đào thoát khỏi khu cách ly... như những dân chứng của tin giả.

Báo chí Việt Nam viết rằng, để có được thông tin chính xác, người dân có thể theo dõi trang web chính thức của Bộ Y tế tại https://www.moh.gov.vn/ và thông tin từ báo chí chính thống.
28 tháng 1 2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire