Trang

14/09/2020

Sau vụ Đồng Tâm, “Việt Nam nên công nhận quyền tư hữu đất”

Hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Ngô Anh Tuấn đi xem xét hiện trường - miệng hố ở nhà ông Lê Đình Kình - 1 tháng sau khi diễn ra đụng độ của dân làng Hoành, Đồng Tâm, với cảnh sát rạng sáng 9/1/2020 - Nguồn hình ảnh, LS Lê Hòa

Việt Nam cần phải cải cách về chế độ tư hữu về đất đai và ruộng đất tiến tới đa loại hình sở hữu, trong đó ngoài sở hữu công, phải thừa nhận để có cả sở hữu tư nhân về đất đai, nhất là với đất sản xuất nông nghiệp, một nhà xã hội học nói với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội hôm 10/9/2020.

Vẫn theo ý kiến này, cải cách này nếu thực hiện sẽ không chỉ giải quyết được vấn đề xung đột, tranh chấp đất đai nghiêm trọng như đã nổ ra ở Đồng Tâm (Hà Nội), hay khiếu nại kéo dài, căng thẳng như ở Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), mà còn sẽ 'tốt' cho sự phát triển, phồn vinh nói chung của Việt Nam.


Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm, nhân phiên tòa sơ thẩm được mở ra xét xử vụ Đồng Tâm từ hôm 07/9, Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính, nguyên Trưởng phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hôi học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu quan điểm với BBC:

"Về giải pháp xử lý tranh chấp xung đột đất đai ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt ở nông thôn, như là qua vụ Đồng Tâm đang xét xử, Tôi cũng có ý nghĩ như ông Bùi Kiến Thành đã phát biểu với BBC rằng phải thay đổi chế độ sở hữu về đất đai hiện nay.

"Theo tôi, phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Tôi không rõ lắm các nước ở khu vực, láng giềng xung quanh Việt Nam có gặp vấn đề như Việt Nam hay không. Nhưng đa số các nước trên thế giới đều công nhận sở hữu tư nhân về đất đai.

"Về đề nghị có sở hữu tư nhân về đất đai, đặc biệt là đất sản xuất nông nghiệp, tôi đã có ý kiến công khai và đăng in xuất bản chính thức từ trước rồi."

Xã Đồng Tâm 4/2017, thời điểm xảy ra vụ người dân bắt giữ 38 công an - Nguồn hình ảnh, Getty Images

'Đất đai sẽ có hiệu quả sử dụng tốt hơn'

Khi được hỏi liệu quan điểm về giải pháp như vậy có thuộc "dòng chính" trong giới nghiên cứu, tư vấn, phản biện chính sách ở Việt Nam hay không và điểm mấu chốt của quan điểm này là gì, Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính đáp:

"Chắc quan điểm đó không là "dòng chính" trong giới nghiên cứu. Nhưng sở dĩ tôi có ý kiến như vậy, vì tôi có bằng chứng số liệu khoa học, nên tôi mới viết và nói như vậy.

"Và bằng chứng nổi bật nhất là sở hữu tư nhân về đất đai sẽ mang lại hiệu quả sử dụng đất đai cao hơn. Ví dụ như đất đai không bị "bỏ hoang" chặng hạn.

"Về quan điểm này, tôi có thể tóm tắt mấu chốt như sau: đề nghị đa hình thức sở hữu về đất đai (cả công hữu và tư hữu). Có loại đất đai thì phải công hữu (ví dụ đường sá), có loại thì phải tư hữu (ví dụ như đất sản xuất nông nghiệp).

Khi được hỏi có thể dự đoán thế nào về chấp nhận, phản đối hay nói chung là khả năng được chấp ra sao trong cả nước, cộng đồng và xã hội, nếu quan điểm, đề nghị cải cách này được đưa ra cho toàn dân xem xét, nhà xã hội học nói:

"Tôi dự đoán đa số người dân sẽ hoan nghênh. Bởi vì vấn đề sở hữu đất đai đã được bàn thảo từ hồi dự thảo Hiến pháp năm 2013 rồi. Ngay từ hồi ấy, tôi cũng đề nghị có tư hữu về đất đai.

"Còn phản đối và cản trở có thể là ai, tôi cho rằng chỉ ra ai cụ thể thì khó, nhưng loại trừ những người ủng hộ thì còn lại sẽ là cản trở nằm trong số đó (có số nằm ở khoảng "trung dung" như cách nói của thống kê xã hội học).

"Tất nhiên là sẽ có nhóm lợi ích, nhóm lũng đoạn chính sách. Nhưng ai là con người cụ thể thì tôi chịu không thể nói được.

Tác dụng lớn nhất của đề xuất cải cách là gì?

Trước câu hỏi liệu quan điểm và đề xuất cải cách được đề nghị có thể toàn hảo hay là có thể cũng có điểm khuyết, như có phản ứng phụ nào đó về mặt chính sách với xã hội, phát triển và có thể dự đoán bao giờ đề xuất có thể được nhà nước chấp nhận, Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính đáp:

"Có tác dụng phụ hay không thì không quan trọng bằng tác dụng tổng thể là lớn nhất.

"Dự đoán thì khó quá, vì vấn đề này nó liên quan đến Ý thức hệ.

"Ví dụ, tác phẩm "Tuyên ngôn của đảng Cộng sản" viết đại ý rằng: "Những người cộng sản phải xóa bỏ chế độ tư hữu".

"Do vậy, theo tôi rất khó để tư hữu đất đai ở Việt Nam.

"Còn đến khi nào tư hữu đất đai ở Việt Nam, thì lúc ấy có thể coi như vấn đề Ý thức hệ sẽ thay đổi.

"Còn có người hỏi tôi là vấn đề dân chủ cơ sở, sự tham gia của người dân vào việc xây dựng, hoạch định, thực thi, giám sát những chủ trương và chính sách của nhà nước về đất đai, ruộng đất v.v... mà có thể ảnh hưởng, tác động và liên quan đến chính cuộc sống, làm ăn của họ có thể có vị trí ra sao, nếu đề xuất mới về cải cách chế độ sở hữu đất đai, ruộng đất nói trên được đề ra.

"Tôi có thể trả lời vắn tắt và ngắn gọn bằng một câu thế này là khi có sở hữu tư nhân về đất đai thì những vấn đề được đặt ra này sẽ tự động biến mất," Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính nêu quan điểm về cải cách chính sách đất đai nhân phiên sơ thẩm vụ Đồng Tâm diễn ra với BBC News Tiếng việt hôm 10/9 từ Hà Nội.

Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính từng là Trưởng phòng nghiên cứu Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, ông có nhiều bài báo khoa học và sách xuất bản về các đề tài xã hội học nông thôn, phân tầng xã hội v.v... Một trong các công trình của ông được xuất bản tại Việt Nam gần đây có tựa đề 'Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay'.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54117012

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire