Trang

13/06/2020

LUNG TUNG BENG, LỘN TÙNG PHÈO


Phạm Trần


Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi trường dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nói như than, như khóc rằng:” Trong đội ngũ hiện nay, cán bộ có biểu hiện xấu còn nhiều, "không để lọt vào Trung ương cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất".

Tuy nhiên ông Trọng, sau 9 năm cầm quyền từ 2011, đã không biết làm cách nào để không cho lọt vào Trung ương những kẻ tham nhũng, hay tập đoàn “ăn của dân không từ cái gì” (tuyên bố của Bà Nguyễn Thị Doan, khi còn là Phó Chủ tịch nước, ngày 11/09/2013).


Trước khi bàn thêm, hãy nhìn vào bức tranh tham nhũng và bè cánh trong đảng cầm quyền đang ăn hại trong guồng mày nhà nước như thế nào, qua quan sát của Giáo sư Võ.

Ông viết:”Nhìn vào thực tế về cán bộ và điều hành đang diễn ra từ cấp cơ sở tới trung ương. Vào một cơ quan, nhìn thấy những người anh em, chú cháu, họ mạc, đồng hương, đồng liêu... của người đứng đầu và vợ người đứng đầu thì thấy công tác cán bộ ở đây ra sao.n



Vào những lúc mở lòng khi trà dư tửu hậu, ta có thể nghe thấy những chuyện cụ thể về giá để chạy một chức vụ hiện nay, cách đưa tiền và những "tín hiệu" là đủ hay chưa. Nhiều nơi còn đặt ra nhiều nấc thang phụ cho một chức vụ. Bước một là chạy lên được phó phụ trách, bước hai lên quyền trưởng, rồi bước ba mới lên được trưởng. Có nơi còn gọi thầm thủ trưởng là "thợ đóng ghế bậc cao". Nghe thật đau lòng!  (Trích  bài “Chọn những người đứng đầu”,báo VnExpress,ngày 04/06/2020)

Sau đó, ông Võ nêu bằng chứng đảng chỉ biết đánh võ mồm, và vẫn còn cái thói giơ cao đánh khẽ những phần tử tham nhũng to đầu.  Ông nêu bằng chứng:”Suốt từ 2014 tới 2017, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái đã xây dựng một 
biệt phủ rất lớn, không thực hiện đúng quy định về kê khai, minh bạch tài sản và thu nhập cá nhân. Vị này sau đó chỉ bị giáng chức, nộp phạt 500 triệu Đồng và cho tồn tại mọi loại tài sản không thể giải trình được đầy đủ nguồn gốc.”

Đáng chú ý là chuyện ở Yên Báy đã xẩy ra, sau 3 năm ông Trọng lên chức Tổng Bí thư khóa đảng XI (2011), và sau 1 năm ông tái chức đứng đầu Đàng khóa XII, bắt đấu từ năm 2016.

Vậy chẳng nhẽ ông Trọng không hay biết gì. Hơn nữa ông Trọng còn là Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Tham nhũng Trung ương của đảng từ ngày 01/02/2013 mà để xẩy ra như thế thì ông có “tâm tư” không, hay ông biết mà không làm gì được ?

THAM NHŨNG QUYỀN LỰC

Nhìn sâu hơn vào cách cơ cấu nhân viên, lãnh đạo của Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) là lĩnh vực chuyên môn của mình, Giáo sư nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ nêu ra những khuất tất:”Tôi cũng mới đọc Thông báo số 372/TB-TTBNV của Thanh tra Bộ Nội vụ (TTNV)về kết luận thanh tra việc tuyển dụng, quản lý và bổ nhiệm công chức, viên chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Rồi tôi thấy buồn vì có tới 58 trường hợp thiếu bằng lý luận chính trị, 4 trường hợp thiếu chứng chỉ ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, 36 trường hợp chưa có chứng chỉ bồi dưỡng năng lực lãnh đạo nhưng vẫn được bổ nhiệm. Pháp luật đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn cán bộ, nhưng họ vẫn được bổ nhiệm dù không đạt. Tôi hỏi lại về các trường hợp trên, người ta cho biết, họ vẫn được cho tồn tại, chưa xử lý gì.”

Với những việc làm chà  đạp lên luật pháp và quy chế bổ nhiệm của Bộ TN-MT như thế, ban TTNV đã quyết từ ngày 09/08/2019 :”Với những hạn chế nêu trên, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện về sử dụng và quản lý công chức, viên chức để kịp thời bổ sung, thay thế cho phù hợp quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tiễn của ngành. Chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; số lượng người làm việc trong các đơn vị SNCL; tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và số lượng cấp phó; đảm bảo thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị SNCL (sự nghiệp công lập)  theo đúng chỉ tiêu kế hoạch và quy định của pháp luật.

Đối với các đơn vị chưa tự chủ hoàn toàn, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT thực hiện số lượng người làm việc theo đúng chỉ tiêu được cơ quan có thẩm quyền giao; chỉ đạo các đơn vị rà soát, chấm dứt số LĐHĐ
(lao động hợp đồng)làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ vượt so với số lượng cơ quan có thâm quyền giao; đến năm 2020 không sử dụng LĐHĐ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị SNCL chưa được giao tự chủ hoàn toàn.”

Lạ chưa ? Chuyện “tham nhũng quyền lực” của Bộ Tài Nguyên-Môi trường (TN-MT) đến nay, sau gần một năm bị phanh phui, mà hai ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn để nguyên cho số càn bộ này tồn tại thì có phải họ chỉ chống nạn bè phái bằng mồm không ?

TÀI SẢN Ở ĐÂU - AI BIẾT ?

Lan man qua chuyện “không để lọt vào Trung ương”  khóa đảng XIII (Đại hội đầu năm 2021) những kẻ mà ông Nguyễn Phú Trọng gọi là  “cán bộ 
giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất", ông Đặng Hùng Võ hiến kế:”Công khai tài sản của cán bộ và những người thân kèm theo giải trình nguồn gốc là việc có thể làm trước nhất. Tài sản gồm tiền, vàng, ngoại tệ, nhà, đất, xe cộ đều là những thứ định lượng được. Phần tài sản không giải trình được nguồn gốc chắc chắn là bất hợp pháp và phải xử lý, công khai toàn bộ với dân.”

Ông Đặng Hùng Võ đề nghị tiếp:”Trung ương có thể khảo sát tín nhiệm những vị trí lãnh đạo cần thiết theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, của một số tổ chức xã hội, một số chuyên gia và người dân. Đánh giá cán bộ và chất lượng công việc của cán bộ không thể thiếu những ý kiến khách quan từ dân, ít nhất là những người có thông tin…”

Nhưng liệu có thể tin các “đại biểu Quốc hội”  trong công tác chọn nhân sự vào Trung ương hay không ? Hỏi như vậy là vì chưa thấy có Đại biểu Quốc hội nào dám đứng ra tố cáo tham nhũng, hay đi điều tra những kẻ đã “ăn của dân không từ cái gì”.

Theo dõi sinh hoạt Quốc hội thì thấy số Đại biểu có trình độ sinh hoạt nghị trường và có khả năng nêu vấn đề chất vấn hoặc đòi điều tra minh bạch quốc nạn tham nhũng, lãng phí chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, nhiều Đại biểu lại có “mẫu số chung” là trốn họp, thích đi ra nước ngòai du lịch và mua đồ ngoại nhưng dưới vỏ bọc “đi nghiên cứu” !

Bằng chứng như bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng than phiền rằng bên cạnh tồn tại triền miên qua nhiều kỳ họp là hồ sơ, tài liệu của Chính phủ gửi sang QH chậm thì kỳ họp thứ 7 (10/5 – 13/6/2019) là kỳ họp ĐB vắng nhiều nhất trong tất cả các kỳ họp QH.

Bà nói:“Mỗi ngày đều vắng không dưới 30 người. Có ngày vắng trên dưới 100 người. Có đoàn có hôm vắng 50% như TP.HCM, TP.Hà Nội. Có đoàn 7 ĐB thì vắng 4, 6 ĐB thì vắng 3”.

Bà Ngân còn cho biết:”Nguyên nhân chính là các ĐB đi công tác nước ngoài trong thời gian diễn ra kỳ họp quá nhiều.” (theo báo Thanh Niên, ngày 17/07/2020)

Ăn lương của dân để làm Đại biểu cho Dân ở Quốc hội mà hành động phản dân như thế thì có xấu xa nào hơn không ? 

Do đó, việc dựa vào ý kiến của Đại biểu Quốc hội để chọn “lãnh đạo cần thiết”, theo ý kiến của Giáo sư Võ, cũng cần phải nghĩ lại cho chín, để tránh hậu họa. 

Trở lại với bài viết của nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT thì ông đã kết luận dè dặt rằng:”Đánh giá con người theo định lượng là cách khoa học và hiệu quả nhất để có cán bộ đủ năng lực điều khiển nhà nước tại mọi vị trí. Việt Nam sẽ trở nên thịnh vượng nếu không thất bại trong khâu chọn cán bộ.”

Chữ “nếu” của Giáo sư Đặng Hùng Võ không viển vông mà là một thách thức trong thực tế đời sống chính trị “nói nhiều làm ít” kinh niên của đảng Cộng sản Việt Nam.

Vì rằng chuyện gọi là “kê khai tài sản” của cán bộ, đảng viên, quân đội, công an”, nhất là những người có chức, có quyền đã thực hiện ở Việt Nam từ lâu, nhưng có bao nhiêu tài sản do tham nhũng mà có đã được tìm thấy, hay được công khai cho dân biết, dù đảng vẫn oang oang tuyên truyền khẩu hiệu “dân biết, dân bàn,dân làm, dân  kiểm tra”.

Lý do vì khai xong, tờ khai chỉ được phổ biến trong nội bộ, niêm yết tại cơ quan, tại doanh nghiệp nơi người khai làm việc. Nhân dân, nhất là ở địa phương người khai, không được phép dòm vào, vì Thủ trưởng của người khai đã cất vào tủ khóa lại.

Vậy mà ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng vẫn phán phải loại không những kẻ “chạy” chức, “chạy” quyền mà còn không để lọt vào Trung ương  những kẻ :“Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính..”  (Trích bài “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm về chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII”, phổ biến ngày 26/04/2020.)

Nhưng ai, tổ chức nào trong đảng CSVN biết cán bộ, đảng viên tham nhũng mà không dám nói ra, hay vì anh chị nào cũng dính mép nên đánh bài ngậm miệng, mũ ni che tai cho yên ổn cả làng ?

Bằng chứng sinh hoạt đảng từ cấp Chi bộ  lên tận Trung ương, đâu đâu cũng đầy hồ sơ khai báo lý lịch cá nhân, họ hàng, hang hốc của mỗi đảng viên. Thậm chí cái kim cũng khó lọt qua lời khai, nhưng khối lượng tài sản giấu kín và những ngôi biệt thự bạc tỷ, xe hơi bạc triệu thì lại không bao giờ thấy.  Lý do những cơ ngơi này toàn do người khác  đứng tên, khó mà tìm ra chủ nhân thật.

Nguyên Tổng bí thư đảng khóa VIII Lê Khả Phiêu đã từng nói tài sản tham nhũng đã được phân tán cho người khác đứng tên nên rất khó giải quyết.

DÂN BIẾT NHƯNG AI NÓI

Vì vậy, bây giờ trong làng báo nhà nước, đã máy mó có bài khuyến cáo cần có yếu tố nhân dân, phải hỏi ý dân, lắng nghe tiếng nói của dân, và hãy tin dân để tìm ra cán bộ tốt, những người xứng đáng ngồi vào Trung ương XIII.

Dưới Tiêu đề “Cán bộ có bao nhiêu nhà, xe dân biết cả, phải có cơ chế để dân nói ra“, đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) viết :” Ông Dương Quang Phái, nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, cần tin dân, dựa vào dân để lựa chọn cán bộ.”



Ông nói:“Nhiều ý kiến chia sẻ là những người giàu nhanh, nhiều xe sang, nhiều nhà đất thì không đưa vào Trung ương. Theo tôi ý kiến đó là đúng, nhưng làm sao để kết luận được họ? Đây là vấn đề rất khó, cho nên để giải quyết được vấn đề này thì vai trò của cấp ủy quản lý đảng viên rất quan trọng, nhưng quan trọng nhất là phải dựa vào nhân dân. Cán bộ có bao nhiêu nhà, bao nhiêu xe, dân biết cả. Nhưng phải có cơ chế để người dân nói ra.”

Bài học để lọt cán bộ suy thoái từ nhiệm kỳ khóa 12 cho thấy, công tác cán bộ đòi hỏi hết sức thận trọng. Trong đó có vai trò quan trọng của công tác tổ chức trong lựa chọn cán bộ. Đặc biệt, cần tin dân, dựa vào dân để lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài
. (theo VOV,ngày 15/05/2020)

Nhưng tại sao lại phải sắp xếp hay tổ chức để lấy ý dân về chọn lựa cán bộ lãnh đạo, hay còn được gọi mỹ miều là “cấp chiến lược” ? Lý do vì từ lâu đảng CSVN đã quen thói quy chụp những ý kiến trái chiều với lãnh đạo nên người dân không muốn tham gia thật lòng với các cuộc “lấy ý kiến nhân dân” của đảng.



Hơn nữa ai cũng biết phần lớn chuyện đảng giả vờ lấy ý dân chỉ diễn ra sau khi cấp trên hay Trung ương đã quyết rồi nên người dân, trong trường hợp này, chỉ đóng vai bung xung, bị đảng sử dụng để  trang điểm cho  đảng.

Vì vậy, Giáo sư-Tiến sỹ  Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ phó thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII mới nhìn nhận:”Bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng cần thẳng thắn nhìn nhận trong thực tế, có lúc, có nơi việc lấy ý kiến còn sơ sài, hình thức, quy mô, đối tượng lấy ý kiến còn hẹp.

Từ những bài học kinh nghiệm đã làm được và chưa làm được từ nhiệm kỳ trước, lần này Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh việc mở rộng diện lấy ý kiến của nhân dân trong quá trình giám sát xây dựng Đảng nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ nói riêng. Đặc biệt, trong dự thảo Văn kiện nhấn mạnh việc phải có cơ chế tạo điều kiện cho nhân dân thật sự tham gia vào quá trình xây dựng, giám sát đội ngũ cán bộ.”



Ông Phú nói tiếp:” Muốn chọn được cán bộ có đức, có tài vào bộ máy thì không gì tốt hơn bằng việc lắng nghe ý kiến của nhân dân. Bởi vì cán bộ ở trong lòng dân nên cái gì người dân cũng biết, vấn đề là phải tổ chức thế nào để lấy được ý kiến thật sự của họ…Dân thông qua mọi mối quan hệ nên họ biết hết. Người dân biết cán bộ nào tham nhũng, cán bộ có bao nhiêu đất, bao nhiêu nhà, biết lắng nghe dân sẽ kể cho nghe. Tất nhiên không phải tất cả ý kiến đều chính xác nhưng cơ bản là nếu chúng ta biết lắng nghe, biết phân tích thì sẽ hiểu cán bộ đầy đủ hơn.”

(trích VOV, ngày 30/05/2020)

Rất đúng là dân biết hết. Cả chuyện ông quan nào có bồ nhí cũng khộng lọt qua được mắt dân. Nhưng, với lề lối làm việc “anh có ăn thì em cũng được nhờ” hay trong cơ chế “còn đảng còn mình” mà bảo dân hãy can đảm đứng lên “phất cờ khởi nghĩa” tố cáo những cán bộ, đảng viên tham nhũng giúp đảng thì rất khó. Lý do vì đảng không bảo vệ được miếng cơm manh áo và mạng sống cho dân, trong khi kẻ tham nhũng ở sát bên dân lại có hàng lọat “quân xanh, quân đỏ và côn đồ”, kể cả các phe phái trong Đảng bảo vệ thì có cho ăn vàng cũng không ai dám hé răng.

Hơn nữa, ông bà ta đã bảo:”Chờ được vạ thì má đã sưng” nên dân ta mới để  mặc thây cho đảng tự đối phó.  Người dân đã từng bị Công an và Công an giả dạng Côn đồ đàn áp dã man khi họ biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông và đàn áp ngư dân thì cán bộ đã nhiều lần bảo họ  :“hãy về nhà đi, mọi chuyện đã có đảng lo

Do đó, chỉ khi nào người dân được quyền trực tiếp chọn Lãnh đạo qua bầu cử tự do, công bằng và dân chủ thì khi ấy những kẻ bất tài, có thành tích xấu, hay chỉ biết thu vét cho đầy túi  tham, lợi ích nhóm hay làm tay sai cho Ngoại bang mới bị loại khỏi đội ngũ cầm quyền.

Ngược lại, nếu vẫn tiếp tục chọn người theo thông lệ “đảng cử dân bầu” hay “đảng chọn, cán bộ bỏ phiếu” thì có trăm năm, nhân dân Việt Nam vẫn chưa tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. -/-





Phạm Trần

(06/020) 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire