Trang

25/07/2020

Tái mở cửa vội vàng, Mỹ hụt hơi trong hồi phục kinh tế


Chánh Tài
24/7/2020
Tái mở cửa vội vàng, Mỹ hụt hơi trong hồi phục kinh tế
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Số lượt đặt chỗ nhà hàng, lượng khách ghé các cửa hàng bán lẻ suy giảm, đà phục hồi đi lại hàng không khựng lại, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng trở lại... là những dấu hiệu cho thấy đà phục hồi kinh kế của Mỹ đang đuối khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 tăng mạnh trở lại.
Một cửa hiệu đóng cửa trên một đường phố ở bang New Jersey, Mỹ. Ảnh: Reuters


Các chỉ báo kinh tế theo thời gian thực ở Mỹ đã thoát đáy hồi tháng 5 khi các lệnh yêu cầu người dân ở nhà được dỡ bỏ và nhiều người Mỹ cảm thấy đủ an toàn để ghé đến các trung tâm mua sắm, nhà hàng, thậm chí sân bay.
Điều đó mang lại hy vọng, có lẽ hơi sớm, về đà phục hồi hình chữ V của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau cú sụp đổ lịch sử do tác động của đại dịch Covid-19.
Nhưng giờ đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi đó đang dần tan biến khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 bùng lên ở các bang lớn như California, Texas, Florida và các bang thuộc vùng Vành đai mặt trời ở miền Tây và Tây nam nước Mỹ.

Tái mở cửa vội vàng
Trong một báo cáo gửi cho khách hàng hôm 21-7, Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng ở Mạng lưới Kiểm toán, thuế và tư vấn RSM International, viết: “Việc tái mở cửa vội vàng nền kinh tế Mỹ làm căng thẳng thêm tình hình dịch bệnh, khiến tăng trưởng bắt đầu chậm lại”.
Đà phục hồi kinh tế Mỹ khựng lại giữa lúc Quốc hội Mỹ đang thảo luận về việc liệu có nên bơm thêm gói kích thích mới và nếu điều đó cần thiết thì phải bơm bao nhiêu nữa?
Khoản trợ cấp thất nghiệp tăng thêm hàng tuần 600 đô la Mỹ dành cho người lao động mất việc làm sẽ hết hạn vào cuối tháng này trừ phi các nghị sĩ Mỹ can thiệp để gia hạn.
Các nhà kinh tế cho rằng đà phục hồi của Mỹ đã gần như dừng lại và đó là điều không bàn cãi. Trong một bản báo cáo công bố hôm 20-7, Aneta Markowska, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng Jefferies, viết: “Các hoạt động kinh doanh giờ đây rõ ràng sụt giảm ở những điểm nóng Covid-19 bao gồm các bang ở vùng Vành đai mặt trời”. Vì vậy, chẳng bất ngờ khi 22 bang đã đảo ngược hoặc dừng tiến trình tái mở cửa.
Hồi cuối tháng 6, các nhà kinh tế của S&P Global Economics dự báo GDP của Mỹ sẽ bật dậy mạnh mẽ 22,2% trong quí này sau khi suy giảm dự kiến 34% trong quí 2. Nhưng giờ đây, họ lo ngại dự báo đó có thể quá lạc quan. Hôm 22-7, S&P Global Economics cảnh báo mức dự báo GDP tăng 22,2% trong quí 3 có nguy cơ không đứng vững vì cuộc khủng hoảng sức khỏe do dịch bệnh vẫn chưa hạ nhiệt.
“Dù kịch bản dự báo cơ bản của chúng tôi là nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi dần dần đến tận sang năm, sự trỗi dậy gần đây của dịch Covid-19 và số bệnh nhân nhập viện đã làm gia tăng các lo ngại về một kịch bản có khả năng xảy ra hơn là cơn suy thoái do Covid-19 vẫn chưa thoát đáy”, các nhà kinh tế của S&P Global Economics, nhận định.

Hàng loạt dữ liệu kinh tế xấu trở lại
Các chỉ số kinh tế theo thời gian thực trong thời gian gần đây xác nhận các lo ngại đó. Chẳng hạn, sự tái trỗi dậy của các ca nhiễm virus SARS-Cov-2 đang đe dọa đà phục hồi khiêm tốn của ngành hàng không. Trong tuần kết thúc vào ngày 20-7, số lượt khách đi qua các cổng kiểm tra an ninh của Cục An ninh giao thông Mỹ ở các sân bay trên toàn quốc giảm so với tuần trước đó và đang giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trò chuyện với hãng tin CNBC hôm 22-7, Giám đốc điều hành hàng hãng hàng không United Airlines (Mỹ), Scott Kirby, nói rằng ông không kỳ vọng ngành hàng không phục hồi về mức bình thường cho đến khi xuất hiện một loại vắc-xin Covid-19 được phân phối rộng rãi cho người dân khắp toàn cầu.
Dữ liệu ở nền tảng đặt chỗ nhà hàng trực tuyến OpenTable cho thấy số lượt đặt chỗ nhà hàng ở Mỹ đã suy yếu trong những tuần gần đây. Trong suốt hai tháng 3 và 4, số lượt đặt chỗ nhà hàng ở Mỹ suy giảm gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến giữa tháng 6, con số này phục hồi về mức suy giảm chỉ 50% nhưng rồi yếu dần và rơi về mức suy giảm 65% tính đến ngày 20-7.
Dấu hiệu tăng trưởng suy yếu cũng xuất hiện ở mảng bán lẻ. Trong tháng 4, số lượt khách ghé các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ suy giảm đến 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến tuần đầu đầu tháng 7, mức suy giảm này chỉ còn 45% nhưng bước sang tuần thứ 2 của tháng 7, mức suy giảm này là 47%. Tính đến ngày 19-7, có 24,5% doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ đóng cửa, theo dữ liệu của ngân hàng Jefferies. Tỷ lệ này xấu hơn hồi cuối tháng 6 khi chỉ có 19% doanh nghiệp nhỏ đóng cửa.
Chi tiêu mua sắm qua thẻ tín dụng do Công ty Synchrony Financial (Mỹ) phát hành suy giảm sâu đến mức 31% vào đầu tháng 4 nhưng tăng trưởng trở lại vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, hôm 21-7, Synchrony Financial cho biết chi tiêu mua sắm qua thẻ tín dụng của công ty này suy giảm 2% trong hai tuần đầu tiên của tháng 7.
Một dữ liệu đáng lo ngại do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 23-7 là trong tuần trước, có 1,4 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, tăng so với tuần trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần tăng kể từ cuối tháng 3. “Đà lây lan mạnh của virus SARS-CoV-2 ở Mỹ kể từ giữa tháng 6 rõ ràng đã tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế. Rõ ràng con đường hồi phục kinh tế không thể tách rời với diễn biến của dịch Covid-19”, các nhà phân tích ở Ngân hàng Bank of America nhận định trong một báo cáo gửi cho khách hàng hôm 22-7.
Người dân biểu tình kêu gọi các nghị sĩ gia hạn khoản trợ cấp thất nghiệp tăng thêm 600 đô la Mỹ hàng tuần ở Greenville, bang Michigan, Mỹ hôm 23-7. Ảnh: Fox 17
Trông chờ vắc-xin Covid-19
Bên cạnh gói kích thích chưa có tiền lệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các hy vọng về vắc-xin Covid-19 đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ với số S&P 500 đã tăng 46% kể từ điểm thấp nhất trong tháng 3.
Hoạt động phát triển vắc-xin Covid-19 đang chứng kiến sự tiến triển thực sự. Hôm 22-7, chính phủ Mỹ đồng ý chi 1,95 tỉ đô la Mỹ để mua 100 triệu liều vắc-xin Covid-19 mà hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) đang hợp tác phát triển. Nếu chứng minh được tính hiệu quả và an toàn, số vắc-xin này sẽ được bàn giao vào cuối năm nay để chính phủ Mỹ cung cấp miễn phí cho người dân.
Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát gần đây, 37% số nhà lãnh đạo trong ngành y tế dự báo vắc-xin Covid-19 chưa thể phân phối rộng rãi cho đến ít nhất vào nửa cuối năm 2021.“Rõ ràng, nếu không có một loại vắc-xin Covid-19 được phân phối rộng rãi thì sẽ không xuất hiện sự hồi phục kinh tế đầy đủ”, Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng ở Mạng lưới Kiểm toán, thuế và tư vấn RSM International, nhận định.
Theo CNN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire