Trang

04/03/2020

PHÉP THỬ


Phạm Quang Long


 
Tôi không nói đến những thử nghiệm khoa hoc. Tôi chỉ nói đến những chính sách, sự kiện, phát ngôn của người cầm quyền chủ động đưa ra, dưới sự đánh giá của dân như là thuốc thử và hiệu ứng xã hội sẽ như phương tiện để đo sự đúng sai trong những chính sách ấy. Bởi vậy, phép thử này tạm gọi là “ phép thử xã hội” dù tôi không thể xác định nội dung khái niệm. Tôi tạm gọi nó như vậy vì nó chứa đựng cả yếu tố tâm lí, xã hội học, quản trị học, đạo đức học... Ai chỉ giáo thêm, nói dài ngắn tuỳ ý, tôi đều cảm ơn nhưng đề nghị không công kích vì lí do quan niệm khác nhau.

Ngày M.Gorbachov ban bố luật cấm rượu (сухой закон) đã gây ra những phản ứng khác nhau. Có người nói giữa bao nhiêu công việc kinh tế, chính trị lớn thế, luật cấm rượu rất vớ vẩn. Nhưng nó là phép thử thái độ của xã hội với thể chế và ĐCS LX. Sau này, có người hỏi tình cảm và thái độ của V.Putin về Liên Xô, ông nói đại ý: ai muốn quay trở lại thời kì ấy là người không có đầu óc. Còn ai không nhớ đến thời ấy là người không có trái tim. Đấy đích thực là một phép thử, là cách đo dư luận xã hội.


Vụ Đồng Tâm xảy ra ngoài ý muốn là một phép thử toàn diện và rõ ràng hơn: chính sách vĩ mô, quản trị xã hội và năng lực cán bộ, quan hệ giữa chính quyền và người dân, những lỗ hổng quản lí, luật pháp và thái độ hành xử của chính quyền và người dân, phương pháp xử lí những vấn đề nổi cộm, xử lí khủng hoảng...v.v... chứ không chỉ có 3 vấn đề tàng trữ vũ khí quân dụng, chống người thi hành công vụ, giết người như cơ quan công an đã khởi tố. Đó là việc của ngành hành pháp còn xử lí vụ này cần toàn diện hơn vì đó là thái độ của thể chế với một vụ việc nảy sinh từ trong lòng của thể chế.

Trước đại dịch Virus Corona Chính phủ có một quyết định tác động đến xã hội toàn diện, cả đối nội lẫn đối ngoại: tạm hi sinh lợi ích kinh tế để đảm nảo an toàn cho nhân dân. Đó là một quyết định đúng đắn vì an ninh xã hội và tính mạng con người cần đặt lên hàng đầu, là ưu tiên của các ưu tiên.

Vụ “ Nghị định 100” được nhân dân đồng tình và có lẽ đó là Nghị định đi vào cuộc sống nhanh nhất. Vì nó đúng. Vì nó nghĩ tới lợi ích của mọi người chứ không như mấy “ quyết sách” phải có bình cứu hoả cho xe ô tô con nếu không sẽ bị phạt hay người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép không được thi lấy bằng lái xe. Cái gì vì dân, lo cho dân thực sự chứ không mượn màu vì dân sẽ được dân nhận ra ngay và ủng hộ...Vụ Virus Corona đang bộc lộ hết nền tảng xã hội và đạo đức người Việt. Đó là phép thử nghiệt ngã nhưng giúp chúng ta hiểu mình, hiểu người đúng hơn.

Từ mấy phép thử trên, tôi nghiệm ra mấy ý này:
1. Chân lí trong khoa học hay những đúng sai trong đời sống không phải bao giờ cũng thuộc về số đông nhưng trước mỗi “phép thử” thái độ nhân dân thường thể hiện sự sáng suốt nhất. Vì sao, tôi không biết nhưng cứ nhìn vào lịch sử sẽ thấy sự minh triết của nhân dân. Có thể bị hiểu sai dăm năm, mười năm hay vài chục năm; có thể có rất nhiều người hiểu sai nhưng nhân dân sẽ hiểu đúng sự việc và trả lại sự công bằng cho nó.

2. Vụ Đồng Tâm như sự kiểm nghiệm toàn diện những vấn đề của thể chế từ chính sách đến văn hoá, từ xã hội đến mỗi người dân. Mất người là mất mát lớn nhất nhưng sự phân tâm hiện nay cũng đã phơi bày nhiều lỗ hổng của xã hội. Cái dở của vụ này là phải trả giá quá đắt nhưng cái tích cực của vụ này là nó đã lộ ra những lỗ hổng chết người của thể chế cần sửa chữa. Đây là ung nhọt sinh ra từ trong lòng xã hội mà do nhiều lí do trước đó đã giải quyết không triệt để, không đúng pháp luật nên mới vỡ ra như thế. Không vỡ ở chỗ này, sẽ vỡ ở chỗ khác. Cách giải quyết lần này tự nó, lại là một phép thử nữa. Hi vọng nó sẽ chính xác và hiệu quả để những vụ việc như vậy không xảy ra.

3. Sự phân tâm của xã hội qua vụ này có nguồn gốc từ đâu, do khâu nào... chắc sẽ được cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu và xử lí. Rất mong cuộc xử lí này sẽ chính xác và thoả đáng để gắn kết sự đồng thuận xã hội, xoá đi những nghi kị, cách bức không đáng có như vừa qua.

4. Việc đo các phép thử xã hội bằng bộ tiêu chí nào sẽ cho kết quả ấy; thái độ của người đo điều này cũng có vai trò quan trọng tác động đến kết quả. Công việc không dễ nhận diện chính xác nhưng nếu chọn cách tiếp cận từ lợi ích nhân dân, con mắt của nhân dân, tấm lòng nhân dân thì mọi chuyện sẽ sáng tỏ. Tôi đã định viết stt” nhân dân người là ai?” nhưng vì nhớ đến lời nhân vật Nguyễn Trãi trong một vở chèo mà tôi có tham gia chút xíu “ nếu bệ hạ xa rời lũ xiểm nịnh, nhìn việc của xã tắc bằng con mắt của nhân dân thì sẽ rõ mọi chuyện hơn, nghe chuyện đời bằng đôi tai của nhân dân sẽ hiểu dân hơn, nghĩ đến công việc của muôn dân bằng tấm lòng luôn nghĩ đến thiên hạ thì sẽ tỏ tường hơn” nên lại thôi.

Phép thử vẫn chả tác dụng gì nếu thử chỉ là để thử.


(P/S: do tôi viết chưa rõ ý nên có người đã nghĩ tôi cho là chính quyền ban hành chính sách là để thử xem phản ứng xã hội thế nào? Tôi không có ý đó mà chỉ muốn nói: thái độ nhân dân là thuốc thử sự đúng sai của chính sách. Xin lỗi mọi người và xin nói lại cho rõ)

Thứ ba ngày 25 tháng 2 năm 2020 1:53 PM 
http://trannhuong.net/tin-tuc-54684/phep-thu.vhtm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire