Thiện
Tùng
15/6/2020
Đừng
mơ mộng có sự đổi thay, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng CSVN đã ghi: Về
Chính trị “Kiên định và vận dụng,
phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lénin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục
tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…” /
Về
kinh tế
“Đẩy mạnh phát triển kinh tế…, phấn đấu đến
giữa thế kỷ XXI (2050) nước ta (VN) trở thành nước phát triển theo đường hướng
XHCN”.
Vậy
là rõ rồi, 66 năm qua (1954-2020) với 12 kỳ đại hội, Đảng Lao động trước kia, Đảng
CSVN sau nầy kiên trì bám lấy “ Chủ
nghĩa Mác-Lénin”, tư tưởng Hồ Chí Minh thì từ Đại XIII vào
năm 2021 trở về sau, Đảng CSVN cũng vẫn tiếp tục con đường ấy chẳng có gì thay đổi (mới)?.
1/ Đôi
điều về Chủ nghĩa Mác (có liên quan đến bài viết nầy)
-
Mác khẳng định xã hội loài người đã và sẽ trải qua 4 chế độ: Nô lệ, Phong kiến, Tư bản và Cộng sản
– Cộng sản là chế độ tột cùng vì tính ưu việt của nó.
- Về chính
trị: Chủ nghĩa Cộng sản phát triển 2 bước (giai đoan) Xã hôi Chủ nghĩa và Cộng sản Chủ nghĩa,
do chính quyền Chuyên chính vô sản quản lý, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản.
-
Về kinh tế:
Bước XHCN có 2 hình thức kinh tế Quốc doanh và Tập thể, làm tùy sức hưởng theo lao động
/ Bước CSCN chỉ còn 1 hình thức kinh tế Quốc
doanh, làm tùy sức hưởng theo nhu cầu.
-
Lên CNXH phải qua giai đoạn phát triển TBCN, trong điều kiện thuận lợi đặc biệt
có thể bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN.
.v.v…
2/ Đảng CSVN vận dụng học thuyết
Mác-Lê vào hoàn cảnh Việt Nam
Sau
hiệp định Genève 1954, nửa nước miền Bắc tiến thẳng lên CNXH không qua
giai đoạn phát triển TBCN. Và sau khi đánh cho “Mỹ cút, Ngụy nhào” ở miền Nam,
Tổng Bí thư Lê Duẫn công khai tuyên bố đại ý: “Việt Nam đã đánh bại tên đế quốc đầu sỏ là Mỹ thì từ nay không kẻ nào
dám đụng đến Việt Nam. Việt Nam sẽ tự lực
tự cường tiến thẳng lên CNXH không cần thông qua phát triển TBCN”.
Đại hội Đảng lần thứ IV trong 17 ngày từ ngày 4 đến 20 tháng 12 năm 1976. Đảng Lao
động Việt Nam quyết nghị đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đổi tên
nước thành Cộng
hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng tại Đại hội nầy, để “đuổi kịp” miền Bắc,
Đảng CSVN chủ trương tiến hành “Cải tạo XHCN” ở miền Nam.
a) Cải tạo Chính trị
Để ngăn ngừa “rắc rối” trong công cuộc cải tạo
XHCN ở miền Nam, Đảng CSVN chủ trương mở chiến dịch X.1, gom hơn nửa triệu “Ngụy quân, Ngụy quyền”
đưa vào các trại cải tạo, giam dài hay ngắn hạn tùy theo cấp chức và tính chất
nguy hiểm của từng đối tượng.
b) Cải tạo kinh tế ( dẫu hơi
dài nhưng phải nói có gốc có ngọn)
- ĐánhTư sản mại bản: Bao gồm những nhà Tư sản sản xuất kinh doanh có dính líu (yếu tố) với nước ngoài và những
nhà Tư sản dính hoặc dựa chế độ cũ (Việt Nam Cộng hòa).
Sau bước điều tra lập
danh sách, mở chiến dịch mang tên X.2, bất thần, đồng loạt đột nhập các mục
tiêu, kiểm kê, tịch thu cả nhà lẫn tài sản của họ, gây hoang mang, hỗn loạn.
Tài sản tịch thu đổ tháo rất khó kiểm tra. Vàng mà cho phép được ghi kim loại
màu vàng, nên vàng thật cũng có thể đổi thành vàng giả – miễn có màu vàng là
được.
Đoàn tham gia chiến
dịch X.2 ở Sài gòn, khi nghỉ trưa, một người nói: “Kỳ nầy đánh
đổ Tư sản thật rồi?”. Một cán bộ kỳ cựu cãi lại “Không phải đánh đổ mà đánh đổi Tư
sản! ”.
- Cải tạo Công, Thương nghiệp: Các cơ sở Công, thương nghiệp, dịch vụ… hoặc hiến cho Nhà nước
hoặc vào làm ăn tập thể hoặc ngưng hoạt động.
Không bao lâu, bằng
cách nầy hay cách khác, các cơ sở công thương nghiệp, dịch vụ nếu không thuộc
về Quốc doanh hay tập thể thì đều phải đóng cửa. Chỉ thời gian ngắn, Quốc doanh
và Tập thể XHCN chiếm toàn bộ thị phần. Tư nhân nếu còn chỉ hoạt động chui, bắt
được là tới số.
Người Việt gốc Hoa ở
Sài gòn, thấy thế nào đó, nói: “Sợ
Cộng sản không ăn, chớ họ chịu ăn thì không có gì phải sợ”. Thế là tư nhân hành nghề tiểu thương, dịch vụ nhỏ lai
rai “lọt lưới”.
- Cải tạo Nông nghiệp: Khi
va vào như vướng phải khối bầy nhầy, mới thấm thía câu “nhứt hậu hôn, nhì điền thổ”.
Cùng một thời điểm,
triển khai chủ trương cải tạo Nông nghiệp trên toàn cõi Nam VN (từ vĩ tuyến 17
đến mũi Cà Mau). Nhưng Trung ương chọn tỉnh Tiền Giang thí điểm, làm trước 1
bước. Tỉnh Tiền Giang chọn xã Tân Hội – xã Anh hùng trong chiến tranh, làm Hợp
Tác Xã (HTX) thí điểm của tỉnh. Cách tiến hành theo mẫu miền Bắc.
Nông dân ở xã Tân Hội
nầy, hầu như ai cũng ít nhiều có công với Cách mạng. Khi đụng vào ruộng đất của
họ, họ chẳng sợ gì ai, phản ứng không chừa cặn.
Ngoài cố vấn từ miền
Bắc kè bên, cán bộ tỉnh, huyện đều là võ tướng, văn tướng quầng như trâu đạp
lúa mà chẳng ăn thua. Sau “hội chẩn”, Tỉnh ủy Tiền Giang quyết định dời
thí điểm đến ấp Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công- vùng trọng điểm Bình
định của Việt Nam Cộng hòa trước đây, giao cho tôi trực tiếp chỉ đạo, điều
hành. Có lẽ Tỉnh ủy nghĩ rằng, dân vùng địch hậu họ sợ, sẽ ngoan ngoãn vâng theo.
Chẳng biết có phải do họ sợ không, vận động họ đưa đất vào HTX nông nghiệp làm
ăn tập thể không mấy khó, nhưng với lý nầy, cớ nọ, họ lao động chiếu lệ, sau
một mùa vụ cũng đổ vỡ.
Tôi đề xuất, được Bí
thư Huyện ủy Đoàn Trần Nghiệp đồng ý, Gò Công ngưng làm HTX nông nghiệp, tiến
hành làm đại trà “Tổ Đoàn Kết Sản xuất Nông nghiệp, ổn định được đời sống nông dân, đủ sản phẩm nông nghiệp
giao nộp cho Nhà nước theo qui định. Thấy huyện Gò Công vùng đất nhiểm mặn mà
“ăn nên làm ra”, ông Võ văn Kiệt, Bí thư đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đến Gò
Công tham quan, ông hỏi tôi: “Đoàn kết sản xuất là làm thế nào?”. Tôi trả lời: “Thì
cũng bắt chước các anh làm Vần đổi công” thời
kháng Pháp. Ông Kiệt vỗ vai tôi nói: “Thì ra…”.
Có lẽ để nung các địa
phương khác, tỉnh Tiền Giang làm HTX nông nghiệp chẳng ra hồn gì, thế mà Trung
ương chỉ đạo tỉnh Tiền Giang mở Đại hội công bố hoàn thành về cơ bản hợp tác hóa nông nghiệp. Khách mời gồm những đoàn đại biểu các Tỉnh,
Thành thuộc khu vực phía Nam, có Báo giới, Văn giới và 6 Ủy viên Trung ương
Đảng CS VN đến tụ hội. Làm chẳng ra đâu, nhưng tổng kết nghe cũng khá, từng hồi
từng chập pháo tay nổ giòn. Do “sinh non”, những “đứa con” nào ra trước chết
trước…, không lâu sau, chúng chết phủi tay.
Có thể nói, trong
chiến tranh Nông dân nhiệt tình đi theo Đảng bao nhiêu thì giờ đây họ nhiệt
tình chống lại chủ trương Hợp
tác hóa nông nghiệp của Đảng bấy nhiêu – từng nơi, từng lúc, họ phản ứng gần
như tử thủ, thí mạng cùi giữ đất như người điên loạn.
Đại hội Đảng CSVN lần thứ V diễn ra trong
5 ngày từ 27 đến 31/3/1982. Tham dự Đại hội, ngoài 1.033 đại biểu chính thức
thay mặt cho 1.727.000 đảng viên, còn có 47 đoàn khách Quốc tế tham dự. Có thể
nói, đây là đại hội với thời gian ngắn nhứt, căng thẳng nhứt, phức tạp nhứt.
Bởi vì, phải bàn cách đối phó 3 tai họa không thể bỏ qua: Chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc /
khắc phục nền kinh tế đang vỡ trận / Đối phó với nạn dân chúng bất kể chết tìm
cách vượt biên đến mức Trần văn Trạch, em giáo sư Trần văn Khê (quê
ở Vĩnh Kim tỉnhTiền Giang) phải thốt lên:
“Nếu cột đèn biết đi nó cũng tìm cách vượt biên”.
Trước nạn đói bắt đầu hoành hành,
Đảng CSVN chủ trương xuống thang về Nông nghiệp, chuyển từ Hơp tác hóa sang khoán sản phẩm trong Nông nghiệp, với tên gọi “khoán
100” – có nghĩa là trả
100% đất lại cho xã viên, rồi căn cứ chất lượng đất, giao khoán sản phẩm trên
đầu mẫu (ha) để vừa xả căng với nông dân, vừa khắc phục nạn thiếu
lương thực trầm trọng.
Ấy thế, lúc bấy giờ,
ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng còn
nói trên diễn đàn: “Khoán
sản phẩm trong nông nghiệp là bước thụt lùi cần thiết”. Khi nghe ông Thọ nói thế, tôi liên tưởng đến
vở “Tiếng trống Mê Linh”, lúc tướng Tàu thách thi bắn tên, các nữ tướng hăng
hái vào cuộc thi. Trưng Trắc nhắc khéo các nữ tướng: “Con Hổ trước khi vồ mồi nó thu hình lại”. Vậy có phải ý ông Thọ nói lùi
để tiến bạo hơn chớ không phải lùi luôn?. Nếu
vậy, ông Thọ ngầm nhắc nhở mọi người kiên định lập trường XHCN chớ gi?.
Nói khoán sản phẩm chớ
khoán cái nỗi gì, sản xuất nông nghiệp bao giờ cũng phụ thuộc ngoại cảnh như
thời tiết, sâu rầy chẳng hạn, kiểm tra sản lượng được giao chi cho mất công,
nếu họ làm không đạt sản lượng theo giao kèo, bằng lý nầy cớ nọ, họ đổ lỗi
khách quan thì rầy rà hay phạt vạ gì họ được, chỉ còn cách thu mua sản phẩm
nông nghiệp, nhất là 2 mặt hàng Lúa và Heo. Lúa thì qui định để lại cho mỗi
khẩu nông nghiệp 15 giạ, Heo thì bán hết cho Nhà nước (cấm giết mổ). Giá lúa và
heo do Nhà nước qui định – mua như ăn cướp, bán lại như cho.
Để đối phó với sự bất
công ấy, nông dân khai gian sản lượng, tìm cách bán chui (lậu) nông sản. Để
ngăn chặn việc mua lùi bán lậu nông sản, Nhà nước chủ trương mở nhiều trạm kiểm
soát trên các tuyến đường thủy bộ (cấm chợ ngăn sông). Nông sản không lưu thông
được, tạo mất cân đối về lương thực, thực phẩm giữa các vùng, nhất là giữa
thành thị và nông thôn, gây rối loạn. Về lương thực, thực phẩm ở nông thôn cung
lớn hơn cầu, ở thành thị cầu lớn hơn cung. Công nghiệp và nông nghiệp không còn
là thị trường của nhau. Công Nông liên minh vốn có lâu đời giờ đây bị rạn nứt,
giữa họ với nhau không còn khắn khít.
Tôi xin đưa vào đây
chuyện thật như đùa, xem coi nên cười hay mếu: Ông Đỗ Mười, công du Tây Nam
bộ về, trên xe có chở 1 bao gạo, trạm xét, lôi bao gạo xuống xe. Lái xe nói: “Gạo người ta cho ông Đỗ Mười, ông ấy đang ngồi đàng trước”. Người ở trạm cười nói: “Đỗ Mười Một chúng tôi
cũng tịch thu”.
Quản lý kinh tế theo
kiểu “tập trung bao cấp” khó khăn, ngột ngạt quá, nhiều vị lãnh đạo Nam bộ “xé rào”:
- Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Võ Văn Kiệt
(Sáu Dân) chủ trương phân tán dân thành phố đến những vùng có nhiều lúa gạo làm
mướn sinh sống. Đồng thời ông xúi bà Ba Thi dùng công xa đi các tỉnh đồng bằng
Nam Bộ mua chui gạo với giá thỏa thuận về bán lại (không lãi) cho dân TP Hồ Chí
Minh. Ông Sáu Kiệt kể việc này cho tôi nghe: Tao bảo cô Thi dùng công xa đi mua gạo chui, làm được ít
chuyến cô ấy than: “Làm kiểu này chắc có ngày em đi tù quá anh Sáu!”.Tao nói:
“Nếu cô ở tù tôi đem cơm”. Thế là cô ấy vui vẻ đi tiếp và làm được việc, gở
được nạn đói cho thành phố đông dân nhất nước này .
- Ở tỉnh Long An, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn
Chính (9 Cần) chủ trương bù
giá vào lương rồi
thực hiện thuận mua vừa bán, từng bước xóa
bỏ cơ chế tập trung bao cấp. Việc làm này ngoài gây hưng phấn đối với mọi
người, còn tăng nguồn thu đáng kể cho địa phương tỉnh Long An.
Ở các tỉnh khác, dần
dần xóa bỏ việc cấm chợ ngăn sông, xếp dần các trạm kiểm soát trên các
trục giao thông thủy bộ. Nhờ vậy, hàng hóa công nông dần dần đến được với người
tiêu dùng theo cơ chế thuận
mua vừa bán.
Biết được việc “xé rào”
này, Trung ương phái những đoàn kiểm tra, thanh tra vào cuộc. Biết rõ cớ sự, Trung
ương kết luận: “Đây là những việc làm sai trái, nhưng đã lỡ làm, giải quyết
được những khó khăn trước mắt, tạm thời không truy cứu, nhưng xem đây là thí
điểm”.
Được nước, các địa
phương bắt chước làm theo, diện mỗi ngày một rộng ra không đợi Trung ương cho
phép. Đã chịu bung thì chẳng khác vỡ đê, không lực nào có thể cản nổi. Hơn nữa,
cản là trái với quy luật, đi ngược lại lòng dân – đố dám. Hàng hóa lưu thông dễ
dàng, được bán theo giá thỏa thuận, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát
triển, không mấy chốc hình thành cơ chế thị trường trên phạm vi ngày một rộng.
3/
Bất đồng quan điểm, nội bộ Bắc- Nam xào xáo
Đầu năm 1985, Đảng
CSVN mở hôi nghị lần thứ 8/ khóa 5. Cuộc
họp nầy cốt yếu là bàn về “Giá-lương-tiền”. Cải cách hình thức quản lý kinh tế từ “Tập trung quan liêu bao cấp” sang “Hạch toán trong sản xuất kinh doanh”. Về
việc nầy phức tạp và dài dòng lắm. Tôi chỉ vắn tắt: Trước tiên là đổi tiền (lần thứ 2)
theo tỷ lệ 1 mới đổi 10 cũ. Nhà nước cầm tiền và định mức lương, định gia hàng
hóa không căn cứ phí tổn đầu vào, mà theo ý muốn chủ quan - mua với giá rẻ mạt,
bán lại tăng gắp 10 lần, khiến cho tiền mới đổi mất giá xuống ngang bằng tiền
khi chưa đổi, làm cho nền kinh tế hổn loạn hơn, triệt tiêu sản xuất”. Đây là
lối lạm phát gian xảo, đúng hơn là kiểu
gian lận, móc túi dân một cách trắng trợn. Chính từ đó, ngoài dân muốn nổi
loạn, còn triệt tiêu sản xuất kinh doanh, khan hiếm hàng hóa, thị trường hỗn
loạn hơn.
Dầu cố nhưng không thể
che giấu những bất đồng quan điểm ở cấp cao: phái được xem là cấp tiến đa phần ở miền Nam, họ
muốn làm cái gì đó khác hơn cái hiện tại để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng
hoảng về mọi mặt. Phái bảo thủ, đa phần ở miền Bắc, cố vị, bám lấy học thuyết
Mác-Lê-Mao, tranh giành quyền lực. Cả 2 phái bằng mặt chớ không bằng lòng,
những cuộc tranh luận gay gắt thường diễn ra bằng khẩu chiến, bút chiến, hoặc
“cấm vận” – cho ngồi chơi xơi nước như 5 ông họ Trần: Trần Văn Trà, Trần Bạch
Đằng, Trần Văn Giàu, Trần Xuân Bách, Trần Độ chẳng hạn.
Gánh miền Nam nghi
ngờ có ai đó đứng đằng sau nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Chỉ trong vòng chưa đầy 2
năm 1984-1985, Tuấn cho ra đời 3 tiểu thuyết: “Đứng trước biển”, “Những khoảng cách còn lại”, “ Cù lao tràm”. Ba tiểu thuyết này được phương tiện truyền thông Nhà nước loan
truyền rộng rãi. Cả 3 tiểu thuyết này đều có nội dung đề cao miền Bắc, đả kích
thậm tệ miền Nam. Đặc biệt hơn cả, tiểu thuyết Cù lao tràm cho đăng
tải trên báo Nhân dân của Trung ương Đảng Cộng Sản, và nghe đâu người ta định
chuyển thể nó thành phim, thành kịch. Tiểu thuyết Cù lao tràm dài 697 trang sách. Từ đầu đến cuối, suốt tập truyện,
đâu đâu cũng đều có chôm chỉa, châm
chích cán bộ miền Nam, nhất là phủ định công lao của họ trong thời điểm kết
thúc cuộc chiến. Phần cuối truyện, tác giả câu khách bằng một đoạn:“Thế
là tôi đã hoàn thành việc đưa đến tay bạn đọc câu chuyện có thật 99% ở một cù
lao miền Tây Nam bộ, còn 1% hư cấu theo yêu cầu của những người trong cuộc”.
Thử hỏi sự thật chiếm
đến 99% thì sao gọi là tiểu thuyết được,
gọi thể ký nào đó mới đúng?. Đọc
qua tiểu thuyết này, đối chiếu với thực tế thì ngược lại – 99% là hư cấu, 1% là
sự thật. Chính từ đó, tôi viết tham luận phản biện in gởi các tỉnh trên toàn
quốc, gây xôn xao trong dư luận xã hội, khiến cho đông đảo cán bộ miền Nam
không còn nhịn được nữa. Có người ức quá nói: “Bộ thằng Tuấn này muốn Bắc kỳ hóa Ban Chấp hành TW khóa 6
nữa hay sao?!”
Cuối năm 1985, trước
thềm Đại hội Đảng CSVN lần thứ 6, tỉnh Hậu Giang đăng cai mở Hội thảo tác phẩm Cù
lao tràm. Đến dự có gần 300 nhà văn, nhà chính trị – trong đó có tôi,
người được chọn phát biểu đầu tiên. Suốt 2 ngày, gần như tất cả các tham luận
đều lên án tác phẩm này, đến mức có một ít ngừơi muốn ủng hộ nó nhưng không dám
lên diễn đàn - đài phát thanh truyền hình tỉnh Hậu truyền hình trực tiếp. Cuộc
Hội thảo này gây chấn động cả nước, khiến lãnh đạo Trung ương Đảng CSVN phải
vào Sài Gòn tổ chức cuộc họp cấp cao với các tỉnh miền Nam để “thanh minh, thanh nga”, và nói sẽ
lệnh cho thu hồi tác phẩm Cù lao tràm này. Ông Lê Phước Thọ (6 Hậu), Bí thư
Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang (Cần Thơ + Sóc Trăng) nói: “Không thể và không cần thu hồi nó, chúng tôi sẽ cho đăng và phát hành
rộng rãi những tham luận trong cuộc Hội thảo về nó”. Thế rồi liên tiếp suốt mấy tháng trời, nhựt
báo Hậu Giang cho đăng tải các tham luận của nhiều cá nhân đã phát trong cuộc
Hội thảo về tiểu thuyết Cù lao tràm của nhà văn Nguyễn Mạnh
Tuấn. Sau đó, Trung ương rút ông Lê Phước Thọ ra Hà
Nội nhậm chức trưởng Ban Tổ Chức Trung ương Đảng thay cho ông Nguyễn Đức Tâm.
Một hiện tượng lạ: sau
thời gian tranh cãi về quan điểm nầy, nhiều cán bộ cao cấp miền Nam, nhứt là
Nam bộ, từ lâu chỉ làm Tư lịnh địa phương chuyên nghề “lái
lúa, lái lính, lái lợn” nay được điều về Trung ương giữ những chức vụ quan trọng như
ông Hậu, ông Kiệt, ông Khải, ông Triết, ông Sang, ông Phan, ông Dũng chẳng hạn.
Đại hội lần thứ VI
diễn ra trong 10 ngày từ ngày 5 đến 14/12/1986. Dự Đại hội có 1.129 đại
biểu thay mặt cho 2.027.638 đảng viên cả nước, 35 đoàn đại biểu của các Đảng và
các tổ chức quốc tế. Có thể nói đây là Đại cỡi mở nhứt, tranh luận gay gắt nhứt,
chủ yếu chọn một trong hai thể chế kinh tế Tư bản hay Cộng sản (Thị trường TBCN
hay Tập trung bao cấp XHCN). Đại hội VI nầy mang tên Đại hội “Đổi mới”. Để cho toại lòng nhau, Đại hội
quyết nghi theo kiểu trung hòa (chiếc trung): “Kinh tế thị trường định hướng XHCN / kinh tế Quốc doanh đóng
vai trò chủ đạo nền kinh tế Quốc dân”. Vậy là kinh tế XHCN mai phục, kinh tế TB ra tác chiến – xem
như lên CNXH thông qua phát triển kinh tế thị trường TBCN theo học thuyết Mác.
Không nói đổi mới cái gì, thứ gì, khiến người
ta hiểu đổi mới toàn diện mang nội dung cải tổ. Ứng nghĩa với cải tổ là
Pérestroika. Theo thuật ngữ của người Hy Lạp, Pérestroika là xây dựng lại
cái đã xây dựng không còn phù hợp, kể cả con người.
Đảng Cộng Sản Việt Nam
chủ trương không đổi mới toàn diện (cải tổ) mà chỉ đổi mới về kinh tế – từ kinh
tế XHCN tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường.
Người ta lấy làm lạ là
từ nền kinh tế thị trường vốn có ở Nam Việt Nam, Đảng Cộng Sản Việt Nam chê nó,
cải tạo nó thành nền kinh tế XHCN dẫn đến thất bại, giờ đây trở lại kinh tế thị
trường rồi gọi là đổi mới, thật là kỳ lạ – Đổi cũ mới đúng chớ?
Người ta cũng ngạc
nhiên: Đã là kinh tế thị trường còn định hướng XHCN – đã là đĩ mà nói còn
trinh! Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một chủ trương không có đích đến,
bởi vì mặt này chế ngự mặt kia? Nói nôm na: kinh tế thị trường là chia, kinh tế
XHCN là cộng, chúng trái ngược nhau – đi đàng Tây mà nói sẽ tới đàng Đông,
hoang đường hết chỗ nói?! Đi đến CNXH ư? – Còn lâu. Đi đến Tư bản hiện đại ư? –
Không bao giờ. Có chăng đến Tư bản hoang dã. Thứ nửa nạc nửa mỡ này rất khó xơi
!?.
Nguyên lý: Tồn tại
quyết định ý thức hay nói cách khác Hạ tầng quyết định thượng tầng.
Hạ tầng là kinh tế thị trường thì thượng tầng không thể là CNCS được – phải là
CNTB mới đồng bộ. Chủ nghĩa Cộng sản không thể đứng vững trên cái nền (thị
trường) không phải của nó – Tồn tại nào phải ý thức ấy? Đổi mới kinh tế mà
không đổi mới chính trị là không đồng nhất, trái với nguyên lý, sẽ rối loạn.
Phải chăng Đảng Cộng
Sản Việt Nam kéo thòng cái đuôi định hướng XHCN để đỡ sỉ diện, duy trì
quyền lực và kéo dài sự sống của kinh tế Quốc doanh nhằm vụ lợi băng nhóm? –
nếu lỗ lấy công quỹ (tiền thuế của dân) bù, lời thì chia chác nhau như tập đoàn
Vinashin hay tập đoàn Dầu khí chẳng hạn?
Thử đặt vấn đề: Đảng
Cộng Sản Việt Nam có dám xóa kinh tế thị trường để trở lại con đường XHCN (tập
trung bao cấp) cho đồng bộ hay không? – Ai cũng có thể trả lời rằng không. Bởi
vì: đó là Con đường
đau khổ mà nhân dân Việt Nam
nói chung đã hứng chịu nhiều năm và Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng hú vía vì
nó?
Vậy Đảng Cộng Sản Việt
Nam phải làm thế nào để hạ tầng và thượng tầng đồng bộ? Theo thiển nghĩ của tôi
có 2 cách: Một, cải tổ chính trị, thực hiện dân chủ, đa nguyên
chính trị, thiết lập Nhà nước Dân chủ pháp quyền: của dân, vì dân, do dân thay
cho Nhà nước Đảng trị: của Đảng, do Dảng vì Đảng hiện nay. Hai,
những người lãnh đạo tiếp tục lợi dụng chức quyền vun vén cho đầy túi tham, sớm
trở thành những nhà tư sản đỏ. Khi thấy không còn vét gì được nữa, hô “đàng sau quay” là xong chuyện. Khi ấy con họ đi học nước
ngoài thành tài về, có sẵn vốn mà cha mẹ chúng dày công tích góp được, cùng nhau đổi màu thành những nhà tư sản có
vốn tư bản kết xù tha hồ mà chạy đua với thiên hạ, mặc cho những Đảng viên
ngu trung, những người dân ngu muội ngã ngửa, coi như việc đã rồi, đành vậy! .
Thiển nghĩ này của
tôi, chắc cũng còn ai đó cho là suy luận mò, chẳng lẽ lãnh đạo mà chơi trò hèn
hạ thế? Tôi sẽ nói thêm rằng, suy nghĩ của tôi là có cơ sở bởi vì: Suốt 30 năm,
hàng mấy triệu người chết và bị thương cho cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ, vừa
hoàn thành vế Dân tộc thì người ta không thực hiện vế Dân chủ, dám xây ngang
cướp công, cướp quyền, xưng hùng xưng bá một thời thì việc này có gì mà không
dám? – Hãy đợi đấy! Đoạn văn dần lân sau đây ngẫm cũng thú vị:
Chế độ cộng sản,
Kinh tế tư bản,
Hàng hóa nhập cảng,
Cán bộ tư sản,
Nhân viên chán nản,
Nhân dân di tản.
Bao giờ ông Võ Văn
Kiệt cũng xem tôi là thằng em có tật gợi suy. Khi ông làm Thủ tướng, tôi nói
vui với ông ấy: Nếu người nào đó hỏi tôi “Những
ai chống Cộng bạo nhất?”. Tôi sẽ trả lời: “Những người chủ trương làm
kinh tế thị trường”. Ông Kiệt vò đầu tôi cười
nói: “Khéo gợi suy”. Cũng dễ hiểu
thôi, vì tôi là quan mà không có quyền, đàng sau câu nói thường đặt dấu chấm
hỏi (?) mang tính chất tham khảo.
Khi công cuộc đổi
mới vào đà phát triển, cuộc sống người dân từng bước ổn định, nâng cao,
Đảng Cộng Sản Việt Nam tự tâng công: “Nhờ
Đảng sáng suốt đổi mới…”.
Nếu nói Đảng Cộng Sản
Việt Nam sáng suốt chủ trương đổi mới – tức là Cởi trói làm cho nền kinh tế phát triển, nhân dân thoát khỏi đói khổ…
thì chúng ta thử đặt lại vấn đề: Trước đó ai chủ trương trói và trói bằng cách nào? Xin thưa rằng cũng
chính Đảng Cộng Sản Việt Nam trói và trói bằng cách cải tạo XHCN, gây khốn khổ
cho nhân dân, kéo lùi sự phát triển đất nước? Trước sự phản ứng gay gắt của
nhân dân, Đảng Cộng Sản Việt Nam buộc phải (không tự giác) đổi mới – tức là trở
lại con đường cũ kinh tế thị trường. Nếu nói cởi trói (đổi mới) là sáng suốt
thì trói là mù quáng? Đảng trói, Đảng mở đó là Đảng sửa sai. Để cho vui cửa vui
nhà, nhân dân xem chủ trương cỡi trói của Đảng là lấy công chuộc tội – huề.
Nghiêm khắc hơn, không dừng ở đó, phải truy cứu trách nhiệm của Đảng: Do Đảng
sai lầm trong chủ trương cải tạo XHCN (trói) làm cho nhân dân đói khổ, kéo lùi
sự phát triển đất nước suốt 10 năm (1976 – 1986) – công ít, tội nhiều.
Được Đảng Cộng Sản
Việt Nam tha mạng cởi trói, dân cố tự bươi để có mổ và góp phần thuế má
chớ Đảng có giúp gì đáng nói cho họ đâu?.
Việc xây dựng đất nước
đàng hoàng hơn là do tiền thuế của nhân dân góp vào và vay của quốc tế đến nay
chưa trả được. Đáng nói tiền thuế dân góp và khoảng nợ ấy Đảng quản lý hời hợt
để lọt vào túi riêng, đó cũng là cái lỗi của Đảng? Đảng giành cho mình quyền
lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối thì Đảng cũng phải chịu trách nhiệm
trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối?. Đảng CSVN hãy bỏ đi cố tật:
“Thất mùa đổ tại thiên tai,
Được mùa do bởi thiên tài Đảng
ta”.
4/ Định vị Chánh trị, kinh tế theo đường hướng
XHCN
“Kinh tế thị trường định
hướng XHCN”, một dạng thức kinh tế lai căn (đầu gà dít vịt) nầy hiếm thấy trên
hành tinh, nhưng nó cứ tồn tại song hành với Đảng CSVN suốt 34 năm qua trên đất
nước Việt Nam (1986-2020). Dầu nài nỉ mãi, đến nay chưa có nước nào trên thế giới
công nhận Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường thật sự. Bởi vì kinh tế thị trường
ở Việt Nam còn bất bình đẳng trong sản xuất kinh doanh giữa kinh tế Quốc doanh và Tư nhân / Còn chênh lệch giàu nghèo giữa giới cầm quyền và dân cư / Nặng
về hình thức kém về nội dung mang tính chất tư bản hoang dã.v.v…
Thế mà, Đảng CSVN đang ráo riết chuẩn bị Nhân sự và Văn kiện
chiến lược cho Đại hội XIII vào đầu năm 2021. Dự thảo Văn kiện ghi rõ: “Kiên định và vận dụng, phát
triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lénin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội / “Đẩy mạnh
phát triển kinh tế…, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI (2050) nước ta (VN) trở thành
nước phát triển theo đường hướng XHCN”.
Căn cứ vào đâu mà Đảng CSVN thảo ra Văn kiện ấn định con đường tất
yếu phải đi như thế?. Theo tôi, có lẽ Đảng CSVN dựa vào 2 cơ sở:
- Đảng CSVN xem như mình đã tôn
trọng học thuyết kinh tế Mác, tức là không bỏ mà đã kinh qua giai đoạn
phát triển kinh tế Tư bản - dân đã giàu,
nước đã mạnh, mạnh đến mức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Nều những cột đèn bên Mỹ biết
đi thì chúng cũng tìm đường đến Việt Nam”.
- Kinh tế
Quốc doanh còn có sẵn, chỉ cần chuyển (cải tạo) dần kinh tế tư nhân thành kinh
tế tập thể XHCN (1) thì sẽ hình thành mô hình kinh tế XHCN với 2 hình thức Quốc
doanh và Tập thể. Khi ấy, Thượng tầng Cộng sản, hạ tầng kinh tế XHCN là đồng bộ,
trễ lắm “Giữa
thế kỷ XXI (2050),Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển theo đường hướng XHCN” – coi hoàn tất bước XHCN để tiến lên CNCS.
Lời kết
Hãy hiểu và thông cảm cho, Chủ nghĩa Cộng sản
không thể đứng vững trên nền không phải của mình (Tư bản). Vì vậy, nếu chấp nhận
Đảng CSVN cầm quyền thì phải chấp nhận đường lối kinh tế XHCN và CSCN do Đảng
CSVN vạch ra?. -/-
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire