Hoàng Xuân Phú
Chiều 20/3/2020, Thủ tướng giao Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, cơ quan quản lý Nhà nước về
giá, kiên quyết đưa giá thịt lợn hơi xuống dưới 60.000 đồng/kg trong thời gian
tới. Thủ tướng nói: “Nếu như cố tình đưa giá lên cao thế này thì
Thủ tướng sẽ quyết định nhập khẩu thịt lợn từ các nước như Nga, Mỹ,… để giảm
giá, phục vụ người tiêu dùng.” Để lập luận cho chỉ thị ấy, Thủ tướng
nêu ra thông tin về giá thành sản xuất thịt lợn. Thủ tướng cho biết đã hỏi một
số doanh nghiệp thực phẩm lớn, “người nói 38.000 đồng/kg, người nói
40.000 đồng/kg, người nói 35.000 đồng/kg”. (https://news.zing.vn/thu-tuong-se-nhap-khau-thit-lon-neu-khong-giam-xuong-60000-dongkg-post1062188.html)
Mấy câu hỏi cần đặt ra là:
(1) Ai cố tình đưa giá lên cao? Ai có khả
năng làm điều đó? Nếu tồn tại những kẻ cố tình thao túng thị trường một cách
không chính đáng, thì tại sao Thủ tướng lại không nghiêm trị?
(2) Những gì đã được tính vào cái giá thành
sản xuất thịt lợn mà Thủ tướng trích dẫn? Đã tính đầy đủ công lao động chưa,
hay người chăn nuôi lấy công làm lãi? Đã tính cả lãi suất vay vốn ngân hàng
chưa? Và đặc biệt, đã tính cả những thiệt hại do đợt dịch tả lợn châu
Phi gây ra chưa?
Khi tính giá thành chăn nuôi, hiển nhiên là
phải tính cả những chi phí và thiệt hại do bệnh tật gây ra. Không thể nói rằng,
mấy trăm con lợn đã bị chết trước khi xuất chuồng, nên không tính chi phí cho
chúng vào giá thành sản phẩm. Vậy nếu tính cả những thiệt hại
do đợt dịch tả lợn châu Phi gây ra, thì giá thành sản xuất thịt lợn hiện nay phải
là bao nhiêu? Thủ tướng có biết không?
Thực ra, cho đến nay, một số nơi vẫn còn
chưa tuyên bố hết dịch, nên chưa thể biết chắc mức độ thiệt hại, và vì vậy cũng
chưa thể xác định chính xác cái gọi là giá thành sản xuất thịt lợn bình quân
trên toàn quốc. Vậy thì dựa vào đâu để Thủ tướng kết luận là giá bán
quá cao, để rồi cho nhập khẩu thịt lợn?
Đợt dịch tả lợn châu Phi đã gây ra những tổn
thất vô cùng nặng nề cho những người chăn nuôi. Nếu giờ đây họ có thể
bán thịt lợn với giá cao hơn so với chi phí hiện thời, thì cũng chưa đủ để bù lại
những tổn thất trong đợt dịch, và chắc cũng chưa đủ để trả những khoản vay nợ
ngân hàng. Vì vậy, việc cho nhập thịt lợn ồ ạt sẽ gây thiệt hại trầm
trọng những người chăn nuôi. Khi những người chăn không thể hồi sức về mặt tài
chính, thì họ sẽ không thể ngóc đầu dậy. Nếu để người chăn nuôi lụn bại, thì có
thể coi quyết định cho nhập thịt lợn ồ ạt là vì nước, vì dân hay không?
Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Thủ tướng mới
tuyên bố vào chiều 20/3/2020, rằng Thủ tướng sẽ cho nhập khẩu thịt lợn nếu
không giảm xuống 60.000 đồng/kg. Vậy mà ngay ngày hôm sau (21/2/2020), báo đã
đăng tin:
"Một tập đoàn của Nga chuyên sản xuất
thịt lợn dự kiến xuất sang Việt Nam khoảng 50.000 tấn thịt lợn trong năm nay. Bộ
NN-PTNT cũng tiếp tục làm việc với doanh nghiệp khác của Nga để sớm đẩy mạnh nhập
khẩu mặt hàng này."
Lẽ ra, sau khi Thủ tướng tuyên bố, thì phải
đợi một thời gian. Nếu giá vẫn không giảm xuống 60.000 đồng/kg, thì mới cho nhập
khẩu. Chứ tại sao lại cho nhập thịt lợn ngay tức khắc?
Hóa ra thì hợp đồng đã được ký từ trước,
như thông tin sau trong bài báo kèm theo:
"Hiện Tập đoàn Miratorg đã chuyển số
lượng gần 3.500 tấn thịt lợn xuống tàu để xuất sang Việt Nam theo hợp đồng
ký kết trước đó. Đến nay, có gần 1.500 tấn đã cập cảng Cát Lái, cảng Hải
Phòng và cảng Phước Long; khoảng gần 2.000 tấn thịt lợn cũng đang trên đường
về Việt Nam."
Chẳng lẽ, tuyên bố của Thủ tướng vào chiều
20/3/2020 chỉ là dọn đường, để biện hộ cho quyết định cho phép nhập khẩu thịt lợn
đã được ban hành từ trước?
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire