Trang

16/03/2020

Mỹ - Trung đấu khẩu về nguồn gốc nCoV


Sau khi Ngoại trưởng Mỹ gọi nCoV là "virus Vũ Hán", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc giận dữ tố quân đội Mỹ mang dịch bệnh tới thành phố. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao
Trung Quốc Triệu Lập Kiên 
trong cuộc họp báo tại Bắc 
Kinh hôm 24/2. Ảnh: AP.
Tranh luận nổ ra sau khi Trung Quốc tìm cách làm chệch hướng luồng chỉ trích cho rằng nước này là nơi khởi phát Covid-19, đồng thời tự quảng bá hình ảnh về một quốc gia đã tiến hành những bước đi mang tính quyết định, chấp nhận đặt hàng chục triệu dân trong vòng phong tỏa để giúp thế giới có thêm thời gian ứng phó với dịch bệnh.


Khi số ca nhiễm giảm mới giảm mạnh ở Trung Quốc đại lục và tăng lên ở các quốc gia khác, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ, Bắc Kinh "ca khúc khải hoàn" và tìm cách bác bỏ những đánh giá cho rằng Vũ Hán là nguồn gốc của nCoV.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 12/3 viết trên Twitter rằng "rất có thể quân đội Mỹ đã mang nCoV tới Vũ Hán", dù không đưa ra bằng chứng nào. Ông cố gắng củng cố quan điểm của mình bằng việc dẫn link một bài viết hôm 13/2 từ trang web từng đăng các thuyết âm mưu về vụ khủng bố 11/9.

Thay vì gỡ bỏ các "tin đồn", bộ máy kiểm duyệt nghiêm ngặt của Trung Quốc đã cho phép người dùng mạng xã hội lan truyền những thuyết âm mưu tương tự về việc Mỹ đứng sau sự bùng phát của nCoV.

Một video, trong đó các quan chức y tế Mỹ nói rằng một số bệnh nhân cúm được chẩn đoán nhiễm nCoV sau khi chết, nằm trong top tìm kiếm trên mạng Weibo của Trung Quốc tuần này và nhiều người dùng mạng cho rằng đây là bằng chứng Covid-19 bắt nguồn từ Mỹ. Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên cũng đã đăng đoạn video này lên Twitter. 

Dương Thái Lợi, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho biết ông tin rằng ông Triệu đăng bài viết, video trên tài khoản Twitter của mình "một cách chính thức".

Theo ông Dương, mục đích của Trung Quốc trong việc thúc đẩy thuyết âm mưu này là nhằm "chuyển hướng sự phẫn nộ trong nước" ra bên ngoài về việc ứng phó với Covid-19, khiến hơn 3.100 người chết ở quốc gia này.

Việc gieo rắc sự hoài nghi về nguồn gốc của Covid-19 mâu thuẫn với đánh giá ban đầu của chính Trung Quốc. Cao Phúc, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, hồi tháng 1 nói rằng "chúng tôi biết virus này có nguồn gốc từ động vật được bán trong chợ hải sản ở Vũ Hán". 

Giới chức Trung Quốc tự xem Vũ Hán và phần còn lại của tỉnh Hồ Bắc là mối đe dọa khi quyết định phong tỏa 56 triệu dân ở khu vực này để ngăn dịch.

Nhưng tới cuối tháng hai, Bắc Kinh bắt đầu hoài nghi về nhận định trên, khi giáo sư Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu của Ủy ban Y tế Quốc gia, nói với phóng viên rằng "dịch xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc nhưng không có nghĩa nó khởi phát từ đây".

Tuy nhiên, giới khoa học từ lâu đã nhận định rằng nCoV truyền từ động vật sang người ở chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán trước khi lây lan trên toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay trong khi chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy virus truyền từ động vật qua người, Covid-19 vẫn là loại bệnh "chưa từng được biết đến trước khi khởi phát ở Vũ Hán vào tháng 12/2019".

Christl Donnelly, giáo sư thống kê dịch tễ học tại Đại học Hoàng gia London, cho biết kết quả phân tích mẫu gene của virus được thu thập trên toàn thế giới cho thấy nó có chung "tổ tiên" với virus ở Trung Quốc, nhưng bà cho rằng điều đó không đồng nghĩa với việc "đổ lỗi cho quốc gia cụ thể nào" về sự xuất hiện của nCoV.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien phát biểu tại Quỹ Di sản ở Washington hôm 11/3. Ảnh: CNN.
Trong khi đó, Mỹ đã chọc giận Trung Quốc khi gọi tên virus gắn liền với nơi khởi phát ở Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi nCoV là "virus Vũ Hán", khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng gay gắt vì cho rằng thuật ngữ này "mang tính thù ghét" và "thiếu tôn trọng khoa học".

Bất chấp sự phản đối từ Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu bài phát biểu trên truyền hình vào hôm 11/3 bằng cách nói Covid-19 "bắt nguồn từ Trung Quốc".

WHO từng cảnh báo cách đặt tên cho các dịch bệnh, phản đối những tên gọi gây ra sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử với các nhóm dân tộc nhất định. 

Nhà nghiên cứu Yun Jiang thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng việc chính quyền Trump cố tình nhấn mạnh virus có nguồn gốc từ Trung Quốc là một phần trong chiến lược "chĩa mũi dùi" nhằm công kích Bắc Kinh của ông.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien hôm 11/3 cũng nhấn mạnh nCoV có nguồn gốc từ Vũ Hán. Ông chỉ trích chính quyền Bắc Kinh thiếu hợp tác và giấu dịch khiến "thế giới lãng phí hai tháng để đối phó".

Bắc Kinh lập tức lên tiếng cho rằng lời cáo buộc của Mỹ là "vô đạo đức và vô trách nhiệm".

Sự phản đối của Trung Quốc còn gia tăng tới mức chỉ trích bất cứ ai đưa ra nhận định rằng nCoV có nguồn gốc từ nước này. Ông Triệu Lập Kiên tuần trước cho rằng các nhà báo sử dụng thuật ngữ "virus Trung Quốc" đều đang "ám chỉ nguồn gốc virus mà không có bất cứ bằng chứng hay dữ liệu chứng minh nào" và có "động cơ không trong sáng".

"Bằng cách gieo rắc sự hoài nghi vào tâm trí mọi người về nguồn gốc của virus, Trung Quốc dường như đang cố đánh lạc hướng chỉ trích của dư luận về việc dịch bùng phát", Yun Jiang nhận định.


Thanh Tâm (Theo AFP

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire