Trang

24/04/2020

'Tứ giác kim cương' quay lại Biển Đông?


TTO - Trung Quốc đã hành xử ngang ngược ở Biển Đông và các điểm nóng chính trị khác trong giai đoạn này, và điều này khiến Bắc Kinh có nguy cơ đối đầu với cộng đồng quốc tế.
Chúng tôi lên án mọi hành động gây leo thang căng thẳng.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi trả lời báo giới ngày 21-4 về những căng thẳng gần đây ở biển Hoa Đông và Biển Đông


Hai đồng minh của Mỹ lần lượt là Nhật và Úc đã bắn tín hiệu đáng chú ý. Bộ Quốc phòng Úc ngày 22-4 xác nhận một tàu hộ vệ của nước này đã tham gia tập trận với 3 tàu chiến Hải quân Mỹ ở Biển Đông. Một ngày trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi bày tỏ quan ngại về chuyện Trung Quốc tự tiện thành lập chính quyền quản lý Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nó gợi lại những suy nghĩ về "tứ giác kim cương" (QUAD) Mỹ - Nhật - Ấn - Úc, được cho là bộ tứ an ninh để kiềm tỏa sức ảnh hưởng và các hành động ngày càng lộng hành của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Úc, Nhật lên tiếng
Thông báo của phía Úc được đưa ra một ngày sau khi Hải quân Mỹ xác nhận hai tàu chiến của nước này đã hoạt động ở Biển Đông, gồm tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill.
Nguồn tin của Reuters nói các tàu Mỹ đã ở gần khu vực tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đang hoạt động, tức cũng gần địa điểm hoạt động của tàu khoan West Capella do công ty dầu mỏ quốc doanh của Malaysia Petronas vận hành.
Theo lời Bộ Quốc phòng Úc, "trong vài ngày qua", tàu hộ vệ HMAS Parramatta lớp ANZAC đã tập trận cùng USS America, USS Bunker Hill và một tàu khác của Mỹ, được biết là USS Barry. Trong tuyên bố gửi Reuters, Bộ Quốc phòng Úc cho biết trong quá trình tập trận, nhóm tàu đã mài giũa khả năng tương tác giữa hải quân Mỹ và Úc, bao gồm tiếp nhiên liệu trên biển, vận hành trên không, thao tác dưới biển, diễn tập liên lạc.
Trong khi đó người phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc nói tàu HMAS Parramatta đã tiến hành một đợt triển khai diện rộng xuyên qua khu vực phía nam và đông nam châu Á trong hai tháng gần đây, nhằm củng cố ổn định và an ninh khu vực.
Các chuyên gia quốc phòng cũng tin rằng việc Úc tham gia tập trận hàng hải với tàu Mỹ đã được lên lịch trước đó nhiều tháng. Tuy nhiên Đài ABC (Úc) cũng lưu ý về tính thời điểm của việc công bố này, vì nó diễn ra giữa lúc nhiều nước đang thể hiện mối lo ngại với "việc mở rộng của Trung Quốc trong khu vực", mà cụ thể là việc tự tiện đặt tên hai đơn vị quản lý hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Theo ABC News, bất kể đại dịch do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) đã bắt đầu từ tháng 1, các quan chức Úc vẫn theo sát tình hình trong thời điểm "Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động của mình trên khu vực Biển Đông quan trọng về mặt chiến lược".
Đài Úc trích dẫn việc Việt Nam trình công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối công hàm tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc hồi đầu tháng 4.

Đi đêm nhiều và... gặp ma?
Một lần nữa, các bản tin nói về hoạt động gây hấn của Trung Quốc tiếp tục nhắc tới yếu tố "đại dịch COVID-19", phản ánh mối lo ngại của Mỹ về khả năng Bắc Kinh lợi dụng sự chú trọng của các nước vào đại dịch để đẩy nhanh mục tiêu gặt hái lợi ích chính trị trong các vấn đề nóng của thế giới. Và COVID-19 cũng có khả năng sẽ ảnh hưởng tới cục diện quốc tế liên quan tới Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông.
Trong một cuộc điện đàm ngày 21-4 về chủ đề COVID-19, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã phản đối Trung Quốc về chuyện Bắc Kinh đưa tàu qua vùng nước tranh chấp giữa hai nước gần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Hãng Kyodo cho biết Trung Quốc đã 7 lần xâm nhập vào vùng biển do Nhật kiểm soát trong năm nay, và gần nhất là sự hiện diện của 4 tàu Trung Quốc cuối tuần trước.
Đáng chú ý, Ngoại trưởng Motegi trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nêu quan ngại về chuyện Trung Quốc thành lập chính quyền quản lý Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc với những hành động gây hấn và khiêu khích gần đây ở Biển Đông rõ ràng đã khiến Mỹ, Nhật và Úc lên tiếng trực tiếp hoặc gián tiếp.
Tín hiệu về một liên minh "tứ giác kim cương" (QUAD) Mỹ - Nhật - Úc và Ấn Độ do Mỹ dẫn đầu ít nhiều có thể ngăn cản âm mưu bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông trong bối cảnh cả thế giới đang chống chọi với dịch bệnh.

Ấn Độ chọn cách tiếp cận nào?
Về phần Ấn Độ, báo ThePrint trong tháng này cũng nêu vấn đề về sợi dây liên kết giữa các đồng minh của Mỹ đối với Trung Quốc liên quan tới COVID-19. Trong bài viết ngày 14-4, ThePrint đặt dấu hỏi rằng Mỹ, Nhật và Úc đã chất vấn Trung Quốc về COVID-19, vậy Ấn Độ sẽ chọn cách tiếp cận nào?
Cựu đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Arun Singh cho rằng Ấn Độ không nhất thiết phải dính vào chiến dịch chống lại Trung Quốc đối với vấn đề COVID-19, nhưng chẳng hề gì khi yêu cầu sự minh bạch. Trong khi đó, giáo sư chính trị quốc tế Rajesh Rajagopalan tại ĐH Jawaharlal Nehru khẳng định Ấn Độ nên ủng hộ các đồng minh QUAD để đảm bảo Trung Quốc không đổ lỗi COVID-19 cho những người khác.
Nhìn chung, Ấn Độ lâu nay vẫn giữ cự ly vừa phải với Trung Quốc để cân bằng lợi ích quốc gia. Nhưng nếu Mỹ thành công trong việc thuyết phục rằng Trung Quốc dùng COVID-19 để áp đặt chủ quyền phi pháp cũng như giành lợi thế trong các điểm nóng toàn cầu khác, đại dịch có thể chính là con dao hai lưỡi dành cho Bắc Kinh.

 

TTO - Ông Mike Pompeo chỉ đích danh Trung Quốc khi cáo buộc nước này lợi dụng tình hình dịch bệnh để bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ cũng tiếp tục chỉ trích Bắc Kinh che giấu thông tin dịch bệnh giai đoạn đầu.



23/04/2020

NHẬT ĐĂNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire