Trang

05/02/2020

DỊCH BỆNH VIRUS CORONA VÀ PHẨM CÁCH TƯ LỆNH





1. Các bậc đế vương và tướng lĩnh khi xung trận thì dành nơi khốc liệt để công thành, chọn kẻ giỏi nhất để đối mặt, nhường mặt trận dễ và đối thủ yếu cho người ít kinh nghiệm và kém hơn mình. Vì thế mà nên vương nên tướng.

Những người yêu Gia Cát Lượng, dưới ngòi bút La Quán Trung, đã mê mệt với tài “thuyền cỏ mượn tên” “Đàn thất tinh Gia Cát cầu phong” mà không biết trên thực tế ở Trận Xích Bích (208) thì Lưu Bị (161- 223) đích thân cầm quân đốc chiến, chỉ cho Khổng Minh ở hậu phương coi chuyện lương thực. Bởi lúc đó Gia Cát Lượng mới 27 tuổi (181- 234) chưa biết trận mạc, còn Lưu Bị hơn Lượng 20 tuổi đã dày dạn chinh chiến.


Không nói chuyện xưa, ngay trong cuộc kháng chiến gần đây, những người lính xuất thân nông dân tham gia trận mạc trước - đều đẩy tân binh xuống phía sau - giữ lấy mạng sống cho tân binh; Họ cũng tự nhận xung phong lên phía trước để những người học cấp 3 có chữ hơn có cơ may sống – dành cho thời bình. Khí phách quân tử đó - nhiều cựu chiến binh sống sót qua trận mạc đã từng chứng kiến.


2. Nay vào thời bình lại thấy điều ngược lại. Ông Đinh La Thăng cay đắng vì việc mua ngân hàng Đại Dương đã được phép của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà cũng không được cứu nguy; Ông Nguyễn Bắc Son không thoát được tội dẫu cho rằng việc mua AVG đã làm theo sự cho phép của Thủ tướng.

Đâu chỉ hàng ngũ Bộ Trưởng, mà đến cấp Phó Thủ tướng (PTT) cũng phải chịu tội thay cấp trên. PTT Vũ Văn Ninh không thể cho phép thoái vốn cổ phần nhà nước tại cảng Quy Nhơn nếu không có tín hiệu đồng ý từ TT Nguyễn Tấn Dũng. Cũng như vậy, PTT Hoàng Trung Hải không thể tự ý nâng vốn cho Thép Thái Nguyên mà không có sự đồng ý của TT Nguyễn Tấn Dũng. Các PTT chỉ là người đứng tên ký thay, nhưng cuối cùng lại không thoát khỏi trách nhiệm – gánh thay cho người ủy thác.

Các bộ trưởng hiện thời - là tư lệnh ngành - cũng đều theo “mẹo” đẩy cho thứ trưởng ký thay. Một là có đường lui khi phủ quyết. Hai là có đường sống sót vì có kẻ chịu tội thay. Tưởng là khôn ngoan nhưng lại không phải là phẩm cách của người đảm nhận vị trí tư lệnh.

Trước đây vài ngày, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã ký thay Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ công văn gửi các địa phương và các trường đại học về quyền tự cho nghỉ học liên quan đến dịch bệnh virus Corona. Như cộng đồng mạng nhận xét, là "đẩy quả bóng xuống cho cấp dưới". Hôm qua, chiều ngày 01/02/2020, sau khi Thủ tướng ký quyết định 173/QĐ-TTg công bố dịch , Bộ GD&ĐT lại có công văn đề xuất Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh thành có thông báo dịch cho học sinh nghỉ học từ ngày 3/2/2020. Cộng đồng mạng lại nhận xét là Bộ GD &ĐT “chuyền bóng lên cấp trên”.


3. Dịch bệnh virus corona rất nguy hiểm. Phải xác định như tình trạng chiến tranh. Có như thế mới tổn thất ít nhất. Nhưng Việt Nam đã hành động rất chậm. Đáng ra là phải cấm tuyệt đối người qua lại với Trung Quốc (trừ trường hợp đặc biệt) từ ngay khi xuất hiện dịch bệnh, chậm nữa là ngay hôm 23/01/2020 khi Trung Quốc ngừng đưa khách du lịch sang Việt Nam. Nhưng hôm qua (01/02) Việt Nam mới thực hiện. Hậu quả là hàng chục ngàn người Trung Quốc hiện đã có mặt ở Việt Nam.

Tỉnh nào ở Việt Nam cũng có người Trung Quốc vừa đến. Đông nhất là những nơi có người Trung Quốc làm việc theo dự án. Nên tỉnh thành nào cũng có khả năng lây lan.

Bởi thế phải dừng chuyển động lớn trên cả nước trong vòng 2 tuần kể từ khi ngừng nhập người từ Trung Quốc (01/02/2020) để phát hiện lây bệnh. Sau đó mới nhận những quyết định tiếp theo.

Điều đó có nghĩa là học sinh, sinh viên - ngừng học trong 2 tuần đầu tháng 2/2020 cho đến khi có thông báo mới về tình trạng lây nhiễm. Tương ứng là ngừng, giải tán tất cả các lễ hội và các hoạt động đông người - bất kể trong nhà hay ngoài trời.

Quyết định ngừng nghỉ học của học sinh sinh viên cần đến từ quyết định của bộ trưởng Bộ GD & ĐT. Nhưng thực ra đó chưa phải là đủ. 


4. Quyết định ngừng mọi hoạt động đông người trước hết phải đến từ Bộ Y Tế. Chính Bộ Y Tế chứ không phải Bộ GD &DT, cũng không phải Bộ VHTT&DL, mới phải là nơi ra quyết định trước tiên – trước khi Thủ Tướng nhận quyết định.

Nêu ra điều trên để thấy rõ trách nhiệm và vai trò của Bộ Y Tế trong đại dịch virus Corona.

Thế nhưng Bộ Y Tế hiện nay chưa có Bộ Trưởng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm nhiệm quá nhiều chức, lại không có chuyên môn, nên không thể đảm đương tốt vai trò Bộ trưởng Bộ Y tế để chống lại dịch bệnh.


5. Việc không bổ nhiệm được Bộ trưởng Bộ Y Tế cho đến Đại hội 13 cho thấy khuyết tật của quy hoạch cán bộ. Việc điều ông Nguyễn Thanh Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về làm Thứ trưởng Bộ Y Tế - một cách chữa cháy vội vã là minh chứng cụ thể.

Việc luân chuyển ngồi không nóng chỗ, bất cứ lĩnh vực nào, chỉ để ghi vào lý lịch kinh nghiệm để đưa vào trung ương, là “đại dịch” của quy hoach cán bộ.

Ban Tuyên giáo trung ương không phải là cái ghế chờ ở sân ga cho bất kỳ ai cũng ngồi tạm. Ban Tuyên giáo trung ương cũng không phải là chỗ của chuyên gia bệnh truyền nhiễm như ông Nguyễn Thanh Long.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo phải là ngưởi giỏi phép biện chứng của Hegel (1770 – 1831), thông thạo thuật duy vật lịch sử của Feuerbach (1804 – 1872), am tường về kinh tế của Adam Smith (1723 – 1790). Chưa đủ, phải biết khởi nghĩa Spartacus (111 – 71 TCN) để hiểu thế nào là Tự Do, phải tường về Cách mạng Pháp (1789 – 1799) để ngấm thế nào là Dân Chủ, phải thấm về Nội chiến Bắc – Nam của Mỹ (1861 – 1865) để ngộ ra rằng trong cùng dân tộc thì nội chiến không đưa đến kẻ thắng người thua. Cũng chưa đủ, phải hiểu được phát minh của Edison (1847 – 1931) để biết giá trị của Cách mạng Công nghiệp, phải thuộc các định luật Kepler (1571 – 1630) để biết về chuyển động của các thiên thể… Một cách vắn tắt - không hiểu được quy luật vận hành của xã hội và vũ trụ thì không làm được Lãnh đạo Ban Tuyên giáo.

Bởi thế, quay trở lại vấn đề Bộ Y Tế, thì Bộ trưởng Bộ Y Tế không cần phải là ủy viên trung ương. Bộ Trưởng Bộ Ý tế phải là một nhà chuyên môn giỏi.

Hiệu trưởng, hiệu phó của các trường đại học Y lớn trong cả nước có thể là ứng viên Bộ trưởng Bộ Y tế. Giám đốc, phó giám đốc các bệnh viện lớn trong cả nước có thể là ứng viên Bộ Trưởng bộ Ý Tế. Ngay trong Quốc Hội, các ĐBQH chuyên môn về y học, chẳng hạn như ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc bệnh viện Đại học Y cũng có thể là ứng viên Bộ trưởng Bộ Y Tế.

Cả đất nước có đến cả trăm người có thể giữ chức Bộ trưởng Bộ Y Tế, đâu cần chờ đến Đại hội 13? Chờ đến Đại hội 13 mới bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y Tế, chẳng những làm cho một bộ vô cùng quan trọng không có người cầm lái chính thức đã đành, có khi – một cách vô tình – lại mở đường cho chạy chức chạy quyền – đua tranh chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Y Tế.


6. Đối với dịch bệnh virus Corona, thì Việt Nam sẽ là nước nguy hiểm thứ hai sau Trung Quốc, dù hiện nay, số ca nhiễm bệnh bị phát hiện ít hơn Hoa Kỳ. Nhưng so với Hoa Kỳ, Việt Nam có mấy điểm thất thế.

Một là, người Trung Quốc đến Việt Nam trong thời gian lây bệnh lớn hơn nhiều so với đến Hoa Kỳ. Đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm nhất. Hai là, Hoa Kỳ kiểm soát ngăn ngừa chống lây lan tốt hơn Việt Nam. Và ba là, khi bị nhiễm virus Corona, Hoa Kỳ có thuốc men chuyên gia và phương tiện chữa trị tốt hơn Việt Nam.

Phải thấy được nguy cơ to lớn đối với Việt Nam về dịch bệnh virus Corona thì mới có những biện pháp quyết liệt tương ứng. Nếu không, hậu họa sẽ rất lớn.


7. Trong cuộc phòng chống dịch bệnh virus Corona, Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc phải dựa vào các trợ lý của mình, trước hết chính là Bộ trưởng Bộ Y Tế, sau nữa mới đến các bộ trưởng khác. Nhưng trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cao hơn mọi bộ trưởng. Vì thế Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần có quyết định cuối cùng - không phụ thuộc vào đề nghị hay không đề nghị của các bộ trưởng.

Về mặt quản trị quốc gia, trách nhiệm cao hơn Thủ tướng chỉ duy nhất là Chủ tịch nước.


8. Một sự tình cờ, sau đại bại Xích Bích (208) - Tào Tháo (155 – 220) mất năm 220, thì đúng 1800 năm sau dịch bệnh virus Corona đang tàn phá Hồ Bắc - là nơi diễn ra đại chiến Xích Bích. Không biết “ hoàng đế” Tập Cận Bình sau dịch bệnh Vũ Hán có mệnh hệ gì không?

2 tháng 2 lúc 06:39

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire