Xuân Dương: "Chuyện nhà công vụ ở Việt Nam tưởng
chừng không có gì đáng nói, nhất là với những lãnh đạo cấp cao có nhận thức
chính trị và hiểu biết hơn người bình thường nhưng hóa ra lại không phải vậy...
Có một sự thật khá phổ biến ở Việt Nam nhưng khó tìm thấy trên
thế giới là chuyện “nghiêm túc rút kinh nghiệm” hoặc “ rút kinh nghiệm sâu sắc”
đối với cán bộ mắc sai phạm.
Hình thức “nhắc nhở” này được áp dụng cả với cán bộ đương chức
hoặc đã nghỉ hưu khiến một vị đại biểu Quốc hội phải lên tiếng: “Nghỉ hưu rồi
thì rút kinh nghiệm sâu sắc làm gì nữa”. "
Cán bộ được các cơ quan chức năng bên Đảng, các tổ chức chính trị
hoặc Chính phủ điều động về Hà Nội và các địa phương công tác nếu thuộc diện được
ở nhà công vụ thì được bố trí tùy nhà ở theo chức vụ đảm nhận.
Khá nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này đã được ban hành như
Luật Nhà ở, Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số
99/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 09/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng…
Liệt kê nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thấy nhà nước không
thiếu quy định và chế tài xử lý khi cho thuê cũng như khi cần thu hồi nhà công
vụ.
Nhà công vụ không chỉ dành cho lãnh đạo cấp cao mà còn cho cán bộ,
công chức, viên chức được điều động đến nơi công tác mới nhưng không có nhà ở.
Bên cạnh nhà công vụ, thời kỳ chiến tranh, Hà Nội còn có hệ thống
cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm cho một số đối tượng đặc biệt tại phố Nhà Thờ,
Vân Hồ, Tôn Đản,…
Chính sách cung cấp nhà ở cho lãnh đạo không chỉ Việt Nam mới
có, tại Mỹ, Tổng thống và gia đình được quyền sử dụng tòa Bạch ốc làm nơi sinh
sống khi tại nhiệm; Cung điện Elysée là nơi ở và làm việc Tổng thống Pháp có tổng
cộng 365 phòng, đúng bằng số ngày trong một năm,…
Chuyện nhà công vụ ở Việt Nam tưởng chừng không có gì đáng nói,
nhất là với những lãnh đạo cấp cao có nhận thức chính trị và hiểu biết hơn người
bình thường nhưng hóa ra lại không phải vậy.
Hơn chục năm trước, chuyện trả nhà công vụ của nguyên Ủy viên
Trung ương, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 1994 –
2004 ) Hoàng Văn Nghiên đã
khiến báo chí bàn tán sôi nổi.
Báo Nld.vn viết: “Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thu hồi 8 năm
không được biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa do người thuê là nguyên Chủ tịch Ủy
ban Nhân dân thành phố này không chịu trả”. [1]
Hoặc “Cho thuê biệt thự đòi 8 năm, cựu Chủ tịch Hà Nội mới trả”.
[2]
Không hiểu sao đến năm 2020 này, câu chuyện nhà công vụ lại nở rộ
trong bối cảnh cả nước gồng mình chống đại dịch Covid-19.
Đầu năm 2020, “ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, vừa
ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ
tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Đáng lưu ý thông báo đòi nhà đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 cựu
quan chức này từ 2-3 lần nhưng họ vẫn chưa trả lại nhà công vụ”. [3]
Bộ Xây dựng yêu cầu 12 cựu quan chức trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Tienphong.vn) |
Danh sách 12 quan chức bị đòi 2-3 lần vẫn chưa trả nhà công vụ
mà Tienphong.vn đăng tải cho thấy vị trí làm việc của họ “phủ sóng” khắp cơ
quan, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị và báo cũng “tế nhị” không
nêu thẳng tên của các vị này.
Câu chuyện gần đây về nhà giáo nhân dân, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo Đặng Huỳnh Mai đề xuất xin giữ lại nhà công vụ ở Hoàng Cầu, quận
Đống Đa, thành phố Hà Nội đã kết thúc nhanh chóng khi ngày 07/08/2020, gia đình
bà Đặng Huỳnh Mai đã liên hệ với bộ phận chuyên trách của Bộ Xây dựng để trả lại
căn hộ 608, tòa A2, khu nhà công vụ Hoàng Cầu.
Dù với bất kỳ lý do gì thì việc làm này cũng thể hiện thái độ
tôn trọng dư luận, tinh thần trách nhiệm của bà Mai, một đảng viên, một cán bộ
lãnh đạo cao cấp sau khi nghỉ hưu.
Có hai điều đọng lại sau câu chuyện của bà Mai:
Thứ nhất, ý kiến cho rằng “những người ở cơ quan Đảng hoặc Quốc
hội đều được nhà nước bán hóa giá nhà, chỉ có bên Chính phủ thì không có” [4] nếu
quả thật đã từng xảy ra thì đây là vấn đề cần được xem xét thấu đáo.
Vì sao có sự khác biệt này và mức “bán hóa giá” có phù hợp với
thực tế?
Tại nhiều địa phương, không ít cán bộ lãnh đạo cho phép chuyển
nhượng tài sản nhà nước hoặc đất công với giá “bèo” đã bị khởi tố, bị bắt tạm
giam hoặc bị xử tù như hai cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, hai cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín,…
Những vụ việc với bốn trường hợp nêu trên đều đã xảy ra từ nhiều
năm trước và do đó nếu có chuyện bán nhà thanh lý với giá thấp hơn nhiều so với
giá thị trường thì có nên xem xét lại?
Bán tài sản công với giá thấp hơn giá thị trường là lỗi của cơ
quan quản lý nhưng mua tài sản công với giá thấp hơn giá thị trường không thể
nói là người mua hoàn toàn trong sáng.
Nếu giá bán thanh lý nhà công vụ ngang bằng giá thị trường liệu
người mua có hào hứng chấp nhận hay sẽ mang tiền mua nhà nơi khác?
Thứ hai, mục d, khoản 2, điều 34 Luật Nhà ở quy định nghĩa vụ của
người thuê nhà công vụ:
“Trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng
được thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ hoặc khi có hành
vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định của Luật này trong thời hạn
không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở
công vụ”;
Luật đã quy định rất rõ ràng như vậy nhưng vì sao đến đầu năm
2020 này vẫn có tới 12 cựu quan chức gây phiền phức cho cơ quan chức năng trong
việc thu hổi nhà ở công vụ?
Có ý kiến cho rằng nếu việc thu hồi nhà công vụ được “khoán” cho
cơ quan quản lý công sản mà không có sự vào cuộc của các cơ quan khác như “cơ
quan Kiểm tra Đảng, Thanh tra Chính phủ, thanh tra nhân dân, Mặt trận Tổ quốc,
giám sát của cơ quan dân cử, giám sát của dân, của báo chí” [5] thì sự chây ì vẫn
có khả năng tồn tại dai dẳng.
Ý kiến nêu trên không sai nhưng dựa vào danh sách 12 người mà Bộ
Xây dựng đòi nhà công vụ “2-3 lần vẫn chưa trả” thì có thể thấy một sự thật khá
“tế nhị”, đó là những cán bộ đương chức của các cơ quan, tổ chức cần phải tham
gia vào chuyện “đòi nhà” nêu trên có thể từng là cấp dưới của những người đang
bị đòi nhà và do đó thật khó ăn, khó nói.
Phó ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng sự chây
ì khi trả nhà công vụ chính là “nguồn cơn của sự mất đoàn kết, nguồn cơn của
xung đột xã hộị”. [5]
Phải chăng “nguồn cơn của sự mất đoàn kết” được thể hiện qua sự
suy bì khi có người được mua nhà (công vụ) theo giá thanh lý còn người khác thì
không?
Từng xảy ra chuyện một vị nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ
tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh bị xử lý kỷ luật. Khi phóng viên phỏng vấn, vị này trả
lời: “Tôi nghỉ hưu 2 năm rồi, họ xử thế nào thì xử”.
Cách hành xử của vị này liệu có lây nhiễm sang một bộ phận không
nhỏ các “đồng chí nghỉ hưu” để rồi “Tôi nghỉ hưu rồi, tôi chây ì đấy, họ xử thế
nào thì xử"?
Doanh nghiệp chây ì nộp thuế bị xử phạt vi phạm hành chính và áp
dụng các biện pháp cưỡng chế thuế, nếu trốn thuế có thể bị xử lý hình sự.
Từng có chuyện một nữ sinh viên môn chạy 100 mét quá quy định mấy
giây, bị nợ môn Giáo dục thể chất, bị treo bằng tốt nghiệp đại học.
Vậy có nên quy định khi chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nhà công vụ
thì không chuyển sinh hoạt đảng, không làm thủ tục cấp sổ hưu,…?
Nếu không làm được việc này thì chuyện bất công trong xã hội dẫn
tới “xung đột xã hội” là khó tránh khỏi.
Có một sự thật khá phổ biến ở Việt Nam nhưng khó tìm thấy trên
thế giới là chuyện “nghiêm túc rút kinh nghiệm” hoặc “ rút kinh nghiệm sâu sắc”
đối với cán bộ mắc sai phạm.
Hình thức “nhắc nhở” này được áp dụng cả với cán bộ đương chức
hoặc đã nghỉ hưu khiến một vị đại biểu Quốc hội phải lên tiếng: “Nghỉ hưu rồi
thì rút kinh nghiệm sâu sắc làm gì nữa”.
Điều thứ 9 trong 19 điều đảng viên không được làm ghi: “Làm trái
quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong những việc: quản lý nhà, đất,
quỹ, …”.
Vậy khi những vị cựu lãnh đạo cao cấp không tự giác chấp hành
các quy định của pháp luật - cụ thể là Luật Nhà ở - được xuê xoa hoặc được mua
thanh lý nhà với giá “hữu nghị” thì có phải họ đã cũng lúc “Làm trái quy định của
Đảng và pháp luật của Nhà nước”?
Nếu không xử lý người vi phạm thì phải chăng “Luật cho dân và lệ
cho quan” vẫn là một hiện thực “khách quan với dân” bởi dẫu có biết dân cũng chẳng
thể làm gì.
Bổng lộc mang lại cho một số người liên quan đến nhà công vụ sau
khi nghỉ hưu liệu có phải là “chuyến tát vét” cuối cùng họ cố thực hiện để hoàn
thành việc vứt bỏ danh dự và trách nhiệm?
Tài liệu tham khảo:
[1]
https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ong-hoang-van-nghien-khong-chiu-tra-biet-thu-20141203231701235.htm
[2]
https://www.baogiaothong.vn/cho-thue-biet-thu-doi-8-nam-cuu-chu-tich-ha-noi-moi-tra-d260076.html
[3] https://www.tienphong.vn/dia-oc/danh-sach-12-cuu-quan-chuc-bi-yeu-cau-tra-lai-nha-cong-vu-1645376.tpo
[4]
https://thanhnien.vn/thoi-su/bo-xay-dung-noi-gi-ve-de-xuat-giu-nha-cong-vu-cua-cuu-thu-truong-gd-dt-1261939.html
[5] https://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/chay-i-tra-nha-cong-vu-can-bo-cua-ta-rat-thieu-tu-giac-164555.html
09/08/2020
Xuân Dương
Nguồn: Theo GDVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire